1.049. Cạm bẫy mang tên ‘kinh doanh trái phép’

(PL) – Tội kinh doanh trái phép đi ngược lại nền kinh tế thị trường.

Vụ việc ông chủ quán Xin Chào bị Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM khởi tố về tội kinh doanh trái phép thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nhân vụ việc này, luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận định: Việc ông chủ quán Xin Chào bị khởi tố hình sự có thể sẽ gây lo lắng cho những người đang có ý định khởi nghiệp, các tiểu thương và nhiều thương nhân khác.

Sợ rủi ro pháp lý

Phóng viên: Vì sao ông nhận định sự kiện trên gây lo lắng cho người kinh doanh?

+ Luật sư Trương Thanh Đức: Đơn giản là: Từ tâm lý hào hứng sẵn sàng bỏ công sức, tiền của ra để khởi nghiệp thì người ta sẽ e dè, nghi ngại, thậm chí co vòi lại. Bởi thay vì lo ngại rủi ro kinh doanh thì người ta sợ rủi ro pháp lý. Thay vì tính toán các yếu tố lỗ lãi, khách hàng, thị trường… bằng việc lo sợ sai phạm nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, liệu có bị xử lý hình sự hay không. Những người đang kinh doanh có thể cũng sẽ lo ngại trước những “cạm bẫy” pháp lý có thể đến với mình.

. Thưa ông, trên thực tế nhiều năm qua tội kinh doanh trái phép đã gây ra những hậu quả gì?

+ Tội danh này là một trong những yếu tố quan trọng làm hạn chế nhiều ý định kinh doanh của người dân. Xét cho cùng nó là một quy định đi ngược lại nền kinh tế thị trường và cản trở một trong những quyền cơ bản của con người, đó là tự do kinh doanh. Và nó cũng là nỗi ám ảnh treo lơ lửng trên đầu nhiều người.

Vẫn gặp khó với điều kiện kinh doanh

Khi tội kinh doanh trái phép bị bãi bỏ (từ ngày 1-7), liệu các loại giấy phép con, các điều kiện kinh doanh trái luật được cài cắm trong các thông tư, nghị định… có được bãi bỏ đồng thời không, thưa ông?

+ Tôi cho rằng bỏ tội kinh doanh trái phép là việc loại bỏ một nguy cơ lớn đối với doanh nhân. Nó sẽ có tác động gián tiếp đến các cơ quan chức năng và bộ máy cán bộ, công chức trong việc thay đổi nhận thức về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công dân.

Quán cà phê Xin Chào, huyện Bình Chánh, TP.HCM trong ngày khai trương. Ảnh: CTV

Tuy vậy, hiện nay các loại giấy phép, điều kiện kinh doanh được ban hành, cài cắm không đúng quy định của pháp luật trong thời gian qua vẫn đang gây ra nhiều khó khăn, cản trở doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào để không còn các loại điều kiện kinh doanh trái luật và qua đó khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh trong dân?

+ Có thể nói những điều kiện kinh doanh trái luật và vô lý này khiến doanh nghiệp tốn kém và có nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính. Họ kinh doanh để kiếm tiền cho mình, cho người lao động và cho xã hội nhưng lại bị “hành” bởi các loại giấy phép.

Tôi cho rằng điều kiện kinh doanh nhiều hay ít, chặt hay lỏng không quan trọng bằng việc nó có thật sự cần thiết và có rõ ràng, minh bạch hay không.

Ở Mỹ có câu nói đại ý “Không nên săm soi 1 triệu USD đầu tiên của những tỉ phú”. Phải chăng khi bước vào kinh doanh, nhiều người dễ bị sai sót?

+ Theo tôi, nên hiểu câu đó theo hướng trong giai đoạn khởi nghiệp thì còn nhiều lúng lúng, chưa hiểu rõ mọi vấn đề nên dễ phạm lỗi. Vì thế đừng quá khắt khe, bắt bẻ mà cần hướng dẫn, tư vấn cho họ thực hiện được đúng quy định pháp luật.

Thương nhân cần phải quan tâm và tôn trọng pháp luật. Song song đó Nhà nước cũng cần phải rà soát, thiết kế lại hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp để tạo điều kiện tối đa cho họ làm ăn.

. Xin cám ơn ông.

