1.060. “Rào cản rất nhiều, doanh nghiệp cứ nơm nớp lo sợ vi phạm luật”

(Biz) – Nhân dịp kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư BizLIVE tổ chức toạ đàm BizTALK “Ngày Doanh nhân bàn về xoá bỏ rào cản kinh doanh”. 

Toàn cảnh BizTALK “Ngày Doanh nhân bàn về xoá bỏ rào cản kinh doanh”. Ảnh: Quang Sơn.

Toạ đàm BizTALK “Ngày Doanh nhân bàn về xoá bỏ rào cản kinh doanh” đang diễn ra tại phòng toạ đàm tầng 5, Toà nhà FLC Landmark, Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

BizTALK có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân/đại diện doanh nghiệp uy tín, đầu ngành trong nhiều lĩnh vực nhằm đưa ra những vướng mắc đang tồn tại và đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Khách mời tham gia tọa đàm gồm:

– Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

– Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

– Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH True Milk

– Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

– Ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji

– Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cengroup

– Bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ thuế và tư vấn Ernst & Young Việt Nam

– Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hanoi Milk

– Ông Phí Ngọc Trịnh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm

 Ông Marko Walde – Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK)

– Ông Susumu Sato, Phó giám đốc Văn phòng Jetro Hanoi

– Ông Trần Sỹ Sơn, Giám đốc PYS Travel

 Toàn cảnh BizTALK. Ảnh: Quang Sơn

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng biên tập BizLIVE.vn cho biết BizLIVE nhận thức sâu sắc doanh nhân là đối tượng đóng góp lớn cho cộng đồng. Hiện nay, chính quyền các địa phương cũng đã có nhiều hoạt động tôn vinh doanh nhân trên thực tiễn.

Chủ đề chính của Biztalk lần này là xóa bỏ những rào cản chính đang ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân. BizLIVE coi đây là một trong những hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nhân, tôn vinh doanh nhân Việt Nam – những chiến sĩ trên chiến trường kinh tế.

Thảo luận sẽ chia làm hai phần. Phần I bàn về nghị quyết 35 của chính phủ, có nội dung nhiều doanh nghiệp quan tâm. Nghị quyết này không chỉ giúp hỗ trợ doanh nghiệp mà còn tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ đánh giá lại sau 5 tháng triển khai xem những kết quả bước đầu đạt được như thế nào.

Phần II sẽ là thảo luận tập trung về một số lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản, tài chính, FDI,… Với sự tham dự của các nhà đại diện công ty nước ngoài, kiểm toán quốc tế và công ty luật, tọa đàm sẽ bàn về rào cản đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đồng thời, một số câu chuyện phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp, xem có vướng mắc cần gì cần tháo gỡ cũng được đề cập.

Trên cơ sở thông tin được đăng tải trực tiếp trên BizLIVE.vn, tọa đàm hôm nay sẽ được tổng hợp thông tin gửi tới các cơ quan chức năng.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI: Chúng ta đang sống trong một thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng. Tất cả đều phải thay đổi, dù muốn hay không muốn, vấn đề là chúng ta thay đổi tích cực hay không.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP thuộc hàng cao nhất trong khu vực và thế giới, nhưng đang có xu hướng chậm dần.

Không chỉ Việt Nam, các nền kinh tế khác đều đang đặt ra câu hỏi nguồn lực nào để phát triển. Trong đó nổi lên là sự cạnh tranh giữa các khu vực và quốc gia, giữa các doanh nghiệp và các sản phẩm.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI. Ảnh: Quang Sơn  

VCCI đã kết hợp với Hội đồng kinh doanh ASEAN và Trường Đại học Lý Quang Diệu để xếp hạng mức độ cạnh tranh của các nước trong khu vực. Kết quả cho thấy thông tin không lạc quan đối với Việt Nam. Các tiêu chí môi trường tài chính, hạ tầng cơ sở cho thấy Việt Nam đứng cuối bảng so với các nước ASEAN.

Lực cầu trên thế giới đang thay đổi, các khu vực kinh tế đang hình thành. Ví dụ như hiệp định TPP bao trùm trên 800 triệu người dân, ASEAN có 600 triệu dân.

Về cung, đang có sự thay đổi do các yếu tố về công nghệ. Chính phủ Việt Nam đang nêu rõ doanh nghiệp là trọng tâm của sự thay đổi kinh tế đất nước. VCCI đang là đơn vị được giao trách nhiệm đầu tầu thực hiện nghị quyết 35. Với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp có chất lượng, trong thời gian qua chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức và cơ quan pháp lý xây dựng hệ thống luật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện nay chúng ta đang xây dựng một luật dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Luật này nếu được thông qua sẽ gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo số liệu khảo sát của VCCI mới đây về nhận thức hiểu biết về các chương trình hội nhập thế giới của Việt Nam, thì các doanh nghiệp FDI là những doanh nghiệp có hiểu biết hơn, nhận thức rõ hơn so với doanh nghiệp nội.

Đặc biệt, gần đây, khi Thủ tướng có các chuyến thăm Nga, Trung Quốc, Mông Cổ… VCCI cũng đã tổ chức các đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng để doanh nghiệp tiếp cận hơn với thị trường, có cơ hội mở rộng đầu tư.

Chúng tôi cũng đã có chương trình tập hợp những kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp tới các cơ quan chức năng, nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể cho họ.

Sắp tới, nên chăng chúng ta cũng cần vinh danh nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, doanh nhân thành công.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết 35 là giải quyết vấn đề giữa địa phương và doanh nghiệp. Vậy phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã làm gì để triển khai vấn đề này?

Ông Đoàn Duy Khương: Nội dung hợp tác giữa các chính quyền địa phương và doanh nghiệp là nhằm tạo thông tin hai chiều. Cụ thể là làm thế nào doanh nghiệp hiểu rõ chính sách của địa phương, chính phủ và ngược lại, làm sao đưa thông tin phản hồi từ doanh nghiệp đến được với cơ quan chức năng để giải quyết nhanh chóng và đúng lúc, đúng chỗ.

Cùng với đó, VCCI cũng tổ chức tư vấn, đào tạo để doanh nghiệp có thể học tập, gặp gỡ, xúc tiến hợp tác kinh doanh. Đây cũng là một trong những vấn đề Thủ tướng đã giao trong Nghị quyết 35.

Còn nhiều băn khoăn để ra một luật thực sự tốt cho doanh nhân

Anh Nguyễn Anh Tuấn: Trong trình bày vừa rồi có nói về luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi biết Bộ kế hoạch đầu tư cũng đã có một số ký kết. Mời ông bình luận thêm về điều này.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM: Trước khi đi vào câu chuyện về luật doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi muốn khái quát một chút về những cải cách cho các doanh nghiệp. Hiện kinh tế Việt Nam đang có những bước ngoặt. Thành tựu nhiều nhưng thách thức cũng nhiều hơn.

Chúng ta phải nhìn lại những cải cách. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy trong vài năm gần đây, những cải cách về hành chính có thay đổi về cách hành xử của bộ máy nhà nước với doanh nghiệp. Không chỉ minh bạch hơn mà còn thân thiện hơn.

 Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM). Ảnh: Quang Sơn

Thứ hai là tạo dựng một môi trường cạnh tranh minh bạch và môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, không chỉ hướng đến xóa bỏ các rào cản, mà còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Đó chính là tinh thần của Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 của Chính phủ. Kết quả bước đầu tốt nhất là sự ra đời và thành lập của các doanh nghiệp mới. Số doanh nghiệp được thành lập dự kiến sẽ cao nhất trong năm nay.

