1.072. Người Việt có trong hồ sơ Panama: “Cháy nhà” có ra… lỗ hổng?

(TBKD) – Ngay khi dữ liệu của ICIJ cho biết 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có mặt trong “Hồ sơ Panama”, Tổng Cục Thuế đã chính thức mở cuộc điều tra chưa từng có tiền lệ về các cá nhân và tổ chức liên quan đến hồ sơ tai tiếng này. Từ vụ rò rỉ thông tin Panama cho thấy hành động trốn thuế và rửa tiền cũng có thể xảy ra ở Việt Nam và vấn đề sửa đổi chính sách thuế lại đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cho thấy có 19 công ty vỏ bọc được thành lập tại nước ngoài có liên quan tới các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam trong vòng 40 năm qua, trong đó có 7 công ty có mặt trong “Hồ sơ Panama”.

Đồng thời, cơ sở dữ liệu của ICIJ cũng đề cập đến 189 cá nhân, tổ chức có mối liên hệ tới các công ty này trong cả hai cơ sở dữ liệu từ “Hồ sơ Panama” và “Offshore Leaks”.

Lách thuế hay rửa tiền?

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định, đến thời điểm hiện nay, chưa thể khẳng định các cá nhân có trong danh sách này là đang vi phạm pháp luật, mà cần phải có sự vào cuộc của cơ quan điều tra.

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, đây mới chỉ là thông tin tham khảo, cần chờ thêm. Còn trường hợp thông tin chính xác, đây sẽ là một trong những căn cứ để Cục đề xuất với Thủ tướng, Chính phủ cùng các cơ quan trung ương vào cuộc xác minh bởi một mình Cục chưa đủ thẩm quyền làm trực tiếp.

Cùng quan điểm này, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI – cho rằng: “Phải làm rõ vụ này. Một khi đã có tên trong danh sách được công bố công khai, dư luận sẽ đòi hỏi phải làm cho rõ ràng, minh bạch”.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đức cho rằng cần phải tổng hợp hợp phân tích thông tin, yêu cầu các cơ quan chức năng, Bộ Công an, các cơ quan tư pháp, thậm chí cả các ngân hàng Nhà nước cũng phải vào cuộc, đối chiếu luật pháp trong nước, quốc tế để làm rõ vụ việc. Cơ quan chức năng cũng cần yêu cầu những người có liên quan trực tiếp đến vụ việc để xác minh thông tin.

Theo Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, không nên có phản ứng thái quá với những tên có trong Hồ sơ Panama. Bởi những thông tin về các tổ chức, cá nhân trong Hồ sơ Panama đều có nguồn thu nhập chính đáng, với số lượng tiền gửi không nhiều. Do đó, Việt Nam cần theo dõi thông tin từ các nước cũng có bối cảnh giống Việt Nam trong việc xử lý, thay vì phản ứng thái quá.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng mục tiêu chính của các cá nhân, tổ chức có trong Hồ sơ Panama là gửi tiền để lách thuế chứ không phải là rửa tiền.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính ngân hàng, Ts Cao Sỹ Kiêm phân tích rằng có nhiều lý do để một số tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng có tên trong danh sách này. Có thể là họ có tài khoản gửi ra nước ngoài để trốn thuế, hoặc chỉ đơn giản là để thanh toán, để gửi tiết kiệm…

“Tuy nhiên, họ phải chứng minh được mình trong sạch, còn nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý theo luật pháp. Riêng với việc trốn thuế, nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Kiêm nhấn mạnh.

Bình luận về chuyện này, Ls Đức nói: “Vấn đề này liên quan tới luật quản lý ngoại hối. Bởi vậy, cơ quan chức năng phải xem họ chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư, kinh doanh hay tiền gửi có hợp pháp không. Trong quá trình thực hiện, họ đã làm đầy đủ nghĩa vụ thuế hay chưa”.

