1.051. Xử lý tranh chấp tài chính, tín dụng: Ưu tiền dân sự trước hình sự

(DĐDN) – Việc xử lý tranh chấp tài chính, tín dụng thời gian qua luôn ưu tiên giải quyết trách nhiệm hình sự trước rồi mới đến trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, trao đổi với DĐDN, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, trọng tài viên (VIAC) cho rằng, tư duy này không phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Theo LS Trương Thanh Đức, khi các vụ việc tranh chấp liên quan đến tài chính, tín dụng mà bị xử lý hình sự thì trách nhiệm dân sự thường có hiệu quả rất thấp. Bên bị thiệt hại thường rất khó thu hồi được tiền và tài sản từ người đã phải chịu trách nhiệm hình sự.

– Như vậy, việc cơ quan thi hành án dân sự khó thu hồi được tiền và tài sản từ nhiều vụ án lớn về tài chính thời gian qua có nguyên nhân từ cách thức xử lý các vụ án của cơ quan tố tụng, thưa ông?

Thời gian qua, những vụ án liên quan đến tài chính, tín dụng khi đã phát hiện có dấu hiệu phạm tội hình sự hoặc đủ căn cứ khởi tố hình sự thì trách nhiệm dân sự bao giờ cũng xếp sau. Bởi vì quan niệm trách nhiệm với nhà nước lớn hơn trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân.

Kết quả là vấn đề làm rõ trách nhiệm dân sự của các vụ án như trên thường không được cụ thể và khó có khả năng thực thi. Đơn cử như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, số tiền liên quan đến vụ án cả chục nghìn tỷ đồng mà không thể thu hồi được. Việc làm rõ trách nhiệm dân sự giữa các bên về vấn đề tài chính cũng chung chung. Trong khi, vấn đề giải quyết tranh chấp tài chính tại các vụ án như vậy vốn rất phức tạp và cần phải có một hội đồng xét xử chuyên nghiệp về tài chính.

Để giúp cộng đồng DN và người dân phòng tránh được rủi ro, nâng cao kỹ năng xử lý, giải quyết tranh chấp, Hiệp hội Ngân hàng VN phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Xử lý tranh chấp tín dụng tại trọng tài và tòa án” vào ngày 27/4.

Vụ án như Vinashin hay Bầu Kiên cũng vậy, trường hợp Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Vianshin và Trần Văn Liêm – TGĐ Vinashin cơ quan thi hành án dân sự chỉ thi hành được hơn 2 tỷ đồng trong khi tổng số tiền phải thi hành trên 1.000 tỷ đồng…

Gần đây những vụ kinh doanh đa cấp và sự biến tướng của nó cũng gây những hậu quả nhức nhối trong xã hội. Những kẻ chủ mưu thì đã bị kết tội hình sự, còn người dân thì hầu như không đòi được đồng nào. Những đồng tiền mà các đường dây đa cấp trá hình lừa đảo được chạy đi đâu? Đáng ra cơ quan tố tụng phải truy tìm đến cùng đồng thời với xử lý hình sự thì thiệt hại tài chính rất có thể sẽ được giảm bớt đáng kể.

– Bộ luật Hình sự sửa đổi và Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi sắp có hiệu lực cũng đã chú ý nhiều đến vấn đề thu hồi tài sản. Ông đánh giá thế nào về những quy định mới này?

Những quy định như vậy mang tính tiến bộ, giúp cho việc thu hồi tài sản cho nhà nước đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, với tổ chức và cá nhân có tranh chấp với các bị cáo thì vẫn chưa được chú trọng. Thực tế đã có những vụ án mà ngân hàng bị mất tiền oan từ cách xử lý của cơ quan tố tụng.

Tuy nhiên, tôi chỉ lưu ý tới những nguyên tắc xét xử cơ bản trong dân sự và hình sự. Với các vụ án hình sự thì phần trách nhiệm dân sự trong vụ án đó là một quyết định áp đặt của cơ quan tố tụng. Còn với vụ án dân sự thì cả hai bên đều đưa ra bằng chứng và lý luận tranh tụng của mình để làm rõ vấn đề. Một hội đồng xét xử cũng chuyên nghiệp hơn trong xử lý tranh chấp tài chính. Do đó, kết quả về phần xử lý tài chính chắc chắn sẽ triệt để và hiệu quả hơn.

– Nhưng việc thu hồi tài sản trong các vụ tranh chấp liên quan đến tài chính thời gian qua còn phụ thuộc vào một yếu tố rất quan trọng nữa là khó xác định được tài sản còn lại của các bên, thưa ông?

Trong nền kinh tế tiền mặt hiện nay, việc xác định tài sản của các tổ chức, cá nhân vô cùng khó. Để giải quyết được vấn đề này thì chỉ có cách duy nhất là kiểm soát thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, chúng ta đang có quy định thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên phải qua ngân hàng.[1] Tuy nhiên, quy định này hầu như không mấy tác dụng. Người dân vẫn thanh toán với nhau hàng chục tỷ đồng bằng tiền mặt.

Nếu chúng ta kiểm soát thanh toán không dùng tiền mặt chặt chẽ như áp dụng đối với quản lý ngoại tệ thì mọi việc sẽ khác. Khi người dân chưa quen thì chúng ta có thể quy định nâng mức khống chế thanh toán không dùng tiền mặt lên cao hơn khoảng 100 triệu đồng/giao dịch. Đây còn là vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng. Do vậy, chúng ta phải giải quyết thật triệt để quy định thanh toán không dùng tiền mặt.

– Nếu nói về tính chuyên nghiệp của hội đồng xét xử đối với các vụ án liên quan đến tài chính, ông có thể so sánh giữa tòa án và trọng tài?

Với tòa án thì sự phân cấp hiện nay cho phép các tòa án cấp quận, huyện cũng có thể xét xử hầu như mọi vụ án liên quan đến tài chính, tín dụng. Trong bối cảnh, những tranh chấp về tín dụng đang gia tăng. Nền kinh tế càng hội nhập sâu rộng thì những tranh chấp về tín dụng sẽ ngày càng phức tạp. Do đó, sự đòi hỏi độ chuyên sâu, chuyên nghiệp của khiến năng lực của tòa án kể cả cấp thành phố cũng chưa đáp ứng được.

Tuy nhiên, với trọng tài thì lại khác. Hiện nay, chúng ta có 15 trung tâm trọng tài. Tất nhiên cũng có những trung tâm trọng tài mới thành lập hoặc chỉ có vài trọng tài viên. Nhưng nếu nhìn vào Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thì có thể thấy, VIAC có khoảng 10 trọng tài quốc tế và đầy đủ các trọng tài viên là những chuyên gia đầu ngành của mọi lĩnh vực kinh tế.

Thực tế, hầu hết các hợp đồng kinh tế có liên quan tới một bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài thì đều có chế định trọng tài. Một trong những lý do cơ bản để các tổ chức, cá nhân trong nước lựa chọn tòa án không nằm ngoài yếu tố xin – cho, với chi phí không chính thức và các mối quan hệ. Trong khi, trọng tài thì không thể sử dụng các yếu tố như vậy.

– Xin cảm ơn ông! 

 Bá Tú thực hiện

————–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Kinh doanh & Pháp luật) 27-4-2016:

http://enternews.vn/xu-ly-tranh-chap-tai-chinh-tin-dung-uu-tien-dan-su-truoc-hinh-su.html

(1.303/1.303)

[1] Chỗ này là để khấu trừ VAT, chứ không phải là quy định chung.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,918