Luật DNVVN tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Luật này hiện nay tinh thần thì tốt nhưng có vài khó khăn: Nước nào cũng vậy, 95-97% là doanh nghiệp nhỏ, không có nguồn lực nào có thể hỗ trợ tất cả. Nên đôi khi đâu đó trong luật, các câu có tính khẩu hiệu nhiều, và như thế tính ràng buộc thấp.

Thứ hai, hỗ trợ nhưng không được làm méo mó thị trường, vi phạm cam kết quốc tế. Đi vào thực tế, nó động chạm rất nhiều luật khác và các cam kết quốc tế. Muốn hỗ trợ một nhóm, một lĩnh vực thì không phải dễ.

Có những cái hỗ trợ được như xúc tiến thương mại, thì nó lại liên quan đến nguồn lực, khả năng tiếp cận. Cho nên cá nhân tôi cho rằng tinh thần thì tốt nhưng để thực hiện hóa thì còn nhiều đắn đo suy nghĩ để ra một luật thực sự tốt cho doanh nhân.

Cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất. Mặc dù luật có nhiều chiều cạnh, nhưng nó vẫn chưa thể lý giải tất cả các lý do vì sao doanh nghiệp Việt Nam khó trưởng thành và lớn mạnh.

Có bốn lý do. Một là quyền tài sản, thứ hai là quyền cạnh tranh trong đó có các doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba là các yếu tố sản xuất: đất đai vốn, môi trường sản xuất, và thứ tư là chi phí giao dịch quá cao. Đây là yếu tố quan trọng nhất.

Theo tôi, Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được đắn đo, suy xét kỹ và từ giờ cho tới cuối năm luật này khó mà được thông qua.

Luật DNVVN khó được thông qua trong năm nay?

Ông Đoàn Duy Khương: Tôi đồng ý với dự báo của ông Thành, luật này khó được thông qua trong năm nay, bởi việc làm luật ở Việt Nam khác với các nước khác trong khu vực. Cụ thể các nước sẽ theo những trường phái luật khác nhau.

Tại Việt Nam, đối tượng không được tham gia nhiều trong quá trình xử án, mà chủ yếu là qua cơ quan điều tra, quan tòa kết luận. Nên không giải quyết nhanh được vấn đề.

Hiện nay, Hong Kong được coi là một trong những nước có bức tranh trong sạch về luật, xử lý rất nhanh việc kiện tụng và quan tòa cũng rất dễ để thay thế. Đây là điều khó có thể thấy ở Việt Nam.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: Quan tòa Luật Thương mại ở Hong Kong xử rất nhanh vì đã có án lệ. Tuy nhiên, việc xử ở Việt Nam còn chậm và việc làm luật ở Việt Nam có khác so với các nước trong khu vực.[1]

Nghị quyết 35 là một dạng cụ thể hóa để triển khai các luật lệ kinh doanh. Hiện có hai rào cản pháp lý, đó là rào cản tổng thể và rào cản cụ thể (các điều kiện kinh doanh). 

 Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. Ảnh: Quang Sơn

Các rào cản tổng thể lớn nhất và quan trọng nhất hiện nay là sở hữu đất đai toàn dân. Gần đây, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đang làm mạnh về vấn đề tích tụ ruộng đất, tuy nhiên xóa bỏ hạn mức đất đai chỉ mới là “râu ria”, chứ chưa đi vào tổng quát.

Nhiều doanh nghiệp phải “làm sai” mới có quy mô lớn được, còn làm theo kiểu đơn lẻ, hộ nông dân thì rất khó.

Luật Đất đai đang là rào cản lớn nhất trong hoạt động kinh tế, đó là hệ quả của sở hữu toàn dân. Nếu kinh tế nhà nước cứ là chủ đạo thì kinh tế tư nhân chỉ là bán đạo. Đó là rào cản lớn nhất. 

Ba năm trước chúng ta bàn sửa Hiến pháp nhưng vẫn chưa sửa được. Giờ thì thời thế khác rồi, nên tôi cho rằng cộng đồng doanh nghiệp nên tiếp tục có những kiến nghị sửa Hiến pháp. Nhất là ba lĩnh vực chính rào cản kinh doanh, tiêu chuẩn kĩ thuật, thủ tục hành chính. [2]

Các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội vẫn chưa định hình được. [3] Bộ Công Thương là bộ khuyến khích cạnh tranh. Tuy nhiên các quy định của Bộ vẫn tạo ra rất nhiều rào cản như quy định về gas, về đất. [4] Các quy định này không cho phép doanh nghiệp nhỏ tham gia thị trường, tạo độc quyền cho các doanh nghiệp lớn.

Ngoài ra còn có các rào cản kỹ thuật. Ví dụ tiêu chuẩn về sữa là do các doanh nghiệp tự công bố. Các tiêu chuẩn về du lịch thì hiện nay mỗi khách sạn có một tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn về sao của khách sạn hiện nay do khách hàng cảm nhận. Tôi từng đến một khách sạn 4 sao nhưng lại có cảm nhận chỉ bằng chỗ 2 sao khác. [5]

Do đó, việc thông qua luật về doanh nghiệp lần này vẫn là quá hấp tấp. [6] Có thể mình tạo ra luật này lại gây ra sai sót khác.

Các rào cản hành chính hiện nay rất lẫn lộn với rào cản kinh doanh

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Vấn đề kiểm soát xuất nhập khẩu ô tô thay bằng thông tư 20 lại được chuyển sang cục đăng kiểm để kiểm soát về chất lượng, việc thay đổi này có tạo sự thay đổi gì không với vấn đề xuất nhập khẩu ô tô trong nước?

Ông Trương Thanh Đức: Theo phản ánh của doanh nghiệp ô tô thì không có sự thay đổi nào cả, có nguy cơ thông tư 20 chuyển thành thông tư 21, và thông tư 21 thì chẳng “dễ thở” hơn thông tư 20 chút nào.

Vừa rồi, Bộ Giao thông vận tải đã có vài dự thảo để thay thông tư 20, nhưng những dự thảo này có xu hướng giống thông tư 20, quản chặt hơn việc nhập ô tô với quan điểm bảo vệ người tiêu dùng. 

 “Các rào cản hành chính hiện nay rất lẫn lộn với rào cản kinh doanh”, ông Trương Thanh Đức. Ảnh: Quang Sơn

Tuy nhiên, lý do như vậy là không hợp lý, bởi ô tô không phải là thực phẩm, ăn vào là chết, nó có chứng nhận của nhà sản xuất, nhiều loại giấy tờ chứng nhận đi kèm, không “mượn” nhà nước lo thay lo hộ. Người tiêu dùng đủ thông minh để lựa chọn những gì họ cần, họ muốn và của họ.

Tôi được Bộ Tư pháp và các cơ quan khác đánh giá là một trong những người đóng góp tích cực nhất. Nhưng đôi khi bố có quá nhiều dự thảo, tôi không đủ sức để góp ý. 

Các rào cản hành chính hiện nay rất lẫn lộn với rào cản kinh doanh. Không quan trọng các doanh nghiệp tự sản xuất hay thuê ngoài, miễn là họ đáp ứng được các tiêu chuẩn là được. Tuy nhiên, muốn thỏa mãn được điều kiện kinh doanh, các doanh nghiệp lại phải qua nhiều thủ tục hành chính. 

