(CP) – Nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được các doanh nghiệp nêu ra khi Bộ Công Thương tổ chức hội nghị ngày 27/9 lắng nghe ý kiến về các thủ tục hành chính.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. |
“Không biết doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước kinh doanh”
Bức xúc nhất phải kể đến là các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng (gas) khi có một đoàn gần 50 doanh nghiệp thuộc ngành từ nhiều tỉnh thành cùng hẹn nhau về Hà Nội tham dự.
Thay mặt các doanh nghiệp này, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, một người kinh doanh khí gas Khánh Hòa, cho rằng Nghị định 19 năm 2016 yêu cầu doanh nghiệp phải có 100.000 vỏ bình gas và có kho chứa tới 300m3, có 20 tổng đại lý, khiến cho những doanh nghiệp đang kinh doanh phải đầu tư lên tới gần 50 tỷ đồng. Đáng nói là nhu cầu thị trường lại có quy mô nhỏ hơn so với số lượng cung ứng của doanh nghiệp. “Quá bất cập, bất hợp lý và lãng phí, hạn chế quyền tự do kinh doanh”, bà Trang nói.
Tương tự, ông Trần Trung Nhật, một người kinh doanh gas lặn lội từ Tây Ninh ra Hà Nội cho biết phải có 20 đại lý ký hợp đồng thì mới được Bộ Công Thương cấp phép làm thương nhân phân phối khí. Nhưng muốn ký được hợp đồng với các đại lý thì Sở Công Thương lại yêu cầu phải có giấy phép thương nhân phân phối khí.
“Không ai biết con gà có trước hay quả trứng có trước, không biết lối nào mà mò. Rất khổ. Nghị định cũng can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh, đại lý này chỉ được ký hợp đồng với thương nhân kia. Nhiều khi chúng tôi không biết mình kinh doanh hay cơ quan nhà nước kinh doanh nữa”, ông Nhật than.
Một lĩnh vực gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương là nhập khẩu ô tô cũng nhận được nhiều ý kiến phản ánh. Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc đại diện cho 50 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, đã trực tiếp đặt câu hỏi với Thứ trưởng Khánh: “Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô, theo quy định là từ 1/7 đã hết hiệu lực, nhưng đến hôm nay gần 3 tháng các doanh nghiệp chúng tôi nhập vẫn không được?”.
Nhiều doanh nghiệp đã chết
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Thành viên Tổ công tác của Thủ tướng thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách thuộc Hội các nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương đang đặt ra những quy định về quy mô, số lượng ở nhiều ngành nghề khiến cho không ít doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia được thị trường. Không chỉ ngành ô tô hay khí gas, lĩnh vực khác như gạo, phân bón, xăng dầu… cũng đặt ra những yêu cầu tương tự, khiến không ít doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia.
Theo ông Đức, những quy định trên vi phạm quy định về quyền của doanh nghiệp tại Luật doanh nghiệp; vi phạm quy định về phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp và đi ngược lại những nguyên tắc về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 của Chính phủ. Việc hạn chế quyền kinh doanh đã khiến cho các doanh nghiệp, luật sư và chuyên gia đặt ra câu hỏi và nghi ngờ chính sách liệu có đang loại bỏ doanh nghiệp nhỏ qua chính sách.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Đức từ Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng mong doanh nghiệp lớn mạnh là điều ai cũng muốn, nhưng phải lớn dựa trên việc người tiêu dùng tín nhiệm, mua nhiều, chứ không nên lớn vì mệnh lệnh hành chính. Nếu vì mệnh lệnh hành chính cấm doanh nghiệp nhỏ kinh doanh, ta sẽ có doanh nghiệp lớn nhưng không mạnh.
Cho rằng những điều kiện kinh doanh như kinh doanh gas sẽ ngăn cản khởi nghiệp, ông Đức cho rằng “nhiều doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác đã chết, không còn như các doanh nghiệp gas để mà nói như tại hội nghị”.
Bộ Công Thương “không nói suông”
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết ngành hiện đang duy trì 447 thủ tục hành chính, số lượng không nhiều. Nhưng quan trọng nhất là có hợp lý, có cần thiết duy trì hay không, nếu cần thì đã đủ công khai, minh bạch, đã đơn giản hóa hết mức có thể, đã được chuẩn hóa, hiện đại hóa chưa?
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Đình Thưởng khẳng định Bộ đã có nhiều nỗ lực để đơn giản hóa, minh bạch hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa các thủ tục. Riêng năm 2016, ông Thường nhắc tới một điển hình là Bộ đã giảm thời gian tiếp cận điện năng từ 132 ngày xuống còn từ 33 đến 41 ngày, thấp hơn mức trung bình của 6 nước đứng đầu ASEAN là 50 ngày.
Trước những câu hỏi được giới doanh nghiệp và chuyên gia đặt ra, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã yêu cầu từng cán bộ liên quan giải đáp cụ thể cho doanh nghiệp. Khi kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng cho biết việc mở ra hội nghị này không phải để nói suông”.
“Xin đừng buộc tội các nhà làm chính sách đang cố tình giết chết doanh nghiệp nhỏ và vừa và tạo ra lợi ích nhóm cho DN lớn. Song tôi đồng tình tư duy can thiệp vào quy mô để thiết lập lại trật tự thị trường là không còn phù hợp, nên sẽ tính tới việc rà soát để bãi bỏ những quy định không cần thiết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp” – Thứ trưởng nói.
“Chúng tôi đã nhận thức được vấn đề. Ngày hôm nay, một lần nữa chúng tôi được nghe lại ý kiến của DN để Bộ Công Thương vững tin hơn trong việc đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 19 và các văn bản khác. Hội nghị hôm nay được tổ chức để lấy ý kiến người dân, DN, nên Bộ sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến”, ông Khánh nói thêm.
Thành Đạt
——————————————————————————————–
Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia (Chính sách và cuộc sống) 27-9-2016:
(201/1.130)