(CFF) – Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết một số quy định hiện nay đặt doanh nghiệp vào hoàn cảnh trớ trêu khi bị cho rằng vi phạm các quy định của luật.
Nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ vậy tại Đối thoại “Ngày Doanh nhân bàn về xoá bỏ rào cản kinh doanh” do Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư BizLIVE tổ chức.
Dẫn ra câu chuyện về Thông tư 20 quản lý ô tô nhập khẩu, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp ô tô thì có nguy cơ thông tư 20 chuyển thành thông tư 21, và thông tư 21 thì cũng chẳng “dễ thở” hơn thông tư 20 chút nào.
“Vừa rồi, Bộ Giao thông vận tải đã có vài dự thảo để thay thông tư 20, nhưng những dự thảo này có xu hướng giống thông tư 20, quản chặt hơn việc nhập ô tô với quan điểm bảo vệ người tiêu dùng” – ông Đức nói.
Theo ông Đức, các rào cản hành chính hiện nay rất lẫn lộn với rào cản kinh doanh đang khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn để gia nhập thị trường. Bởi muốn thỏa mãn được điều kiện kinh doanh, các doanh nghiệp lại phải qua nhiều thủ tục hành chính.
“Các quy định kinh doanh hiện nay đang “chặn” các doanh nghiệp dân doanh, và mở cửa cho các doanh nghiệp “quan doanh”. Mặc dù một số quan chức không được kinh doanh nhưng họ có sân sau, nên tha hồ kinh doanh” – ông Đức thẳng thắn chỉ ra.
Trong khi đó, bà Hương Vũ – Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam, cho biết nhiều doanh nghiệp ủng hộ Nghị quyết 35 với tinh thần biến Việt Nam thành đất nước ủng hộ các DNVVN và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng làm sao để cụ thể hóa nghị định vào thực tế, bởi sau đó là thông tư, các giấy phép con ở dưới nữa. Đặc biệt vướng mắc ở vấn đề thu thuế, hoàn thuế.
“Ngay cả các cán bộ thu thuế, hoàn thuế cũng luôn mang trong đầu tư duy áp đặt với nhà đầu tư, người trả thuế một cách cứng nhắc, gây khó khăn. Vì thế, hiện thực hóa ý tưởng của chính phủ là vấn đề lớn và khó khăn” – bà Hương Vũ chỉ ra.
Cho rằng luật hiện nay không xuất phát từ thực tiễn, đại diện chính doanh nghiệp, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH True Milk kể lại câu chuyện cách đây không lâu do chính sách áp thuế dẫn tới khi ra sân bay xuất ngoại, bà bị nhân viên hải quan giữ lại do chưa nộp đủ thuế và bị xem là người trốn thuế.
Cùng chung tâm lý “nơm nớp” lo sợ vi phạm các quy định ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cengroup chỉ ra rằng các rào cản đối với các doanh nghiệp rất lớn. Dẫn tới, doanh nghiệp luôn có một cảm giác nơm nớp lo sợ vi phạm các quy định pháp luật.
“Đơn cử như quy định về bất động sản rất nhiều nên có sự không thống nhất trong cách thực hiện. Có quy định bộ nói được làm, nhưng Thành phố Hà Nội không được. Đến nay chúng tôi vẫn phải gánh chịu hậu quả từ việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, do có nhiều dự án được phê duyệt từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn bị treo” – ông Hưng nói.
Theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong vài năm gần đây, những cải cách về hành chính có thay đổi về cách hành xử của bộ máy nhà nước với doanh nghiệp. Không chỉ minh bạch hơn mà còn thân thiện hơn.
Tuy nhiên, do không có nguồn lực để hỗ trợ tất cả nên đôi khi đâu đó trong luật, nội dung vẫn tính khẩu hiệu và ràng buộc thấp. Sở dĩ DN Việt Nam khó trưởng thành, khó lớn là bởi quyền tài sản, quyền cạnh tranh trong đó có cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước; cùng các yếu tố sản xuất: đất đai vốn, môi trường sản xuất, và chi phí giao dịch quá cao.
Do đó, các chuyên gia cho rằng việc tháo gỡ được các rào cản trên, cùng với chuyển biến từ chủ trương đến hành động theo chỉ đạo Thủ tướng, xuống tới các cấp chính quyền, mỗi cán bộ công chức thì mới mang lại hiệu quả thúc đẩy cho doanh nghiệp.
An
Theo Trí thức trẻ
————————————-
CafeF (Đầu tư) 11-10-2016:
(208/823)