Làm tù mù nhất là pháp lý, còn các thủ tục hành chính hiện nay rất nhiều. Thủ tục hành chính của chúng ta chỉ có một nghị định, đã “chỏng chơ” nhiều năm rồi. [7] Còn các bộ tha hồ “vẽ” ra các thủ tục, làm hộ luật cho Quốc hội. 

Tôi chuyên đi tư vấn về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhưng động đến thủ tục hành chính nào cũng “chết”, ví dụ như chuyển trụ sở văn phòng cũng rất phức tạp mặc dù doanh nghiệp đã mua đứt trụ sở mới rồi. [8]

Các quy định kinh doanh hiện nay đang “chặn” các doanh nghiệp dân doanh, và mở cửa cho các doanh nghiệp “quan doanh”. Mặc dù một số quan chức không được kinh doanh nhưng họ có sân sau, nên tha hồ kinh doanh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo luật sư nói thì nổi cộm nhất là Luật đất đai làm cho thị trường méo mó. Vấn đề thứ hai có sự lẫn lộn giữa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh như trường hợp thông tư 20. Một khía cạnh khác luật sư cũng nói đến là trong chỉ đạo điều hành, thay vì xóa bỏ độc quyền lại tạo độc quyền, không bình đẳng. Những doanh nghiệp mà anh gọi là “quan doanh” tạo quá nhiều bất bình đẳng.

Liên quan đến quá trình vận hành văn bản pháp luật, lúc ban hành cần có sự tham khảo các doanh nghiệp, ông Trần Sỹ Sơn đã bao giờ được tham vấn ý kiến về luật này chưa?

Ông Trần Sỹ Sơn – Giám đốc PYS Travel: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất ít khi có cơ hội được tiếp cận việc đóng góp ý kiến cho luật.

Hiện thực hóa ý tưởng của chính phủ là vấn đề lớn và khó khăn

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo bà Hương Vũ bà có quan điểm gì về các rào cản mà các vị diễn giả trước đã nêu. Có gì khác ngoài những câu chuyện trên không?

Bà Hương Vũ – Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam: Chúng tôi đã tham gia từ dự thảo luật cho đến thông tư và đồng hành cùng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi họ mới vào Việt Nam. Chúng ta nói rất nhiều về chính sách, đặc biệt là nghị quyết 35 để biến Việt Nam thành đất nước ủng hộ các DNVVN và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bà Hương Vũ – Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam. Ảnh: Quang Sơn

Đọc nghị quyết 35 mới thấy Thủ tướng rất quan tâm đến hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng làm sao để cụ thể hóa nghị định vào thực tế thì rất khó, bởi sau nó là thông tư, các giấy phép con ở dưới nữa. Đặc biệt vướng mắc ở vấn đề thu thuế, hoàn thuế.

Ngay cả các cán bộ thu thuế, hoàn thuế cũng luôn mang trong đầu tư duy áp đặt với nhà đầu tư, người trả thuế một cách cứng nhắc, gây khó khăn. Vì thế, hiện thực hóa ý tưởng của chính phủ là vấn đề lớn và khó khăn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Có ví dụ cụ thể nào cho thấy việc đối kháng giữa người thu thuế với doanh nghiệp không?

Bà Hương Vũ: Chính sách luôn hướng tới là đơn giản, dễ hiểu, nhất quán, nhưng chính sách không phù hợp thực tiễn. Việt Nam nói hội nhập quốc tế, bao nhiêu doanh nghiệp đa quốc gia đã vào Việt Nam, nhưng sổ sách kế toán vẫn phải in ra, trong khi đối với một công ty thực hiện 20, 30 ngàn nghiệp vụ mỗi ngày thì một năm lấy đâu ra chỗ để lưu những hồ sơ về các nghiệp vụ đó?

Yêu cầu gửi bản mềm thì cơ quan thu thuế không nghe, sau đó doanh nghiệp không nộp được đủ thì không hoàn thuế, làm họ phải chạy khắp nơi để có thể đủ giấy tờ bản cứng để hoàn được thuế. Đây là quyền được thụ hưởng của doanh nghiệp mà họ phải đi xin, cậy cục.

Tiếp theo là khâu hành thu. Hội nhập quốc tế cho các doanh nghiệp đa quốc gia vào, họ bỏ ra nhiều tiền để mua hệ thống khai thuế. Họ không có thói quen của các cán bộ thuế, đó là sau khi hoàn thành một khoản nào đó, cán bộ thuế đòi hỏi thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay thực hiện việc khai thuế qua mạng nên những đòi hỏi của các cán bộ thuế là vô lý.

Vấn đề khác là trốn thuế. Việc trốn thuế không đơn giản, bởi các công ty đa quốc gia bỏ ra nhiều triệu USD để mua một hệ thống khai thuế. Có thể do luật thuế của Việt Nam không rõ và các diễn giải của các công ty khác đi, nên có tranh luận giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp.

Chuyển gia chỉ là một công cụ tài chính để tăng lợi nhuận thôi. Chuyển giá không có gì là xấu cả. Vấn đề là Việt Nam có chấp nhận chuyển giá đó không và chấp nhận ở mức độ nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chuyển giá là báo giá cả đầu vào rất cao khi vào Việt Nam nhưng khi bán sang các nước khác, sang công ty mẹ thì sẽ thấp. Nó triệt tiêu lợi nhuận của các doanh nghiệp này. Chính phủ mất đi nguồn thu. Nếu hiểu theo như vậy thì chuyển giá là có vấn đề.

Bà Hương Vũ: Chấp nhận hay không thì hiện Việt Nam cũng có những thông tư về việc chuyển giá. Tức là loại hình hoạt động kinh doanh nhất định sẽ có một tỷ suất lợi nhuận trong một khoảng có trần và sàn. Lợi nhuận của tôi vẫn đảm bảo thì chuyển giá vẫn còn ở mức cho phép.

Ông Võ Trí Thành: Chúng ta phải hiểu thuế và chuyển giá có những trường hợp vi phạm pháp luật. Ví dụ trốn thuế là vi phạm nhưng tránh thuế thì không.

Tương tự với chuyển giá, có những hành vi là vi phạm, có hành vi thì không không. Chuyển giá là công cụ để tối ưu hoạt động giữa tập đoàn lớn và các công ty con. Mới đây Hội nghị thượng đỉnh G20 mới có cuộc họp về vấn đề này. Nhưng bản thân G20 vẫn chưa có những cam kết chung về chuyển giá. Tuy nhiên họ đúc rút ra các phương pháp như sau.

Ông Võ Trí Thành. Ảnh: Quang Sơn

Một là điều chỉnh những quy phạm pháp luật để hạn chế những chênh lệch về thuế giữa nước mình và các nước khác.

Hai là chia sẻ thông tin và phối hợp. Cách kế toán hợp nhất và không hợp nhất. Một cách khác là phối hợp thông tin giữa các cơ quan khác thuế. Ví dụ như thương hiệu và sở hữu trí tuệ.

Một mặt, chúng ta phải nhìn nhận đây là hoạt động tất yếu của thị trường, nhưng mặt khác, ta vẫn phải tìm cách hạn chế các hoạt động bị xem là “lách”.

