(LĐ) – Danh sách các cá nhân, tổ chức người Việt có tên trong “Hồ sơ Panama”.
Sau lần công bố đầu tiên cách nay hơn một tháng, rạng sáng 10.5, Tổ chức Phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) của Mỹ tiếp tục công bố dữ liệu khổng lồ về những công ty bình phong (công ty vỏ bọc, tạm dịch từ tiếng Anh: Offshore company) và những cá nhân liên quan, được cho là có thể liên quan đến việc trốn thuế hay rửa tiền. Đây là dữ liệu của “Hồ sơ Panama” (Panama Papers) rò rỉ từ Công ty luật Mossack Fonseca của Panama. Trong 189 tên liên quan đến Việt Nam trong danh sách, có tên một vài doanh nhân nổi tiếng…
* Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Ngọc: “Đó mới là phát ngôn một chiều từ phía các cá nhân. Cục đang rà soát lại các cá nhân, tổ chức đó có liên quan hay không”.
3 doanh nhân người Việt có tên trong “Hồ sơ Panama”. |
Chưa thể khẳng định phạm tội
Từ hôm qua (10.5), người Việt Nam có thể tìm kiếm dữ liệu trên trang web của ICIJ. Danh sách của ICIJ được làm theo dạng đồ họa, nếu bấm vào một tên cá nhân, tổ chức, sẽ hiện ra các mối liên quan của cá nhân, tổ chức đó bị nêu trong Hồ sơ Panama. Khi tìm kiếm theo từ khóa “Vietnam”, sẽ cho kết quả là 19 tên công ty bình phong, 189 cá nhân, 23 bên trung gian và 185 địa chỉ liên quan đến Việt Nam. Trong đó, có những cái tên doanh nhân người Việt nổi tiếng như ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), bà Đàm Bích Thủy – người từng đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển TP HCM, Tổng GĐ Vietjet Air…
Liên quan đến ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), theo thông báo từ SSI phát ra ngày 10.5: SSI và Cty TNHH Nguyễn Duy Hưng (NDH) là 2 thành viên góp vốn của Quỹ Đầu tư thành viên SSI do Công ty TNHH quản lý Quỹ SSI (SSIAM) quản lý. SSIAM và Quỹ đầu tư thành viên SSI được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 249/BKH-ĐTRNN-DDC1 ngày 31.8.2010 để thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, SSIAM đã thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và luật pháp của nước nơi SSIAM thực hiện các hoạt động đầu tư và không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến các hành vi trốn thuế, rửa tiền hay bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào khác. Hiện tại, cũng chưa có bất kỳ quốc gia nào cấm hành động mở công ty ở nước ngoài để quản lý tài sản, rất nhiều quỹ đầu tư, cả ở Việt Nam và thế giới sử dụng các công ty ở nước ngoài làm pháp nhân cho thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình. Chúng tôi một lần nữa khẳng định việc một công ty đầu tư ra nước ngoài khi đã được cơ quan quản lý cấp phép là hoàn toàn bình thường, minh bạch và tuân theo quy định của pháp luật”.
Trong ngành tài chính ngân hàng, có tên bà Đàm Bích Thủy – người từng đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam. Theo hồ sơ, bà Thủy có liên quan tới Công ty cho thuê mua tài chính ANZ V-Trac, được mở tại đảo Virgin (thuộc Anh). Bà Thủy cho rằng, việc có tên trong danh sách không có nghĩa cá nhân, công ty đó vi phạm pháp luật.
Còn ở lĩnh vực bất động sản, có bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển TPHCM, Tổng GĐ Vietjet Air, đồng thời cũng là cổ đông lớn kiêm nhà sáng lập Sovico Holdings (Cty mẹ của Vietjet Air). Theo Hồ sơ ICIJ cung cấp, bà Thảo có liên quan với Ariana Hotels & Resort International trụ sở ở thiên đường thuế tại quần đảo Virgin thuộc Anh. Đây là Cty được Sovico lập nên để quản lý Furama Resort – bất động sản được doanh nghiệp mua lại năm 2005 từ chủ đầu tư cũ đến từ Hồng Kông. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng cho biết, Cty Furama vốn đã nằm trong danh sách Cty do Mossack Fonseca tư vấn nên khi Cty Sovico mua lại thì xuất hiện tên Sovico Pte Ltd trong danh sách cũng là bình thường. Và qua đó cá nhân là lãnh đạo của công ty cũng xuất hiện theo.
