(TP) – Vụ hồ sơ Panama đang khiến dư luận quan tâm. Dù chưa thể vội kết luận người có tên trong hồ sơ có sai phạm hay không, nhưng đã tới lúc cần sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan.
Soi đường đi của dòng tiền và minh bạch
Ngày 11/5, trao đổi với Tiền Phong, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI chia sẻ: “Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp ở nước ngoài trên, ngân hàng có 2 vấn đề liên quan. Đó là thanh toán và phòng chống rửa tiền”.
Cụ thể hơn, ngân hàng sẽ có 3 trạng thái cần thực hiện, thứ nhất là chuyển tiền đầu tư nước ngoài theo đúng quy trình; thứ hai, nếu có tiền chuyển về (khi có lãi) thì phải thực hiện; thứ ba, giao dịch thanh toán khác khi có kinh doanh đầu tư.
“Tất cả những điều đó đều phải qua ngân hàng, có thể là của Việt Nam hay ngoại quốc. Lỗi có thể ở chỗ với những giao dịch bất thường hay giao dịch lớn, ngân hàng đã cố tình làm ngơ (kể cả những ngân hàng uy tín có thể vì nể nang khách hàng)”, ông Đức nói.
Cũng theo luật sư Đức, trong câu chuyện hồ sơ Panama cần nhìn nhận rõ bản chất vấn đề: Doanh nghiệp hoạt động phải có lợi ích, trong đó đáng ngờ nhất là lách thuế hoặc trốn thuế.
“Nói đúng ra với vụ việc này, cần sự vào cuộc của 3-4 bộ ngành. Trong đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hai vai: Thanh toán và phòng chống rửa tiền”, luật sư Đức nói.
Ông Đức cũng cho hay, ngành Công an có thể chưa vào cuộc ngay vì dấu hiệu phạm tội chưa có. Còn phải tùy từng lĩnh vực, ngành nghề và từng cá nhân cụ thể (ví như họ có mang hai quốc tịch hay không; hay có rơi vào trường hợp tránh đánh thuế hai lần). “Hiện, thông tin tại Việt Nam cần xem xét rõ và xử lý. Chúng ta đã hội nhập rồi, không thể để Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu minh bạch…”, ông Đức nhấn mạnh.
Tiếp tục theo dõi thông tin liên quan
Chiều 11/5, ông Nguyễn Văn Ngọc-Cục trưởng Phòng chống rửa tiền (NHNN) cho biết, đã giao các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát theo dõi thông tin liên quan vụ việc.
“Trong phạm vi quyền hạn của mình, NHNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý theo đúng chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định của pháp luật”, ông Ngọc nói. Đại diện NHNN cũng khẳng định: Các văn bản về quản lý ngoại hối đã có đầy đủ các quy định về giao dịch thanh toán, chuyển tiền vào, ra Việt Nam (với các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, mở tài khoản ở nước ngoài).
Một lãnh đạo NHNN khác cũng cho rằng, cần có những bước đi rất thận trọng trong câu chuyện này. Ngoài việc rà soát lại các giao dịch, xem xét có vấn đề hay không, cơ quan này sẽ chỉ đạo các vụ, cục liên quan theo sát diễn biến thông tin.
Theo TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, một khi đã có tên trong danh sách được công bố công khai, dư luận sẽ đòi hỏi phải làm cho rõ ràng, minh bạch. Ông Kiêm cho rằng, Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan tư pháp, thậm chí cả các ngân hàng cũng phải vào cuộc, đối chiếu luật pháp trong nước, quốc tế để làm rõ vụ việc.
Cơ quan chức năng cũng cần triệu tập những người có liên quan trực tiếp đến vụ việc để xác minh thông tin. Theo ông Kiêm, sở dĩ ngân hàng phải vào cuộc vì họ có liên quan tới phần tài khoản, các khoản thanh toán quốc tế, tài sản nhà nước…Ngân hàng có nhiệm vụ minh bạch tất cả các khoản thanh toán của họ, nhất là các khoản thanh toán quốc tế.
Khánh Huyền
————–
Tiền phong (Pháp luật) 12-5-2016:
http://m.tienphong.vn/phap-luat/vu-ho-so-panama-gay-chan-dong-cac-bo-nganh-phai-vao-cuoc-1003386.tpo
(329/724)