Ở Mỹ, tỷ phú Donald Trump vừa phát biểu rằng “tôi mới là người sửa luật của nước Mỹ, tôi không trốn thuế”.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Quang Sơn  

Kiến nghị cán bộ thuế phải thay đổi cả chất và hình thức

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Qua quan sát thấy có rất nhiều góp ý đúng về vấn đề thuế tại Việt Nam, cụ thể những giải pháp ông Thành đưa ra khá cụ thể.

Qua thực tế cho thấy có những công ty đa quốc gia nằm trong top 500 thế giới, đầu tư ở các nước rất thành công, nhưng vào Việt Nam 15 năm lại không có lợi nhuận. Điều này chắc chắn đặt ra những nghi vấn và đặt câu chuyện làm sao kiểm tra, giám sát để chống thất thu thuế, chống chuyển giá với các doanh nghiệp nước ngoài.

Liên quan tới việc thu thuế, yêu cầu doanh nghiệp đa quốc gia in sổ sách chứng từ đúng là việc các tập đoàn tiên tiến không làm được, và tới khi nào cơ quan thuế chưa theo kịp được đà phát triển của doanh nghiệp thì vướng mắc này còn tiếp tục.

Cách duy nhất để giải quyết là chính phủ phải điện tử hóa đến từng địa phương, cơ quan quản lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thuế của Việt Nam. Xin chị Hương Vũ cho biết thêm những kiến nghị của doanh nghiệp?

Bà Hương Vũ: Kiến nghị quan trọng mà hàng triệu doanh nghiệp đều quan tâm là cán bộ phải thay đổi cả chất và hình thức, thay đổi là tư duy nghi vấn, áp đặt, đưa ra những nghĩa vụ thuế không hợp lý với doanh nghiệp, sang đào tạo cán bộ thấm nhuần chính sách, hỗ trợ, hợp tác với doanh nghiệp.

Cán bộ thuế hiện không thực chất. Thói quen thu thuế của các cán bộ thuế nhiều năm nay mang tính áp đặt và nghi vấn, có thể xuất phát từ những động cơ khác.

Người đi thu thuế hiện nay mang tính đối kháng. Cục trưởng Cục thuế Hà Nội có nói với tôi: “Tôi đi thu thuế là thu cả lòng dân”. Tuy nhiên, vấn đề là anh truyền tải quan điểm đó đến nhân viên của mình như thế nào.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Vấn đề đạo đức của cán bộ được quy định trong Nghị quyết 35.

Bà Hương Vũ: Chính phủ cần tôn trọng bảo hộ đầu tư. Khi kêu gọi đầu tư, người cấp phép đã cam kết thực hiện các ưu đãi ở bất kì hình thức nào, thì khi thực hiện cần phải thực hiện cam kết rất rõ, để đảm bảo lòng tin của nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư có vấn đề, Bộ Kế hoạch và đầu tư cần phải phối hợp với các bộ khác để thực hiện các cam kết với nhà đầu tư.

Thậm chí có thời điểm Chính phủ kêu gọi đầu tư, cơ quan cấp phép đầu tư đưa ra các ưu đãi lớn hơn so với các luật về thuế, trong khi đó nhà cấp phép và doanh nghiệp cũng không biết. Tuy nhiên, khi đã cấp phép cần phải thực hiện các cam kết đó.

Hiện nay, luật lại không xuất phát từ thực tiễn mà lại sách vở

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Xin hỏi bà Thái Hương, bà có góp ý về môi trường kinh doanh hiện nay?

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH True Milk: Tôi cũng chuẩn bị tinh thần đến đây để góp ý các vấn đề về nông nghiệp. Luật thực sự rất quan trọng với doanh nghiệp, làm sao để mình không được đi sai với đường ray đó.

Tôi nghĩ mọi luật đều xuất phát từ thực tiễn. Nhưng thực tế hiện nay, luật lại không xuất phát từ thực tiễn mà lại sách vở.

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH True Milk. Ảnh: Quang Sơn

Công ty tôi có những công cụ nằm trong danh sách công cụ lao động được ưu tiên rồi, nhưng nhân viên thuế đến lại bảo cái này không có trong biểu thuế, phải áp mức thuế 5% cơ. Đợt vừa rồi tôi ra sân bay xuất ngoại nhưng lại bị nhân viên hải quan giữ lại. Tôi hỏi lý do, thì họ bảo tôi chưa nộp đủ thuế. Hóa ra theo bảng thuế của Nghệ An thì tôi đang là người trốn thuế!

Như ông Đức nói, vấn đề đất đai không đến mức khó khăn. Trong nông nghiệp, từ năm 2008, tôi về Nghệ An tìm đất đầu tư, tôi hỏi chính quyền là lấy đất ở đâu, nhưng ai cũng bảo là hết rồi. Tôi lại nói: Không, tôi thấy còn tận 4 triệu rưỡi hecta đất nông nghiệp trong các nông trường cơ.

Sau đó, tôi lại đi vận động người dân trả lại đất cho chính quyền. Nhưng ít người làm được như tôi. Theo tôi, nhà nước đừng chia đất đất nông trường cho dân nữa, họ không biết làm gì với đất, lại tích tụ đất. Thay vào đó nên chuyển cho doanh nghiệp có năng lực để họ khai thác.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: TH True Milk có vướng mắc gì trong môi trường kinh doanh không, từ hải quan, nhập máy móc, thu thuế?

Bà Thái Hương: Tôi thống nhất với quan điểm của chị Hương Vũ. Khi làm luật họ không căn cứ vào thực tiễn. Việc làm luật hiện nay xa rời thực tiễn nên không thúc đẩy sản xuất, thậm chí còn kìm hãm sản xuất.

Đơn cử như quá trình xây dựng luật như Luật DNVVN, Luật công nghệ cao nhưng họ không hề hỏi ý kiến doanh nghiệp. Khi đã ban hành luật thì “đè” người ta ra thu thuế. Do đó, khi làm luật cần phải bám sát thực tiễn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Còn Doji thì sao thưa ông Dương Anh Tuấn?

Ông Dương Anh Tuấn – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji: Chúng tôi xin nói về mảng đá quý, trang sức. Gần đây các quy định được đưa ra ví dụ như nghị định 24 và Thông tư 22 của Bộ Khoa học Công nghệ với mục đích làm lành mạnh thị trường vàng bạc đá quý Việt Nam.

Thị trường của chúng ta xưa nay vẫn còn mới sơ khai, chưa phát triển minh bạch, mạnh mẽ. Mục đích của các nghị định và thông tư đều hướng tới mục đích tốt, nhưng đây lại tạo ra rào cản và vướng mắc.

Ông Dương Anh Tuấn – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji. 
Ảnh: Quang Sơn

Ví dụ chỉ những doanh nghiệp lớn có điều kiện mới được kinh doanh vàng miếng. Nhưng thực tế chỉ có trên dưới 100 doanh nghiệp đạt các điều kiện này.

Từ khi thực hiện đến nay thì thị trường vẫn hoạt động. Kể cả các cửa hàng nhỏ cũng đang hoạt động nhưng không công khai. Như vậy, có thể thấy luật vẫn còn xa rời cuộc sống.

Ngoài ra như thông tư 22 thì có những sai số về tuổi vàng. Nhưng thực tế việc đo đạc tuổi vàng hiện nay là chưa có. Hệ thống để kiểm soát chất lượng sản phẩm vẫn chưa hoàn thiện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Vậy ông có kiến nghị gì?

