(TBNH) – Một số DN vẫn có thể bị từ chối giải quyết thủ tục với những lý do như: không có cơ sở pháp lý, chưa có hướng dẫn hay là hướng dẫn được ban hành chậm, việc thực hiện thủ tục cho DN cũng không thống nhất ở các địa phương…
Sau một năm thi hành, Luật Đầu tư và Luật DN đã tạo ra môi trường nhiều thuận lợi, thông thoáng và khá an toàn cho cộng đồng DN Việt, tạo nên làn sóng thành lập DN mới. Nhưng đây cũng là một năm rất nhiều vướng mắc được liên tục nêu lên, liên tục được các cơ quan chức năng tháo gỡ. Và việc sửa luật một lần nữa lại được nói đến.
Theo ông Lê Xuân Hiền (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư) vướng mắc ở nội tại luật cũng có nhưng rất ít, còn vướng mắc do mâu thuẫn giữa các luật và rào cản bởi các luật chuyên ngành gây ra quá nhiều.
Còn ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ: Vui khi thấy trong cộng đồng DN đã có một niềm tin, một tinh thần phấn khởi về những cải cách mà luật mang lại. Cạnh niềm vui vẫn là nỗi buồn vì những bất đồng liên quan tới luật. Một số DN vẫn có thể bị từ chối giải quyết thủ tục với những lý do như: không có cơ sở pháp lý, chưa có hướng dẫn hay là hướng dẫn được ban hành chậm, việc thực hiện thủ tục cho DN cũng không thống nhất ở các địa phương…
Vướng mắc do mâu thuẫn giữa các luật và rào cản bởi các luật chuyên ngành gây ra vẫn còn nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của các DN |
Những vướng mắc phát sinh thời gian qua phần lớn do có sự khác nhau giữa Luật DN, Luật Đầu tư và luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, nhà ở, bất động sản và các ngành dịch vụ chưa mở hoặc mở hạn chế đối với các nhà đầu tư và DN có vốn đầu tư nước ngoài… trong đó thủ tục đầu tư đất đai xây dựng tồn tại nhiều khó khăn nhất cho DN.
Theo hai luật, thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tương đối tách bạch so với thủ tục về DN. Nhưng khi thực hiện thì “câu hỏi thường xuyên nhận được là thế thì thực hiện thủ tục nào trước, thực hiện thủ tục đầu tư trước hay đăng ký kinh doanh trước”, ông Hiếu cho biết. Như vậy, những cải cách của hai luật chưa phát huy được tác dụng, và đang gặp lực cản nhất định bởi những luật khác chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
“Thực tiễn thi hành hai luật cho thấy các cơ quan Nhà nước ở địa phương và DN đã gặp không ít vướng mắc và lúng túng trong thực thi và tuân thủ đúng, đủ, kịp thời quy định của luật và nghị định hướng dẫn”, TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM tổng kết. Lúng túng do chưa hiểu đúng và áp dụng đúng, một số khái niệm chưa được hiểu thống nhất. Khái niệm chưa được hiểu thống nhất thì hướng dẫn ở các địa phương, các cơ quan khác nhau cũng có những khác biệt.
Quá trình thực thi cũng gặp nhiều vướng mắc bởi “cả người nhà nước” và cả DN vẫn có những người “không hiểu, không thuộc bài, tư duy cũ”. Thế nên luật tiên tiến nhưng tư duy cũ khiến việc thực hiện đúng quy định của luật thêm khó. “Vướng nhất, khó nhất là tư duy theo luật mới chậm được thay đổi. Một số cán bộ Nhà nước thì hiểu lơ mơ, không thuộc bài, hướng dẫn không kỹ, nhiều khi bắt DN làm cái không cần, cái cần thì lại không biết mà hướng dẫn cho DN”, ông Hiền nói.
Chuyện bắt DN làm cái không cần cũng được Luật sư Trương Thanh Đức (thành viên Tổ công tác thi hành luật), dẫn ra, đó là: theo Luật DN, trong hồ sơ đăng ký thành lập DN, tùy theo loại hình DN, người thành lập phải có bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác chứ không bắt buộc phải có lý lịch tư pháp. Thế nhưng, có những trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập DN vẫn phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh.[1]
Hay như Nghị định 78/2015/NĐ – CP về đăng ký DN quy định “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập DN hoặc DN nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký DN theo quy định”. Nhưng thực tế là Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn đỏi hỏi DN phải chứng minh “quyền được dùng căn hộ để làm trụ sở công ty”.
Thực tế thì một số DN vẫn bị đòi trình giấy phép của các bộ chuyên ngành khi đăng ký thành lập DN cho dù ngành nghề không phải là ngành nghề có điều kiện kinh doanh, đơn cử như sản xuất phim phải có giấy phép của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch.
“Những tư tưởng cải cách của hai luật còn chưa phát huy có hiệu quả, một số văn bản hiện hành chưa phù hợp với tinh thần cải cách của luật, gây khó khăn cho DN”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông kết luận.
Ông nói: môi trường kinh doanh đang ngày càng trở nên cạnh tranh như một xu hướng tất yếu, các cơ hội kinh doanh liên tục xuất hiện, nhưng cũng sẽ thay đổi chuyển biến không ngừng tạo nên những thách thức đặt ra yêu cầu cao và đòi hỏi lớn về khả năng thích ứng, linh hoạt với tình hình mới. Các văn bản quy phạm pháp luật cũng phải kịp thời sửa đổi để hoàn thiện hơn phù hợp với thực tiễn.
Bản dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh đang được lấy ý kiến đóng góp nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật DN và Luật Đầu tư. Mục tiêu là hướng đến Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, kiến tạo và phục vụ, đẩy mạnh phương thức quản lý Nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được cụ thể hóa hướng đến tăng cường liên thông đồng bộ giữa các thủ tục đầu tư và các thủ tục khác.
Thứ trưởng Đông đề nghị các ngành, các cấp địa phương đồng lòng phối hợp thực hiện cùng tháo gỡ bất cứ vướng mắc gì xảy ra để cùng phát triển. “Quy định như nhau, nhưng ở đâu địa phương lãnh đạo tỉnh với các sở, ngành có quyết tâm chính trị cao, tuân thủ theo pháp luật tốt thì sẽ đạt được kết quả cao hơn. Chúng tôi mong sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan và lan tỏa tinh thần này đến từng nhân viên”, Thứ trưởng đề nghị.
Linh Đan
————————————————————-
Thời báo Ngân hàng (DN – DN) 03-10-2016:
http://thoibaonganhang.vn/chi-vi-tu-duy-cham-thay-doi-54243.html
(110/1.306)
[1] Không đúng ý. Luật bắt.