(DĐDN) – Mong muốn ổn định pháp lý, tiếc thay, đôi khi lại mâu thuẫn với mong muốn rất chính đáng của doanh nghiệp là được tạo điều kiện thuận lợi để kinh doanh đúng luật.
Tại Hội nghị tổng kết một năm thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương tỏ ra rất sốt ruột với nhiều kiến nghị sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014 và phản ứng khá mạnh mẽ với những lời bàn kiểu “từ từ hẵng sửa đổi các quy định mới được ban hành”.
Sửa hay không sửa?
“Mạnh dạn nhận sai, mạnh dạn thay đổi để sớm tháo gỡ vướng mắc, khắc phục sai sót sẽ là điểm cộng cho Chính phủ mới. Phải nhất quán chủ thuyết và phương pháp tiếp cận vấn đề này. Cộng đồng doanh nghiệp cần tính ổn định, ít thay đổi của pháp luật, nhưng cũng cần sự sửa sai nhanh chóng. Đừng để tái diễn tình trạng mất 5 năm mới sửa được một chữ “và” trong Luật Doanh nghiệp”, ông Hiền thẳng thắn bày tỏ chính kiến của mình.
Chữ “và” mà ông Hiền nhắc tới là ở trong quy định “giám đốc và những người khác phải có chứng chỉ hành nghề” của Luật Doanh nghiệp 2005, vốn đã khiến cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện chao đảo vì khó tuân thủ quy định. Rất nhiều ngành nghề không nhất thiết đòi hỏi giám đốc phải có chứng chỉ hành nghề. Mặc dù sự bất cập này được phát hiện và kiến nghị ngay khi Luật Doanh nghiệp 2005 được ban hành, nhưng cuối cùng mọi việc chỉ được xử lý sau 5 năm, khi Luật Doanh nghiệp được sửa đổi toàn diện.
“Mà không chỉ luật. Chúng tôi đã kiến nghị xem xét, sửa đổi Thông tư 16/2015/TT-BKHĐT quy định biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư và báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam từ năm ngoái (năm 2015-PV), khi một số lỗi được phát hiện như nhầm lẫn về mục tiêu dự án với ngành nghề kinh doanh, về nhà đầu tư và chủ đầu tư của dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); giữa đăng ký lần đầu khi thành lập và các lần thay đổi sau…, nhưng đến giờ vẫn chưa sửa”, ông Hiền bức xúc chia sẻ.
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là không thể chấp hành đúng pháp luật, vì hệ thống pháp luật quá phức tạp, rối rắm, mâu thuẫn
Thực ra, các vấn đề cần sửa đổi của Luật Doanh nghiệp 2014 đã được chính ban soạn thảo của luật này đặt ra. Ngoài một số câu chữ mang tính kỹ thuật, hiện tại, Luật Doanh nghiệp 2014 đang được đề nghị quy định rõ hơn về trách nhiệm với bên thứ 3 trong trường hợp doanh nghiệp có hơn 1 người đại diện theo pháp luật để tránh lạm quyền khi thiết lập giao dịch; quy định rõ hơn về quyền của cổ đông, nhất là cổ đông thiểu số; sửa đổi yêu cầu với kiểm soát viên trong doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần có hơn 50% vốn của nhà nước…
Đặc biệt, các quy định về chia tách doanh nghiệp cũng sẽ được làm rõ. Đây là một trong những quy định được chờ đợi nhiều, song lại không đem lại tác động thực tế, do thiếu rõ ràng.
“Luật Doanh nghiệp đã xác lập các quyền của doanh nghiệp trong việc chia, tách công ty, còn cách thức thực hiện phụ thuộc vào sự chủ động của doanh nghiệp. Nhưng do cách diễn đạt chưa rõ nên các phương thức này bị hạn chế. Chúng tôi đã đề nghị sửa”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Vẫn chuyện “luật tôi, luật anh”
Tạm gác sang một bên những bất cập trong chính Luật Doanh nghiệp, để các quy định trong Luật Doanh nghiệp phát huy tác dụng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, còn rất nhiều văn bản luật khác cần được sửa đổi, bổ sung. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, “khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là không thể chấp hành đúng pháp luật, vì hệ thống pháp luật quá phức tạp, rối rắm, mâu thuẫn. Các luật sư chuyên nghiệp như chúng tôi cũng thấy khó”.
Đơn cử như việc Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp phải hoàn thành việc tăng vốn điều lệ rồi mới đăng ký, nhưng khi thực hiện, các ngân hàng thương mại lại yêu cầu phải có đăng ký tăng vốn rồi mới cho doanh nghiệp chuyển tiền để góp vốn.
Ông Hiền cho biết, khi phát hiện vướng mắc, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương đã có công văn báo cáo, nhưng đến nay vẫn không thấy có chuyển biến. Lý do các ngân hàng thương mại yêu cầu khác với Luật Doanh nghiệp là vì họ căn cứ vào Thông tư 19/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tương tự, mặc dù Luật Đầu tư đã bỏ quy định cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các doanh nghiệp trong nước, nhưng nhiều cơ quan khi làm việc với doanh nghiệp vẫn yêu cầu phải có giấy này. “Luật có quy định nếu nhà đầu tư cần thì cấp, nhưng thực tế là các cơ quan quản lý chuyên ngành đòi nên nhà đầu tư mới buộc phải cần. Nếu không có sự phối hợp giữa các văn bản luật, giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau thì quy định tưởng như rất mở của luật sẽ bị vô hiệu bởi đòi hỏi của văn bản khác”, ông Hiền thẳng thắn.
Tất nhiên, trong trường hợp các cơ quan chuyên ngành “ưu tiên” tuân thủ các quy định của ngành hơn thì doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn là đối tượng gánh chịu thiệt hại nhiều nhất. Điều đáng nói là chính tư duy này vô hiệu hóa các quy định từng được kỳ vọng là đột phá trong quản lý nhà nước với doanh nghiệp.
Đơn cử như Điều 19, Nghị định 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp quy định: ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, phương án, cách thức trao đổi thông tin với cơ quan có liên quan và công khai thông tin; xây dựng hệ thống quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp trong phạm vi quản lý nhà nước của mình. Khi ban hành, các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng sẽ có bước đột phá trong tư duy quản lý doanh nghiệp khi dựa trên phương pháp phòng ngừa rủi ro, kiểu mô hình “luồng xanh – luồng vàng” của hải quan khi thông quan. Nhưng sau gần 1 năm có hiệu lực, dường như chưa có tỉnh nào thực hiện được quy định này.
Hệ lụy đương nhiên là môi trường kinh doanh Việt Nam quy định trên giấy tờ thì thoáng, nhưng thực hiện lại không thông.
Minh An
———————————————————————————-
Diễn đàn Doanh nghiệp (Cải cách hành chính) 12-10-2016:
http://enternews.vn/kho-nhat-la-thuc-thi-dung-luat.html
(102/1.299)