1.039. bán nợ theo giá thị trường – Gỡ nút thắt xử lý nợ xấu?

(VOV GT) – TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp cho Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV, cho rằng cách làm này sẽ tháo gỡ phần nào nút thắt xử lý nợ xấu nhiều năm nay.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 618 phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Công ty VAMC). Với một số lượng nợ xấu đang ở mức cao, lên đến khoảng 245.000 tỷ đồng, việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường sẽ được tiến hành như thế nào và liệu có đẩy nhanh được tốc độ xử lý nợ xấu?

Lâu nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam mua nợ của các ngân hàng thương mại theo giá trị sổ sách và không thương lượng về giá. Cách làm này nảy sinh một số bất cập. Bởi khi mua bán nợ theo giá trị sổ sách, nếu lỗ quá sẽ không bán được. Ngoài ra, Công ty này mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt trả cho ngân hàng thương mại. Nhưng trái phiếu này không có bảo lãnh của chính phủ hay ngân hàng Nhà nước nên sẽ không thể chuyển nhượng hay mua bán trên thị trường chứng khoán, sẽ gây khó cho ngân hàng thương mại khi cần tiền mặt.

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam mua về khoảng 245.000 tỷ đồng nợ xấu (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, việc cho phép Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam mua bán nợ theo giá thị trường thực chất là chuyển đổi từ cách mua mang tính hành chính, không thương lượng về giá, không tính toán đến khả năng thu hồi nợ từ thanh lý tài sản bảo đảm sang cách mua đứt bán đoạn, mua bằng tiền “tươi thóc thật”.

TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp cho Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV cho rằng cách làm này sẽ tháo gỡ phần nào nút thắt xử lý nợ xấu nhiều năm nay: “Tôi cho rằng đây là một bước tiến trong quá trình xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Hiện nay chúng ta không thể áp dụng phương án hành chính, sổ sách mà phải theo thị trường, thuận mua vừa bán. Đối tượng loại nợ thuộc diện được mua bán theo giá thị trường được quy định chi tiết, ví dụ khoản nợ có khả năng thu hồi, có tài sản đảm bảo, đầy đủ giấy tờ pháp lý. Quyết định cũng cho phép định giá nợ xấu theo thị trường, hoặc là cho VAMC tự định giá hoặc thuê tư vấn bên ngoài. Tôi thiên về phương án thuê tư vấn bên ngoài vừa khách quan và đảm bảo chuyên nghiệp hơn”.

Cũng theo các chuyên gia, khi giá mua bán nợ dựa trên cơ sở thỏa thuận, thì trách nhiệm của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam tương đối lớn khi phải đưa ra mức giá đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan cũng như đảm bảo an toàn hiệu quả của công ty này. Mặc dù phương án mua bán nợ xấu theo giá thị trường nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại cũng như Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, nhưng câu hỏi đặt ra là phương án này có khả thi không và xác định giá thị trường như thế nào.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng: “Có khả thi hơn trước nhưng còn phụ thuộc vào có người mua hay không. Ví dụ phải tổ chức được phiên đấu giá 5-7 nhà đầu tư minh bạch rõ ràng khách quan trả giá thì mới có giá thị trường. Nếu mặc cả tay đôi với nhau không ai hình dung nổi đấy có phải giá thị trường hay không. Giống như đất đai bao năm nay nói là bồi thường theo giá thị trường, nhưng thực tế toàn áp đặt”.

Cho đến nay, số nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam mua về khoảng 245.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện mới xử lý 10%, còn lại tới 90%, tức là còn khoảng 200.000 tỷ đồng cần tiếp tục xử lý trong thời gian tới. Với một số lượng nợ xấu lớn như thế này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, công ty này phải có một đội ngũ chuyên viên, chuyên gia tư vấn pháp lý, tài chính đông đảo để thẩm định và khả năng thu hồi nợ với rủi ro thấp nhất có thể. Đặc biệt, phải có một lượng tiền lớn hay các công cụ tài chính có giá trị tương đương để mua nợ.

TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Để VAMC có thể mua thì phải có thực lực tài chính. Cho đến giờ lượng tài sản mà VAMC có được khoảng 250.000 tỷ đồng. 80% số đó là nợ của VAMC với các tổ chức tín dụng. Trong khi vốn chủ sở hữu sau khi Chính phủ cho tăng lên 2.000 tỷ đồng, so với 200.000 tỷ đồng tài khoản có của mình, thì tỷ lệ là 100/1, đây là tỷ lệ tài chính không thể chấp nhận được. VAMC cần có vốn chủ sở hữu khoảng 20.000 tỷ đồng mới cáng đáng được khối lượng nợ hơn 200.000 tỷ đồng. Do đó tiềm lực tài chính phải được tăng cường”.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần làm rõ trách nhiệm của các bên, sau khi mua đứt bán đoạn các khoản nợ, để tránh xảy ra tranh chấp, kiện tụng. Đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình mua bán nợ theo giá thị trường. Hiện có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc mua nợ xấu của Việt Nam. Do đó, cũng cần xem xét cơ chế tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Việt Hà – VOV

——————-

VOV Giao thông (Tâm điểm) 16-4-2016:

http://vovgiaothong.vn/tam-diem/mua-ban-no-theo-gia-thi-truong-go-nut-that-xu-ly-no-xau-/209664

(105/1.110)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,882