(PL) – Việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thu lãi hơn 3.500 tỷ đồng nhờ chênh lệnh thuế đã làm dậy sóng dư luận thời gian qua. Nhiều kiến nghị đã được đưa ra. Tuy nhiên, vấn đề không đơn thuần chỉ là câu chuyện lãi khủng của DN xăng dầu nữa, không đơn thuần sai thì sửa, sai thì truy nộp, mà là câu chuyện về cơ chế chính sách quản lý và quan trọng hơn cả là truy ra được cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Và đến nay, cũng như nhiều sự vụ khác xảy ra, câu hỏi lớn “bao giờ mới chỉ rõ cá nhân chịu trách nhiệm?” vẫn chưa thể có câu trả lời…
“Điệp khúc” đổ lỗi, “đá bóng” trách nhiệm tập thể
Nhờ chênh lệch thuế mà DN xăng dầu thu lợi hàng nghìn tỷ đồng từ người dân (ảnh minh họa)
Ngay sau khi thông tin về chênh lệch trong cách tính thuế xăng dầu gây thiệt hại cho dân hàng ngàn tỉ bị phanh phui thì cả Bộ Tài chính và Bộ Công thương đều đổ lỗi cho nhau. Theo đó, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính khi trả lời phỏng vấn của Phóng viên Bản tin Tài chính Kinh doanh về trách nhiệm trong việc chậm ban hành đưa ra mức thuế xuất nhập khẩu mới, từ MFN (thuế suất bình đẳng theo nguyên tắc Tối huệ quốc) sang bình quân gia quyền làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu… đã phát biểu: “Bộ Công Thương vẫn là Bộ được giao chủ trì quyết định”. Phát biểu của ông Thi làm phía Bộ Công Thương bất bình vì không chỉ ngày 21/3, ngày 23/3, khi trả lời một tờ báo khác, ông Phạm Đình Thi vẫn cho rằng chịu trách nhiệm chính về vấn đề trên là Bộ Công Thương. Cho rằng, phát biểu của ông Thi không đúng, ngay trong ngày 23/3, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công thương đã ký văn bản có nội dung phản ứng khá gay gắt với phát biểu của ông Thi. Theo văn bản trên của Bộ Công Thương, phát biểu như trên của ông Phạm Đình Thi là “chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của 2 Bộ và quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành năm 2014) trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu và điều hành giá xăng dầu”. Văn bản của Bộ Công Thương gửi cho Bộ Tài chính đã rất bất thường khi có nhiều đoạn tô đậm các điều khoản trích trong Nghị định 83 để cho rằng, chính Bộ Tài chính mới phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ ban hành mức thuế xuất nhập khẩu mới, làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành xăng dầu…vv…
Liệu có “cắt xén” con số lãi cho đỡ khủng?
Nói về cách tính thuế khi phần lớn xăng được nhập về chỉ nộp thuế nhập khẩu 5-10%, còn dầu chỉ 0-5% nhưng mức thuế để tính giá bán đến người tiêu dùng hai mặt hàng này là 10 và 20%, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, cách điều hành giá xăng dầu vừa qua đang có vấn đề. Bởi, trong những năm qua, Việt Nam đã ký rất nhiều các hiệp định song phương với một số nước, ví dụ như nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN, hay Hàn Quốc thấp hơn thuế nhập khẩu xăng dầu thông thường nhưng vẫn tính giá xăng dầu để điều hành theo mức thuế cao hơn mức thuế nhập khẩu từ các nước nhập khẩu thông thường.
Còn Luật sư Trần Văn Hà thì cho rằng, đối với việc các công ty xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam làm ăn có lãi, tôi nghĩ rằng trước tiên chúng ta phải mừng cho các doanh nghiệp này. Bởi lẽ đã kinh doanh, dù doanh nghiệp nhà nước hay dân kinh doanh thì cũng đều mong có lãi, và có lãi là một điều tốt. Tất nhiên, đằng sau của vấn đề “lãi khủng” đó như thế nào, thì đó là một câu chuyện dài và chúng ta cần phải bàn tiếp.
Với việc các doanh nghiệp xăng dầu lợi dụng chênh lệch thuế (giữa thuế nhập khẩu và tính thuế bán ra đến người tiêu dùng) thì tôi cho rằng vấn đề nằm ở chính sách thuế của chúng ta còn bất cập, khiến cho các doanh nghiệp có thể lợi dụng sơ hở đó để trục lợi. Còn bản thân các doanh nghiệp đó thì họ đã vi phạm đạo đức kinh doanh, còn vấn đề về pháp luật thì không thể quy kết trách nhiệm cho doanh nghiệp được. Vậy thì trách nhiệm ở đâu? Tôi cho rằng trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, những cơ quan đã đưa ra những chính sách thuế nhiều kẽ hở để các doanh nghiệp, cá nhân có thể lợi dụng. Tất nhiên, ở đây chúng ta chưa bàn đến vấn đề “lobby” chính sách của các doanh nghiệp kinh doanh để đưa ra các chính sách thuế có lợi cho ngành mình.
