(CP) – Phấn khởi trước những nỗ lực “thắp lửa” của Chính phủ và Thủ tướng nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, song cộng đồng doanh nghiệp cũng chia sẻ rất nhiều trăn trở nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Đại diện các doanh nghiệp tới quyết toán thuế ở Chi cục Thuế TP.HCM – Ảnh: TTO |
“Thủ tướng sẽ quyết liệt, Chính phủ sẽ đồng hành và doanh nghiệp phải tiến lên”, đây là chia sẻ của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại buổi lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập-phát triển”-sự kiện được tổ chức nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết năm 2016 sẽ là năm đầu tiên mà số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp. Hơn nữa, mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, một tổ chức có các thành viên từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã bình chọn và quyết định trao giải thưởng quốc gia khởi nghiệp năm 2016 cho Việt Nam.
“Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam mà Thủ tướng và Chính phủ là người thắp lửa. Tuy nhiên, việc truyền ngọn lửa này tới mọi cấp chính quyền để sức nóng, sự thôi thúc của cải cách đến được chị văn thư, anh bảo vệ ở chốn công quyền, nơi cơ sở là không dễ dàng”, ông Vũ Tiến Lộc nói và bày tỏ mong muốn cả hệ thống chính trị sẽ hậu thuẫn, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Rõ ràng, khí thế của cộng đồng doanh nghiệp trong Ngày Doanh nhân năm nay đã khác trước, nhưng vẫn còn đó rất nhiều vấn đề khiến các doanh nhân lo lắng.
Còn quá nhiều bất cập
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, hiện có nhiều rào cản trong 5 lĩnh vực chính là điều kiện kinh doanh, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy hoạch và thủ tục hành chính. “Các bộ đang đẻ ra rất nhiều thủ tục hành chính, mà động đến thủ tục hành chính nào cũng “chết”. Nói ngay như chuyển trụ sở văn phòng cũng rất phức tạp dù doanh nghiệp đã mua đứt trụ sở mới”, ông Đức dẫn chứng.
“Trong 30 năm qua, rào cản kinh doanh đã được sửa chữa rất nhiều, thay đổi rất nhiều, tốt hơn rất nhiều so với thời bao cấp, thời ngăn sông, cấm chợ và những năm đầu đổi mới, nhưng so với yêu cầu của nền kinh tế thị trường và thực tế thì vẫn còn quá nhiều bất cập”, ông Đức nói.
Ông Trần Sỹ Sơn, Giám đốc PYS Travel, cũng chia sẻ công ty ông gặp không ít rắc rối với chính quyền địa phương. Ví dụ, điểm du lịch Cô Tô trước đây thuộc quân đội quản lý nên không cho khách nước ngoài vào. Tuy nhiên, đến nay, ngay cả khi đã có quyết định cho phép đón du khách nước ngoài, Công ty xin được cả giấy phép nhưng xuống tới nơi công an xã không đồng ý.
“Khi chúng tôi in quyết định ra cho họ thì họ cũng không nghe. Mãi tới khi hết mùa du lịch họ bảo đã nhận được quyết định nhưng đâu còn khách”, vị giám đốc kể trong ấm ức.
Bà Thái Hương, Chủ tịch TH Group bày tỏ hy vọng, Nghị quyết 35 của Chính phủ với những đổi mới quyết liệt sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch hơn, lấy doanh nghiệp làm trụ cột phát triển kinh tế.
“Việc làm luật hiện nay còn xa rời thực tiễn, nên nhiều khi không thúc đẩy sản xuất, thậm chí còn kìm hãm sản xuất, Khi đã ban hành luật thì đè người ta ra thu thuế”, bà Hương nêu quan điểm và dẫn chứng, tập đoàn TH có những công cụ lao động nằm trong danh sách được ưu tiên rồi, nhưng nhân viên thuế đến lại bảo cái này không có trong biểu thuế, phải áp mức thuế 5%.
“Có đợt khi tôi đi nước ngoài thì nghe tin Cục Hải quan Nghệ An nói TH True Milk thuộc danh sách trốn thuế. Lúc đó tôi mới nói với nhân viên là nộp ngay để tránh ảnh hưởng đến thanh danh, rồi sẽ kiến nghị hoàn thuế sau”, bà Hương bức xúc.
“Trên thảm, dưới đinh” vẫn phổ biến
Trong khi đó, theo bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam, các cán bộ thuế đến với doanh nghiệp thường mang tâm lý áp đặt, gây khó khăn. “Sự bất cập, thái độ luôn hoài nghi doanh nghiệp trốn thuế, đưa những nghĩa vụ thuế không hợp lý… gây bức xúc cho người nộp thuế”, bà Hương Vũ nói.
“Việt Nam nói hội nhập quốc tế, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã vào Việt Nam, nhưng sổ sách kế toán vẫn phải in ra giấy. Trong khi đối với một công ty thực hiện 20.000-30.000 nghiệp vụ mỗi ngày thì một năm lấy đâu ra chỗ để lưu những hồ sơ về các nghiệp vụ đó?”, bà Hương Vũ nói thêm.
Ông Phí Ngọc Trịnh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm thì cho biết, đạo đức công chức nhiều cán bộ thuế đang có vấn đề. Tình trạng “trên trải thảm, dưới trải đinh” vẫn phổ biến. “Doanh nghiệp chúng tôi muốn đóng thuế lớn cho Nhà nước, nhưng đạo đức cán bộ thu thuế cần phải nâng cao hơn. Có cán bộ đến công ty yêu cầu đưa hồ sơ 7-8 năm trước, trong khi những thứ đó để hệ thống đầy đủ mất nhiều thời gian, đề nghị họ lên hệ thống điện tử lấy thì không chấp nhận”, ông Thịnh nói.
Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, trong vài năm gần đây, cách hành xử của bộ máy Nhà nước với doanh nghiệp đã thay đổi, không chỉ minh bạch hơn mà còn thân thiện hơn.
Tuy nhiên, chi phí giao dịch quá cao hiện là một trong những lý do khiến doanh nghiệp Việt khó trưởng thành, khó lớn mạnh. Theo ông Thành, đây là yếu tố quan trọng nhất, nhiều doanh nghiệp phản ánh các “chi phí ngoài” quá lớn, dẫn đến kinh doanh giảm sút, thua lỗ.
Thành Đạt
————————————————————————————————–
Điễn đàn Cạnh tranh Quốc gia (Chính sách & Cuộc sống) 12-10-2016:
(144/1.135)