(MTG) – Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam sẽ thu được thuế từ thương vụ chuyển nhượng Big C giữa Tập đoàn Casino và Central Group. Mức thuế suất có thể lên đến 20%, tương đương với 4.600 tỉ đồng – một khoản tiền không nhỏ trong tình hình ngân sách đang khó khăn như hiện nay.
Casino Group – đơn vị sở hữu thương hiệu Big C vừa đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc bán Big C cho Central Group – một tập đoàn của Thái Lan, với giá trị thương vụ lên đến 920 triệu euro, xấp xỉ 1,04 tỉ USD (khoảng 23.300 tỉ đồng).
Do hệ thống Big C có phát sinh thu nhập tại Việt Nam nên nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu ngân sách nhà nước Việt Nam có thu được thuế từ thương vụ chuyển nhượng này?
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI khẳng định, Việt Nam chắc chắn sẽ thu được thuế từ vụ chuyển nhượng Big C.
“Hiện chúng ta vẫn chưa rõ thương vụ chuyển nhượng này cụ thể là những gì, chuyển nhượng bất động sản hay chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu. Tùy thuộc vào nội dung chuyển nhượng mà có hình thức thu thuế khác nhau. Chẳng hạn như chuyển nhượng toàn bộ bất động sản thì sẽ có cách tính thuế khác, còn chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu, thay đổi giấy phép, người đại diện thì sẽ có cách tính thuế khác.
Thông thường, đối với các vụ chuyển nhượng như thế này thì cả hai bên sẽ cùng ngồi xuống để bàn bạc và tìm ra phương án để làm sao cả hai cùng có lợi nhất, tức là tránh được mức đóng thuế cao nhất”, luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
Cũng theo ông Đức, Việt Nam hoàn toàn có thể thu được thuế từ cuộc chuyển nhượng này và mức thu cao nhất là 20% giá trị chuyển nhượng, tương đương với 4.600 tỉ đồng.
Đồng quan điểm với luật sư Trương Thanh Đức, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cũng nhận định, Việt Nam có thể thu được thuế từ thương vụ chuyển nhượng Big C giống như thương vụ chuyển nhượng Metro Việt Nam trước đây.
“Luật M&A (mua bán và sáp nhập – phóng viên) có quy định rất rõ về vấn đề này. Thương vụ chuyển nhượng giữa Casino Group và Central Group cũng tương tự như thương vụ chuyển nhượng Metro Việt Nam và chúng ta hoàn toàn có thể thu được thuế”, ông Phong nói.
Cụ thể, theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản sẽ phải chịu thuế suất 20%.
Trong khi đó, trao đổi trên VTV, ông Nguyễn Đầu, Phó chánh thanh tra Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, mặc dù trụ sở chính của Casino Group và Central Group đều nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng hệ thống Big C có phát sinh thu nhập từ Việt Nam, do vậy phải chịu thuế.
“Ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp, tại Thông tư 203 của Bộ Tài chính về tránh đánh thuế 2 lần quy định doanh nghiệp có trụ sở tại nước ngoài không phải đóng thuế hoặc thấp hơn 10% thì doanh nghiệp đó phải chịu thuế tại nơi phát sinh thu nhập. Do đó, Big C Việt Nam phải chịu thuế chuyển nhượng tại Việt Nam do Hồng Kông – nơi đóng trụ sở chính của doanh nghiệp này không thu thuế”, ông Đầu cho biết.
Trước đó, Tập đoàn Metro cũng đã chuyển giao hệ thống siêu thị METRO Cash & Carry Việt Nam cho TCC Holdings – công ty do tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi làm chủ. Trị giá thương vụ này ước tính khoảng 400 triệu euro (tương đương 430 triệu USD). Ngay sau đó, cơ quan thuế của Việt Nam cũng đã thu được 1.900 tỉ đồng tiền thuế từ vụ chuyển nhượng này.
Duyên Duyên
————–
Một thế giởi (Kinh tế) 05-5-2016:
(210/732)