Ông Dương Anh Tuấn: Chúng tôi muốn quy định phải dựa vào thực tiễn và khả thi. Hiện nay các quy định hiện nay đặt ra vẫn chưa thực hiện được.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong hàng nghìn quy định đưa ra, cái nào mà doanh nghiệp không thực thi được thì nên bỏ đi, hoặc là tìm cách nào để thực thi bằng được.

Ông Hà Quang Tuấn – Chủ tịch HĐQT Hanoi Milk: Nghị quyết 35 này được ban hành sau ngày cuộc gặp của Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 29/4. Tôi cũng được tham dự buổi gặp mặt hôm đó.

Là người nhiều năm làm doanh nghiệp, từng trải tôi nhận thấy buổi gặp đó và những động thái tiếp theo đều cho thấy Thủ tướng rất mong mỏi muốn gỡ khó giới doanh nhân, doanh nghiệp.

Ông Hà Quang Tuấn – Chủ tịch HĐQT Hanoi Milk. Ảnh: Quang Sơn  

Tinh thần của Nghị quyết 35 là muốn tháo gỡ xóa bỏ rào cản cho doanh nghiệp. Tinh thần nghị quyết sâu rộng và dài hơi, không chỉ năm 2016 mà còn tới năm 2020. Nghị quyết cũng đề ra những mục tiêu tham vọng như 1 triệu doanh nghiệp có năng lực canh tranh. Nghị quyết đã chỉ ra những nguyên tắc quan trọng là tôn trọng quyền tự do kinh doanh doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai… Coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ – tư tưởng đó rất đúng.

Sau đó Chính phủ cũng đưa ra gói 5 giải pháp để thực hiện Nghị quyết đó. Nếu về mặt tinh thần, Nghị quyết 35 hướng tới nền kinh tế thị trường, một Chính phủ kiến tạo.

Và quan trọng là mỗi công chức nhà nước cũng phải ý thức được đó là nghĩa vụ của mình phải làm để doanh nghiệp phát triển.

Với nghị quyết 35, theo tôi đây là chương trình dài hơi nên năm tháng sau ban hành chưa thể hiện được gì nhiều. Tuy nhiên, với nghị quyết này, Thủ tướng đang thổi một luồng gió mới vào thị trường đầu tư, tạo sự phấn khởi cho doanh nhân.

Đồng ý với chia sẻ của mọi người, dưới nghị quyết còn thông tư, trên còn luật pháp cần sửa đổi, nhưng với tinh thần cầu thị, quyết tâm ủng hộ doanh nghiệp chúng ta sẽ làm được, đó là những vấn đề hiện hữu, không phải một sớm một chiều và cần có thời gian.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta đánh giá cao tư tưởng tiến bộ của Nghị quyết 35. Nhà nước cần phải phát huy hơn nữa vai trò của mình như ông Ông Hà Quang Tuấn đã nêu.

Nghị quyết 35 không bàn về vấn đề dài hạn mà là vấn đề trung hạn, chúng ta chỉ còn ít năm nữa để thực hiện các mục tiêu đến năm 2020.

Vấn đề đặt ra là chúng ta cần xem xét là từ nay đến cuối năm chúng ta cần phải thực hiện những gì. Đơn cử như VCCI sẽ kí thỏa thuận với các tỉnh trước tháng 7/2017, trình ra Quốc hội Luật hỗ trợ DNVVN.

Các rào cản đối với các doanh nghiệp rất lớn

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cengroup: Các rào cản đối với các doanh nghiệp rất lớn. Doanh nghiệp chúng tôi có một cảm giác nơm nớp lo sợ vi phạm các quy định pháp luật.

Đơn cử như quy định về bất động sản rất nhiều nên có sự không thống nhất trong cách thực hiện. Có quy định bộ nói được làm, nhưng Thành phố Hà Nội không được. Đến nay chúng tôi vẫn phải gánh chịu hậu quả từ việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, do có nhiều dự án được phê duyệt từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn bị treo.

 Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cengroup. Ảnh: Quang Sơn

Do đó, Nhà nước nên đi thẳng vào mục tiêu Nhà nước muốn gì, chứ không nên quy định quá chi tiết, can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.

Ví dụ, nhà nước yêu cầu chung cư phải có 3 tầng hầm để xe, nhưng chúng tôi có cả một công viên để đỗ xe thì có phải xây hầm nữa không? Hay xây ở ngoại thành Hoài Đức có cần tận 3 hầm không?

Hay về diện tích căn hộ, thì năm 2012 có thông tư cho phép chúng tôi thay đổi cơ cấu căn hộ. Lúc đó chúng tôi giải quyết được rất nhiều căn hộ nhưng những căn nào đến nay đã thay đổi cơ cấu thì hiện nay tắc vì thông tư đã hết hiệu lực từ 2014.

Như vậy chúng tôi mong muốn có sự linh hoạt trong các sản phẩm. Có những quy định không cần đến mức “cứng” như vậy. Và các thông tư hiện nay đang can thiệp quá sâu vào sản phẩm. Chúng tôi muốn có không gian để sáng tạo và muốn có một hành lang thông thoáng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tại sao luật quy định quá chi tiết như vậy?

Ông Võ Trí Thành: Có một số lĩnh vực cần điều kiện kinh doanh. Ví dụ như thông tư 20 gắn với thương mại quốc tế, vì vậy có hai góc nhìn về rào cản. Cái thứ nhất là để bảo hộ thông qua áp thuế cao, hạn ngạch. Cái thứ hai là bảo hộ bằng cách dùng các biện pháp kỹ thuật, quy định rõ ràng.

Việc áp dụng kỹ thuật là nhằm ba mục đích: Đảm bảo sức khỏe an toàn con người; đảm bảo an ninh quốc gia và cuối cùng là bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để áp dụng biện pháp kỹ thuật này phải chứng minh về mặt khoa học là hợp lý.

Ông Võ Trí Thành. Ảnh: Quang Sơn  

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều quốc gia do bảo hộ chính thống giảm dần nên dùng quy trình hành chính để bảo hộ. Về cơ bản, như vậy không vi phạm cam kết quốc tế. Việt Nam đang sử dụng biện pháp này. Nhưng với thông tư 20 thì chúng ta lại không giải trình được mục đích, bởi nếu muốn bảo hộ phát triển ngành ô tô phải nõi nêu rõ là bảo hộ. Bảo hộ thì sẽ có những hạn chế như ít doanh nghiệp có thể tham ra.

Hiện nay, dựa trên tiêu chuẩn đặt ra rào cản kỹ thuật dành cho ngành nhập khẩu ô tô thì chúng ta đang không chứng minh được mục đích khi đặt ra rào cản.

Trước đây chúng ta đã từng dựng rào cản thương mại quốc tế để bảo hộ ô tô, rằng chỉ thông qua hai cửa khẩu, nên một ngày chỉ thông quan được một vài chiếc ô tô.

Còn hiện nay chúng ta đang nhầm lẫn giữa rào cản bảo hộ và kỹ thuật, thiếu giải trình về lý do đặt điều kiện. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sự sáng tạo của doanh nghiệp, thị trường bị đè nén và tạo điều kiện cho nhiều đối tượng trục lợi.

Rào cản “bỏ đi rất ít, thêm vào lại nhiều hơn”

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trước ngày 1/7, báo chí đề cập rất nhiều đó là việc rà soát, bỏ các điều kiện kinh doanh, ban hành 50 nghị định trước 1/7. Ông Trương Thanh Đức đánh giá như thế nào về chất lượng những Nghị định này?