Còn đối với khoản lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu nêu trên, theo Luật sư Hà, với khoản lợi nhuận trong năm 2015 là đạt khoảng 3,7 nghìn tỉ (khoảng 150 triệu USD), so với tổng doanh thu là 146.549 tỷ đồng (khoảng 7 tỉ USD) thì số lợi nhuận như trên quá là ít, vì thường thì các doanh nghiệp, lợi nhuận của họ phải đạt ít nhất 10% thì mới có thể duy trì hoạt động và phát triển, đặc biệt là các ngành “hot”, được độc quyền và có nhiều chính sách ưu đãi như ngành xăng dầu thì tôi cho rằng tỉ lệ lợi nhuận còn phải cao hơn thế nhiều. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây không phải là lợi nhuận “khủng” của Tập đoàn nêu trên, mà vấn đề nằm ở chỗ số lãi đó có trung thực hay không, có bị “cắt xén” hay không ?
Truy thu, thu hồi nộp NSNN là cần thiết
Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm: Tôi cho rằng, việc truy thu là cần thiết và cần nhanh chóng đưa ra phương án cụ thể. Cá nhân tôi cho rằng, nên xử lý theo hướng phải tính toán con số cụ thể mà mỗi doanh nghiệp hưởng lợi từ chênh lệch thuế suất là bao nhiêu, rồi từ đó làm căn cứ để truy thu. Khi đó, số tiền này có thể đưa vào ngân sách nhà nước hoặc đưa vào quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nhưng theo tôi, số tiền này nên đưa vào quỹ bình ổn giá xăng dầu vì người được hưởng sẽ là người dân.
Để giải quyết vấn đề trên, trong cuộc họp Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, vừa qua Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã xin ý kiến Thủ tướng xử lý về khoản chênh lệch, lợi nhuận mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lên tới 3.500 tỷ đồng và Thủ tướng đã đồng ý về cách xử lý “trám lỗ hổng” như báo chí đã đưa tin.
“Việc lấy mức thuế nhập khẩu ưu đãi tính giá cơ sở không còn phù hợp với thực tế như hiện nay. Vì vậy, Bộ báo cáo Thủ tướng, xác định mức thuế suất thuế nhập khẩu là bình quân gia quyền các mức thuế ưu đãi và biểu thuế AFTA”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Tài chính, với cách “sửa sai” trên, thời gian tính bình quân hàng quý sẽ đảm bảo tính ổn định.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, về khoản lợi nhuận 3.500 tỷ đồng mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có khả năng thu được thì 11 doanh nghiệp nhà nước kinh doanh xăng dầu sẽ nộp ngân sách, còn lại chỉ có doanh nghiệp tư nhân được hưởng 254 tỷ đồng và còn phải kiểm tra làm rõ.
Khẩn trương ban hành cơ chế bồi thường do lỗi ban hành chính sách pháp luật sai, gây thiệt hại
Trước những thất thoát mà Ngân sách Nhà nước có thể phải hứng chịu do chênh lệch giá xăng dầu và đặc biệt là số tiền người dân phải chi “oan” hàng nghìn tỷ đồng cho việc mua xăng dầu trong năm qua, dư luận lại dấy lên bức xúc, phải quy được trách nhiệm cá nhân chứ không đơn thuần truy thu, sửa sai là xong. Luật sư Trương Thanh Đức phân tích và kiến nghị: Việc để xảy ra sơ hở, chênh lệch trong chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu dẫn đến các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối đã tranh thủ khai thác, thu được lợi nhuận lớn (trên 3.500 tỷ đồng) gây thiệt hại lớn đến lợi ích của người tiêu dùng. Trách nhiệm này cần làm rõ và phải có người chịu trách nhiệm. Chứ không để cho dân chịu thiệt mãi được. Tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý và điều hành giá xăng dầu không thể không biết, nhưng vẫn tính giá cao hơn để bán cho dân là không thể hiểu nổi, là vấn đề lớn, phải làm rõ, phải quy được trách nhiệm cá nhân.
Còn Luật sư Trần Văn Hà cho rằng, đối với việc áp thuế nhập khẩu sai thì đương nhiên cách điều hành của các bộ, cơ quan chủ quản là có vấn đề, không chỉ vậy mà trách nhiệm còn liên quan đến Chính phủ – nơi được giao phó điều hành các lĩnh vực của nền kinh tế, đời sống của cả quốc gia.
Luật sư Hà cho rằng, cần phải truy thu và khẩn trương điều chỉnh lại các chính sách thuế cho hợp lý, chính xác hơn, làm sao để doanh nghiệp vẫn kinh doanh được mà người tiêu dùng không chịu thiệt. Nhưng quan trọng hơn hết là khẩn trương ban hành cơ chế quy định về việc bồi thường do lỗi ban hành chính sách pháp luật sai, gây thiệt hại cho dân.
Nhiều ý kiến chuyên gia và người dân cho rằng, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới với hàng loạt các hiệp định FTA được ký kết thì vấn đề minh bạch chính sách phải được đặt lên hàng đầu, phải có cơ chế quy được trách nhiệm cá nhân, đưa ra ánh sáng và chặn được “nhóm lợi ích”. Nếu chúng ta vẫn không thể giải quyết được những câu hỏi bỏ ngỏ bấy lâu nay, còn làm việc theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”, sai thì đổ lỗi cho tập thể… thì Việt Nam không những bị tụt hậu mà nền kinh tế cũng bị trị trệ và lâm nguy?
Quỳnh Trang – Hoài Anh
—————–
Pháp lý (Kinh doanh & Pháp luật) 07-4-2016:
(373/1.915)