1.050. Ủng hộ, bảo vệ kinh doanh: con đường vừa ngắn vừa dài

(TT) – Câu chuyện từ quán cà phê Xin Chào gợi mở cho chúng ta nhìn về mục tiêu đất nước có 2 triệu doanh nghiệp (hiện cả nước có chưa đến 500.000 doanh nghiệp). Con đường vừa ngắn lại vừa dài.

Từ ngày 1-7-2015, người dân được phép kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm. Trong ảnh: bên trái là giấy phép đăng ký kinh doanh cũ của Công ty TNHH Cảnh quan vườn xanh phải liệt kê những ngành nghề kinh doanh dài hết ba tờ giấy và bên phải là giấy phép đăng ký kinh doanh mới chỉ còn một tờ – Ảnh: Quang Định

Ông Vũ Tiến Lộc (đại biểu Quốc hội, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI) trả lời phỏng vấn báo 
Tuổi Trẻ. Ông Lộc nói:

– Trong những ngày này, tôi đang khẩn trương chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Thủ tướng và doanh nghiệp sẽ diễn ra tại TP.HCM vào ngày 29-4. Qua đó, tôi cảm nhận rất rõ sự phấn khởi của cộng đồng doanh nghiệp trước những thông điệp gần đây của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Nhiều chủ doanh nghiệp nhắn tin cho tôi nội dung phát biểu của Thủ tướng mà họ tâm đắc.

Ví dụ như Thủ tướng nêu rõ: “Nói về phát triển kinh tế thì doanh nghiệp là tiên phong, vì vậy cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Tinh thần của Chính phủ là kiến tạo phát triển. Chính phủ hành động, phục vụ, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và 
doanh nghiệp”.

Thủ tướng Chính phủ qua những hành động gần đây đã đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ về một Chính phủ gần dân, hành động và đổi mới, một Chính phủ ủng hộ và bảo vệ từng hộ kinh doanh, từng nhà đầu tư. Cộng đồng kinh doanh kỳ vọng rằng tinh thần này sẽ lan tỏa rộng khắp trong bộ máy hành chính các cấp.

Ông Vũ Tiến Lộc – Ảnh: Việt Dũng

Quyền tự do kinh doanh là một quyền quan trọng của người dân

* Ông chủ quán cà phê Xin Chào bị khởi tố không đúng với tội danh “kinh doanh trái phép”. Với tư cách đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông có bình luận gì?

– Câu chuyện từ quán cà phê Xin Chào gợi mở cho chúng ta nhìn về mục tiêu đất nước có 2 triệu doanh nghiệp (hiện cả nước có chưa đến 500.000 doanh nghiệp). Con đường vừa ngắn lại vừa dài.

Nó có thể rất ngắn nếu chúng ta bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy những hộ kinh doanh nhỏ trở thành doanh nghiệp. Nó sẽ rất dài nếu vẫn tồn tại những hành vi như trong vụ việc này của các cơ quan công quyền.

Hiện chúng ta có 4,6 triệu hộ kinh doanh, trong đó gần 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Từ thông điệp của Thủ tướng, tôi tin tưởng vào mục tiêu đất nước ta sẽ có 1,5-2 triệu doanh nghiệp trong vài năm tới. Tất nhiên cần các chính sách đồng bộ. Ví dụ chính sách thuế ưu đãi cho các hộ kinh doanh nhỏ khi họ chuyển thành doanh nghiệp.

Tại Quốc hội, tôi đã đề nghị kế hoạch năm năm khởi nghiệp quốc gia. Một trong những nội dung quan trọng của chương trình hành động này là phải xác định thật rõ lộ trình và các chỉ tiêu định lượng phải đạt được trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta trong mối tương quan so sánh với các nền kinh tế khác. Không phải chỉ kiểu ta so với ta, hay mẹ hát con khen hay.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là làm sao để tinh thần hành động của Thủ tướng trở thành nhất quán trong hành động của cả bộ máy hành chính, đến tận từng người cán bộ, công chức ở 
địa phương.

* Thưa ông, từ ngày 1-7-2016, Bộ luật hình sự mới có hiệu lực sẽ chính thức bãi bỏ tội danh “kinh doanh trái phép”. Với việc bãi bỏ tội danh này, ông có đánh giá như thế nào về tâm thế của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, những người dân đang có ý định khởi nghiệp nói riêng khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh?

