1.156. Phương Trang: “Chúng tôi đã nhịn quá nhiều rồi”

(ANTT)  – Đại diện Phương Trang khẳng định đang bị ngân hàng xử ép trong khi mình mới là người “chơi đẹp”.

Phương Trang tố cáo CB ‘giam’ lỏng khối tài sản thế chấp 14.500 tỷ của mình, trong đó bất động sản chiếm tới 98%.

“Thực ra tôi không muốn đôi co trên mặt báo thế này đâu. Tôi muốn một cuộc đối thoại công khai có sự tham gia của báo chí, qua đó công luận có thể chứng kiến được cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với ngân hàng. Tôi không hiểu tại sao CB là bên đưa ra thông cáo báo chí trước, tuy nhiên sau đó lại từ chối sự có mặt của báo chí trong cuộc họp 14/6?”, ông Phạm Đăng Quan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư Phương Trang mở đầu buổi làm việc với ANTT.VN ngày 20/6.

Trước đó, cuộc họp giữa Phương Trang và Ngân hàng Xây dựng (CB) vào ngày 14/6 đã không diễn ra như dự kiến, sau khi nhà băng từ chối sự tham dự của các cơ quan báo chí. Đại diện Ngân hàng Xây dựng ngay sau đó lại mời báo chí tới một buổi tiếp xúc riêng chính tại trụ sở cơ quan này.

“Liệu có hay không ẩn khuất gì ở đây mà họ lại làm vậy?”, ông Quan đặt câu hỏi.

Người đại diện Phương Trang tiếp tục: “Nếu chúng tôi là Ngân hàng, ngay sau vụ lùm xùm này chúng tôi đã phải tổ chức ngay một cuộc họp báo để giải đáp những khúc mắc của dư luận, nhưng họ không có làm vậy, trong khi chúng tôi làm cái việc đáng ra họ phải làm thì CB lại từ chối hợp tác”.

Vì sao nên nỗi?

Ngược dòng sự kiện, giai đoạn 2010-2011, Công ty CP Đầu tư Phương Trang cùng các đối tác kinh doanh có giao dịch tín dụng với Ngân hàng Đại Tín – Trust Bank. Tuy nhiên mâu thuẫn nhanh chóng xảy ra khi dư nợ gốc trong sổ sách 2 bên lệch nhau tới…6 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, từ tháng 5/2010 tới 31/12/2011, Công ty CP Đầu tư Phương Trang và các Đối tác kinh doanh khẳng định chỉ nhận được 3.436,496 tỷ đồng từ CB trên tổng số tiền giải ngân 9.469 tỷ đồng của 47 khoản vay và 1 khoản mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Ngược lại, Ngân hàng Đại Tín (sau này là CB) khẳng định trên sổ sách giấy tờ, Phương Trang còn nợ 9.437 tỷ đồng trên tổng số tiền giải ngân 9.469 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Đăng Quan, thực tế qua nhiều lần đối chiếu số liệu sổ sách lưu giữ tại ngân hàng CB có sự chứng kiến của các đại diện củaNHNN và cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an cho thấy rõ: Tại các thời điểm phải giải ngân tiền vay cho khách hàng thì hầu như Ngân hàng Đại Tín không có dòng tiền, không có đủ tiền để cho vay vì vậy đã không giao tiền hoặc giao không đủ tiền cho Phương Trang và các đối tác liên quan. Nhưng sau đó số dư nợ vay vẫn được ghi khống cho Phương Trang và các đối tác kinh doanh, dẫn đến chênh lệch hơn 6 nghìn tỷ đồng.

“Các hồ sơ sổ sách ở ngân hàng có dấu hiệu sửa chữa, làm khống rồi ghi nợ cho Phương Trang là rất nghiêm trọng”, ông Quan nói.

Từ tháng 4/2012 tới tháng 10/2015, 2 bên đã tổ chức tới 12 buổi làm việc nhằm giải quyết khúc mắc trên, trong đó đáng chú ý là 2 buổi kiểm kê công nợ có sự tham gia của cơ quan công an điều tra (C46) và đại diện Ngân hàng Nhà nước vào tháng 12/2014 và tháng 10/2015, tuy nhiên vẫn chưa đi đến thống nhất cuối cùng.

Ông Quan khẳng định Phương Trang bị dính nợ quá hạn không phải bởi doanh nghiệp này không trả nợ, mà là do Ngân hàng đòi nợ vô lý và hời hợt trong việc xử lý các khoản nợ của Phương Trang:

“Chúng tôi chỉ ghi nhận nợ 3.436,496 tỷ đồng đối với CB. Họ đòi hơn 1 đồng chúng tôi cũng không trả và không thể trả. Trên thực tế, Phương Trang đã nhiều lần đưa ra những biện pháp hữu hiệu để thanh toán khoản nợ trên, cũng có nghĩa là giải phóng khối tài sản thế chấp 14.500 tỷ của chúng tôi, nhưng nhà băng tỏ ra thiếu hợp tác, liên tục lần lữa, khiến nợ của chúng tôi bị nhảy nhóm”.

Được biết trong buổi làm việc ngày 28/1/2015, phía Phương Trang đã đưa ra phương án hoán đổi tài sản đảm bảo bằng sổ tiết kiệm kỳ hạn 1 năm, tự động tái tục cho đến khi có quyết định cuối cùng của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

“Ngoài phương án hoán đổi tài sản đảm bảo bằng sổ tiết kiệm nêu trên, kính đề nghị CB và các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp khác để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải phóng tài sản và CB có thêm nguồn tiền”, đại diện Phương Trang khẳng định trong biên bản cuộc họp 28/01/2015.

