(TBTD) – Gần nửa năm kể từ khi Nghị quyết 35/NQ-CP (NQ 35) về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 của Chính phủ chính thức ban hành, hầu hết DN đều đánh giá cao tinh thần tích cực mà NQ 35 đem lại, tuy nhiên sức lan tỏa từ NQ 35 vào thực tế chưa tạo những làn sóng mạnh mẽ khi hiện vẫn còn không ít rào cản kinh doanh gây khó khăn cho DN.
Điều kiện kinh doanh “biến tướng” thành thủ tục hành chính
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: Dù đã hơn 5 tháng kể từ khi NQ 35 được ban hành nhưng những chuyển biến trong môi trường kinh doanh theo đúng tinh thần của NQ 35 chưa rõ nét. DN vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản.
Về mặt tổng thể, rào cản lớn nhất là đất đai khi đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân. Nhiều DN muốn tích tụ đủ ruộng đất để đầu tư, kinh doanh phải làm sai, lách luật mới có. Vấn đề tích tụ ruộng đất, hủy bỏ hạn điền đã được bàn tới khá nhiều, song cũng chỉ là vấn đề “râu ria”, mấu chốt vẫn là có sửa đổi Luật Đất đai hay không.
Ông Đức phân tích: Đi vào cụ thể các rào cản có thể thấy nổi lên là rào cản trong kinh doanh, tiêu chuẩn kĩ thuật và thủ tục hành chính.[1] Ví dụ điển hình cho vấn đề này thể hiện rất rõ trong các quy định của Bộ Công Thương khi phần lớn khuyến khích độc quyền, dành ưu đãi cho DN lớn, triệt tiêu DN quy mô nhỏ và vừa, thậm chí không cho phép DN khởi nghiệp có cơ hội gia nhập thị trường. Các quy định về điều kiện kinh doanh được Bộ Công Thương đưa ra đi vào từng vấn đề cụ thể như DN muốn XK gạo thì phải có nhà kho như thế nào, diện tích bao nhiêu hay DN muốn kinh doanh mặt hàng phân bón cũng phải đáp ứng điều kiện “cứng” là gì…
“Ngoài ra, hiện nay các thủ tục hành chính bị lẫn lộn với điều kiện kinh doanh cũng gây nhiều khó khăn cho DN. Thủ tục hành chính thẩm quyền cấp Bộ quy định chứ không cần Quốc hội hay Chính phủ thông qua. Do đó, có xu hướng là các Bộ ào ào lách từ điều kiện kinh doanh sang thủ tục hành chính, khiến DN hễ động vào thủ tục hành chính là gặp khó. Mọi thứ cần phải công khai, minh bạch hơn”, ông Đức nói.
Chia sẻ góc nhìn từ ngành nghề kinh doanh vàng bạc, đá quý, ông Dương Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji cho biết: Vài năm gần đây, các quy định được đưa ra như Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng hay Thông tư 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường đều nhằm mục tiêu làm mạnh thị trường vàng bạc đá quý, song thực tế lại đang tạo rào cản, vướng mắc cho DN.
“Theo quy định, chỉ DN lớn mới được kinh doanh vàng miếng. Trên thị trường hiện có khoảng 100 DN đủ kiều kiện nhưng hiện nay ngay cả các cửa hàng nhỏ cũng vẫn kinh doanh vàng miếng, dù không công khai. Như vậy, quy định rõ ràng xa rời cuộc sống. Tại Thông tư 22 quy định khá rõ sai số về tuổi vàng, song hệ thống kiểm soát chất lượng hiện chưa hoàn thiện. Tôi cho rằng, theo tinh thần của NQ 35, để tạo điều kiện cho các DN thực chất phát triển, làm minh bạch thị trường, các quy định đặt ra phải dựa vào thực tiễn. Cái nào chưa khả thi thì chưa nên đưa ra, còn khi đã đưa ra thì phải tìm cách thực thi bằng được”, ông Tuấn đề xuất.
Kỳ vọng trong tương lai
Theo ông Phí Ngọc Trịnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm: Hiện nay, dù những chuyến biến trong môi trường kinh doanh chưa được như kỳ vọng, tuy nhiên trong tương lai nếu NQ 35 thực sự đi vào thực tiễn thì sẽ làm tốt vai trò “bà đỡ”, giúp DN được vẫy vùng trong môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Đồng quan điểm này, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa Hà Nội cho biết: NQ 35 được ban hành ngay sau cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN ngày 29-4. Tinh thần của NQ 35 là tháo gỡ, xóa bỏ rào cản cho DN. Nghị quyết đã chỉ ra những nguyên tắc quan trọng là tôn trọng quyền tự do kinh doanh DN, tạo thuận lợi cho DN trong tiếp cận vốn, đất đai…; coi DN là đối tượng phục vụ. Tất cả những tư tưởng đó rất đúng.
“Theo tôi, NQ 35 là chương trình dài hơi, hơn năm tháng sau khi được ban hành khó có thể thể hiện được điều gì rõ nét nên cần chờ đợi, đánh giá trong lâu dài. Phải thừa nhận, trên Nghị quyết còn luật pháp, dưới Nghị quyết còn Thông tư cần sửa đổi, nhưng với tinh thần cầu thị, quyết tâm ủng hộ DN, NQ 35 đang thổi một luồng gió mới vào thị trường đầu tư, tạo sự phấn khởi cho doanh nhân”, ông Tuấn nói.
Là người có nhiệm kỳ công tác nhiều năm tại các quốc gia như Rumani và Ba Lan, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) nhìn nhận: Các nước này đã từng trải qua những cải cách kinh tế lớn. Việt Nam hiện cũng đang có những điểm tương đồng với các quốc gia đó trong một số năm trước đây. Việc Chính phủ Việt Nam ban hành NQ 35 là đúng hướng nhưng dường như NQ 35 vẫn ra đời hơi muộn. Do đó, thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực thi Nghị quyết này để tạo điều kiện phát triển cho DN trong nước.
Thời báo Today (Đời sống) 12-10-2016:
http://thoibao.today/paper/nghi-quyet-35-khoi-dong-roi-can-tang-toc-1199548
(374/1.104)
[1] Sai: Điều kiện kinh doanh, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục hành chính.