1.035. Bỏ tiền đầu tư để định cư tại Mỹ: Coi chừng “tiền mất – tật mang”

(LĐ) – Tại Hà Nội, chưa đầy 10 ngày qua đã có hai hội thảo lớn về đầu tư ở Mỹ để lấy thẻ xanh. Các công ty đưa ra nhiều hứa hẹn với chỉ mức đầu tư 500.000 USD sẽ có cơ hội cho cả gia đình được định cư tại Mỹ. Tuy nhiên, để đến mốc cuối cùng có thẻ xanh vĩnh viễn cho cả gia đình phải mất tới hơn 2 năm với vô vàn thủ tục phức tạp và yêu cầu khắt khe, không hề đơn giản như lời mời gọi từ các công ty. Phóng viên Báo Lao Động quyết định “nhập vai” đặt sổ đỏ chứng minh tài chính để gặp trực tiếp những chuyên gia tư vấn “làm thẻ xanh ở Mỹ” và nhìn ra, đằng sau “giấc mơ thượng lưu Mỹ” là những cạm bẫy khó lường.

Người dân cần tỉnh táo trước những hình ảnh quảng cáo “đường mật” về các chương trình đầu tư để lấy thẻ xanh định cư ở Mỹ.

Cơ hội mở ra với phí 35.000 USD

Theo các quy trình làm thẻ xanh tại Mỹ, thẻ xanh tìm việc làm được chia ra các loại gồm EB-1, EB-2 và EB-5 trong đó EB-1 là thẻ xanh cho người có khả năng đặc biệt, các nhà nghiên cứu xuất sắc và người quản lý hoặc giám đốc điều hành đa quốc gia; EB-2 là dành cho người nước ngoài có khả năng vượt trội, được đòi hỏi trình độ thạc sĩ (hoặc cao hơn), hoặc bằng cử nhân và năm năm kinh nghiệm. Cuối cùng, EB-5 được dành riêng cho các nhà đầu tư và các doanh nhân đầu tư vốn đáng kể vào nền kinh tế Mỹ. EB-5 chứng kiến sự gia tăng lớn nhất từ năm 2014 đến tháng 2.015 khi tăng đột biến lên tới 175,2%.

Tại Hà Nội, 10 ngày qua có hai công ty tổ chức những hội thảo lớn để mời gọi khách hàng đầu tư vào các dự án của Mỹ theo diện EB-5. Đầu tư EB-5 là đầu tư 500.000USD hoặc 1 triệu USD vào dự án kinh doanh, sản xuất tại Mỹ. Mỗi suất đầu tư phải tạo ra được tối thiểu 10 việc làm cho người lao động Mỹ. Nhà đầu tư và gia đình được cấp thẻ xanh Mỹ vĩnh viễn. Trong vai người có nhu cầu đầu tư EB-5, sau khi đăng ký và dự hội thảo, PV Báo Lao Động liên tục nhận được cuộc gọi mang các giấy tờ xác nhận tài sản hơn 10 tỉ đồng đến Cty I trên đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội) để được tư vấn.

Sau khi xem qua hàng loạt giấy tờ gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số tiết kiệm, hợp đồng kinh doanh thuê nhà theo tháng, các nhân viên tư vấn yêu cầu bổ sung thêm thông về giá nhà, cổ phiếu thời điểm mua và giá nhà, cổ phiếu hiện tại. Một tư vấn viên lưu ý: “Gia đình mình không kinh doanh, chỉ có bất động sản và cổ phiếu thì anh nên chọn những ngôi nhà hiện tại giá trị lớn thì càng tốt. Các luật sư của Cty sẽ dễ dàng hơn để chứng minh số tiền này là hợp pháp”.