 

Tổ công tác điều tra thuế liên quan đến hồ sơ Panama sẽ do Vụ Thanh tra –Tổng Cục thuế làm đầu mối nhằm làm rõ các mối quan hệ kinh doanh, tìm ra bản chất của phương thức giao dịch. Từ đó, Tổ sẽ đánh giá mức độ trốn thuế hay không trốn thuế, hay chỉ là lách luật, né thuế…

Xem xét lại chính sách thuế

Mặc dầu vậy, theo các chuyên gia ngân hàng, từ vụ 189 tổ chức cá nhân của Việt Nam nằm trong Hồ sơ Panama, Việt Nam phải xem xét lại chính sách thuế.

Để “trám” kẽ hở về thuế hiện nay, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng việc trốn thuế, rửa tiền như vụ Hồ sơ Panama vừa được phanh phui cũng đang xuất hiện trong dòng vốn vào Việt Nam.

“Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khả năng kiểm soát tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại,” vị chuyên gia kinh tế cảnh báo.

Đặc biệt, ông Ánh cho rằng hiện trên thế giới có tới hơn 30 “thiên đường thuế.” Bởi vậy, ngoài việc kiểm tra dòng tiền luân chuyển thì sự phối hợp giữa các nước là điều kiện “cần và đủ” để thực hiện kiểm soát hữu hiệu và giảm tới mức thấp nhất khả năng trốn thuế, rửa tiền. Đây là vấn đề riêng, Việt Nam không thể làm được mà cần sự phối hợp quốc tế vì các nhà đầu tư có thể hoạt động ở hơn 200 quốc gia.

Cũng nói về vấn đề này, Ts Lực cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các định chế tài chính với các cơ quan thuế.

Đồng thời, các khoản thu nhập lớn, bất ngờ cần phải được khai báo và nêu rõ nguồn gốc. Việc bắt buộc nêu rõ nguồn gốc các khoản thu nhập sẽ hạn chế được hiện tượng lách thuế.

“Đây cũng là cách thức phổ biến mà các nước đã và đang làm, Việt Nam sẽ không nằm trong ngoại lệ. Đã tới lúc chúng ta phải xem xét những khoảng hở của chính sách thuế và nghiên cứu sửa kịp thời” Ts Lực khẳng định.

Thanh Hoa

Luật sư Trần Đình Triển

Ở Việt Nam, tình trạng “rửa tiền” không thiếu, mặc dù hành lang pháp lý về vấn đề phòng chống “rửa tiền” đã được quy định rất cụ thể và đầy đủ, nhưng trên thực tế, việc thực hiện rất khó khăn. Công tác đấu tranh phòng ngừa “rửa tiền” ở Việt Nam còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, việc phòng chống tham nhũng cần phải gắn với công tác đấu tranh phòng chống “rửa tiền”. Hoạt động của chúng ta trong công tác đấu tranh này triển khai thực hiện không hiệu quả và gặp nhiều khó khăn. Đó là do ý thức của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Các cơ quan chức năng ở Việt Nam chắc chắn phải vào cuộc, bởi đây cũng là việc các nước khác đều làm. Giờ phải yêu cầu họ giải trình cụ thể, xuất trình đủ chứng từ để kiểm tra, xác minh. Nếu liên quan tới nguồn thu từ khoản đầu tư thì có thể liên quan tới công ước quốc tế, tức là phải tham chiếu với luật quốc tế nữa, còn không thì cứ áp dụng theo luật Việt Nam mà xử lý.

Luật sư Trương Thanh Đức

Các cơ quan chức năng cần làm rõ nguồn tiền ở đâu, phương thức, cách thức sử dụng như thế nào. Nếu họ mở tài khoản chuyển tiền ra nước ngoài hợp pháp hoặc có hoạt động đầu tư, kinh doanh, mở công ty… thì đó là chuyện bình thường. Hoặc nếu họ đầu tư ra nước ngoài, phát sinh lợi nhuận, nhưng đã nộp thuế đầy đủ thì không vấn đề gì cả.

 

————–

Thời báo Kinh doanh (Diễn đàn) 11-5-2016:

http://thoibaokinhdoanh.vn/Dien-dan-10/Nguoi-Viet-co-trong-ho-so-Panama–%E2%80%9CChay-nha%E2%80%9D-co-ra-lo-hong-23779.html

(265/1.442)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,945