(DĐDN) – Những quy định như DN kinh doanh gas phải có 100.000 vỏ bình, kinh doanh gạo phải có khó chứa 5.000 tấn thóc… đã và đang “giết chết” các DNNVV.
Kho gạo DN tư nhân Ngọc Đài – Sa Đéc.
Nhiều DN đã và đang bị “giết chết”
Kể từ khi Nghị định 19/2015 về kinh doanh khí có hiệu lực ngày 15/5/2016, đến nay, các DN kinh doanh gas như ngồi trên “đống lửa” vì luôn thường trực nguy cơ bị “xóa sổ” bất cứ lúc nào. Nghị định yêu cầu DN phải có 100.000 vỏ bình gas và có kho chứa tới 300m3, có 20 tổng đại lý. Theo phản ánh của các DN kinh doanh gas đầu mối, quy định này chí có khoảng chục hơn “ông lớn” đang kinh doanh gas đáp ứng được. Phần lớn các DN đầu mối kinh doanh gas tại các tỉnh đều không thể đáp ứng và có nguy cơ phải phá sản hoặc bán lại DN cho các “ông lớn”.
Ông Trần Trung Nhật – Giám đốc Cty Gas Thái Dương (Tây Ninh) cho biết, cả tỉnh Tây Ninh hiện nay nhu cầu hàng tháng cũng chỉ 25.000 bình gas. Như vậy, một DN đầu mối theo tiêu chuẩn của Nghị định 19 có thể cung cấp gas cho 4 tỉnh như Tây Ninh. Ngoài các TP lớn nhà Hà Nội, TP HCM có khoảng chục DN đầu mối kinh doanh gas, còn lại phần lớn mỗi tỉnh chỉ có 1 DN đầu mối kinh doanh gas. Nếu phải đầu tư theo yêu cầu của Bộ Công thương đặt ra, DN của ông Nhật sẽ phải bỏ ra khoảng 80 tỷ đồng và thừa ¾ công suất. Điều này là ngoài khả năng của DN và phi thị trường.
Chính vì vậy chỉ cần “phong thanh” Bộ Công thương bàn về vấn đề điều kiện kinh doanh có liên quan tới kinh doanh gas là lập tức các DN đầu mối kinh doanh gas từ khắp cả nước tức tốc chạy về để kêu cứu. Cũng tương tự như các lần họp gần đây, hội nghị lấy ý kiến góp ý về thủ tục hành chính ngành công thương ngày 27/9 vừa qua có tới 44 DN kinh doanh gas từ Bắc chí Nam chủ động “bay về” xin được lãnh đạo Bộ “ra tay cứu vớt”.
Tưởng rằng các DN kinh doanh gas như vậy là đã quá khổ vì những chính sách của cơ quan nhà nước ban hành. Đại diện của 50 DN nhập khẩu ô tô còn có phần ghen tỵ khi họ không có cơ hội lên tiếng. Ông Nguyễn Tuấn – Giám đốc Công ty Thiên An Phúc cho biết, các DN gas đã có cơ hội đến Bộ Công thương đối thoại. Hơn 300 DNNVV nhập khẩu ô tô đã “chết gần hết” từ 5 năm qua vì quy định của Thông tư 20/2011. Với yêu cầu phải có giấy ủy quyền chính hãng chỉ những “ông lớn” – DN liên doanh với nước ngoài mới đủ điều kiện nhập khẩu ô tô. Các DNNVV đã hết cửa kinh doanh từ lâu.
Không chỉ có DN gas và DN nhập khẩu ô tô, những năm qua rất nhiều quy định áp đặt về quy mô DN đã tạo lợi thế cho các DN lớn và “ép chết” các DN nhỏ. Ngành kinh doanh gạo cũng phải gánh chịu quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP.
Theo đó, DN xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Nghị định 202/2013/NĐ-CP về “Quản lý phân bón”, sau đó là Thông tư số 29/2014 của Bộ Công thương quy định, công suất tối thiểu của cơ sở sản xuất phân bón vô cơ tùy từng loại 1.000 – 10.000 – 50.000 – 100.000 tấn/năm. Rồi đến Nghị định số 83/2014 về “Kinh doanh xăng dầu”. DN kinh doanh xuất khẩu xăng dầu phải có cầu cảng chuyên dụng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn; Có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu tối thiểu 15.000 m3…
Thực tế, rất nhiều DN đã “chết” vì các điều kiện kinh doanh mang tính quy mô nói trên, và họ không còn cơ hội lên tiếng trước các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.
Tư duy lỗi nhịp
Quyền tự do, tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và DN đã được hiến định trong Hiến pháp 2013. Luật DN 2014 đã thể chế hóa quyền này. Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN & Luật Đầu tư, Trọng tài viên VIAC, tại khoản 2, Điều 7, Luật DN 2014 về “Quyền của DN” đã quy định, “DN tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.”
