(NLĐ) – Kinh doanh gas, ô tô… là những ngành nghề mà doanh nghiệp tỏ ra bức xúc nhất xung quanh câu chuyện về điều kiện kinh doanh
“Xin đừng “giết” doanh nghiệp (DN) bằng chính sách. Hãy để DN bị “giết” bằng thị trường, bằng sự cạnh tranh, chất lượng”. Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư, đã bày tỏ như vậy tại hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành công thương tổ chức sáng 27-9 ở Hà Nội.
Quả trứng hay con gà có trước?
Đại diện một DN kinh doanh gas tại tỉnh Khánh Hòa, bà Nguyễn Thùy Trang nhắc lại Nghị định 19 quy định tổng đại lý kinh doanh gas phải đáp ứng các điều kiện là có tối thiểu 2.000 chai LPG; có hệ thống phân phối, bao gồm cửa hàng bán gas hoặc trạm cấp, trạm nạp gas và có tối thiểu 10 đại lý. Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định đại lý kinh doanh gas lựa chọn, ký hợp đồng làm đại lý cho 1 tổng đại lý hoặc 3 thương nhân kinh doanh gas đầu mối.
Nhiều doanh nhân bày tỏ bức xúc về những điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương đang hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp Ảnh: Tấn Thạnh
“Tổng đại lý hoàn toàn có thể chỉ kinh doanh bán buôn cho các đại lý mà không nhất thiết phải có cửa hàng bán LPG chai. Cũng không có lý do hợp lý nào khi quy định tổng đại lý phải có tối thiểu 10 đại lý, chứ không phải là 7 hay 9. Quy định về việc đại lý kinh doanh gas chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho 1 tổng đại lý hoặc 3 thương nhân kinh doanh gas đầu mối là đã hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN” – bà Nguyễn Thùy Trang nêu bất cập.
Ông Trần Trung Nhật, đại diện DN kinh doanh gas ở Tây Ninh, chỉ ra thêm điểm gây khó là DN muốn được Bộ Công Thương cấp giấy phép làm thương nhân phân phối khí thì điều kiện là phải có 20 đại lý đủ điều kiện kinh doanh gas. Trong khi đó, Sở Công Thương tỉnh lại yêu cầu 20 đại lý đó phải có giấy chứng nhận thương nhân của đơn vị mà mình ký hợp đồng.
“Bây giờ không biết cấp giấy cho ai trước, con gà có trước hay quả trứng có trước? Nghị định can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh của từng DN, đại lý. Chúng tôi không biết mình kinh doanh hay cơ quan soạn thảo đi kinh doanh giùm” – ông Nhật bức xúc.
Vị đại diện DN gas tại Tây Ninh cũng chỉ ra từ năm 2010 đến nay, chưa đầy 6 năm mà có 2 nghị định. Các điều kiện kinh doanh mâu thuẫn với nhau, khó hiểu, không thực tế, không thực hiện được, khiến DN suốt ngày lo đối phó với chính sách.
Phản hồi, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết những vấn đề này lãnh đạo bộ đã biết. “Chúng tôi đang rà soát trình Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định 19. Chúng tôi rất lắng nghe để các sửa đổi đó không có bất cập như đã xảy ra với DN thời gian qua” – ông Khánh nhấn mạnh.
“DN lớn muốn diệt DN nhỏ?”
Ở lĩnh vực khác, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH TM Thiên An Phúc – kinh doanh về ô tô, đặt câu hỏi với Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: “Thông tư 20 theo quy định ngày 1-7 đã hết hiệu lực, vì sao đến nay gần 3 tháng mà vẫn còn thi hành? Quy định cơ sở sửa chữa bảo hành theo Thông tư 19 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã bỏ. Giấy ủy quyền theo Thông tư 20 của Bộ Công Thương cũng thế nhưng bộ vẫn kéo dài các điều kiện thì đến bao giờ chúng tôi có được kế hoạch kinh doanh?”.
Ông Tuấn cũng tỏ ra băn khoăn khi Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) muốn kéo dài hiệu lực Thông tư 20 trong thời điểm cuối năm vốn là mùa kinh doanh tốt nhất của DN. “VAMA muốn kéo dài thông tư có phải muốn tìm kiếm thêm lợi ích và lợi nhuận? Liệu có lợi ích nhóm ở đây không?” – ông Tuấn nghi vấn.
Ông Tuấn cũng cho rằng việc Bộ Công Thương yêu cầu Bộ GTVT đưa ra quy định tương đương Thông tư 20 chính là đang bảo hộ cho DN lớn, còn DN vừa và nhỏ thì không được bảo vệ.
Luật sư Trương Thanh Đức đánh giá nghị định về xuất khẩu gạo, về kinh doanh phân bón, kinh doanh gas, kinh doanh xăng dầu… do Bộ Công Thương xây dựng đều để lộ ra những bất cập. “Những quy định trong các nghị định này trước đây có thể đúng nhưng giờ đã không còn phù hợp. Trước có thể hợp pháp, giờ là trái Luật Đầu tư, Luật DN. Nếu duy trì những chính sách này, dư luận không thể không đặt câu hỏi nghi ngờ rằng có phải những DN lớn muốn diệt DN nhỏ? Bộ Công Thương phải có trách nhiệm giải tỏa những nghi ngờ này” – luật sư Đức bức xúc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận xét ngành công thương thường có điều kiện kinh doanh về phân biệt quy mô. Những điều kiện kinh doanh này là can thiệp thái quá vào thị trường.
“Quy mô của DN dựa vào cung cầu của thị trường, nhà nước không nên can thiệp. Các quy định thuộc dạng này sẽ hạn chế DN khởi nghiệp. Báo chí từng phản ánh DN Cỏ May muốn xuất khẩu gạo hữu cơ số lượng nhỏ thôi nhưng không được vì vướng Nghị định 109 là một ví dụ” – ông Trương Thanh Đức dẫn chứng.
“Buộc tội như vậy là sai lầm”
Chia sẻ với bức xúc của các DN, hiệp hội và chuyên gia, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định không ai xây dựng chính sách để “giết” DN nhỏ và vừa, buộc tội như vậy là sai lầm. “Xin các anh, các chị đừng buộc tội những người làm chính sách đang cố tình “giết” DN nhỏ, bảo vệ DN lớn. Không có chuyện đó! Có thể người ta xây dựng pháp luật theo triết lý của ngành hôm qua, chưa kịp thay đổi cho hôm nay. Hãy phát biểu, hãy nói với họ điều đó để họ thay đổi. Chúng tôi đang ở đây, lắng nghe và sẵn sàng thay đổi, không nói suông. Vì nếu nói suông, chúng tôi đã không tổ chức một hội nghị như thế này” – ông Khánh bày tỏ.
Phương Nhung
————————————————–
Người lao động (Kinh tế) 27-9-2016:
http://nld.com.vn/kinh-te/dung-giet-doanh-nghiep-bang-chinh-sach-20160927214645618.htm
(190/1.207)