(GDVN) – Theo LS. Trương Thanh Đức, câu chuyện thành lập hãng hàng không mới trên cơ sở góp vốn của VNA lập lờ đánh tráo khái niệm, trái với phê duyệt của Thủ tướng.
Bác bỏ mọi ý kiến của chuyên gia, người trong ngành và của dư luận về việc thiếu minh bạch trong định giá có thể gây thất thoát tài sản nhà nước, chỉ định đối tác đầu tư và hiệu quả kinh doanh, Bộ Giao thông vận tải khẳng định: Đề án thành lập Công ty cổ phần hàng không SkyViet trên cơ sở tổ chức lại VASCO được xây dựng theo đúng quy định pháp luật, đúng chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2007.
Cùng với báo cáo mới nhất cho rằng: “Hồ sơ của công ty đầy đủ, hợp lệ theo quy định của Nghị định 30, đủ điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung theo quy định”, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét và thực hiện các thủ tục chấp thuận cấp giấy phép cho SkyViet.
Với sự đồng thuận lớn từ Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, Công ty cổ phần Hàng không SkyViet gần như “chạm một tay” vào giấy phép này.
Hàng loạt câu hỏi chưa được giải đáp
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Giáo dục Việt Nam, phía sau việc ráo riết đề nghị cấp phép cho SkyViet, cả Vietnam Airlines và Bộ Giao thông vận tải đã “lờ” đi hàng loạt văn bản có tính pháp lý khác liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn số 1567/TTg- CN ngày 18/10/2007.
Trong đó quan trọng nhất là Nghị định 183/2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.
Cụ thể, ngày 30/12/2016 Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) gửi Công văn số 2336/BC-TCTHK-NĐDVNN trình Bộ Giao thông vận tải xin phê duyệt chủ trương góp vốn thành lập hãng hàng không theo mô hình công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO).
Trong tờ trình Bộ Giao thông vận tải, Vietnam Airlines cho biết, chủ trương thành lập hãng hàng không mới trên cơ sở tái cơ cấu lại VASCO đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản 1567/TTg ngày 22/9/2008.
Quy mô vốn điều lệ của Công ty cổ phần này tối thiểu sẽ là 300 tỷ đồng. Trong đó, Vietnam Airlines góp vốn 51% bằng các tài sản hiện có do VASCO đang quản lý (tính ra giá trị khoảng 153 tỷ đồng). Hai đối tác còn lại góp vốn 49%, tương đương 147 tỷ đồng.
Nếu phương án đề xuất được chấp thuận, Công ty cổ phần hàng không VASCO(về sau kiến nghị đổi tên thành Công ty cổ phần hàng không SkyViet) sẽ đi vào hoạt động từ quý II/2016.
SkyViet được thành lập với 3 cổ đông gồm Vietnam Airlines cùng 2 đối tác là đơn vị trực thuộc 1 ngân hàng – ảnh minh họa/ nguồn VASCO |
Trước đề xuất của Vietnam Airlines, Bộ Giao thông vận tải xác nhận: Chủ trương thành lập hãng hàng không mới trên cơ sở tái cơ cấu lại VASCO đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản 1567/TTg ngày 22/9/2008.
Như vậy cả Vietnam Airlines và Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Giao thông vận tải đều khẳng định đề xuất của Vietnam Airlines thực hiện theo văn bản phê duyệt tại văn bản 1567/TTg ngày 22/9/2008.
Tuy nhiên, tại điều 4 văn bản số 1567/TTg-CN phê duyệt các dự án phát triển đội máy bay của Vietnam Airlines và VASCO đến năm 2015 và 2020, ghi rõ: Cho phép Vietnam Airlines thuê tư vấn định giá VASCO như một doanh nghiệp thông thường và cho phép chỉ định hãng hàng không mới (sau khi được thành lập) mua lại VASCO theo giá trị đã được tổ chức tư vấn độc lập xác định.
Có thể thấy, theo văn bản Thủ tướng Chính phủ, đáng nhẽ Vietnam Airlines phải thuê tư vấn định giá VASCO, sau đó hãng hàng không mới mua lại VASCO theo giá trị đã được tổ chức tư vấn định giá chứ không phải Vietnam Airlines được phép góp vốn thành lập hãng hàng không mới bằng tài sản hiện hữu của VASCO.
Văn bản Thủ tướng không cấm việc Vietnam Airlines góp vốn thành lập hãng hàng không mới, nhưng không phải bằng cách mang tài sản hiện hữu tại VASCO biến thành vốn góp của Vietnam Airlines bởi đây là tài sản nhà nước, cần được định giá.
Và hãng hàng không mới muốn sử dụng, khai thác lợi thế VASCO đang nắm giữ như đường bay, máy bay… phải mua lại.
Trong Quyết định số 172/QĐ-TTg tháng 1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2012-2015, tại điểm II, mục 1 của QĐ này ghi rõ các đơn vị phụ thuộc Công ty mẹ gồm có 9 đơn vị, trong đó có VASCO.
Đặc biệt năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 183/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vietnam Airlines (có hiệu lực thi thành từ ngày 5/4/2014), tại Phụ lục 1 của Nghị định này nêu rõ VASCO vẫn trong danh sách các đơn vị trực thuộc Vietnam Airlines.
