1.064. Luật sư than quy định kinh doanh đang “chặn” DN dân doanh

(TQ) -“Bộ Công Thương là bộ khuyến khích cạnh tranh. Tuy nhiên các quy định của Bộ vẫn tạo ra rất nhiều rào cản như quy định về gas, xăng… Các quy định này không cho phép doanh nghiệp nhỏ tham gia thị trường, tạo độc quyền cho các doanh nghiệp lớn”.

Tại buổi Toạ đàm giao lưu trực tuyến “Ngày doanh nhân bàn về xoá bỏ rào cản kinh doanh”, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay chúng ta đang xây dựng một luật dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Luật này nếu được thông qua sẽ gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức: “Các quy định của Bộ Công Thương tạo ra rất nhiều rào cản cho DN”  (Ảnh: Hà Giang)

Tuy nhiên, để Luật này được thông qua vào cuối năm nay là hết sức khó khăn, bởi trên thực tế vẫn còn rất nhiều vướng mắc, chưa thực tiễn.

Lấy ví dụ cho việc này, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, chưa nên thông qua Luật DNVVN vào cuối năm nay bởi  thực tế vẫn còn nhiều rào cản đối với doanh nghiệp.[1]

Cụ thể, Nghị quyết 35 là một dạng cụ thể hóa để triển khai các luật lệ kinh doanh, nhưng hiện có hai rào cản pháp lý, đó là rào cản tổng thể và rào cản cụ thể (các điều kiện kinh doanh). 

Cụ thể, các rào cản tổng thể lớn nhất và quan trọng nhất hiện nay là sở hữu đất đai toàn dân. Gần đây, Ban Kinh tế Trung ương “làm” mạnh về vấn đề tích tụ ruộng đất, tuy nhiên xóa bỏ hạn mức đất đai chỉ mới là “râu ria”, chứ chưa đi vào tổng quát.

“Nhiều doanh nghiệp phải “làm sai” mới có quy mô lớn được, còn làm theo kiểu đơn lẻ, hộ nông dân thì rất khó. Luật Đất đai đang là rào cản lớn nhất trong hoạt động kinh tế, đó là hệ quả của sở hữu toàn dân. Nếu kinh tế nhà nước cứ là chủ đạo thì kinh tế tư nhân chỉ là bán đạo. Đó là rào cản lớn nhất”, ông Đức nói.

Đề cập đến vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương, ông Đức cho rằng: “Bộ Công Thương là bộ khuyến khích cạnh tranh. Tuy nhiên các quy định của Bộ vẫn tạo ra rất nhiều rào cản như quy định về gas, về đất,[2] xăng… Các quy định này không cho phép doanh nghiệp nhỏ tham gia thị trường, tạo độc quyền cho các doanh nghiệp lớn”, Luật sư Đức nhấn mạnh.

Đại diện này cũng nhấn mạnh rằng, hạn chế còn nằm ở rào cản kỹ thuật. Ví như, tiêu chuẩn về sữa là do các doanh nghiệp tự công bố…

Bên cạnh đó, các rào cản hành chính hiện nay rất lẫn lộn với rào cản kinh doanh.[3] Không quan trọng các doanh nghiệp tự sản xuất hay thuê ngoài, miễn là họ đáp ứng được các tiêu chuẩn là được. Tuy nhiên, muốn thỏa mãn được điều kiện kinh doanh, các doanh nghiệp lại phải qua nhiều thủ tục hành chính. 

Ông Đức phân tích: “Các thủ tục hành chính hiện nay rất nhiều. Tôi chuyên đi tư vấn về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhưng động đến thủ tục hành chính nào cũng “chết”, ví dụ như chuyển trụ sở văn phòng cũng rất phức tạp mặc dù doanh nghiệp đã mua đứt trụ sở mới rồi.[4] Các quy định kinh doanh hiện nay đang “chặn” các doanh nghiệp dân doanh và mở cửa cho các doanh nghiệp “quan doanh”. Mặc dù một số quan chức không được kinh doanh nhưng họ có sân sau, nên tha hồ kinh doanh.

Do đó, việc thông qua luật về doanh nghiệp lần này vẫn là quá hấp tấp.[5] Có thể mình tạo ra luật này lại gây ra sai sót khác”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Bàn về những vướng mắc trong các thủ tục kinh doanh, một đại diện doanh nghiệp khác là ông Phí Ngọc Trịnh – Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm cho rằng, nếu Chính phủ thực hiện được đúng như Nghị quyết 35 thì doanh nghiệp sẽ có môi trường cực kỳ thuận lợi. Trong Nghị quyết 35 chỉ có 10 câu về doanh nghiệp và quy định chi tiết nhiệm vụ mà các bộ ban ngành phải thực hiện.