Ông Trương Thanh Đức: Đáng ra, thời gian được cho rất nhiều, nhưng lại để trì trệ rồi cuối cùng phải “vắt chân lên cổ” để làm. Làm rất cập tấp. Chỉ một vài nghị định thay đổi thực sự do viện nghiên cứu thực hiện. Còn nếu cứ để bộ ngành làm thì còn chặt hơn, chứ không thể thoáng hơn được.

Việc sửa Luật đầu tư vào tháng 10 có đề xuất bỏ 67 điều kiện kinh doanh, rất vui nhưng cuối cùng bỏ đi rất ít, thêm vào lại nhiều hơn. 

Quan điểm mới chỉ ở tầm Chính phủ, còn đi vào văn bản chưa có thay đổi gì nhiều. Các bộ ngành vẫn ra sức tìm mọi cách để tạo rào cản.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Nói như ông Đức vẫn còn nhiều điều kiện bất hợp lý. Xin hỏi các ý kiến doanh nghiệp?

Chỉ cần nghị quyết 35 vào thực tiễn thì doanh nghiệp sẽ có rất nhiều cởi trói

Ông Phí Ngọc Trịnh – Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm: Tôi cho rằng nếu Chính phủ thực hiện được đúng như Nghị quyết 35 thì doanh nghiệp sẽ có môi trường cực kỳ thuận lợi.

Trong Nghị quyết 35 chỉ có 10 câu về doanh nghiệp, và quy định chi tiết nhiệm vụ mà các bộ ban ngành phải thực hiện.

Cần phải giải quyết tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Thủ tướng cần phải đi sâu đi sát vào các ngành, bởi các bộ hiện nay vẫn làm theo tính chủ quan.

 Ông Phí Ngọc Trịnh – Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm. Ảnh: Quang Sơn

Do đó, các bộ cần phải thực hiện các nhiệm vụ của mình. Chiểu theo nghị quyết, Chính phủ cần khen thưởng các bộ làm tốt và khiển trách các bộ chưa làm tốt, như vậy Nghị quyết 35 mới đi vào thực tiễn.

Nghị quyết 35 nếu đi vào thực tiễn thì sẽ làm “bà đỡ”, giúp cho doanh nghiệp vẫy vùng trong môi trường kinh doanh.

Còn việc xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chưa cần bàn đến. Cứ phát huy Nghị quyết 35 trước đã, bởi nếu sửa luật bây giờ thì sẽ dẫn đến các vấn đề khác. Chỉ cần nghị quyết 35 vào thực tiễn thì doanh nghiệp sẽ có rất nhiều cởi trói.

Ngoài ra trong nghị quyết 35 có nêu về thái độ của người thu thuế. Hiện nay những cán bộ thuế đến doanh nghiệp là đến với tâm thế của người soi mói. Anh có làm sai tôi mới đến, và tôi đến thì phải có “gì đó”.

Hiện May Hồ Gươm hoạt động ở 9 tỉnh, và 9 đoàn thu thuế thì có 9 tính chất khác nhau. Thái độ của nhân viên thu thuế trong những năm gầy đây có những thay đổi.

Nhưng cái mà các chủ doanh nghiệp mong muốn là những cái khác, nhiều hơn sự thay đổi. Các cán bộ thuế phải tư vấn cho doanh nghiệp, phải đến với tâm thế hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Mà để thay đổi đạo đức của người công chức thì phải thay đổi thu nhập của họ.

Ông Trần Sỹ Sơn, Giám đốc PYS Travel: Bên tôi làm về du lịch cũng gặp phải những vướng mắc chính quyền. Cụ thể là điểm du lịch đảo Cô Tô, Quảng Ninh, là của quân đội trước đây không cho khách nước ngoài vào.

 Ông Trần Sỹ Sơn, Giám đốc PYS Travel. Ảnh: Quang Sơn

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều đoàn du khách nước ngoài đã xin được giấy tờ, thủ tục để vào thăm đảo này, nhưng xuống tới nơi công an xã không đồng ý cho vào, họ cũng không biết tiếng Anh nên không biết cách nào để giải quyết.

Một tháng sau có quyết định đảo Cô Tô được đón khách nước ngoài, nhưng khách nước ngoài vẫn không được xuống đảo vì cán bộ địa phương nói là chưa nghe thấy quyết định đó. Tôi đã in quyết định ra cho họ, nhưng họ không nghe.

Đến khi hết mùa du lịch thì họ bảo họ nhận được quyết định rồi, nhưng lúc đó thì làm gì còn khách.

Ông Võ Trí Thành: Mới đây, Thủ tướng đã giao văn phòng chính phủ đi kiểm tra các địa phương, các địa điểm để kiểm tra về vấn đề thực thi nghị quyết 19 và nghị quyết 35.

Ông Phí Ngọc Trịnh: Hy vọng những cải cách mới mà Thủ tướng đưa nghị quyết sẽ sớm đi vào hiện thực đời sống.

Minh bạch vẫn là điều quan trọng

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta đã dành rất nhiều thời gian để nói về rào cản, những suy nghĩ và kiến nghị Chính phủ. Sang phần này của tọa đàm, chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận sâu về một số lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao. Nông nghiệp đã quan trọng, nông nghiệp công nghệ cao càng quan trọng.

Bà Thái Hương: Đầu tư vào công nghệ cao còn bất cập, Chính phủ chưa đưa ra một chiến lược cụ thể về phát triển nông nghiệp. Có chính sách về ưu tiên phát triển ngành này nhưng không thực tiễn.

Khi đã xây dựng chiến lược rồi, cần xây dựng chính sách cụ thể về đất đai, công nghệ và tiêu chí sản phẩm. Các nước như Campuchia có tiêu chuẩn về một giống lúa rất tốt, tại sao Việt Nam lại chưa làm được?

Bà Thái Hương. Ảnh: Quang Sơn

Trước khi chúng tôi tham gia, Việt Nam nhập khẩu đến 92% sữa bột để pha chế thành sữa nước. Sau đó, ngành sữa giảm dần tỷ lệ nhập bột sữa về pha chế lại.

Nhóm ngành quan trọng này liên quan đến sức khỏe con trẻ, nhưng đến nay chưa có chính sách cụ thể công nghệ cao cho sữa.

Trong nông nghiệp nói chung, cần có một chính sách về công nghệ cao rồi có chính sách bảo hộ cho nó. Nên có chiến lược phát triển những sản phẩm này, chọn những mặt hàng có tính chất chiến lược và có bộ tiêu chí để bảo hộ sản phẩm.

Ông Võ Trí Thành: Cái đầu tiên là bảo hộ bằng thuế, cách thứ hai là phi thuế quan, ví dụ như một số mặt hàng nông sản có quota. Cái thứ ba là các tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng các tiêu chuẩn này phải hợp lý. Để bảo đảm các quy chuẩn này, thì nguyên tắc là phải đối xử công bằng. Các sản phẩm phải đựa trên quy chuẩn kỹ thuật và các sản phẩm này phải hợp theo chuẩn quốc tế.

Bà Thái Hương: Tôi đã đi hàng trăm cuộc họp nhưng vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật ra đời. Sữa hiện nay vẫn chỉ là sữa pha lại. Đơn giản mỗi cái đâu là sữa tươi, đâu là sữa pha lại mà vẫn chưa có. Hai chữ minh bạch vẫn còn là điều quan trọng.