Trước những khẳng định trên, ông Nguyễn Văn Ngọc – Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Đó mới là phát ngôn một chiều từ phía các cá nhân đó. Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước đang rà soát lại các cá nhân tổ chức đó có liên quan hay không. Về phía NHNN chỉ dừng lại ở mức độ nghi ngờ, sau khi rà soát thông tin NHNN sẽ phối hợp với Bộ Công an và Bộ Tài chính để có được kết quả cuối cùng”. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, chưa thể khẳng định những người có tên trong danh sách đó đều là tội phạm hoặc hoàn toàn vô tội.
TS Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng đồng quan điểm khi cho rằng: “Sẽ là thiếu cơ sở nếu chỉ đọc thông tin công bố trên mạng về Hồ sơ Panama mà kết luận các cá nhân, doanh nghiệp có trong danh sách là rửa tiền hay trốn thuế”. TS Trương Văn Phước cho biết: “Tôi có đọc trên mạng có biết các thông tin về vụ Hồ sơ Panama. Tôi khẳng định, người Việt Nam là cá nhân hay tổ chức không dễ dàng mà mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài. Việc mở tài khoản ở nước ngoài nói chung là vô cùng hạn chế, hãn hữu và bị hệ thống pháp luật quản lý rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, mọi hoạt động mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài đều phải được Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước thông qua và xem xét các điều kiện để mở tài khoản. Theo suy đoán của cá nhân tôi, các cá nhân và doanh nghiệp bị lộ tên trong Hồ sơ Panama có thể giải thích bằng việc công ty mẹ ở nước ngoài có công ty con thuê người Việt điều hành hoặc có trụ sở ở Việt Nam. Họ có cách để đăng ký tài khoản công ty mẹ, công ty con ở thiên đường thuế như Panama. Tuy nhiên, để kết luận các cá nhân và doanh nghiệp đó có hành vi rửa tiền hay trốn thuế thì cần phải căn cứ vào pháp luật của nước có công ty mẹ quy định như thế nào về hoạt động của công ty mẹ và công ty con. Thêm một khả năng khác, nếu tổ chức và cá nhân đó có mở tài khoản ở nước ngoài thì các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam có đủ biện pháp tìm hiểu”.
Đối chiếu, trích xuất dữ liệu nộp thuế để điều tra
Trao đổi cuối giờ chiều 10.5 với PV Lao Động, ông Nguyễn Hữu Ánh – Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính) cho biết, vụ việc Hồ sơ Panama là thông tin về quốc tế nên cần phải có thời gian để xem xét, rà soát. Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ Thanh tra thuế thông tin thêm, vào chiều 10.5, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam vừa chủ trì cuộc họp giao cho các vụ các ban đơn vị thành lập tiểu ban kiểm tra về vụ việc này. “Trong đó có Vụ Thanh tra, Vụ Hợp tác quốc tế và các vụ liên quan. Về việc rà soát phải kiểm tra kỹ, như người Việt Nam nhưng nếu định cư ở nước ngoài thì cũng không làm gì được. Việc này phải tìm hiểu cụ thể”, ông Ánh cho biết.
Trong khi đó, một cán bộ Tổng cục Thuế dự cuộc họp cho biết, bước đầu, cơ quan thuế sẽ phải làm rõ có dấu hiệu trốn thuế hay không đối với 189 tổ chức, cá nhân bị nêu tên. “Cơ quan thuế sẽ đối chiếu, trích xuất dữ liệu nộp thuế trên cơ sở dữ liệu thuế tại Việt Nam. Phải làm rõ các mối quan hệ kinh doanh, các giao dịch giữa cá nhân, tổ chức ở Việt Nam liên kết với những cá nhân, tổ chức nào ở bên ngoài, ở những thiên đường thuế nào, tính toán sơ đồ tạo ra thu nhập, tìm ra bản chất của phương thức giao dịch này”, ông cho biết.
