(KD) – Tại hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định thủ tục hành chính ngành công thương năm 2016 do Bộ Công Thương chủ trì sáng nay (27/9) tại Hà Nội, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đều cho rằng các thủ tục hành chính về kinh doanh khí gas đang làm khó doanh nghiệp.
Doanh nghiệp lớn ‘ép chết’ doanh nghiệp nhỏ?
Phát biểu trong hội thảo, bà Nguyễn Thuỳ Trang, đại diện cho 40 doanh nghiệp kinh doanh khí gas tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Theo quy định tại Nghị định 19/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp kinh doanh khí gas phải có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3; có số lượng chai chứa khí gas (LPG) thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 L, phải có trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu của thương nhân; có hệ thống phân phối gồm: cửa hàng bán LPG chai và có tối thiểu 20 tổng đại lý hoặc đại lý kinh doanh LPG;…”
“Nghị định trên là quá chặt chẽ và bất hợp lý, dẫn đến nguy cơ phá sản phần lớn các doanh nghiệp đang phân phối khí gas, với việc quy định các điều kiện đối với doanh nghiệp phân phối khí gas”, bà Trang thẳng thắn phát biểu trong hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị. |
Bà Phạm Thị Hiền Lương, đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh khí ở tỉnh Bình Định cho biết, nếu như áp dụng đúng Nghị định 19, chi phí cho việc đáp ứng đủ điều kiện có 100.000 vỏ bình, doanh nghiệp phải bỏ vốn hơn 40 tỷ đồng; chi phí cho việc đáp ứng yêu cầu có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3 mất thêm 60 tỷ đồng nữa. Như vậy, chi phí để doanh nghiệp kinh doanh gas hoạt động phải mất đến 100 tỷ đồng.
“Điều này là bất hợp lí và là rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chưa kể, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể đáp ứng được điều kiện trên dẫn đến phá sản ”, bà Lương nói.
“Các điều kiện kinh doanh nêu trên dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường, đặc biệt là với cả rất nhiều doanh nghiệp đã có quá trình đầu tư, hoạt động hợp pháp, có hiệu quả. Bên cạnh đó, sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang kinh doanh gas trên cả nước đang có mặt tại Hội nghị hôm nay. Chúng tôi không thua vì thị trường và khách hàng, mà chết vì ông lớn giết chết. Xin Nhà nước đừng để doanh nghiệp lớn ép chết doanh nghiệp nhỏ”, đại diện một đại lí kinh doanh gas thẳng thắn phát biểu.
“Đừng để doanh nghiệp bị giết chết bằng chính sách”
Tại hội thảo, ông Trương Thanh Đức, thành viên Tổ công tác Thi hành Luật doanh nghiệp liệt kê hàng loạt những bất cập trong các chính sách do Bộ Công Thương ban hành. Ví như quy định 83 về ngành kinh doanh xăng dầu, quy định về xuất khẩu gạo…
“Nếu duy trì những chính sách này thì không thể không nghi ngờ rằng, có phải những doanh nghiệp lớn muốn diệt doanh nghiệp nhỏ hay không? Như thế rất có thể thương nhân sẽ trở thành nạn nhân của chính sách? Vậy, Bộ Công Thương phải có trách nhiệm giải tỏa các nghi ngờ trên”, ông Đức nói.
“Hãy để doanh nghiệp bị giết bằng thị trường, bằng cạnh tranh về chất lượng chứ đừng để doanh nghiệp bị giết chết bằng chính sách”, ông Đức phát biểu.
Chia sẻ trong hội nghị Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng: “Muốn tháo gỡ các điều kiện kinh doanh không hợp lí, cần phải có thời gian chứ không thể thay đổi ngay được.”
“Không một ai xây dựng chính sách mà lại muốn giết chết doanh nghiệp nhỏ và vừa, buộc tội như vậy là sai lầm. Xin các anh, các chị đừng buộc tội những người làm chính sách đang cố tình giết doanh nghiệp nhỏ, bảo vệ doanh nghiệp lớn. Không có chuyện đó”, thứ trưởng Khánh nói.
Thứ trưởng cũng cam kết, sẽ bãi bỏ những điều kiện kinh doanh mang tính quy mô, không hợp lí. Đồng thời, mong muốn doanh nghiệp góp ý về những bất cập trong chính sách để người làm chính sách có thể lắng nghe và sửa đổi.
Huyền Trang
——————————————————
Việt Nam mới (Kinh doanh) 27-9-2016:
http://vietnammoi.vn/kinh-doanh-gas-hay-de-doanh-nghiep-bi-giet-bang-thi-truong-4830.html
(140/803)