Mấu chốt khiến các chuyên gia và dư luận đặt câu hỏi ở đây chính là việc VASCO vẫn là một đơn vị trực thuộc, hạch toán phụ thuộc, nằm trong cơ cấu Vietnam Airlines – doanh nghiệp do nhà nước đầu tư, sở hữu nhiều vốn, tài sản của nhà nước, lại được định giá thấp (300 tỷ đồng) sau đó “bán” cổ phần cho đối tác đã được chỉ định?
Tại sao quá trình tái cơ cấu VASCO, Vietnam Airlines không công bố rộng rãi kế hoạch cổ phần? Không công khai minh bạch việc thuê tư vấn định giá, đặt ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để tránh thất thoát tài sản nhà nước, trong khi doanh nghiệp lại tìm được đối tác phù hợp (như nhiều công ty con trong lĩnh vực hàng không khác đã làm khi cổ phần hóa trong 2 năm qua)?
Trước những khúc mắc trên, một lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải từng trả lời rằng: “Không có quy định nào hướng dẫn chuyển đơn vị phụ thuộc của một Tổng công ty Cổ phần thành Công ty Cổ phần”.
Câu trả lời này từng bị các chuyên gia kinh tế, pháp luật đặt ra lo ngại có thể tạo tiền lệ xấu đối với các doanh nghiệp trực thuộc công ty nhà nước.
Bởi giả sử nếu cách thức “góp vốn tạo nên công ty cổ phần” được thừa nhận là “động thái kinh doanh đúng luật” thì liệu sau này các đơn vị trực thuộc Vietnam Airlines như Vasco (Đoàn bay 919, Xí nghiệp Thương mại mặt đất Nội Bài – Tân Sơn Nhất – Đà Nẵng, Tạp chí Heritage, Trung Tâm Huấn luyện bay…) có được không cần đấu giá chỉ cần mời một cổ đông thân quen tới tự định giá rồi góp vốn, sở hữu cổ phần?
Theo một chuyên gia kinh tế, việc tái cấu trúc, sắp xếp lại doanh nghiệp là điều bình thường trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. “Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh là một doanh nghiệp Nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa được lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đánh giá là rất thành công như Vietnam Airlines song đơn vị thành viên này lại không cổ phần hóa mà lại theo một cách khác là điều khó hiểu”.
Trong khi đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giao thông vận tải chỉ căn cứ một công văn từ hơn 9 năm trước để khẳng định đề xuất cấp phép cho SkyViet là đúng chủ trương liệu có quá vội vàng?
Trái với phê duyệt của Thủ tướng
Phân tích sự khác nhau giữa văn bản phê duyệt của Thủ tướng và đề xuất của Vietnam Airlines, Luật sư Trương Thanh Đức – Ủy viên BCH Trung ương, Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) nhận định: Vietnam Airlines và Bộ Giao thông vận tải làm trái phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Trong trường hợp này, việc chỉ đạo bán tài sản khác hoàn toàn với việc góp vốn thành lập doanh nghiệp. Vì bán tài sản thì chắc chắn thu về được một số tiền gần với giá trị định giá, còn góp vốn thì lời ăn, lỗ chịu, tình huống xấu nhất có thể mất toàn bộ tài sản của Nhà nước.
Luật sư Trương Thanh Đức – Ủy viên BCH Trung ương, Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) nhận định: Vietnam Airlines và Bộ Giao thông vận tải làm trái phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. |
Theo LS. Trương Thanh Đức, câu chuyện thành lập hãng hàng không mới trên cơ sở góp vốn của Vietnam Airlines lập lờ đánh tráo khái niệm, bởi bản chất vẫn tồn tại VASCO như cũ, bên cạnh việc mở thêm một công ty mới mà phần vốn của đối tác là một ngân hàng.
Cũng trong văn bản số 2336 trình Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines – ông Phạm Viết Thanh đưa ra cách thức đánh giá hiệu quả dự án khá kỳ lạ.
Theo đó, Vietnam Airlines sẽ tham gia góp vốn thành lập và cho hãng hàng không mới thuê khai thác đội tàu bay ATR72-500.
Như vậy với cùng một tài sản hiện hữu của VASCO là tàu bay ATR72-500 nhưng Vietnam Airlines vừa dùng làm vốn góp, vừa dùng làm hàng hóa, dịch vụ để cho hãng hàng không mới thuê lại.
Đánh giá đề xuất này của Vietnam Airlines, LS. Trương Thanh Đức cho biết: Nếu góp vốn cồ phần bằng tài sản hiện hữu của VASCO trong đó có cả tàu bay ATR72-500 thì tài sản đó phải được chuyển quyền sở hữu cho pháp nhân mới, mà không còn của Vietnam Airlines, do đó Vietnam Airlines không thể dùng tài sản đã góp vốn để cho bất kỳ hãng hàng không nào thuê lại.
MAI ANH
————–
Giáo dục (Kinh tế) 12-4-2016
http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/De-xuat-thanh-lap-Hang-hang-khong-SkyViet-lo-nhieu-van-ban-phap-ly-quan-trong-post167063.gd
(351/1.829)