Cũng liên quan đến sự việc trên, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ – TTCP) Phạm Trọng Đạt cho biết: “TTCP đã nắm bắt, theo dõi và cáo cáo về thông tin liên quan tới các cá nhân người Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama mà Liên minh Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố lên mạng toàn bộ dữ liệu tên tuổi của hơn 300.000 cá nhân và Cty liên quan chiều tối ngày 9.5 theo giờ Việt Nam”.
Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng, thông tin trên mạng về Hồ sơ Panama cần phải được xác thực và có nguồn cung cấp chính xác mới vào cuộc xác minh điều tra. Từ trước tới nay chưa từng làm một vụ tương tự như Hồ sơ Panama. “Nguồn này có chính xác hay không, mức độ chính xác đến đâu cần phải điều tra mới có thể làm rõ. Đây mới chỉ là thông tin một chiều, cũng không phải nguồn tin chính thống nên cơ quan chức năng mới chỉ nắm bắt thông tin, coi đó là một nguồn để tham khảo chứ chưa có chỉ đạo cụ thể. Chúng tôi sẽ tập hợp các thông tin nắm bắt được, báo cáo Trung ương và Chính phủ xem xét. Nếu có chỉ đạo từ trên thì chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế về phòng, chống tham nhũng để xác minh, làm rõ” – ông Đạt chia sẻ.
Hồ sơ Panama trong đó có rất nhiều nghi vấn về rửa tiền và trốn thuế của hàng trăm nghìn trường hợp trên thế giới. Việt Nam có 189 trường hợp cá nhân và tổ chức có tên trong hồ sơ này. |
1.1.1.1.1 Tổng cục Thuế sẽ điều tra cá nhân, tổ chức có tên trong “Hồ sơ Panama”
Nguồn tin từ Tổng cục Thuế cho biết, ngành thuế vừa thành lập khẩn tiểu ban kiểm tra, điều tra về nghĩa vụ thuế đối với 189 cá nhân, tổ chức có tên trong Hồ sơ Panama mới được công bố rạng sáng 10/5.
Chiều cùng ngày, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã có cuộc họp khẩn cấp với các Vụ chức năng và quyết định nghiên cứu, điều tra về khả năng trốn thuế hay không. Tiểu ban này gồm nhiều Vụ như Vụ Thanh tra, Vụ Tổ chức Cán bộ, Ban cải cách hiện đại hoá thủ tục thuế, Vụ Tuyên truyền…
Trên cơ sở kiểm tra dữ liệu nộp thuế cũng như đối chiếu với các quy định của Việt Nam, ngành thuế sẽ xác định cá nhân, tổ chức có dấu hiệu trốn thuế hay lách thuế…
Trốn thuế, rửa tiền thông qua tài khoản trung gian?
Luật sư Vũ Thế Hợp – Giám đốc Công ty luật Gia Long và Liên Danh phân tích, việc một cá nhân làm ăn sinh sống ở Việt Nam nhưng lại có tài khoản ở nước ngoài, có thể dẫn tới 2 khả năng xảy ra. Một là người ta có tiền, tiền sạch, muốn gửi tiền đến một nơi theo họ là an toàn, đảm bảo thì đó là quyền cá nhân, không có gì phải cần bàn cả. Thứ hai, cũng có thể việc có tên trong Hồ sơ Panama thể hiện người này có những khoản tiền, những khoản đầu tư không hợp pháp, hoặc có dấu hiệu kinh doanh không hợp pháp và cần che giấu bằng một tài khoản trung gian. Theo quy định của luật đầu tư ra nước ngoài trong những năm gần đây thì người kinh doanh phải làm thủ tục và được cấp phép tại Việt Nam trước, sau đó mới đầu tư ra nước ngoài. Do đó, cơ quan chức năng cần thẩm định những thông tin này để biết được đích xác những tài khoản kia có hợp pháp hay không.