Ông Hà Quang Tuấn: Theo tiêu chuẩn Codex, các sản phẩm sữa được phân ra làm ba cấp: GlobalGap (quốc tế), Natural (tự nhiên) và Organic (hữu cơ).

Thụy Điển đã có bộ tiêu chuẩn về sữa Organic. Về nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam mới chỉ ban hành bộ tiêu chuẩn VietGap, còn xa với tiêu chuẩn về GlobalGap, chứ chưa nói đến hai cấp độ kia.

Ông Đoàn Duy Khương: Công nghệ cao nghĩa là tạo ra giá trị cao. Nhà nước nếu xác định ngành sữa quan trọng thì sẽ có chính sách riêng biệt cho ngành này. Các nước khác có bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp công nghệ cao.

Bà Thái Hương: Vấn đề là Nhà nước cần ban hành một bộ tiêu chuẩn công nghệ cao một cách minh bạch.

Tiêu chí sản phẩm là quan trọng nhất để coi nó là sản phẩm công nghệ cao hay không. Rào cản cuối cùng là về thị trường. Nếu thị trường không minh bạch thì mọi sản phẩm đều bị người tiêu dùng đánh đồng như nhau.

Điều gì khiến người nước ngoài e ngại việc mua nhà ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Về thị trường bất động sản, ông Phạm Thanh Hưng có kiến nghị gì không?

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cengroup: Động cơ nào là lý do để người nước ngoài quan tâm đến bất động sản Việt Nam? Nếu rẻ thì tức là hiện bất động sản Việt Nam không có giá trị. Hiện nay mỗi năm cần có 100 triệu mét vuông nhà ở để thị trường đạt được giá trị cao.

21,5% kiều hối của nước ta đang đổ vào bất động sản. Một nửa số người nước ngoài tại Việt Nam cũng cần mua nhà. Nhưng kể từ khi có nghị quyết 19 của Quốc hội thì sau 5 năm mới có khoảng 200 người nước ngoài mua được nhà và chủ yếu nhờ kết hôn với người Việt Nam. Như vậy bản thân thị trường bất động sản Việt Nam có tạo ra động lực cho người nước ngoài mua nhà không? Và điều gì khiến cho họ e ngại?

Thứ hai là luật đất đai của chúng ta được sửa 4 lần trong 20 năm qua. Tương lai có thể sẽ thay đổi tiếp nên khách hàng hiện nay đang quan sát những sự thay đổi này.

“Mong rằng, người Việt Nam ra nước ngoài mua nhà thế nào thì cũng nên đối xử như khi người nước ngoài vào Việt Nam”, ông Phạm Thanh Hưng nói. Ảnh: Quang Sơn

Chuyển tiền vào Việt Nam đã khó, nhưng chuyển ra lại khiến người ta băn khoăn hơn. Cứ nói nộp thuế đầy đủ rồi chuyển đi thoải mái nhưng không phải thế. Người Việt Nam không được chuyển tiền ra nước ngoài để mua nhà thì làm sao mà lại bắt người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thủ tục bán nhà cho người nước ngoài đã rõ chưa, còn vướng mắc gì không?

Ông Phạm Thanh Hưng: Luật sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2015, ban hành nghị định từ 10/2015. Tháng 12/2015 có thông tư. Thống kê mới cho thấy khoảng 500 người trong 9 tháng được mua nhà, con số này là cao.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trừ liên quan đến an ninh quốc phòng, ông có kiến nghị gì không về vấn đề này?

Ông Phạm Thanh Hưng: Tôi nghĩ rằng đã mở rồi thì nên đối xử bình bằng. Không được như người Việt Nam mua nhà ở Việt Nam nhưng tôi mong rằng, người Việt Nam ra nước ngoài mua nhà thế nào thì cũng nên đối xử như khi người nước ngoài vào Việt Nam.

Không có bộ luật nào hoàn hảo được

Ông Marko Walde – Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK): Từ quan điểm của người đại diện cho các doanh nghiệp Đức, tôi nhận thấy quyền mua bán sử dụng đất các doanh nghiệp không quá quan trọng đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Còn chuyện mua nhà hiện đã đơn giản, nhà đầu tư nếu có ở lâu dài thì sẽ mua nhà ở Việt Nam.

Tôi tôn trọng các bạn, các bạn cần bàn bạc và đưa ra các bộ luật mới. Cá nhân tôi cho rằng nếu chính sách hợp lý, giá cả hợp lý, thì ắt sẽ có nhà đầu tư mua nhà.

Ông Marko Walde – Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK). Ảnh: Quang Sơn

Còn về Nghị quyết 35 của các bạn. Tôi đã từng có nhiệm kì công tác nhiều năm tại Rumania và Ba Lan. Các nước này đã từng trải qua các cải cách kinh tế lớn. Nước Đức phải trải qua một quá trình cải cách “đau đớn” do quá trình sáp nhập hai miền Đông Đức và Tây Đức. Trong khi đó, Ba Lan phải nhận nhiều hỗ trợ từ EU ảnh hưởng của EU trong quá trình cải cách.

Việt Nam hiện đang có những điểm tương đồng với các nước đó một số năm trước đây. Tôi cho rằng Nghị quyết 35 của Chính phủ Việt Nam hiện đang đi đúng hướng nhưng dường như ra đời hơi muộn. Do đó, Chính phủ nên thúc đẩy việc thực thi nghị quyết này để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước.

Không có bộ luật nào hoàn hảo được. Các bạn cần có những bộ luật chung bao trùm các trường hợp để không bỏ sót trường hợp nào nằm ngoài luật. Thêm vào đó là bộ phận hành pháp tại các địa phương phải đồng nhất, không thể có chuyện thanh tra ở Hà Nội thì hành xử một kiểu, trong khi thanh tra ở Đà Nẵng lại hành xử một kiểu khác. Điều tiếp nữa là luật ban hành thì phải thực thi được.

Việc xây dựng luật cần xuất phát từ góc nhìn của một người dân bình thường. Hãy xem những người trồng cà phê tại Tây Nguyên. Khi họ có công cụ rồi, hãy tìm hiểu họ cần thêm hỗ trợ gì nữa, đơn cử như nhân lực, đầu ra…

Cần nghiêm túc khâu hành thu để hiện thực hóa nghị quyết 35

Bà Hương Vũ: Đối với FDI thì các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến việt Nam từ năm 1992. Lúc này đã hơn 20 năm. Các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đã không còn bỡ ngỡ như “con dâu mới về nhà chồng”. Các doanh nghiệp vẫn đang cùng chính phủ làm sao nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia đã nhìn nhận Myanmar đang hấp dẫn hơn vì nước này đang bùng nổ. Chúng tôi sau khi làm việc với các nhà đầu tư đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam chúng tôi nhận thấy mọi cam kết đều phải thực hiện. Kể cả tại thời điểm cam kết là bất lợi thì Việt Nam vẫn phải thực hiện. Ngoài ra Việt Nam đã thông qua tránh đánh thuế hai lần. Có những diễn giải của Việt Nam vẫn chưa phù hợp với các hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

“Chính phủ Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc khâu hành thu, nếu không nghị quyết 35 sẽ khó hiện thực hóa”, bà Hương Vũ nói. Ảnh: Quang Sơn

Một ví dụ là các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam chỉ tư vấn trong 10 ngày thì lương của họ vẫn là doanh nghiệp ở nước ngoài trả. Tuy nhiên tổng cục thuế vẫn yêu cầu đóng thuế thu nhập cá nhân vì người chuyên gia này làm việc chỉ cần một ngày ở Việt Nam là phải thực hiện nghĩa vụ thuế.

