(TBNH) – Ngành Công Thương thường có điều kiện kinh doanh phân biệt quy mô thể hiện ở khá nhiều văn bản khác nhau liên quan đến các lĩnh vực gas, xuất khẩu gạo, phân bón, xăng dầu và nhiều lĩnh vực khác.
Hội nghị lấy ý kiến tổ chức cá nhân về quy định thủ tục hành chính ngành công thương năm 2016, rất nhiều ý kiến DN, hiệp hội DN bức xúc với các quy định mà Bộ Công Thương trực tiếp ban hành hoặc xây dựng, đề xuất Chính phủ ban hành. Giải tỏa những bức xúc này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, bộ sẽ tiếp thu sửa đổi nhưng xin đừng nghĩ người làm chính sách muốn bóp chết DN nhỏ.
Quy định bất hợp lý, DN è cổ chi phí
Bức xúc về điều kiện thương nhân phân phối khí gas tại Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí, bà Hà Thị Hiền Lương, Chủ một DN kinh doanh khí đến từ Bình Định cho rằng, quy định DN phân phối khí gas phải “có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3; có số lượng chai LPG “thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 L”, “phải có trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu của thương nhân”; có hệ thống phân phối gồm: “cửa hàng bán LPG chai” và “có tối thiểu 20 tổng đại lý hoặc đại lý kinh doanh LPG”… là quá chặt chẽ và bất hợp lý, dẫn đến nguy cơ phá sản phần lớn các DN đang phân phối khí gas.
Các điều kiện kinh doanh nêu trên dẫn đến việc loại bỏ các DNNVV mới tham gia vào thị trường, đặc biệt là với cả rất nhiều DN đã có quá trình đầu tư, hoạt động hợp pháp, có hiệu quả. Điều này sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn cho các DN đang kinh doanh gas trên cả nước.
Bộ Công Thương quy định điều kiện quy mô quá cao và không còn phù hợp với thực tế làm tăng chi phí cho DN, giảm lợi thế cạnh tranh |
“Chúng tôi không thua vì thị trường và khách hàng, mà chết vì bị ông lớn giết chết. Xin Nhà nước đừng để DN lớn ép chết DN nhỏ”, bà Lương khẩn thiết.
Cũng theo bà, nếu các DN muốn tiếp tục kinh doanh, thì mỗi DN sẽ phải chi thêm khoảng 25 – 30 tỷ đồng để đầu tư vào hệ thống bồn chứa, bình gas chỉ với mục đích để được cấp lại giấy phép kinh doanh, mà không cần thiết để sử dụng vào sản xuất, kinh doanh. “Nếu chúng tôi phải chấm dứt kinh doanh, thì sẽ có hàng vạn lao động, trong đó có vùng sâu, vùng xa thất nghiệp, ai sẽ là người gánh chịu hậu quả? Người tiêu dùng gas có được lợi gì hay sẽ phải mua giá đắt khi thiếu đi sự cạnh tranh”, bà Lương đặt dấu hỏi?
Tháo rào từ tư duy xây dựng chính sách
Không chỉ lĩnh vực gas, Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên tổ công tác thi hành Luật DN & Luật Đầu tư, Trưởng ban tư vấn & phản biện chính sách Hội các nhà quản trị DN Việt Nam cho biết rất nhiều lĩnh vực khác Bộ Công Thương quy định điều kiện quy mô quá cao và không còn phù hợp với thực tế làm tăng chi phí cho DN, giảm lợi thế cạnh tranh.
Chẳng hạn Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, với những quy định DN kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của DN và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo.
Hay Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với những quy định đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có cầu cảng chuyên dụng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn; có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu tối thiểu 15.000 m3…
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, những quy định nêu trên là bất hợp lý và trái luật vì đã vi phạm quy định về quyền của DN trong Luật DN năm 2014 khi quy định DN có quyền tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh. Đồng thời vi phạm các quy định về phân biệt đối xử giữa các DN, về các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN và về các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý Nhà nước tại Luật Cạnh tranh năm 2004.
Không những thế nó còn đi ngược lại một số nguyên tắc đã được quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về “Hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020” như: thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng… Không những thế nó còn hạn chế quyền hợp tác kinh doanh của DN theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014.
“Tôi cũng như các luật sư, chuyên gia và cả cộng đồng DN không thể không đặt ra 3 câu hỏi nghi ngờ việc xây dựng chính sách: phải chăng các ông lớn muốn tiêu diệt DN nhỏ? Hỗ trợ hay loại bỏ DN nhỏ? Thương nhân sẽ trở thành thương hại?”, ông Đức đặt câu hỏi và đề nghị Bộ Công Thương cần phải phủ định và giải toả nghi ngờ này.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, VCCI cũng cho rằng ngành Công Thương thường có điều kiện kinh doanh phân biệt quy mô thể hiện ở khá nhiều văn bản khác nhau liên quan đến các lĩnh vực gas, xuất khẩu gạo, phân bón, xăng dầu và nhiều lĩnh vực khác. “Đây là sự can thiệp thái quá của Nhà nước vào thị trường và vào DN vì quy mô của DN phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường. Có thể quy mô DN không hợp lý sẽ khiến cho hiệu quả hoạt động của DN không cao nhưng toàn bộ vấn đề này là của thị trường, Nhà nước không nên can thiệp vào”, ông Đức đề xuất.
Dương Công Chiến
————————————————–
TB Ngân hàng (DN – DN) 28-9-2016:
http://thoibaonganhang.vn/nguoi-lam-chinh-sach-dang-bop-chet-dn-nho-54034.html
(530/1.209)