Còn luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI cho rằng, rửa tiền là hành vi biến những đồng tiền có được từ nguồn thu nhập bất hợp pháp trở thành những đồng tiền hợp pháp. Đây là hành vi của các tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Rửa tiền có mấy thủ đoạn thông qua hoạt động kinh doanh buôn bán, buôn lậu, chia nhỏ khoản tiền gửi ngân hàng, mua khách sạn, nhà hàng, đầu tư ra nước ngoài, chơi sổ xổ, nguồn tiền thu về sau đó là nguồn tiền sạch. Trong vụ hồ sơ Panama, tôi thiên về giải thiết các cá nhân trốn thuế, hợp thức hóa nguồn thu nhiều hơn là hành vi rửa tiền.
Hồ sơ Panama – những con số “ấn tượng”
– Ngày 3.4.2016, tờ báo Đức “Suddeutsche” (Nam Đức) lần đầu công bố tài liệu mật được cho là “đợt rò rỉ dữ liệu lớn nhất cho tới nay về một “thiên đường trốn thuế” của các nhân vật giàu có và thế lực trên thế giới”. Hồ sơ này bao gồm và liên quan
11,5 triệu tài liệu, tương đương 2,6TB (terabyte)
214 công ty ma, 368.000 cá nhân và tổ chức, 14.000 doanh nghiệp dính líu
511 ngân hàng dính líu trực tiếp
128 chính trị gia và người nổi tiếng
12 lãnh đạo các nước (6 người đương nhiệm)
109 cơ quan truyền thông quốc tế của 76 quốc gia tham gia phân tích tài liệu
Khách hàng của Cty luật Mossack Fonseca có Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko, Thủ tướng Iceland Sigmundur David, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và con trai cựu Tổng thống Ai Cập Alaa Mubarak…
Những nạn nhân đầu tiên của “Hồ sơ Panama”: Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria đã phải từ chức khi tên họ có trong Hồ sơ Panama. Thủ tướng Anh David Cameron phải công khai hồ sơ thuế.
– Ngày 10.5, vào lúc 2 giờ sáng (giờ Việt Nam), Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đăng tải dữ liệu chi tiết về hơn 200.000 công ty nước ngoài bí mật trong Hồ sơ Panama dưới dạng dữ liệu có thể tìm kiếm được (như Google) tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org.
Theo đó, với từ khóa Vietnam cho ra kết quả như sau liên quan đến Hồ sơ Panama: 49 pháp nhân nước ngoài hay còn gọi là công ty bình phong; 17 viên chức; 1 công ty trung gian; 169 địa chỉ cá nhân.
Nhiều nước đẩy mạnh điều tra sau “Hồ sơ Panama”
Việc ICIJ công bố danh sách mở rộng các công ty và cá nhân bị nghi ngờ trốn thuế đã khiến nhiều nước tiếp tục kêu gọi đẩy mạnh chống tham nhũng và trốn thuế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 10.5 nói rằng, Tokyo dự định đề xuất kế hoạch hành động chống tham nhũng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tháng này ở Nhật Bản.
D.S. Malik, người phát ngôn Bộ Tài chính Ấn Độ nói rằng, cơ quan thuế thu nhập của nước này đã gửi thông báo cho tất cả những người Ấn có tên trong dữ liệu và sẽ điều tra từng trường hợp dựa trên phúc đáp của họ.
Tổng chưởng lý Ecuador Gaolo Chiriboga nói rằng, ông dự định đề xuất một cuộc tổng điều tra về những việc làm có thể là sai trái, khi ông gặp người đồng cấp Panama vào cuối tháng này. Trong tài liệu Panama, những người Ecuador bị nêu tên có tổng chưởng lý, một cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương, một cựu thành viên của Cơ quan mật vụ quốc gia. Tổng thống Panama Juan Carlos Varela nói rằng, nước ông sẽ chia sẻ thông tin và hợp tác với các nước khác.
LĐ – 105 NHÓM PV LAO ĐỘNG
————–
Lao động (Kinh tế) 11-5-2016:
(133/2.945)