LS Đức cho rằng, sự can thiệp quá sâu của các cơ quan nhà nước khi ban hành những quy định áp đặt về quy mô DN còn vi phạm ngay các quy định đã có từ lâu. Đó là quy định tại khoản 2 về “Phân biệt đối xử giữa các DN”, khoản 4 về “Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN”, tại Điều 6 về “Các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước” của Luật Cạnh tranh năm 2004. Điều này cũng đi ngược lại các nguyên tắc của Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về “Hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020”.
Nhưng một điều cũng rất đáng lo ngại là tư duy của những cán bộ trực tiếp soạn thảo chính sách cần phải được cải thiện. Trong khi các DN gas đang lao đao và có nguy cơ phá sản từ chính sách do Bộ Công thương tạo ra, thì một đại diện là Phó Vụ vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước bà Lê Thị Nga lại có cách so sánh rất thiếu thiện chí. Bà Nga cho rằng, 44 DN gas tìm đến Bộ Công thương này cần so với 10 nghìn DN kinh doanh gas. “Tại sao khi xây dựng Nghị định, Thông tư các DN không có ý kiến gì” – bà Nga phản ứng lại các DN.
Tuy nhiên, cũng không hiểu số liệu mà bà Nga đưa ra 10.000 DN kinh doanh gas ở đâu? Bởi thực tế, các DN đầu mối kinh doanh gas hiện nay cũng chỉ hơn 100 DN (theo số liệu gần đây của Bộ Công thương). Hầu hết các tỉnh chỉ có 1 DN đầu mối kinh doanh gas, thậm chí có tỉnh còn chưa có DN. Theo một số DN, họ đã có văn bản đóng góp ý kiến khi xây dựng chính sách gửi Sở Công Thương các tỉnh nhưng đều không thấy phản hồi.
Với tư cách là đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, tâm người soạn thảo Nghị định không xấu, không ai có ý định giết DNNVV. Ý tưởng của người soạn thảo là thiết lập lại thị trường. Tuy nhiên, ông Khánh cũng phải thừa nhận, tư duy can thiệp vào quy mô DN để thiết lập lại trật tự thị trường là không còn phù hợp. Do đó, tiến tới, Bộ Công thương sẽ phải rà soát để bãi bỏ những quy định không cần thiết nói trên để tạo thuận lợi cho DN.
Ông Nguyễn Minh Đức – Ban Pháp chế VCCI:Thui chột tinh thần khởi nghiệp
Những quy định điều kiện kinh doanh mang tính quy mô luôn ảnh hưởng trực tiếp tới các DNNVV, làm thui chột tinh thần khởi nghiệp. Điều kiện này là sự can thiệp thái quá của nhà nước vào thị trường bởi quy mô phụ thuộc cung cầu và nếu không hợp lý thì DN tự điều chỉnh.
Cách quản lý như vậy là phi thị trường. Nếu muốn khuyến khích tinh thần khởi nghiệp như Nghị quyết 35 của Chính phủ thì phải nhanh chóng rà soát, loại bỏ những điều kiện nói trên.
Ông Lê Văn Bình – Giám đốc Cty Minh Chánh (Bình Định):DN đang hoạtđộng hợp pháp thànhphi pháp
Các DN kinh doanh gas chúng tôi đang hợp pháp thì điều kiện về quy mô DN của Bộ Công thương biến chúng tôi thành hoạt động phi pháp. Bộ Công thương đang muốn các DN nhỏ phải gộp lại thành một DN lớn bằng một quyết định hành chính. Đây là một cách làm không tuân theo nguyên tắc của thị trường. DN chỉ có thể lớn lên từ cạnh tranh lành mạnh như tiết giảm chi phí, quản trị hiện đại, cung cấp sản phẩm chất lượng ra thị trường…
Những quyết định hành chính can thiệp vào thị trường chỉ khiến thị trường trở nên xấu đi. DN hoặc chết hoặc có sức cạnh tranh kém. Người tiêu dùng cũng sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi vì không được sử dụng những sản phẩm, dịch vụ tốt.
Ông Nguyễn Đình Quyết – Giám đốc Cty TNHH Hưng Hà:Câu hỏi về lợi ích nhóm
Những DN lớn, DN liên doanh được hưởng lợi lớn từ những quy định mang tính giới hạn quy mô. Thông tư 20/2011 của Bộ Công thương “giết chết” hơn 300 DNNVV nhập khẩu ô tô. Những lập luận về mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay đảm bảo trật tự thị trường khi chỉ còn lại các DN nhập khẩu ô tô lớn đều là ngụy biện. Dư luận đang đặt câu hỏi về vấn đề lợi ích nhóm ở đây.
Bá Tú
———————————————————————————–
Diễn đàn Doanh nghiệp (Cải cách hành chính) 02-10-2016:
http://enternews.vn/dieu-kien-kinh-doanh-cua-bo-cong-thuong-dn-dang-chet-vi-bi-ap-dat-quy-mo.html
(229/1.697)