1.055. Đừng để thương nhân thành “nạn nhân”

(ĐT) – Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định thủ tục hành chính ngành công thương năm 2016, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư nêu vấn đề, thương nhân liệu có đang trở thành “nạn nhân” của những chính sách không còn phù hợp?

Để được cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu, thương nhân phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe. Ảnh: Lê Tiên

Đòi hỏi quá cao, quá nhiều

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nhiều chính sách trước đây có thể đúng và hợp lý tại thời điểm chính sách đó được ban hành nhưng đến thời điểm này đã không còn đúng và rất cần phải xem xét lại. Điển hình, nhiều chính sách đưa ra đòi hỏi quá cao, quá nhiều về quy mô kinh doanh. Đơn cử, với Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, yêu cầu DN xuất nhập gạo phải có ít nhất một kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc (4.900 tấn là không được), một cơ sở xay sát thóc gạo có công suất 10 tấn thóc/giờ, kho chứa phải thuộc sở hữu của DN.

Thực tế, khi triển khai thực hiện Nghị định trên, nhiều DN đã không đáp ứng được một số quy định của các bộ, ngành, nhất là quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan đến cơ sở xay sát, sấy thóc, kho bãi. Một số DN cho rằng, quy định này khiến cho họ lúng túng, bởi muốn xây dựng hệ thống kho chứa, cơ sở xay xát đủ tiêu chuẩn phải có mặt bằng, thời gian và nguồn vốn khá lớn.

Với Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh xăng dầu, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đây là quy định “kinh khủng” nhất, bởi những quy định nêu trong Nghị định dường như chỉ để dành cho một vài “ông DN lớn”. 

Theo Nghị định 83, để được cấp Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, thương nhân phải đáp ứng một loạt các điều kiện như: DN phải có cầu cảng chuyên dụng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở dầu có trọng tải tối thiểu là 7.000 tấn, có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu tối thiểu 15.000m3; sau 3 năm kể từ ngày cấp Giấy phép kinh doanh XNK xăng dầu, DN phải có vốn sở hữu hoặc đồng sở hữu góp vốn tối thiểu 51% đối với hệ thống kho đủ đáp ứng tối thiểu 10 ngày cung ứng, tức là bằng 1/3 mức tối thiểu 30 ngày;…

Theo ông Đức, về thực tế cũng như cơ sở khoa học, trước đây, các quy định nêu trên có thể đúng, nhưng bây giờ thì cần phải xem xét lại. Những quy định này đang bộc lộ rất nhiều bất cập và trái với Luật Đầu tư, Luật DN. Cụ thể, các quy định hiện hành đang vi phạm Khoản 2 Điều 7 về quyền của DN trong Luật DN năm 2014. Một trong những quyền của DN là được tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, chủ động lựa chọn ngành nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, chủ động điều chỉnh quy mô và ngành nghề kinh doanh. DN thích quy mô nào thì vận dụng quy mô đấy; không thích làm DN thì làm hộ kinh doanh, từ hộ kinh doanh có thể lên thành tập đoàn tư nhân… 

Thay đổi tư duy đúng hôm qua, không đúng hôm nay

Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh xăng dầu là quy định “kinh khủng” nhất, bởi những quy định nêu trong Nghị định dường như chỉ để dành cho một vài “ông doanh nghiệp lớn”

Cho rằng nhiều quy định về điều kiện kinh doanh hiện không còn phù hợp và cần phải được xem xét lại, ông Đức nhấn mạnh: “Chúng ta đang hướng đến mục tiêu xây dựng nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh, Nhà nước cần phải đảm bảo sự ổn định nhất quán, dễ dự báo của chính sách”.

Dưới góc độ chuyên gia nhiều năm tư vấn cho DN, ông Đức đặt vấn đề, Bộ Công Thương đang đặt ra những quy định về quy mô, số lượng ở nhiều ngành nghề khiến cho không ít DN nhỏ không thể tham gia thị trường. Không chỉ ngành ô tô hay khí gas, mà lĩnh vực khác như gạo, phân bón, xăng dầu… cũng đặt ra những yêu cầu tương tự, khiến không ít DN nhỏ không thể tham gia thị trường.

Theo ông Đức, những quy định này đi ngược lại những nguyên tắc về hỗ trợ và phát triển DN theo Nghị quyết 35 của Chính phủ. Việc hạn chế quyền kinh doanh đã khiến cho các DN, luật sư và chuyên gia đặt ra câu hỏi và nghi ngờ rằng liệu chính sách có đang loại bỏ DN nhỏ?

Đại diện cơ quan quản lý, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ, xin đừng buộc tội những người xây dựng chính sách đang cố tình “bức tử” các DN nhỏ và bảo vệ các DN lớn. Không ai có ý định “giết” DN nhỏ và vừa. Ý tưởng của người soạn thảo là thiết lập lại thị trường. “Có thể những người làm chính sách đang xây dựng một triết lý của ngày hôm qua, chưa kịp thay đổi theo triết lý của ngày hôm nay”, ông Khánh nhìn nhận.

Ông Khánh cũng đề nghị giới chuyên gia, luật sư, DN hỗ trợ Bộ Công Thương thay đổi tư duy vốn đã đúng trong ngày hôm qua, nhưng không đúng trong ngày hôm nay. Trong quá trình đó, các bên hãy đến với nhau một cách xây dựng, chứ không nên buộc tội nhau.

Nguyễn Việt

———————————————-

Đấu thầu (Pháp luật) 03-10-2016:

http://baodauthau.vn/phap-luat/dung-de-thuong-nhan-thanh-nan-nhan-27637.html

(757/1.043)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,735