(VTV.vn) – Luật sư Trương Thanh Đức – Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Công ty Luật ANVI đã đưa ra những bài học kinh nghiệm dành cho các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp sau vụ việc phiên chợ container Fashion Feast
Trong thời gian vừa qua, sự kiện chợ phiên Container Fashion Feast đầu tiên tại Hà Nội bị đình chỉ hoạt động đã để lại nhiều tiếc nuối trong lòng nhiều bạn trẻ. Nguyên nhân hội chợ bị đình chỉ là bởi thiếu giấy phép kinh doanh và chưa có sự chuẩn bị hoàn tất cho sự kiện. Được biết chợ phiên Container là một dự án khởi nghiệp của một bạn trẻ 9x, vậy những người có ý muốn start up khởi nghiệp thì sẽ cần phải chuẩn bị thêm những gì về mặt thủ tục, giấy tờ hay pháp lý để tránh dẫm lại vết xe đổ của Fashion Feast? PV VTV News đã có cuộc trò chuyện cùng luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI để giải đáp thắc mắc này.
Xin ông cho biết để thực hiện dự án start up khởi nghiệp thì cần phải chuẩn bị những thủ tục hay giấy tờ gì để đưa ý tưởng kinh doanh vào hoạt động?
Đề khởi nghiệp, trước hết cần lựa chọn mô hình kinh doanh thích hợp nhất. Đó là cá nhân kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp. Cá nhân, hộ gia đình kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh trong trường hợp sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; buôn bán hàng rong, lưu động, quà bánh, đồ ăn, nước uống; buôn chuyến; thực hiện các dịch vụ đánh giày bán vé số sửa chữa, trông giữ, rửa xe; cắt tóc; chụp ảnh,… lặt vặt, có thu nhập thấp (doanh thu không quá 100 triệu đồng/năm).
Nếu chọn mô hình doanh nghiệp thì cân nhắc nên là công ty trách nhiệm hữu hạn một hay nhiều thành viên, công ty cổ phần hay doanh nghiệp tư nhân.
Nếu kinh doanh với quy mô vượt mức không phài đăng ký kinh doanh nói trên nhưng không muốn thành lập doanh nghiệp thì sẽ lựa chọn mô hình hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh có thể là hộ gia đình, là mộtk hay một số cá nhân.
Thủ tục tối thiểu nhất phải tiến hành đầu tiên là đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch đầu tư hoặc đăng ký hộ kinh doanh tại UBND cấp quận, huyện. Trừ 6 ngành, nghề bị cấm kinh doanh, thì doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh bất cứ ngành, nghề nào mà chưa cần phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh. Khi nào doanh nghiệp tiến hành kinh doanh thì mới phải đáp ứng được 267 (đến nay là 268) ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Ngoại lệ một số doanh nghiệp phải bảo đảm các điều kiện kinh doanh trước nếu như thành lập và hoạt động theo 4 đạo luật sau: Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi năm 2010), Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2006 (sửa đổi năm 2010) và Luật Dầu khí 1993 (sửa đổi năm 2000 và 2008). Ngoài ra, một số công ty, tổ chức tương tự như doanh nghiệp nhưng được cấp phép hoạt động mà không phải đăng ký kinh doanh thì theo quy định đặc thù theo quy định của Luật Báo chí, Luật Giáo dục, Luật Luật sư, Luật Xuất bản, Luật Công chứng,…
Trong những sự kiện được tổ chức như chợ phiên container Fashion Feast vừa qua thì cần phải có những giấy phép gì để có thể hoạt động?
Hình thức tổ chức chợ phiên Container Fashion Feast là một cách thức hoạt động kinh doanh mới, chưa được pháp luật quy định một cách rõ ràng, vì vậy có thể hiểu và áp dụng pháp luật rất khác nhau.
Nếu việc tổ chức chợ phiên Container Fashion Feast được tiến hành dưới hình thức hội trợ, triển lãm thương mại, thì phải đăng ký trước ngày 01-10 của năm trước và được Sở Công thương sở tại xác nhận theo quy định tại Điều 34 về “Tổ chức Hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam”, Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 04-4-2006 của Chính phủ “Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại”. Như vậy, thì việc tổ chức chợ phiên phải được doanh nghiệp hoạt động thương mại thực hiện và phải được cấp “Giấy phép”.
