(CP) – Đang có tranh cãi quyết liệt giữa các doanh nghiệp gas khi Bộ Công Thương cho biết sẽ xem xét sửa đổi điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này. Tranh cãi càng nóng khi mới đây, một nhóm doanh nghiệp lớn đã đòi “bồi thường” khoản tiền đã đầu tư.
Bộ trưởng Công Thương cho rằng, không có cơ sở để quy định 100.000 bình gas và bồn chứa 300 mét khối. |
Nghị định 19/2016/NĐ-CP là tâm điểm trong cuộc tranh cãi nói trên, với quy định các doanh nghiệp gas phải đáp ứng một số điều kiện, như thương nhân xuất nhập khẩu phải sở hữu ít nhất 150.000 vỏ bình gas 12 lít, thương nhân phân phối phải có ít nhất 100.000 vỏ bình… Ngoài ra, thương nhân phân phối phải có bồn gas với tổng sức chứa ít nhất 300 m3.
Cho rằng các điều kiện này là quá cao, các doanh nghiệp quy mô nhỏ đã liên tục gửi kiến nghị tới các cơ quan chức năng và phản ánh nhiều lần tại các hội nghị, hội thảo. Các doanh nghiệp nhỏ đề nghị Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi Nghị định 19 theo hướng giảm các điều kiện về quy mô kinh doanh như trên.
Nhiều doanh nghiệp ở Hà Giang cho hay cả tỉnh mỗi tháng chỉ tiêu thụ khoảng 300 tấn gas, việc yêu cầu bồn chứa lớn là không cần thiết, tồn trữ lớn khiến việc đầu tư trở thành gánh nặng về tài chính, lãng phí, không đúng với quy luật cung cầu của thị trường.
“Doanh nghiệp nhỏ và vừa bị thiệt hại rất lớn, chúng tôi không thua vì thị trường và khách hàng nhưng với những điều kiện của Nghị định 19 chúng tôi sẽ bị giết chết, biến mất khỏi thị trường. Xin Nhà nước đừng để doanh nghiệp lớn “ép chết” doanh nghiệp nhỏ”, đại diện các doanh nghiệp nhỏ nói với Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh tại một hội thảo gần đây.
Cho tới gần đây, khi Bộ Công Thương cam kết sẽ sửa đổi Nghị định 19, thì trái với quan điểm trên, một nhóm các doanh nghiệp lớn lại gửi đơn đề nghị giữ nguyên các điều kiện nói trên. Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp này còn đề nghị được “bồi thường” khoản tiền đã đầu tư vào kho chứa, vỏ bình.
Lý do là để đáp ứng quy định này, doanh nghiệp trước đây đã vay vốn ngân hàng với một lượng tiền lớn để đầu tư và hoạt động kinh doanh. Mặt khác, họ cho rằng việc hạ điều kiện về kinh doanh gas sẽ dẫn đến cung ứng tràn lan, Nhà nước không kiểm soát được cũng như gây mất an toàn cháy nổ.
Luận điểm không phù hợp của doanh nghiệp lớn
Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, đây là đòi hỏi vô lý của các doanh nghiệp lớn. Luận điểm rằng nếu tiếp tục hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas, doanh nghiệp nhỏ sẽ làm rối loạn thị trường và gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp lớn là không phù hợp. Theo quy luật của thị trường, doanh nghiệp nào làm ăn đàng hoàng, doanh nghiệp đó sẽ tồn tại, bất kể là lớn hay nhỏ. Không thể lấy điều kiện về quy mô để khẳng định rằng có thể bảo đảm hoàn toàn về chất lượng.
“Tôi không tin rằng nếu được đầu tư bài bản, doanh nghiệp lớn lại không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nhỏ. Người tiêu dùng rất thông minh. Nếu doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ, sản phẩm và uy tín thương hiệu, người tiêu dùng sẽ lựa chọn”, luật sư nói với báo chí.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, yêu cầu số lượng bình gas tối thiểu là bất hợp lý, là một dạng điều kiện kinh doanh cần được khai tử. “Chúng tôi đánh giá những điều kiện kinh doanh phân biệt quy mô một cách bất hợp lý này gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nó chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn, kinh doanh theo lối truyền thống”, ông Đức nói.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, quy định về số lượng bình gas tối thiểu hay dung tích tối thiểu của kho chứa… khiến chi phí gia nhập thị trường trở nên rất lớn, tạo vị trí độc quyền cho các doanh nghiệp lâu năm, trong khi hạn chế các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Điều này khiến giá gas trong nước có thể không thay đổi hoặc thay đổi rất chậm ngay cả khi giá gas thế giới giảm rất mạnh, người tiêu dùng chịu thiệt.
TS Nguyễn Đình Cung gọi chung những điều kiện kinh doanh như trên là những “biến tướng” về vốn pháp định – khái niệm đã được loại bỏ từ năm 1999. Những quy định như vậy đặt ra rào cản gia nhập thị trường, làm thui chột sáng tạo kinh doanh, loại bỏ những cách làm mới vì chúng bị coi là vi phạm pháp luật, làm cho thị trường trở nên kém cạnh tranh.
Rất may, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có những kết luận rất rõ ràng. Tại một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh rằng những quy định trên đang “làm méo thị trường”, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thị trường, không phản ánh đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp và của Chính phủ. Ban soạn thảo chưa thuyết phục được sự cần thiết của các điều kiện kinh doanh trong Nghị định 19. Ông kết luận, không có cơ sở để quy định 100.000 bình gas và bồn chứa 300 mét khối và không quy định “phải sở hữu” trạm nạp trong dự thảo nghị định sửa đổi để doanh nghiệp có thể đi thuê ngoài.
Cũng phải nói thêm rằng, bãi bỏ hoặc hạ chuẩn các yêu cầu nói trên không có nghĩa là nhà nước buông lỏng quản lý. Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ đã yêu cầu phải cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, chuyển căn bản sang hậu kiểm, nghĩa là các lực lượng chức năng sẽ phải căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn để tăng cường kiểm tra sau, từ đó bảo đảm các yêu cầu quản lý, mà trong trường hợp này là bảo đảm an toàn cháy nổ.
Đúng là một số doanh nghiệp nhỏ làm ăn không đàng hoàng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhưng không thể chỉ vì một số doanh nghiệp như vậy mà “triệt đường sống” của tất cả những doanh nghiệp khác. Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt cải cách điều kiện kinh doanh, rõ ràng không thể tiếp tục duy trì một quy định vô lý và càng không thể bồi thường cho một số đối tượng đang hưởng lợi một cách không công bằng từ quy định ấy.
Hà Chính
————————————————————————————-
Cạnh tranh Quốc gia (Chính sách & Cuộc sống) 17-10-2016:
(166/1.256)