Các tư vấn viên hứa rằng sẽ có luật sư liên hệ trực tiếp để cùng khách hàng xem xét những tài sản trong hồ sơ có hợp pháp hay không. “Có những tài sản chứng minh nguồn tiền hợp pháp rất lâu và khó khăn, cũng có những tài sản sẽ rất nhanh. Việc này khách hàng sẽ không phải mà do luật sư bên công ty trực tiếp làm. Khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm bởi nếu hồ sơ không phù hợp thì công ty sẽ hoàn lại số tiền đặt cọc là 100 triệu đồng mà anh chị đã nộp” – nhân viên tư vấn của công ty trên nói.

Theo giới thiệu nhiều công ty, tiến trình hồ sơ EB-5 sẽ qua ba đợt đóng phí với số tiền lên tới khoảng 35.000USD với khoảng 10 bước thứ tự. Và trong vòng 2 năm, khách hàng có thể đạt được mục tiêu ban đầu là nhận thẻ xanh có giá trị 2 năm để tiến tới thẻ xanh có giá trị vĩnh viễn.

Một trường hợp được cấp thẻ xanh định cư ở Mỹ được công ty tư vấn quảng cáo.

“Không phải làm gì, đã có luật sư lo hết”!

Ngay từ lúc tới gặp mặt và xem hồ sơ, các nhân viên của Cty I đã liên tục hỏi về nhân thân của khách hàng. Các nhân viên cho biết, trong các khách hàng của EB-5, doanh nhân chiếm số lượng nhiều hơn, nhưng có cả các lãnh đạo ở các bộ, ngành và lãnh đạo địa phương. Một nhân viên tư vấn nói, với khách hàng là nhân viên cơ quan nhà nước sẽ khó hơn và cần đầu tư thời gian hơn.

Theo tư vấn viên ImmiCa, với khách hàng là lãnh đạo, quan trọng nhất là chứng minh nguồn gốc số tiền đầu tư. Khi chúng tôi đặt vấn đề yêu cầu phải bảo mật tuyệt đối chức vụ, thông tin tài sản, các tư vấn viên lặp lại nhiều lần rằng chỉ một số người của công ty được biết thông tin này và chắc chắn sẽ không bị rò rỉ, tiết lộ. Một tư vấn viên nói, sẽ không gặp cơ quan, phường, tổ dân phố của khách hàng. Trong khi đó, một tư vấn viên khác nói thêm, ngay cả Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam bên Mỹ cũng không thể biết những thông này. “Chắc chắn tuyệt đối bảo mật” – tư vấn I nói. Mặt khác, chúng tôi đặt yêu cầu tất cả tài sản trong hồ sơ, công ty không được chứng minh từ thu nhập tại cơ quan, nhân viên tư vấn nói chắc gọn: “Tất nhiên rồi. Đó là việc của luật sư công ty. Họ phải làm được việc đó”.

Tại một công ty tư vấn định cư tại Mỹ khác, khi đề cập việc hồ sơ khách hàng là lãnh đạo của một Bộ thì ngay lập tức nhân viên này cắt lời: “Chị nhà có là công chức, hay viên chức không anh?”. Sau đó, nhân viên này lập tức tư vấn nếu vợ không làm trong đơn vị nhà nước thì nên là người ký hợp đồng để tránh phiền hà. Nhân viên này cũng nói thêm, để tiện cho giao dịch nếu trường hợp cả vợ và chồng đều là công chức thì nên ủy quyền cho người đại diện trực tiếp giao dịch. “Anh chị là công chức thì chỉ cần xuất hiện khi ký hợp đồng và phỏng vấn. Mọi việc sẽ có người của công ty và đại diện anh chị làm trực tiếp” – tư vấn viên nói.

Theo các tư vấn của nhiều công ty kêu gọi đầu tư EB-5 thì các khách hàng chỉ việc kê khai các tài sản hiện có và nộp phí, những việc còn lại sẽ do công ty lo hết. “Bọn em có cả luật sư am hiểu luật pháp Việt Nam và cả luật sư bản địa người Mỹ để hoàn tất các thủ tục pháp lý của hai nước” – một nhân viên tư vấn nói.

Cẩn thận “tiền mất – tật mang”!

