1.063. Nghịch lý: Doanh nghiệp bất động sản lỗ nặng vẫn phải nộp thuế

(DT) – Việc chỉ cho phép doanh nghiệp bất động sản bù trừ kết quả kinh doanh “một chiều” là lý do khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ngay cả khi lỗ, thậm chí đang lỗ nặng.

Việc chỉ cho phép doanh nghiệp bù trừ kết quả kinh doanh “một chiều” là lý do khiến nhiều doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ngay cả khi lỗ, thậm chí đang lỗ nặng. (Ảnh minh họa)

Theo quy định thuế hiện hành, doanh nghiệp được phép bù trừ thu nhập từ hoạt động kinh doanh với lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được phép bù lỗ kinh doanh bất động sản với lãi của hoạt động kinh doanh sản xuất. Còn trong trường hợp, doanh nghiệp có lãi từ kinh doanh bất động sản thì vẫn phải xác định riêng để kê khai nộp thuế.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI việc chỉ cho phép doanh nghiệp bù trừ kết quả kinh doanh “một chiều” là lý do khiến nhiều doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ngay cả khi lỗ, thậm chí đang lỗ nặng.

“Quy định này rất bất hợp lý và đáng tiếc là dù đã có kiến nghị sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn được duy trì”, ông Đức nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản cho rằng: “Quan điểm của Hiệp hội Bất động sản ủng hộ đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TPHCM mới đây về việc bỏ quy định trên. Việc thu thuế riêng với hoạt động kinh doanh bất động sản, thậm chí riêng rẽ với từng dự án vừa không đúng, vừa không hợp tình”.

Theo ông Nam, việc cho phép doanh nghiệp được bù trừ cả lãi từ chuyển nhượng bất động sản với hoạt động kinh doanh khác có thể làm giảm nguồn thu từ thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế cần thu đúng và đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp bất động sản cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, việc cho bù trừ lãi lỗ hai chiều còn giúp tạo điều kiện để doanh nghiệp trở thành những tập đoàn kinh tế hùng mạnh thì cơ quan thuế càng có thêm nguồn thu mới chứ không phải tách ra để tận thu như hiện nay.

“Hiện nay, không chỉ có doanh nghiệp bất động sản mà nhiều doanh nghiệp khác có hoạt động kinh doanh đa ngành. Trong khi các doanh nghiệp đa ngành khác được phép bù trừ lỗ giữa các ngành nghề kinh doanh, thậm chí được phép chuyển lỗ giữa các quý trong năm, chuyển lỗ liên tục trong 5 năm thì doanh nghiệp bất động sản vẫn phải chịu quy định bó buộc như trên là bất hợp lý và không công bằng”, ông Nam nói.

Đồng quan điểm, một chuyên gia trong ngành cũng chỉ ra rằng, với lập luận rằng lợi nhuận thu từ bất động sản thường là lợi nhuận siêu ngạch nên cơ quan thuế quy định thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất phải kê khai, nộp thuế riêng. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này phần nào đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành.

Phân tích sâu hơn, vị chuyên gia trên cho hay, quy định về bù trừ nêu trên phần nào còn gây khó khăn cho việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trong trường hợp doanh nghiệp đang không có tiền để trả nợ ngân hàng, chỉ có tài sản bảo đảm tiền vay là bất động sản nay phải bán đi để trả nợ, nếu có lãi là phải nộp thuế ngay, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang bị lỗ, thậm chí rất nhiều trường hợp doanh nghiệp nộp thuế xong thì số tiền còn lại không đủ để trả ngân hàng.

“Trước đây, doanh nghiệp bất động sản không được bù trừ thu nhập từ bất động sản với thu nhập từ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt trong giai đoạn 2004-2008, thu nhập từ bất động snar còn áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Từ năm 2014, Luật đã thông thoáng hơn khi cho phép doanh nghiệp được bù trừ lỗ. Tuy nhiên, việc chỉ cho phép “một nửa” như trên vẫn chưa đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong ưu đãi đầu tư cũng chưa khắc phục được các bất cập hiện hành, tạo môi trường đầu tư, thuận lợi, đảm bảo chính sách được áp dụng đồng bộ với những quy định hiện hành”, ông nói thêm.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản Toàn Cầu thẳng thắn cho rằng, quy định này là bất hợp lý, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và chưa được tính toàn phù hợp để cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp – nhà nước – người tiêu dùng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành thì cho rằng: “Việc chỉ cho phép bù trừ lỗ từ hoạt động kinh doanh bất động sản sang hoạt động sản xuất kinh doanh khác mà không được điều chuyển ngược lại đã cản trở quá trình phát triển, mở rộng của doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành hiện nay đều đầu tư từ nguồn vốn của họ thì phải được quyền cân đối tài sản, cân đối thu chi thì việc các doanh nghiệp địa ốc phải chịu thuế trên từng mảng hoạt động khiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công”.

P.Dung

————–

Dân trí (Kinh doanh) 10-5-2016:

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/nghich-ly-doanh-nghiep-bat-dong-san-lo-nang-van-phai-nop-thue-20160510094955542.htm

(79/1.090)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,754