Giải pháp trên đã được Phó TGĐ CB ông Phạm Văn Đạt ghi nhận và đại diện NHNN ông Trịnh Đình Nho đồng ý về mặt nguyên tắc. Ông Đạt trong văn bản trên khẳng định chậm nhất đến ngày 06/02/2015, CB sẽ gửi giá trị hoán đổi tài sản bảo đảm cho nhóm khách hàng Phương Trang.

Tuy nhiên trao đổi với ANTT.VN, ông Phạm Đăng Quan cho biết cho tới thời điểm này vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào của CB về đề xuất trên của doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã rất thiện chí với phía ngân hàng. Phương Trang sẵn sàng chuộc lại số tài sản đã cầm cố bằng tiền mặt. Tranh chấp diễn ra 4-5 năm qua khiến hơn 14 nghìn tỷ tài sản thế chấp của chúng tôi gần như vô dụng, thậm chí xuống cấp, như 211 xe ô tô thế chấp giờ gần như chỉ còn sắt vụn, khối bất động sản khổng lồ để hoang hóa, cỏ mọc lút đầu”, TGĐ Công ty CP Đầu tư Phương Trang, người đại diện quyền lợi cho các khách hàng Phương Trang búc xúc, nhấn mạnh:

“Trên thực tế, chúng tôi đã tiến hành khởi kiện Ngân hàng Đại Tín từ năm 2012 để đòi lại khối tài sản nhằm tiến hành kinh doanh. Trong các buổi làm việc sau đó, chúng tôi nhiều lần đề nghị sự tham gia của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an điều tra Bộ Công an, điều này thể hiện tính minh bạch của chúng tôi. Phương Trang chẳng có gì khuất tất, phải giấu diếm cả”.

Ông Quan tỏ ý nghi ngờ khả năng nắm vấn đề của lãnh đạo CB hiện nay:

“Khoản nợ của chúng tôi tại CB hiện nay đã trải qua nhiều lần đổi chủ của ngân hàng này. Tôi nghĩ có khả năng những người đứng đầu CB không nắm được chính xác vụ việc. Ngay từ thông cáo báo chí đầu tiên, CB đã khẳng định Công ty Xe khách Phương Trang nợ 3,4 nghìn tỷ. Tôi cam đoan Xe khách Phương Trang không có bất cứ khoản nợ nào ở CB. Việc không rõ ràng về mặt thông tin cũng được thể hiện khi CB nhiều lần lập lờ các con số. Ví dụ 3.436 tỷ đồng thì lại bảo là khoảng 3.000 tỷ đồng. 47 khoản vay và 1 khoản trái phiếu thì lại bảo là khoảng 50 khoản vay”.

Doanh nghiệp có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại

Trả lời ANTT.VN về vấn đề trên, Luật sư Phạm Hoài Nam, đoàn Luật sư TPHồ Chí Minh cho biết: “Khi vụ việc đang được Tòa án thụ lý giải quyết, chưa có kết luận cuối cùng mà Ngân hàng CB công bố khoản nợ của Công ty CP Đầu tư Phương Trang trên báo chí có thể được xem là tiết lộ bí mật thông tin khách hàng, và có thể đã vi phạm hợp đồng tín dụng mà các bên đã ký kết; Mặt khác, phía CB còn công bố nhầm đối tượng nợ gây thiệt hại cho bên thứ 3 không liên quan đến vụ việc. Phía Công ty CP Đầu tư Phương Trang và Công ty CP Xe khách Phương Trang hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường về vấn đề này”.

Luật sư Phạm Hoài Nam, đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, nguyên Phó TGĐ Maritime Bank cho ANTT.VN biết ông cũng không đồng tình với việc loan báo tình trạng nợ nần của Phương Trang đối với CB trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Thông thường thì trong các hợp đồng tín dụng, nhà băng và doanh nghiệp có thể có những điều khoản cho phép ngân hàng thực hiện nhiều biện pháp để ép bên đi vay phải trả nợ. Tuy nhiên nói sao thì nói, quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Các tổ chức tín dụng 2010, không cho phép công bố thông tin của khách hàng như cái cách CB đã làm vừa qua”.

Trao đổi ngắn với ANTT.VN sáng ngày 20/6, ông Đỗ Tất Khá, Phó TGĐ CB chuyên trách xử lý nợ xấu cho biết chỉ thực hiện đòi nợ Phương Trang theo sổ sách kế toán để lại. Ông Khá nguyên là Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh Sài Gòn. Đầu năm 2015 ông được chỉ định về làm thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ CB sau khi NHNN mua lại nhà băng này với giá ‘0 đồng’.

Trước câu hỏi tại sao từ chối báo chí tham gia cuộc họp ngày 14/6 với Phương Trang, ông Khá cho biết CB hiện là ngân hàng 100% vốn nhà nước, vì vậy những động thái nhạy cảm như trên phải xin phép NHNN.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin.

Nghi Điền – Thủy Tiên

————–

An ninh Tiền tệ (Sự kiện) 22-6-2016:

http://antt.vn/phuong-trang-chung-toi-da-nhin-qua-nhieu-roi-0119516.html

(137/1.763)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,759