– Đây là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng. Như tôi đã nói, hiện nay môi trường kinh doanh của chúng ta không chỉ nhiều trở ngại mà còn kém an toàn, nhiều rủi ro về pháp lý. Niềm tin của doanh nghiệp được đảm bảo trước hết bởi tính an toàn của môi trường kinh doanh. Việc bãi bỏ tội danh nêu trên là một bước tiến lớn.

Lĩnh vực kinh doanh đa dạng, luôn biến đổi, bộ máy nhà nước thì lại hữu hạn. Do vậy, sứ mệnh của Nhà nước phải bảo đảm không gian của quyền tự do kinh doanh rộng mở, chứ không phải từ sự hữu hạn của mình mà níu hẹp không gian này. Nhà nước sẽ triệt tiêu tính sáng tạo và sự phát triển khi muốn kiểm soát mọi thứ trong tầm tay, phù hợp với năng lực và sự trì trệ của mình.

* Như vậy lâu nay tội “kinh doanh trái phép” là một rào cản lớn?

– Quyền tự do kinh doanh là một quyền quan trọng của người dân, được khẳng định trong Hiến pháp và các đạo luật quan trọng. Nhiệm vụ chính của cơ quan nhà nước là phải bảo vệ và đảm bảo sự thực thi quyền năng này, cơ quan nhà nước hoàn toàn không phải là cơ quan cho phép người dân thực hiện quyền này.

Nếu có thực hiện một số thủ tục hành chính ở một số ngành nghề hạn chế cũng xuất phát từ lợi ích công cộng mà thôi. Việc bãi bỏ tội kinh doanh trái phép là xu hướng tích cực và tiến bộ, cộng đồng kinh doanh đánh giá cao điều này.

Đồ họa: Như Khanh

Cần “dẹp loạn” giấy phép con

* Xin ông cho biết đánh giá của VCCI đối với tình hình giấy phép kinh doanh hiện nay và sự tồn tại của 7.000 điều kiện kinh doanh?

– Mặc dù đã có các cơ sở pháp lý để xác định các quy định về điều kiện kinh doanh, nhưng thực tế đây vẫn là những vấn đề rất lớn. Trước hết, theo báo cáo của tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư, hiện có 16 ngành nghề trong 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng. Như vậy, chưa đảm bảo thực thi quyền cho doanh nghiệp.

Theo rà soát vẫn có đến 2.833 điều kiện kinh doanh hiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền, thậm chí có cả các văn bản được ban hành sau khi Luật đầu tư có hiệu lực thi hành.

Theo Luật đầu tư, các điều kiện đầu tư kinh doanh đã được ban hành dưới hình thức thông tư, quyết định sẽ đương nhiên hết hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Tuy nhiên, các bộ chưa chú ý rà soát, đánh giá bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết. Nhìn chung, chất lượng của hệ thống các quy định điều kiện kinh doanh chưa có sự cải thiện so với trước.

Đáng lo ngại, điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn tiếp tục được ban hành trái thẩm quyền. Một số bộ vẫn đang tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư, trong đó có quy định về điều kiện kinh doanh. Nhiều điều kiện kinh doanh quy định tại cấp thông tư ban hành sau khi Luật đầu tư có hiệu lực, rõ ràng đã ban hành trái luật nhưng vẫn đang được áp dụng.

Điều này đã làm suy giảm hiệu lực thi hành các quy định của Luật đầu tư về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh.

“Dẹp loạn” được tình trạng giấy phép kinh doanh tràn lan như hiện nay sẽ là một giải pháp quan trọng giảm thiểu tình trạng xin – cho phiền hà, sự nhũng nhiễu, lạm quyền, giảm rủi ro cho 
doanh nghiệp.

* Ông Đặng Quốc Hùng (phó chủ tịch
Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM):

Ảnh: D.Phan

Đừng làm khó người dân,doanh nghiệp

Theo những gì mà Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư thể hiện, có hiệu lực từ tháng 7-2015, tôi nghĩ rằng những người thực thi pháp luật cần phải nắm rõ quy định, điều luật để đừng làm khó người dân, doanh nghiệp. Với 267 ngành nghề cần điều kiện kinh doanh thì cũng chỉ còn một số ngành đòi có giấy phép.

Còn lại phần lớn đều được hiểu chỉ cần doanh nghiệp tự đăng ký đúng ngành nghề kinh doanh mà Nhà nước không cấm thì không cần phải có giấy phép, thay vào đó là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Quy định là vậy, nhưng thực tế các loại giấy phép “con”, giấy phép “cháu” biến dạng dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn tồn tại.