Còn nếu chỉ hiểu đơn giản là một hoạt động bán hàng lưu động đặc biệt, chưa đến mức là hội chợ triển lãm như bình thường, thì có thể không đòi hỏi giấy phép. Một hoạt động mới lạ, lần đầu xuất hiện, như vậy, thì hoàn toàn có thể chấp nhận tạo điều kiện cho tổ chức để tránh thiệt hại không cần thiết, rồi chấn chỉnh, hướng dẫn sau.
Luật sư Trương Thanh Đức đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích dành cho các bạn trẻ có ý định start up
Mỗi gian hàng đăng ký bán tại chợ phiên như vậy có cần giấy phép kinh doanh riêng không và nếu thiếu những loại giấy tờ đó thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Mỗi cá nhân hay pháp nhân bán hàng tại chợ phiên không cần phải có giấy phép kinh doanh riêng, mà chỉ cần đáp ứng được các điều kiện về hoạt động kinh doanh tương ứng với doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh hay cá nhân kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, người kinh doanh và các hàng hóa, dịch vụ bán tại chợ phiên phải đáp ứng được các điều kiện kinh doanh liên quan đến 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Nếu một số bạn trẻ lựa chọn cách đi thuê các mặt bằng, gian bán hàng – nơi thuộc một không gian làm việc chung (như ở các hội chợ, chợ phiên) thì sẽ phải đăng ký thế nào?
Trong trường hợp này, thì người bán thuê hoặc mượn địa điểm của đơn vị tổ chức hội chợ, chợ phiên để bán hàng hóa, dịch vụ, Việc này được thực hiện tương tự như thuê địa điểm kinh doanh khác, chỉ có điều đây chỉ là thuê ngắn hạn, tạm thời.
Việc bán hàng hóa, dịch vụ là một hoạt động kinh doanh, vì vậy phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về tư cách của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, về chất lượng, vệ sinh, nhãn hiệu, quảng cáo và các yêu cầu khác như đã được đề cập ở trên.
Vậy những nơi cung cấp không gian, gian hàng thì cần có những thủ tục gì để có thể cung cấp dịch vụ đó?
Pháp luật chưa có quy định cụ thể về điều kiện của đơn vị cho thuê địa điểm, không gian, gian hàng. Tuy là việc cho thuê mặt bằng và có thể là cả nhà, xưởng, nhưng cũng không hẳn là hoạt động kinh doanh bất động sản (trừ trường hợp cho thuê chuyên nghiệp). Vì vậy, có thể nói là được tự do cho thuê vì không thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tất nhiên, các đơn vị ấy phải tuân thủ các quy định liên quan về kinh doanh, hợp đồng, nộp thuế,…
Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ khi bắt đầu star up về tham khảo các luật, giấy tờ cần thiết cũng như tìm người có kinh nghiệm để tư vấn về pháp lý ở đâu để tránh việc lặp tại tình trạng đáng tiếc như Fashion Feast?
Muốn khởi nghiệp thành công thì phải có nhiều yếu tố như ý tưởng kinh doanh, khả năng triển khai và hành động thực tế. Phải sẵn sàng đối mặt với nhiều việc khó khăn, băn khoăn, lo lắng khi khởi nghiệp, nhưng đừng quên yếu tố pháp lý. Đó chính là yếu tố hiển nhiên nhưng nhiều khi bị bỏ qua, vì tưởng như vô thưởng, vô phạt. Nếu lãng quên, thì nó rất dễ bất ngờ xuất hiện, trở thành vật cản lớn, thậm chí đánh sập cả thành quả khởi nghiệp. Vì vậy, hãy tìm hiểu kỹ lưỡng trên mạng, qua bạn bè và tốt nhất là tham vấn ý kiến các luật sư có kinh nghiệm về kinh tế, thương mại.
Xin cảm ơn ông!
Minh Đức
————–
VTV.vn (Đời sống) 28-4-2016:
http://vtv.vn/doi-song/fashion-feast-va-nhung-bai-hoc-rut-ra-khi-lam-start-up-20160427210346126.htm
(1.476/1.476)