Môi trường kinh doanh thiếu an toàn

Môi trường kinh doanh lành mạnh không chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn. Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu.

TS VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch VCCI

Sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính và thậm chí cả hình sự vào những vấn đề mà thị trường có thể tự giải quyết cho thấy một số cơ quan công quyền đang làm sai chức năng của mình trong một nền kinh tế thị trường.

Ông NGUYỄN MINH ĐỨC, Ban Pháp chế VCCI

CHÂN LUẬN

——————

Pháp luật TP HCM (Kinh tế) 23-4-2016:

http://plo.vn/kinh-te/quan-ly-thi-truong/cam-bay-mang-ten-kinh-doanh-trai-phep-624941.html

(735/902)

——————–

Bài gốc:

  1. Thưa ông, việc CA Bình Chánh khởi tố ông chủ quán phở Xin Chào sẽ gây ra những hệ lụy gì cho tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp tại Việt Nam và TP.HCM

Việc này chẳng khác nào một thùng nước lạnh xối thẳng vào đầu những người đang có ý định khởi nghiệp, đồng thời cũng té ướt mọi tiểu thương và nhiều thương nhân khác. Từ tâm lý hào hứng sẵn sàng bỏ công sức, tiền của ra để khởi nghiệp, thì người ta sẽ e dè, nghi ngại, thậm chí co vòi lại hết, bởi thay vì lo ngại rủi ro kinh doanh bằng nỗi sợ rủi ro pháp lý; thay vì tính toán các yếu tố lỗ lãi, khách hàng, thị trường bằng việc nơm nớp sai phạm nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, có tù tội hay không? Người đang kinh doanh cũng giật mình thon thót trước những cạm bẫy pháp lý bủa vây trùng điệp.

  1. Tội kinh doanh trái phép đã gây ra những hậu quả gì cho kinh tế từ trước tới nay?

Nó là một trong những yếu tố quan trọng làm tê liệt nhiều ý định kinh doanh nhút nhát, làm thui chột nhiều bộ óc tự do sáng tạo, làm cản trở nhiều dự án đầu tư mạo hiểm. Nền kinh tế bị kéo lùi rất nhiều so với tiềm năng, doanh nghiệp cò con, lay lắt, không lớn lên được. Nó là một quy định đi ngược lại nền kinh tế thị trường và phủ nhận một trong những quyền cơ bản của con người, đó là tự do kinh doanh.

  1. Từ 1-7, BLHS sửa đổi mới có hiệu lực và tội kinh doanh trái phép mới được xóa bỏ. Vậy từ nay đến 1-7, phải chăng những người kinh doanh vẫn sẽ bị đặt trong thế… ngàn cân treo sợi tóc?

Việc xóa bỏ tội kinh doanh trái phép sau mấy chục năm chuyển sang nền kinh tế thị trường đã làm chậm, nhưng nó lại ẩn chứa những điều bất thường, không hợp lý. Đáng lẽ, toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm kinh doanh trái phép phải được chấm dứt ngay sau khi Quốc hội bãi bỏ tội này.

Nhưng đáng tiếc là Quốc hội lại ra Nghị quyết khác hẳn xưa nay. Đó là vẫn cứ xử phạt tội phạm như thường cho đến hết ngày 30-6-2015. Thậm chí nặng nề hơn ở chỗ, vài năm sau nữa, vẫn có thể đưa ra truy tố và xét xử đối với hành vi kinh doanh trái phép xảy ra trước ngày 01-7-2016. Vì thế, nỗi ám ảnh kinh doanh trái phép vẫn còn lơ lửng trên đầu nhiều người trong nhiều năm nữa.

  1. Khi tội kinh doanh trái phép bị bãi bỏ, thì các loại giấy phép con, các điều kiện kinh doanh tường minh hoặc được cài cắm trong các thông tư, nghị định… sẽ được giải quyết thế nào?

Bãi bỏ tội kinh doanh trái phép là việc loại bỏ một nguy cơ lớn đối với doanh nhân, nhưng gần như không có tác động gì trong việc bãi bỏ, hạn chế hay thay đổi các loại giấy phép, điều kiện kinh doanh to nhỏ được ban hành tràn lan, cài cắm trùng điệp một cách đúng hay không đúng quy định của pháp luật. Các loại ràng buộc, hạn chế đó vẫn gây ra muôn vàn khó khăn, cản trở doanh nghiệp, nếu động vào thì vẫn tốn kém và có nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Bỏ tội kinh doanh trái phép chỉ có tác động gián tiếp đến các cơ quan chức năng và bộ máy cán bộ công chức trong việc thay đổi nhận thức vê quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và công dân. Qua đó, nó sẽ có tác động thúc đẩy việc xem lại, kiểm soát, hạn chế và loại trừ các loại giấy phép cũng như điều kiện kinh doanh trái luật và vô lý.