Lý do thì nhiều, có khi người quản lý không nắm rõ quy định cũng có. Nhưng có khi người quản lý biết rõ nhưng vẫn muốn “lách” thì doanh nghiệp cũng chịu chết.

Cho nên các điều luật, quy định của chúng ta dù có đầy đủ nhưng nếu những người thực thi pháp luật không làm đúng luật, không làm xuyên suốt từ trên xuống dưới mà làm theo kiểu “mỗi nơi hiểu mỗi kiểu” thì doanh nghiệp vẫn sẽ chịu khổ dài dài.

* Ông Trần Việt Anh 
(ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM,
chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Thủ Đức):

Ảnh: T.Thành

Doanh nghiệp nhỏ chỉ muốn được yên ổn làm ăn

Nói thật, từ vụ việc của ông chủ quán cà phê Xin Chào, các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cảm thấy rất lo sợ.

Vì trong thực tế, dù họ đã cố gắng thực hiện đầy đủ mọi quy định (vốn rất nhiều) của Nhà nước cho quá trình hoạt động của mình, nhưng không phải 100% doanh nghiệp đều kịp thực hiện được hết cả các quy định này.

Cho nên, cơ quan chức năng cần tìm cách hỗ trợ, nhắc nhở, động viên các doanh nghiệp hoàn thành nốt những quy định nào chưa làm xong, thay vì tìm mọi cách đẩy doanh nghiệp vào vòng lao lý từ những sự việc thuần chất hành chính.

Nếu để những tác động tiêu cực này xảy ra thì tinh thần hứng khởi cho công cuộc khởi nghiệp từ các bạn trẻ, hay ý chí khao khát vươn lên, thúc đẩy nền kinh tế phát triển từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, quán ăn, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

T.V.N. ghi

“Trong vấn đề xử lý giấy phép con, Bộ Kế hoạch – đầu tư đã đề nghị các bộ ngành và địa phương phải rà soát chặt chẽ, xem cái gì thực sự cần thiết. Cái gì liên quan đến trật tự xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, an ninh, quốc phòng thì mới cần giấy phép, còn những nội dung khác mà không giải trình được sự cần thiết thì chúng tôi kiên quyết kiến nghị Chính phủ cắt bỏ”.

Bà Bùi Thu Thủy (phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch – đầu tư)

“Tôi mong Bộ Kế hoạch – đầu tư cương quyết xử lý giấy phép con, và mong hơn nữa là Chính phủ cương quyết đối với các bộ trưởng trong lĩnh vực này.

Báo chí cũng lên tiếng công khai, để làm sao nếu các bộ trưởng không thực hiện đúng luật, không tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, của Chính phủ thì Quốc hội sắp tới sẽ không phê chuẩn nữa.

Không làm được thì không được phê chuẩn. Nếu bộ trưởng không tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp mà vẫn trúng bộ trưởng thì vô lý. Chúng ta có thể kêu gọi Quốc hội như vậy”.

Ông Lê Mạnh Hà (phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)

* Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Ảnh: Quang Thế

Bỏ rồi nhưng vẫn chưa dứt khoát

Điều 35 Hiến pháp 1980 quy định mọi hoạt động kinh doanh bất hợp pháp đều bị pháp luật nghiêm trị.

Sau đó, tội kinh doanh trái phép xuất hiện đầu tiên trong pháp lệnh “Trừng trị tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép” năm 1982. Khi ấy kinh doanh trái phép được quy định rất rộng, như bao gồm cả hành vi “trốn thuế”.

Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận chế độ kinh tế “theo cơ chế thị trường”. Đáng tiếc là mấy chục năm đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường nhưng vẫn giữ nguyên tội kinh doanh trái phép.

Hiến pháp năm 2013 điều 3 quy định “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Nhưng phải đến ngày 1-7-2016 mới chính thức bỏ tội danh kinh doanh trái phép.

Tuy nhiên, theo nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội thì chỉ từ ngày 1-7-2016 trở đi, hành vi kinh doanh trái phép mới không còn là tội phạm và không còn bị khởi tố hình sự. Nếu như vi phạm diễn ra trước ngày này và bị phát hiện thì vẫn bị điều tra truy tố, xét xử. Xem ra việc bỏ tội kinh doanh trái phép là khá muộn nhưng vẫn chưa dứt khoát.