Chính phủ Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc khâu hành thu, nếu không nghị quyết 35 sẽ khó hiện thực hóa. Cụ thể, nó giống so sánh của ông Trịnh: Chính sách thì trải thảm đỏ cho doanh nghiệp, nhưng thực tế thì trải đinh dưới tấm thảm đó. Khâu hành thu có vấn đề ở người hành thu, họ sợ trách nhiệm, sợ thu không đủ nên phải tự “đẻ” ra những khoản thu, dù vô lý.

Nhiều khi các anh chị cứ nghĩ là có hối lộ, tham nhũng. Nhưng không phải tất cả đều vậy đâu, có khi là do cán bộ hành thu họ sợ trách nhiệm, nên họ đặt ra thêm một vài điều kiện nữa, đến khi doanh nghiệp không đáo ứng được thì họ không biết là họ đang vô tình gây ra cản trở cho hệ thống.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Làm sao để nâng cao trách nhiệm thưa bà?

Bà Hương Vũ: Không có cách nào khác là thay đổi tư duy. VCCI hãy bàn với các cục thuế địa phương để lập đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh một cách minh bạch. Nhưng phải thực sự là nóng. Chứ đừng như đường dây chết, không ăn thua.

Ông Võ Trí Thành: Ý bà Hương Vũ rất là hay. Nói như vậy thì doanh nghiệp thì sợ bị tội. Quan chức cũng lo mất chức, sợ trách nhiệm. Chứ không hoàn toàn là chỉ vì là ăn chia.

Bà Hương Vũ: Tôi mong muốn một điều, đó là đã đến Tổng cục thuế cũng thay đổi đi. Sao cứ đưa ra danh sách vùng này đạt bao tỷ, vùng kia phải bao tỷ. Sao không nghĩ rằng không có nợ thuế thì đó là tiến bộ của Việt Nam, sao anh chỉ chăm chăm thu thêm bao tỷ.

Ông Susumu Sato, Phó giám đốc Văn phòng Jetro Hanoi: Thời gian trước đầu tư trực tiếp đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam nhiều, nhưng đang giảm dần, ít hơn Đài Loan và Hàn Quốc, năm 2015 khoảng 1,8 tỷ USD với 456 dự án.

Nếu nhìn lại 10 năm trước và bây giờ thì thấy đầu tư đã thay đổi rất nhiều, năm trước đầu tư sản xuất chiếm khoảng 80%, 100% xuất khẩu nước ngoài, Đông Nam Á và vốn ít. Nhưng ngày nay, sản xuất chỉ còn chiếm 35%, chủ yếu là các hoạt động dịch vụ, các công ty thương mại, tư vấn phát triển. Theo nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, họ mong muốn hướng tới thị trường Việt Nam, mang hàng từ Nhật Bản sang Việt Nam để buôn bán và vốn nhiều hơn.

 Ông Susumu Sato, Phó giám đốc Văn phòng Jetro Hanoi. Ảnh: Quang Sơn

Môi trường kinh doanh đầu tư rất cải thiện, tốt hơn trước. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng từ năm 2011 đến bây giờ có nhiều thay đổi, như có nhiều đường bộ, đường tốc độ cao hơn, sân bay Nội Bài cũng được cải thiện, cầu Nhật Tân rất cải thiện…

Môi trường đầu tư cải thiện, môi trường lao động cũng tốt hơn so với nhiều năm trước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhật Bản trả lời cho Jetro cũng có phản ánh một số vấn đề như: Không minh bạch, năm trước sửa Luật đầu tư và doanh nghiệp giữa năm 2015 nhưng thông tư nghị định thì tận cuối tháng 12/2015 mới có hiệu lực.

Cho nên một số nhà đầu tư muốn đầu tư vào Việt Nam thì quyết định không muốn đầu tư vào thời gian này. Mất thời gian nên mất cơ hội thu hút đầu tư.

Một vấn đề nữa, đó là trung ương, các địa phương nhiều khi giải thích luật một cách khác nhau. Đến người phụ trách các lĩnh vực khác nhau cũng giải thích luật khác nhau.

Cho nên doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và hiệp hội sẽ có những buổi thảo luận với hải quan Việt Nam và đề nghị chị Hương Vũ tư vấn. Nếu giải thích như vậy thì tôi nghĩ rằng môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hội thảo đã thảo luận đến một số vướng mắc quy định trong các ngành như nông nghiệp, vàng bạc đá quý, dệt may, vốn đầu tư nước ngoài…

Đây là một câu chuyện có tính thời sự cần phải thảo luận tiếp và thảo luận sâu. Lần tới, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham gia và đóng góp nhiều ý kiến hơn.

 Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm sau tọa đàm

BIZLIVE

———————————————–

BizLive (Kinh doanh) 11-10-2016:

http://bizlive.vn/kinh-doanh/rao-can-rat-nhieu-doanh-nghiep-cu-nom-nop-lo-so-vi-pham-luat-2067499.html

(998/9.880)

[1] Sai: Đây là ý của ông Võ Trí Thành hay bà Hương Vũ.

[2] Sai: 3 năm trước đã có HP mới, chỉ là không sửa được mấy cái vòng kim cô. Sau đề nghị sửa Hiến pháp sao lại gán vào “Nhất là ba lĩnh vực…”?

[3] Sai: Các tổ chức và xã hội chứ không phải là tổ chức xã hội.

[4] Sai: Không nói về gas, về đất mà nói về quy định quy định về quy mô, trong đó có diện tích nhà xướng,.. đối với các lĩnh vực làm phân, xuất gạo, nhập xăng, bán gas, buôn rượu,….

[5] Sai: Nói tiêu chuẩn về sửa là phải do các DN tự công bố và chịu trách nhiệm dựa trên quy chuẩn về sữa theo quy định của pháp luật, chứ Nhà nước không nhầm vai. Nói việc phong giáo sư, xếp hạng sao khách sạn,… không phải là việc của nhà nước. Đây là tiêu chuẩn chất lượng, để cho doanh nghiệp, các tổ chức tự đánh giá. Tránh Nhà nước xem xét chặt chẽ xếp hạng sao, nhưng nếu sau đó không bảo đảm tiêu chuẩn, thì khác nào Nhà nước đánh lừa người tiêu dùng,….

[6] Sai: Điều kiện kinh doanh, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng thì có nhiều luật quy định. Riêng quy định về thủ tục hành chình thì mới chỉ có 1 Nghị định từ mấy năm trước.

[7] Sai: Nói là việc phong giáo sư, xếp hạng sao khách sạn,… không phải là việc của nhà nước. Đây là tiêu chuẩn chất lượng, để cho doanh nghiệp, các tổ chức tự đánh giá. Tránh Nhà nước xem xét chặt chẽ xếp hạng sao, nhưng nếu sau đó không bảo đảm tiêu chuẩn, thì khác nào Nhà nước đánh lừa người tiêu dùng,….

[8] Sai: Không nói chuyên tư vấn về thủ tục hành chính. Còn chuyện chuyển trụ sở là chuyện của Công ty luật, không vướng với DN

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,984