(TBDN) – Hầu hết các DN khi được hỏi về những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính đều bức xúc và tỏ ra chưa hài lòng. Làm sao để chính sách đầu tư, phát triển DN được ổn định, thông thoáng, rõ ràng, minh bạch thì lúc đấy DN mới có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Ảnh minh hoạ
Với việc chiếm hơn 8% ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (22/267), kiểm soát 447 thủ tục hành chính tại 4 cấp, ngành Công thương được coi là một lĩnh vực quan trọng đối với quản lý nhà nước về kinh tế. Do đó, các quy định và thủ tục hành chính trong ngành Công thương có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung.
Trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mới đây Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định thủ tục hành chính ngành Công thương năm 2016.
Nhiều ý kiến thẳng thắn liên quan đến những bất cập trong quy định do Bộ này quản lý đã được nêu ra. Điều đáng mừng là, đại diện Bộ Công thương cam kết, trong thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ và sửa đổi hoặc bãi bỏ những vướng mắc tại Nghị định 19 cho DN kinh doanh khí; cân nhắc bãi bỏ quy định về giấy xác nhận trong kinh doanh hóa chất, nhập khẩu ô tô theo Thông tư 20; đồng thời phối hợp với Hiệp hội Dệt may tháo gỡ những bất cập trong việc kiểm tra mẫu vải quy định tại Thông tư 37…
Mặt khác, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị Chính phủ các giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ trên cơ sở tuân thủ các quy luật kinh tế, loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệnh và méo mó thị trường.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, DN kinh doanh khí gas tỉnh Khánh Hòa: Quy định vừa quá sức vừa bất hợp lý
Nghị định 19 về quản lý kinh doanh gas đặt ra yêu cầu hết sức phi lý và vượt khả năng của DN. Cụ thể, Nghị định yêu cầu DN phải có 100.000 vỏ bình gas và có kho chứa tới 300m3, có 20 tổng đại lý, khiến cho những DN đang kinh doanh phải đầu tư lên tới gần 50 tỷ đồng. Đáng nói là nhu cầu thị trường lại có quy mô nhỏ hơn so với số lượng cung ứng của DN, do đó quy định này vừa quá sức, vừa bất hợp lý và lãng phí.
Ông Trần Trung Nhật, đại diện doanh nghiệp kinh doanh gas ở Tây Ninh: Can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh
Nghị định 19 lằng nhằng, khó hiểu lắm. Riêng kinh doanh gas, khí, từ năm 2010 đến nay, chưa đầy 6 năm ra 2 nghị định. Các điều kiện kinh doanh mâu thuẫn với nhau, khó hiểu, không thực tế, không thực hiện được, gây rất khó khăn cho DN. Nghị định can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh của từng DN, đại lý. Chúng tôi không biết mình kinh doanh hay cơ quan soạn thảo đi kinh doanh.
Suốt ngày DN phải đi đối phó với chính sách, khổ lắm. Làm sao chính sách phải ổn định, thông thoáng, rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện cho người ta làm việc, tạo ra của cải vật chất.
Bà Phạm Thị Huyền Lưu, DN kinh doanh gas ở tỉnh Bình Định: Khó thực hiện với DN vùng sâu, vùng xa
Việc quy định DN phải có số lượng bình LPG các loại (không tính bình LPG mini) đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít là rất khó thực hiện với những DN ở vùng sâu, vùng xa có mật độ dân cư thấp. Để đáp ứng điều kiện trên, DN phải đầu tư ít nhất vài chục nghìn bình gas loại 12 kg. Như vậy, chỉ riêng tiền vỏ bình đã mất 4-5 tỷ đồng, chưa kể các chi phí khác như nhà xưởng, bảo quản và nhân công… Nhưng quan trọng hơn, số vỏ bình này sẽ không dùng hết, tồn trữ lớn và cũng chỉ để đối phó với điều kiện kinh doanh.
Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ công tác Thi hành Luật DN: Xin đừng giết DN bằng chính sách
Một loạt chính sách của Bộ Công thương có nhiều bất cập. Đó là nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo, về kinh doanh phân bón, về kinh doanh gas, và “kinh khủng nhất” là Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Những quy định trong các nghị định trên rất bất hợp lý. Trước có thể đúng, giờ lại sai. Trước có thể hợp pháp giờ là trái Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Nếu duy trì những chính sách này không thể không nghi ngờ rằng, có phải những DN lớn muốn diệt DN nhỏ hay không? Như thế, thương nhân liệu có thành thương hại không, có thành nạn nhân của chính sách như này không? Bộ Công thương phải có trách nhiệm giải tỏa các nghi ngờ trên. Xin đừng giết DN bằng chính sách. Hãy để DN bị giết bằng thị trường, cạnh tranh, chất lượng.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: DN Việt Nam có thể lớn mà không mạnh
Ngành Công thương thường có điều kiện kinh doanh về phân bón, xăng dầu, gas,… can thiệp thái quá vào thị trường. Trong khi, quy mô của DN dựa vào cung cầu của thị trường, nhà nước không nên can thiệp. Các điều kiện kinh doanh phân biệt quy mô này sẽ hạn chế khởi nghiệp. Ai cũng muốn DN Việt Nam lớn mạnh. Nhưng hạn chế DN nhỏ, thì DN Việt Nam có thể lớn mà không mạnh. Lớn mà không mạnh thì khi đó còn nguy hiểm nữa.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương: Không có chuyện cố tình giết DN nhỏ, bảo vệ DN lớn
Chúng tôi đang rà soát trình Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định 19 và rất lắng nghe các ý kiến đóng góp về các sửa đổi đó. Cái tâm của người soạn thảo không xấu. Đừng nghĩ những người soạn thảo Nghị định này “bóp” DN, hạn chế quyền kinh doanh của DN. Mục tiêu của họ chính đáng, cách làm có thể chưa chuẩn. Xin các anh các chị đừng buộc tội những người làm chính sách đang cố tình giết DN nhỏ, bảo vệ DN lớn. Không có chuyện đó. Có thể người ta xây dựng pháp luật theo triết lý của ngày hôm qua, chưa kịp thay đổi cho ngày hôm nay. Như thế, hãy phát biểu, hãy nói với họ điều đó để họ thay đổi. Họ đang ở đây, lắng nghe và sẵn sàng thay đổi.
Lê Minh
——————————————————————————–
Thời báo Doanh nhân (Kêt nối doanh nghiệp) 29-9-2016:
(174/1.256)