HOÀNG ĐIỆP ghi

VÕ VĂN THÀNH thực hiện

—————–

Tuổi trẻ (Kinh tế) 25-4-2016:

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160425/ung-ho-bao-ve-kinh-doanh-con-duong-vua-ngan-vua-dai/1090102.html

(235/2.428)

—————————–

Bài viết theo đặt hàng

Bỏ tội kinh doanh trái phép: Chậm 30 năm vẫn chưa dứt khoát

Điều 8 của cả 2 Bộ luật Hình sự năm 1999 và 2015 đều định nghĩa: Tội phạm là hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Nếu cũng là hành vi nguy hiểm, nhưng “không đáng kể” thì sẽ không bị xử lý hình sự, mà chỉ bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, mọi thứ trở lên “nguy hiểm” đối với hoạt động kinh doanh là ở chỗ, thế nào là “đáng kể”?

Một người say rượu, lái ô tô vào đêm tối, không bằng lái, không bật đèn, đi ngược chiều và chạy quá tốc độ trên đường cao tốc. Có lẽ ai cũng cho rằng đây là một hành vi đặc biệt nguy hiểm cho chính anh ta và cho người khác. Tuy nhiên, mấy Bộ luật Hình sự lại đều xác định đó là hành vi nguy hiểm không đáng kể, vì chưa phải là tội phạm. Cha tài xế đó phải gây chết người, thương tích hay thiệt hại về tài sản cho người khác thì mới phạm tội hình sự về lĩnh vực giao thông.

Vậy, kinh doanh trái phép nguy hiểm đáng kể thế nào cho xã hội mà bị coi là tội phạm và phải xử lý hình sự trong mấy chục năm qua? Nếu xét trong cơ chế hành chính tập trung, quan liêu, bao cấp trước đây, khi mà mọi hoạt động kinh doanh đều bị cấm đoán, thì quả nhiên nó là nguy hiểm lớn cho trật tự của một nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung.

Mầm mống của tội này là từ quy định, mọi hoạt động kinh doanh bất hợp pháp đều bị pháp luật nghiêm trị tại Điều 35, Hiến pháp năm 1980. Sau đó, tội kinh doanh trái phép xuất hiện đầu tiên trong Pháp lệnh “Trừng trị tội đầu cơ, buôn lậu, làm hành giả, kinh doanh trái phép” năm 1982. Có điều, khi ấy kinh doanh trái phép được quy định rất rộng, như bao gồm cả hành vi “trốn thuế”.

Hiến pháp năm 1992 đã thay đổi ngược lại so với Hiến pháp năm 1980, bằng việc ghi nhận chế độ kinh tế “theo cơ chế thị trường”. Kể từ sau đó, hoàn toàn có thể bỏ đi tội kinh doanh trái phép, vì đã có rất nhiều tội phạm hình sự mới đã được bổ sung để xử lý các hành vi nguy hiểm liên quan đến hoạt động kinh doanh như tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội cho vay lãi nặng; tội lừa dối khách hàng; tội trốn thuế (từ năm 1985); tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (từ năm 1989); tội quảng cáo gian dối; tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (từ năm 1999); tội gây ô nhiễm môi trường (từ năm 2009);…

Điều đáng tiếc là, trong suốt mấy chục năm đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, dù hết sức khuyến khích đầu tư, kinh doanh, nhưng lại vẫn giữ nguyên tội kinh doanh trái phép. Sự vô lý không thể tiếp tục duy trì, khi tội kinh doanh trái phép đã đi ngược lại quy định tại Điều 33 của Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì điều luật vi Hiến này vẫn còn tiếp tục tồn tại cho đến ngày 30-6-2016 tới đây và sau đó mới chính thức được bãi bỏ.

Đặc biệt, chính sách hình sự nhân đạo đã không được áp dụng đối với tội kinh doanh trái phép. Điều 1, Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội đã tuyên bố rất rõ về việc đình chỉ mọi vụ án đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với những người đang bị xử lý về một số tội đã bị bãi bỏ như “tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế”. Tuy nhiên, đối với tội kinh doanh trái phép thì lại vẫn bị tiếp tục xử lý như Luật cũ (?!)

Điều đó có nghĩa là, chỉ từ ngày 01-7-2016 trở đi, thì hành vi kinh doanh trái phép mới không còn là tội phạm và không còn bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, nếu như từ nay đến 30-6-2016, hành vi này bị phát hiện, thì vẫn sẽ bị điều tra truy tố, xét xử và thi hành án như tội phạm bình thường sau nhiều năm nữa. Quy định đặc biệt nghiêm khắc và không cần thiết này là điều chưa từng có từ trước đến nay.

Rất mong Quốc hội xem xét thay đổi mạnh mẽ, dứt điểm chính sách xử lý đối với tội kinh doanh trái phép.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,744