(DT) – Theo đại diện VCCI: “Xếp hạng mức độ cạnh tranh của các nước trong khu vực, kết quả cho thấy thông tin không lạc quan đối với Việt Nam. Các tiêu chí môi trường tài chính, hạ tầng cơ sở cho thấy Việt Nam đứng cuối bảng so với các nước ASEAN”.
Ảnh: Quang Sơn.
Tại buổi tọa đàm “Ngày Doanh nhân bàn về xoá bỏ rào cản kinh doanh” do Bizlive tổ chức sáng nay (11/10), ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu: “Chúng ta đang sống trong một thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng. Tất cả đều phải thay đổi, dù muốn hay không muốn, vấn đề là chúng ta thay đổi tích cực hay không”.
Không mấy lạc quan về xếp hạng cạnh tranh
Theo đại diện VCCI, trong nhiều năm qua, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP thuộc hàng cao nhất trong khu vực và thế giới, nhưng đang có xu hướng chậm dần. Giống như các nền kinh tế khác, Việt Nam đang đặt ra câu hỏi lấy nguồn lực nào để phát triển, trong đó nổi lên là sự cạnh tranh giữa các quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.
“VCCI đã kết hợp với Hội đồng kinh doanh ASEAN và Trường Đại học Lý Quang Diệu để xếp hạng mức độ cạnh tranh của các nước trong khu vực. Kết quả cho thấy thông tin không lạc quan đối với Việt Nam. Các tiêu chí môi trường tài chính, hạ tầng cơ sở cho thấy Việt Nam đứng cuối bảng so với các nước ASEAN”, ông Khương nói.
Tuy nhiên, ông Khương cũng cho rằng vẫn có yếu tố tích cực là với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp có chất lượng, hiện Chính phủ đang xây dựng một luật dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Luật này nếu được thông qua sẽ gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Còn theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM): “Hiện kinh tế Việt Nam đang có những bước ngoặt. Thành tựu nhiều nhưng thách thức cũng nhiều hơn. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy trong vài năm gần đây, những cải cách về hành chính có thay đổi về cách hành xử của bộ máy Nhà nước với doanh nghiệp. Không chỉ minh bạch hơn mà còn thân thiện hơn”.
Bên cạnh đó, có cải thiện trong việc tạo dựng một môi trường cạnh tranh minh bạch và môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, không chỉ hướng đến xóa bỏ các rào cản, mà còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
“Đó chính là tinh thần của Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 của Chính phủ. Kết quả bước đầu tốt nhất là sự ra đời và thành lập của các doanh nghiệp mới. Số doanh nghiệp được thành lập dự kiến sẽ cao nhất trong năm nay. Luật DNVVN cũng sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Thành nhấn mạnh.
Luật hỗ trợ doanh nghiệp khó được ban hành sớm
Nói riêng về Luật DNVVN, ông Thành cho hay: “Luật này hiện nay tinh thần thì tốt nhưng có vài khó khăn. Nước nào cũng vậy, 95-97% là doanh nghiệp nhỏ, không có nguồn lực nào có thể hỗ trợ tất cả nên đôi khi đâu đó trong luật, các câu có tính khẩu hiệu nhiều, và như thế tính ràng buộc thấp. Thứ hai, hỗ trợ có nhưng không được làm méo mó thị trường, vi phạm cam kết quốc tế. Đi vào thực tế, nó động chạm rất nhiều luật khác và các cam kết quốc tế. Muốn hỗ trợ một nhóm, một lĩnh vực thì không phải dễ”.
Ông Thành cũng cho rằng: ”Có những điểm hỗ trợ được như xúc tiến thương mại, thì nó lại liên quan đến nguồn lực, khả năng tiếp cận. Cho nên cá nhân tôi cho rằng, tinh thần thì tốt nhưng để thực hiện hóa thì còn nhiều đắn đo suy nghĩ để ra một luật thực sự tốt cho doanh nhân. Cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất. Mặc dù luật có nhiều chiều cạnh, nhưng nó vẫn chưa thể lý giải tất cả các lý do vì sao doanh nghiệp Việt Nam khó trưởng thành và lớn mạnh”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI thì cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp nên tiếp tục có những kiến nghị sửa Hiến pháp. Nhất là ba lĩnh vực chính rào cản kinh doanh, tiêu chuẩn kĩ thuật, thủ tục hành chính.
“Các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội vẫn chưa định hình được. Bộ Công Thương là bộ khuyến khích cạnh tranh nhưng các quy định của Bộ vẫn tạo ra rất nhiều rào cản như quy định về gas, về đất. Các quy định này không cho phép doanh nghiệp nhỏ tham gia thị trường, tạo độc quyền cho các doanh nghiệp lớn”, ông Đức nói.
Ngoài ra, theo vị luật sư, còn có các rào cản kỹ thuật. Ví dụ tiêu chuẩn về sữa là do các doanh nghiệp tự công bố. Các tiêu chuẩn về du lịch thì hiện nay mỗi khách sạn có một tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn về sao của khách sạn hiện nay do khách hàng cảm nhận. Tôi từng đến một khách sạn 4 sao nhưng lại có cảm nhận chỉ bằng chỗ 2 sao khác. [1]
“Do đó, việc thông qua luật về doanh nghiệp lần này vẫn là quá hấp tấp. Có thể mình tạo ra luật này lại gây ra sai sót khác”, ông nói thêm.
Phương Dung
———————————————-
Dân trí (Kinh doanh) 11-10-2016:
(224/998)
[1] Cả 3 đoạn đều trích sai ý.