Hiện tại, các công ty giới thiệu hàng chục dự án đầu tư EB-5, từ các đại dự án lên tới hàng tỉ USD, dự án chung cư cao cấp, thương mại, tới các dự án nhỏ hơn như trùng tu Cục Dữ trự liên bang Mỹ. Tại các dự án này, các công ty đều giới thiệu khả năng tạo ra 10 việc làm cho người Mỹ là điều chắc chắn.

Tại hội thảo vào đầu tháng 4, Cty I có cả luật sư và chủ đầu tư người Mỹ tới thuyết trình. Theo giới thiệu, chủ đầu tư là một công ty xây dựng tại Mỹ sẽ tham gia một phần dự án siêu đô thị ở NewYok được giới thiệu với diện tích lên tới 1,6 triệu mét vuông được quy hoạch để phát triển các cao ốc, văn phòng, khu mua sắm, khu dân cư, công viên… với tổng chi phí xây dựng lên tới 5,9 tỉ USD. Để tạo thêm niềm tin, chủ đầu tư này cho hay, tới thời điểm này thì 90% số căn hộ của cao ốc đã bán hết. Ngoài ra, khoản đầu tư 500.000 USD của khách hàng cũng được cam kết hoàn vốn. Với quá trình chuẩn bị công phu như trên, tạo ra cảm giác an toàn tuyệt đối cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhà đầu tư là Việt kiều am hiểu thị trường Mỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói với PV Lao Động – cũng đã tham dự một số hội thảo EB-5 tại TPHCM, rằng các công ty dựng lên các dự án bên Mỹ mời gọi khách hàng Việt Nam bỏ tiền vào, sẽ tìm thẻ xanh. “Các công ty thừa sức tìm được các dự án bên Mỹ để đầu tư nhưng về phía Việt Nam làm sao xin được giấy chuyển tiền của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài Chính. Việt Nam đang trong tình trạng kiểm soát hối đoái. Toàn xạo. Tiền mất tật mang”.

Ngoài ra, ông Hiếu khẳng định với việc ký hợp đồng đầu tư EB-5, khách hàng giao tiền cho các công ty tư vấn thì trong trường hợp cơ quan nhập cảnh Mỹ phát hiện ra chuyển lậu sẽ bị nêu vào danh sách đen. “Thậm chí còn bị rủi ro pháp luật xử lý do chuyển tiền lậu vào sổ đen của cơ quan Mỹ” – ông Hiếu nói.

Còn LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – cho rằng, việc đầu tư EB-5 thực chất là vỏ bọc, còn mục đích cuối cùng là lấy thẻ xanh. Tuy nhiên ông Đức băn khoăn việc chuyển tiền từ khách hàng tại Việt Nam tới các dự án Mỹ như thế nào? “Hàng chục, thậm chí hàng trăm khách hàng chuyển mỗi người 500.000 USD là khoản tiền quá lớn. Nếu chuyển một khoản tiền lớn mà có giấy phép, không qua hệ thống ngân hàng đều là bất hợp pháp” – ông Đức nói.

Từ các ý kiến trên, có thể khẳng định rằng, việc đầu tư EB-5 là điều không đơn giản như nhiều công ty đang rầm rộ quảng bá. Nó phải vượt qua rất nhiều thủ tục của đất nước có luật pháp khắt khe như Mỹ. Tuy vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là có hàng loạt các công ty đang kinh doanh đầu tư EB-5, khách hàng không thể phân biệt công ty nào có khả năng thật sự và công ty nào là lừa đảo. Trong khi đó, với hoạt động “sôi nổi” hiện tại của các công ty tư vấn này, các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng chưa đưa ra bất kỳ thông tin khuyến cáo nào tới các khách hàng đang có ý định đầu tư EB-5.

THÔNG CHÍ – LAN HƯƠNG

——————

Lao Động (Phóng sự) 14-4-2016:

http://laodong.com.vn/phong-su/bo-tien-dau-tu-de-dinh-cu-tai-my-coi-chung-tien-mat-tat-mang-540394.bld

(109/1.939)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,738