(DT) – Không nên vội vã kết luận những ai có mặt trong hồ sơ Panama là trốn thuế, rửa tiền – đây là ý kiến của hầu hết của các luật sư, chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh cũng lưu ý, không nên kỳ vọng sự nhận tội (nếu có) của các cá nhân mà các cơ quan điều tra phải vào cuộc làm rõ.
Nhiều doanh nhân Việt có mặt trong hồ sơ Panama
Chưa thể khẳng định vô tội hay có tội
Sau khi Dân Trí đăng tải về việc Việt Nam có 189 cá nhân, tổ chức bị hồ sơ Panama “điểm danh”, thông tin này đã thu hút đông đảo sự quan tâm của độc giả.
Trong danh sách này có khá nhiều tên tuổi các “sếp” doanh nghiệp như bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Vietjet Air, cổ đông lớn kiêm nhà sáng lập Sovico Holdings (Tập đoàn Sovico); chồng bà Thảo là ông Nguyễn Thanh Hùng (Chủ tịch Sovico); ông Nguyễn Cảnh Sơn, Phó Tổng Giám đốc của Sovico .
Bên cạnh đó còn có ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI); bà Đàm Bích Thủy – người từng đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam.
Những nhân vật này đều đã chủ động lên tiếng trước báo giới, khẳng định rằng việc có tên trong danh sách này là bình thường với những doanh nghiệp hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Bị hồ sơ Panama “điểm danh” không đồng nghĩa với việc cá nhân/tổ chức đó có hành vi liên quan đến trốn thuế hay rửa tiền.
Sáng nay (11/5), trao đổi với phóng viên Dân Trí, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, “không nên kết luận ai có tên ở hồ sơ Panama thì người đó có tội nhưng cũng không nên nghĩ là những người có tên trong hồ sơ đó thì họ sẽ nhận tội ngay”.
“Thông thường, chẳng có ai nhận tội chừng nào bị tòa án kết án. Do đó, bây giờ cơ quan điều tra cần vào cuộc sớm, căn cứ vào thông tin tại hồ sơ này để xem xét, làm rõ. Còn không nên mong đợi là một người có tên trong danh sách đó sẽ “tự mình nộp mạng”, không có chuyện “lạy ông tôi ở bụi này” đâu!” – chuyên gia Lê Đăng Doanh bình luận.
Chiều 10/5, Tổng cục Thuế cho biết đã lập tổ công tác điều tra về vụ việc này. Theo ông Doanh, có thể sẽ có thêm các cơ quan khác cũng cần vào cuộc.
Phát biểu trên báo chí, ông Nguyễn Văn Ngọc – Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền Ngân hàng nhà nước cũng cho rằng, những khẳng định của một số doanh nhân Việt có tên trong hồ sơ Panama “mới là phát ngôn một chiều từ phía các cá nhân đó” và “chưa thể khẳng định những người có trong danh sách đó đều là tội phạm hoặc hoàn toàn vô tội”.
Ông Ngọc cho biết thêm, Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền Ngân hàng nhà nước đang rà soát lại các cá nhân tổ chức đó có liên quan hay không. Về phía NHNN nhà nước chỉ dừng lại ở mức độ nghi ngờ, sau khi rà soát thông tin NHNN sẽ phối hợp với Bộ Công An và Bộ Tài chính để có được kết quả cuối cùng.
Việc điều tra các cá nhân, tổ chức có tên trong Hồ sơ Panama sẽ gặp khó khăn nếu Việt Nam không ký hiệp định hay thỏa thuận phối hợp với các quốc gia liên quan
Việc điều tra phụ thuộc lớn vào thỏa thuận, quan hệ với các nước liên quan
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI cho rằng, ở thời điểm hiện tại thì chỉ có thể nghi ngờ nhưng không thể kết luận được là có vấn đề vi phạm pháp luật, gian dối hay lách thuế, trốn thuế, rửa tiền… khi một cá nhân, tổ chức có mặt trong hồ sơ Panama hay không.
Ông Đức cho biết, trong hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế thì hoàn toàn có thể đầu tư kinh doanh chuyển tiền hoặc xử lý thu nhập ở một địa bàn theo quy định pháp luật. Nghĩa là, nếu pháp luật cho phép và công khai minh bạch thì mọi chuyện trở thành hợp pháp. Thậm chí gọi lách thuế thì cũng không phải là phạm pháp.
“Nếu người ta không minh bạch, hoặc vi phạm tại Việt Nam hoặc nước trung gian thì mới cần xem xét đánh giá xem xử lý ra sao”, vị luật sư nhận định.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, vụ việc này chưa có tiền lệ và không đơn giản chỉ là điều tra trong nước mà còn có yếu tố quan hệ quốc tế, do đó bên cạnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan báo cáo thì còn phải thông qua các con đường ngoại giao để trao đổi, cung cấp thông tin, từ đó đối chiếu so sánh, xem xét liệu có vi phạm hay không.
Theo nhận định của luật sư, việc điều tra phụ thuộc vào pháp luật, chính sách của nước liên quan. Nếu Việt Nam đã ký hiệp định phòng chống tội phạm, tương trợ tư pháp, hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì hoàn toàn có thể đề nghị các cơ quan chức năng của các quốc gia liên quan phối hợp, cung cấp thông tin điều tra. Nếu như không có những hiệp định, thỏa thuận nói trên thì “quả thật rất khó khăn, gần như ta chỉ có thể tra soát đầu phía Việt Nam, mà phía kia khá bế tắc”.
Ở một góc nhìn khác, TS Trương Văn Phước – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khẳng định, người Việt Nam là cá nhân hay tổ chức không dễ dàng mà mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài. Việc mở tài khoản ở nước ngoài nói chung là vô cùng hạn chế, hạn hữu và bị hệ thống pháp luật quản lý rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, mọi hoạt động mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài đều phải phải được Vụ Quản lý Ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước thông qua và xem xét các điều kiện để mở tài khoản.
Ông Phước suy đoán, các cá nhân và doanh nghiệp bị lộ tên trong hồ sơ Panama có thể giải thích bằng việc công ty mẹ ở nước ngoài có công ty con thuê người Việt điều hành hoặc có trụ sở ở Việt Nam.
“Họ có cách để đăng kí tài khoản công ty mẹ, công ty con ở thiên đường thuế như Panama. Tuy nhiên, để kết luận các cá nhân và doanh nghiệp đó có hành vi rửa tiền hay trốn thuế thì cần phải căn cứ vào pháp luật của nước có công ty mẹ quy định như thế nào về hoạt động của công ty mẹ và công ty con” – ông Phước cho hay.
19 công ty do các cá nhân, tổ chức người Việt đứng sau được thành lập chủ yếu tại thiên đường thuế British Virgin Island
Nở rộ xu hướng “rót tiền” đầu tư ra nước ngoài
Nói về việc cá nhân/tổ chức Việt Nam thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài, TS. Lê Đăng Doanh cho biết, gần đây có một số doanh nghiệp khó khăn trong đăng ký kinh doanh ở Việt Nam thì họ sang nước ngoài (như Singapore) để lập doanh nghiệp, do việc thành lập doanh nghiệp ở những quốc gia này rất dễ dàng.
Theo tìm hiểu của Dân Trí, số liệu mới nhất của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cập nhật đến tháng 10/2015, trong 10 tháng năm 2015, Việt Nam đã có 102 dự án cấp mới đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký cấp mới là 441,9 triệu USD. Ngoài ra, còn có 53 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 192,8 triệu USD.
Bích Diệp
————–
Dân trí (Kinh doanh) 11-5-2016:
(364/1.427)