(MTG) – Công ty Mossack Fonseca là trung tâm của vụ Hồ sơ Panama. Công ty này vi phạm pháp luật không đồng nghĩa với việc khách hàng của họ vi phạm pháp luật. Còn nếu họ giúp khách hàng vi phạm pháp luật, thì cả hai bên sẽ bị xử lý tuỳ theo pháp luật của từng quốc gia liên quan.
Vụ việc Hồ sơ Panama đang gây xôn xao dư luận thế giới trong thời gian vừa qua. Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI về vụ việc này.
Mossack Fonseca là một công ty luật có trụ sở tại Panama, với hơn 40 văn phòng đại diện trên khắp thế giới. Công ty được thành lập vào năm 1977 bởi Jurgen Mossack và Ramon Fonseca. Công ty luật này chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý cho các công ty và tập đoàn ở nước ngoài. Các dịch vụ bao gồm tư vấn luật thương mại, dịch vụ ủy thác, tư vấn đầu tư và quản lý tài sản.
Công ty này là nhà cung cấp dịch vụ pháp lý kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới, với hơn 300.000 khách hàng; trong đó có rất nhiều khách hàng là những người quyền lực, các chính trị gia và nhiều tỉ phú. Trước đây Mossack Fonseca từng bị cáo buộc giúp đỡ các công dân nước ngoài lách luật thuế khi sinh sống tại Panama. Cũng có cáo buộc nói công ty luật này tham gia các hoạt động rửa tiền và trốn thuế liên quan đến ngân hàng Commerzbank.
Mossack Fonseca cũng đã có câu trả lời chính thức sau khi vụ việc được công bố. Người đứng đầu công ty, Ramon Fonseca cho biết công ty của ông vô tội và nói rằng 240.000 công ty tư nhân mà hãng luật này thành lập đều hoạt động một cách hợp pháp.
Thưa ông, hình thức Offshore company thực chất là gì? Hình thức này đem lại lợi ích gì mà thu hút được lượng khách hàng lớn đến vậy, trong đó có cả những tên tuổi quyền lực nhất thế giới?
Offshore company thực chất là một công ty được thành lập ở các vùng lãnh thổ, mà các cá nhân và pháp nhân thành lập công ty không cư trú tại nước hoặc lãnh thổ đó. Đồng thời, ở đó pháp luật cho phép các ưu đãi về thuế như giảm hoặc miễn hoàn toàn thuế, với điều kiện các công ty đó hoạt động kinh doanh ngoài lãnh thổ nơi đăng ký.
Các công ty loại này là công cụ để hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế rất có lợi về thuế. Vì không đòi hỏi về báo cáo thuế, chỉ phải nộp một mức thuế từ thấp đến rất thấp, thậm chí là bằng không (ngoại trừ chỉ phải đóng một khoản phí cố định khá nhỏ cho lãnh thổ nơi công ty đăng ký thành lập); hơn nữa thông tin về chủ sở hữu và ngưởi quản lý công ty cũng thường được bảo mật cao nên việc các công ty này có lượng khách hàng lớn cũng không có gì lạ.
Theo danh sách mới nhất, Việt Nam có 189 người có tên trong Hồ sơ Panama do Hiệp hội các nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố. Theo ông, họ có vi phạm pháp luật hay không? Hành động mở Offshore/shell company ở nước ngoài để quản lý tài sản có bị cấm không và tình trạng này trên thế giới diễn ra với mức độ như thế nào?
Theo quy định của Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 thì những người có tên trong danh sách trên thuộc loại tham gia vào giao dịch đáng ngờ. Tuy nhiên, chưa thể kết luận họ là vi phạm pháp luật, vì chưa biết họ xuất hiện với tư cách gì, tham gia gì và có hay không có sai phạm?
Theo Luật Đầu tư thì các cá nhân và pháp nhân Việt Nam có quyền đầu tư, kinh doanh, giao dịch với nước ngoài và ở nước ngoài nhưng phải chấp hành các quy định về thủ tục giấy phép, đăng ký, giao dịch ngoại hối,…
Nếu việc thành lập công ty ở nước ngoài không nhằm mục đích đầu tư, kinh doanh, mà chỉ nhằm là vỏ bọc để trốn thuế hoặc rửa tiền thì đó là hành vi vi phạm pháp luật hành chính và pháp luật hình sự.
Thưa ông, nếu công ty cung cấp dịch vụ là Mossack Fonseca bị Mỹ đưa ra trước pháp luật, công ty này sẽ sụp đổ. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến những khách hàng của họ? Theo ông, những cái tên Việt Nam có trong danh sách sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Mossack Fonseca vi phạm pháp luật không đồng nghĩa với việc khách hàng của họ vi phạm pháp luật. Nếu họ giúp khách hàng vi phạm pháp luật, thì cả hai bên sẽ bị xử lý tuỳ theo pháp luật của từng quốc gia liên quan.
Một số nhân vật là người Việt có tên trong danh sách đã lên tiếng khẳng định sự vô tội của họ. Theo ông, nếu không phạm tội trốn thuế thì hành vi này có được xem là lách thuế hay không? Cơ quan quản lý cần làm gì để khắc phục điều này?
Trốn thuế là vi phạm pháp luật, sẽ bị truy thu, xử phạt hành chính và thậm chí là xử phạt hình sự. Còn lách thuế, tức là vận dụng một cách có lợi các quy định (có hoặc không có sơ hở) mà không vi phạm pháp luật, tức là không gian lận, không trốn thuế. Khi đó thì các cơ quan chức năng phải tiếp tục hoàn thiện các đạo luật và nghị định, thông tư về thuế để phòng tránh lợi dụng, thất thoát bất hợp lý.
Xin cảm ơn ông!
Trí Lâm (thực hiện)
————–
Một thế giới (Thời sự) 11-5-2016:
(1.050/1.050)