  1. Từ trước tới nay, các loại điều kiện kinh doanh đã hành khổ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh ra sao? Làm thế nào để các loại điều kiện kinh doanh được chuẩn tắc và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh trong dân?

Có thể nói, nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh nghẹt thở với các điều kiện kinh doanh, kể cả hợp lý và không hợp lý, bằng văn bản và bất thành văn. Gian nan, tốn kém, nhưng rất hình thức và tiêu cực, hầu hết lại chỉ là nhằm đối phó. Kinh doanh để kiếm tiền cho mình, cho người lao động và cho xã hội.

Điều kiện kinh doanh nhiều hay ít, chặt hay lỏng không quan trọng bằng việc có thật sự cần thiết và có rõ ràng, minh bạch hay không. Điều nguy hại nhất là trên thực tế doanh nghiệp không chỉ phải làm đúng như điều kiện kinh doanh công khai mà đang phải làm gấp vài lần điều kiện đó.

  1. Ở Mỹ có câu nói: không nên săm soi 1 triệu USD đầu tiên của những tỷ phú. Phải chăng khi bước vào kinh doanh, ai cũng phải vi phạm pháp luật? Nhà nước và những người khởi sự kinh doanh nên làm gì để tránh tình trạng này?

Theo tôi, câu đấy không đồng nghĩa với việc ai cũng phải vi phạm pháp luật khi mới bước vào kinh doanh. Nên hiểu câu đó theo hướng, trong giai đoạn khởi nghiệp, thì còn nhiều lúng lúng, lạ lẫm như một đứa trẻ mới vào đời, nên dễ phạm lỗi. Vì thế đừng quá khắt khe bắt bẻ, đừng yêu cầu các doanh nghiệp phải biết và thực hiện được đúng ngay mọi quy định pháp luật.

Tuy nhiên, câu chuyện ai cũng phải vi phạm pháp luật thì lại dường như rất đúng ở Việt Nam, thậm chí không  chỉ giai đoạn bắt đầu khởi nghiệp. Đòi hỏi chấp hành hệ thống pháp luật về kinh doanh vô cùng rắc rối, phức tạp, tù mù như hiện nay, thì rất khó tránh hết vi phạm. Thương nhân thì cần phải quan tâm và tôn trọng pháp luật hơn, nhưng quan trọng là Nhà nước cần phải dọn dẹp, thiết kế lại hệ  thống pháp luật nói chung và pháp luật liên quan đến doanh nghiệp nói chung. Nếu không thì bất cứ 1 triệu đô nào cũng phải phạm luật.

  1. Một vấn đề cụ thể hơn, nhiều bạn trẻ sang Singapore khởi nghiệp? Theo ông vì sao và làm thế nào để người Việt không cần sang các nước khác để khởi nghiệp?

Đang xảy ra một nghịch lý là, quê hương, đất nước, thị trường, luật lệ của mình nhưng lại khó khởi nghiệp hơn một nơi xa lạ. Như vậy, chứng tỏ đang có quá nhiều chông gai, rào cản và nguy cơ ở mảnh đất này đối với các doanh nghiệp, doanh nhân. Như vậy, việc giảm bớt và minh bạch hóa điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp như đã và đang làm, chỉ mới là bề nổi. Cần phải thay đổi cơ bản, gốc rễ quan điểm và quy định luật pháp theo hướng thật sự tôn trọng quy luật thị trường và hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Việc khởi nghiệp và phát triển của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc nới lỏng hay thắt chặt điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, đất đai và lao động,  thuế và lệ phí, rồi thậm chí cả việc điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến kinh doanh.

—————–

Pháp luật TP HCM (Kinh tế) 23-4-2016:

http://plo.vn/kinh-te/quan-ly-thi-truong/cam-bay-mang-ten-kinh-doanh-trai-phep-624941.html

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,744