Tuy nhiên, cần phải đi sâu đi sát vào các ngành, bởi các bộ hiện nay vẫn làm theo tính chủ quan.

“Cần phải giải quyết tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh. Nghị quyết 35 nếu đi vào thực tiễn thì sẽ làm “bà đỡ”, giúp cho doanh nghiệp vẫy vùng trong môi trường kinh doanh. Nghị quyết 35 có nêu về thái độ của người thu thuế. Tuy nhiên hiện nay những cán bộ thuế đến doanh nghiệp là đến với tâm thế của người soi mói thay vì đến với tâm thế hỗ trợ cho doanh nghiệp. “Anh” có làm sai “tôi” mới đến và “tôi” đến thì phải có “gì đó””, ông Trịnh bức xúc nói.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Trần Sỹ Sơn, Giám đốc PYS Travel cho hay, công ty ông cũng thường gặp phải những vướng mắc với các cơ quan chức năng. “Đơn cử như việc một tháng sau có quyết định đảo Cô Tô được đón khách nước ngoài, nhưng khách nước ngoài vẫn không được ra đảo vì cán bộ địa phương nói là chưa nghe thấy quyết định đó. Tôi đã in quyết định ra cho họ, nhưng họ không nghe. Đến khi hết mùa du lịch thì họ bảo họ nhận được quyết định rồi, nhưng lúc đó thì làm gì còn khách”, đại diện này chia sẻ.

Tại buổi Toạ đàm, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý TƯ (CIEM) cho rằng, cần phải nhìn lại những cải cách. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy trong vài năm gần đây, những cải cách về hành chính có thay đổi về cách hành xử của bộ máy nhà nước với doanh nghiệp. Không chỉ minh bạch hơn mà còn thân thiện hơn.

Tuy nhiên, tạo dựng một môi trường cạnh tranh minh bạch và môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, không chỉ hướng đến xóa bỏ các rào cản, mà còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Đó chính là tinh thần của Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 của Chính phủ. Kết quả bước đầu tốt nhất là sự ra đời và thành lập của các doanh nghiệp mới. Số doanh nghiệp được thành lập dự kiến sẽ cao nhất trong năm nay.

Luật DNVVN tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Luật này hiện nay tinh thần thì tốt nhưng có vài khó khăn. Nước nào cũng vậy, 95-97% là doanh nghiệp nhỏ, không có nguồn lực nào có thể hỗ trợ tất cả nên đôi khi đâu đó trong luật, các câu có tính khẩu hiệu nhiều và như thế tính ràng buộc thấp.

“Ngoài ra, hỗ trợ nhưng không được làm méo mó thị trường, vi phạm cam kết quốc tế. Đi vào thực tế, nó động chạm rất nhiều luật khác và các cam kết quốc tế. Muốn hỗ trợ một nhóm, một lĩnh vực thì không phải dễ. Có những cái hỗ trợ được như xúc tiến thương mại thì lại liên quan đến nguồn lực, khả năng tiếp cận. Cho nên cá nhân tôi cho rằng tinh thần thì tốt nhưng để thực hiện hóa thì còn nhiều đắn đo suy nghĩ để ra một luật thực sự tốt cho doanh nhân. Theo tôi, Luật DNVVN cần được đắn đo, suy xét kỹ và từ giờ cho tới cuối năm luật này khó mà được thông qua”, ông Thành chia sẻ quan điểm./.

Hà Giang

——————————————

Tổ quốc (Kinh tế) 11-10-2016:

http://toquoc.vn/kinh-te/luat-su-than-quy-dinh-kinh-doanh-dang-chan-dn-dan-doanh-214284.html

(252/1.382)

[1] Sai: Chưa nên thông qua vì còn nhiều rào cản là gì?

[2] Sai: Đâu nói quy định về đất. Nói quy định về quy mô kinh doanh phải có diện tích nhà xưởng,…

[3] Sai: Lẫn với điều kiện kinh doanh

[4] Sai: Đây là nói ví dụ công ty luật, chứ DN thì dễ dàng.

[5] Sai: Nói Luật sửa đổi ĐTKD, chứ không phải DN nhỏ và vừa.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,735