1.045. Khó giải quyết kho nợ xấu 10 tỷ USD

(DĐDN) – Đến nay, kho nợ xấu của Cty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VN (VAMC) là 245.000 tỷ đồng  (khoảng 10 tỷ USD), nhưng 3 tháng đầu năm 2016, Cty chỉ mua được 727 tỷ đồng trái phiếu và 747 tỷ đồng dư nợ gốc.

Nguyên nhân là hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3%. Vậy cần làm gì để và gỡ khó cho “chợ” nợ xấu 10 tỷ USD này?

Tại sao có kho nợ khủng?

Cho đến nay tại VN vẫn chưa có thị trường mua bán nợ, hàng loạt rào cản pháp lý vẫn chưa được xử lý, khiến quá trình bán nợ của VAMC gặp nhiều khó khăn và các nhà đầu tư đang sốt ruột về chợ nợ xấu.

Theo tính toán, từ năm 2013 đến 24/3/2016, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng (TCTD) thu hồi nợ được 26.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 11% trên số dư nợ gốc. Kế hoạch đặt ra trong năm 2016 trong việc thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo là 30.000 – 35.000 tỷ đồng. Đặc biệt, VAMC sẽ đốc thúc triển khai mua nợ theo giá thị trường dựa vào nhu cầu bán nợ của các TCTD với tổng dư nợ là 11.280 tỷ đồng. Bắt đầu từ năm 2016, VAMC chính thức bắt tay vào xử lý nợ, mua và bán nợ theo giá thị trường thay vì tập trung gom và phân loại nợ như trước. Kho nợ của VAMC tính từ khi thành lập đến nay đã lên tới 245.000 tỷ đồng, tương đương hơn 10 tỷ USD, trong khi tổng số nợ xấu đã được xử lý mới đạt khoảng 22.780 tỷ đồng (bằng 9% tổng số nợ gốc).

Một trong những vấn đề nổi cộm, gây khó khăn trong việc xử lý cục nợ xấu khủng này là việc VAMC vẫn chưa có đủ thẩm quyền để xử lý tài sản đảm bảo nếu trong trường hợp chủ tài sản cố tình chây ỳ, trốn nợ. Ngoài ra các vấn đề liên quan đến hiện quyền chủ nợ (hạn chế theo Luật Đất đai), quyền kế thừa nghĩa vụ về tố tụng (Luật Dân sự 2004 không quy định) cũng đang cản trở hoạt động của VAMC… Đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia vào thị trường mua bán nợ bằng cách xin giấy phép mua tài sản bảo đảm, nhưng ở VN, tài sản bảo đảm toàn là BĐS. Theo luật đất đai thì nhà đầu tư nước ngoài không được phép sở hữu quyền sử dụng đất tại VN, còn đối với Luật kinh doanh BĐS năm 2007 thì nhà đầu tư nước ngoài không được phép mua nhà, không được phép mua đất. Đây là những hạn chế khiến cho việc xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn…

Bên cạnh đó, khó khăn còn đến từ khung pháp lý còn thiếu sót, không có độ mở cao, còn có sự “thiên lệch” trong xử lý nợ xấu, chủ yếu là nghiêng về phía bảo vệ người đi vay nhiều hơn là bảo vệ người cho vay.

Theo LS Trương Thanh Đức Giám đốc Công ty Luật ANVI, nếu có một khung pháp lý thích hợp, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có thêm nhiều DN, nhà đầu tư tham gia sân chơi mua bán nợ. Vấn đề là người mua phải nắm đằng chuôi, họ phải xử lý được tài sản đảm bảo và chuyển đổi thành tiền mặt một cách dễ dàng. Yếu tố quan trọng nhất để tạo thông thoáng cho thị trường mua bán nợ, theo tôi là cho phép người cho vay được xử lý tài sản đảm bảo qua hai kênh. Kênh pháp lý qua tòa án và không phải ra tòa. Ví dụ ở Mỹ, một tài sản đảm bảo thế chấp cho ngân hàng. Khi người vay bị vỡ nợ thì ngân hàng toàn quyền sử dụng tài sản đảm bảo đó mà không cần phải qua tòa án. Họ có thể bán đấu giá và toàn quyền xử lý tài sản đảm bảo đó và luật pháp bảo vệ cho họ thực hiện. Ở VN cũng cần có một kênh hay cách xử lý như vậy. Tức là nếu người đi vay bị vỡ nợ, không có khả năng chi trả mà ngân hàng đã có trong tay sổ đỏ của họ thì ngân hàng có quyền bán và đấu giá tài sản mà không cần phải qua hệ thống tòa án.

1 tỷ USD là số tiền mà một Quỹ đầu tư nước ngoài sẵn sàng dành để mua một lô nợ của VAMC với yêu cầu mua đứt, bán đoạn khoản nợ.

Mở sân chơi cho DN và nhà đầu tư nước ngoài

Vậy làm thế nào để mở rộng sân chơi gỡ kho nợ xấu 10 tỷ USD? Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC, hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu của VN như Dragon Capital cũng đã nhảy vào sân chơi này để tìm hiểu. Chúng tôi đang làm việc với các tổ chức này, nhằm mục tiêu bán tài sản minh bạch, phù hợp giá thị trường chứ không phải cho nước ngoài mua theo lô và bán với giá thấp – ông Hùng cho biết.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng, có quỹ đầu tư “cá mập” nước ngoài sẵn sàng chi 1 tỷ USD để mua một lô nợ của VAMC, với yêu cầu có thể mua đứt, bán đoạn khoản nợ. Tuy nhiên, hiện VAMC vẫn bó tay trước yêu cầu của nhà đầu tư này, do vướng mắc hàng loạt thủ tục pháp lý. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dù kẻ mua, người bán nợ đều đã có, song nếu thủ tục pháp lý không sửa đổi, sau 3 – 4 năm nữa, nợ xấu vẫn sẽ không được giải quyết và sẽ quay trở lại ngân hàng.

Được biết, để giảm gánh nặng cho VAMC, mới đây, ngân hàng Nhà nước đang làm đầu mối xây dựng dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua bán nợ, trong đó có dịch vụ sàn giao dịch nợ, áp dụng cho Cty Mua bán nợ VN (DATC) và Cty mua bán nợ của các ngân hàng (không áp dụng cho các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng và VAMC). Sàn giao dịch nợ là nơi tập trung, tiến hành thường xuyên các hoạt động giao dịch mua, bán nợ; tư vấn, môi giới mua, bán nợ.

Một vấn đề khác, theo các chuyên gia, tại VN từ năm 2014 biện pháp chuyển nợ xấu thành cổ phần cũng được đưa ra nhằm giúp xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại vừa cổ phần hóa của các DNNN yếu kém. Thay vì chỉ tập trung vào các danh mục đầu tư tài chính, các TCTD cần thực hiện nghiên cứu nội dung kinh tế phát triển đầu tư hoạt động kinh doanh của các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, để có thể chủ động tham gia vào việc khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cùng với việc nâng cao chất lượng khi thẩm định hồ sơ cho vay.

Phương Hà

——————

Diễn đàn Doanh nghiệp (Tài chính – Ngân hàng) 21-4-2016:

http://enternews.vn/kho-giai-quyet-kho-no-xau-10-ty-usd.html

(235/1.276)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,748