(TBKD) – Tính đến thời điểm này, khi năm 2016 đã đi vào những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng vẫn còn khá im ắng về các giải pháp tăng vốn, hay nói đúng hơn là vẫn kẹt cứng ở các cửa phê chuẩn.
Có một thực tế là khi chưa tăng được vốn, hệ số an toàn vốn (CAR) không cải thiện, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phải giữ nguyên 17% chứ không thể nới lên 20%, thậm chí 25% như những năm trước.
Tín dụng không được mở rộng hơn, lợi nhuận khó tăng cao hơn nữa, cổ tức và nộp ngân sách cũng khó nâng cao. Làm thế nào để tăng vốn thực sự là bài toán khó giải đối với một số ngân hàng.
Sức ép tăng vốn
Để chạy đua với thời gian, các ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn. Ngoài việc thực hiện sáp nhập với các ngân hàng khác, nhiều phương án khác cũng được các ngân hàng lựa chọn là: bán cho cổ đông ngoại, phát hành cổ phiếu tăng vốn hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, câu chuyện tăng vốn tại mỗi ngân hàng lại chẳng dễ dàng gì.
Điển hình, Ngân hàng Vietcombank đã chốt thành công thương vụ bán 7,73% cổ phần của mình cho Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore – GIC Special Investments.
Sau gần nửa năm với vài chục cuộc đàm phán với đối tác, tốn kém nhiều thời gian và chi phí để chốt được bản thỏa thuận về đầu tư, kế hoạch tăng vốn vẫn có thể bất thành. Đến nay, các cấp thẩm quyền vẫn chưa phê duyệt.
Tín dụng không được mở rộng hơn, lợi nhuận khó tăng cao hơn nữa
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng có định hướng phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy thông tin gì về đối tác chiến lược của ngân hàng này.
Tương tự, kế hoạch tăng vốn của VietinBank cũng đang dậm chân tại chỗ. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, họ đang tính giải pháp khác, có tính đột phá, đang chuẩn bị trình Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, kỳ vọng sẽ được chấp thuận. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ sở hữu Nhà nước của ngân hàng này đã giảm đến giới hạn, nên tình thế càng khó hơn.
Trong khi đó, có một số ngân hàng đã phải trì hoãn việc tăng vốn, thậm chí DongA Bank đã phải hủy kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng và trả lại tiền cho các cổ đông, vì số cổ đông nộp tiền mua cổ phần ở mức thấp.
Trước đó, BIDV cũng đã công bố bản phân tích dài về những khó khăn trong việc tăng vốn. Cho rằng, khi kẹt đường tăng vốn, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng như thế nào; lượng tín dụng bơm ra hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế bị hạn chế ra sao, thậm chí lượng hóa cả phần GDP liên quan…
Năm 2016, có 17 ngân hàng đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có hai ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu đó là ngân hàng Bắc Á và VPBank.
Thực tế thì hai ngân hàng này gần như đã hoàn thành việc tăng vốn lên mức tương ứng là 5.000 tỷ đồng và 9.181 tỷ đồng từ cuối năm 2015, nhưng họ đợi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê chuẩn nên đến năm 2016 mới hạch toán.
Không dễ lấp đầy
Áp lực tăng vốn vào những tháng cuối năm đang khiến các ngân hàng như “ngồi trên đống lửa”, nhiều ngân hàng vẫn chưa biết xoay nguồn ở đâu, khi mà một trong những kênh được trông đợi là giữ lại cổ tức để tăng vốn thì không được chấp nhận, do bị gắn với kết quả xử lý nợ xấu.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm ở mức 10,64% so với cuối năm 2015. So với mục tiêu 18%-20% trong năm nay, dư địa tối thiểu 8% còn lại không dễ kịp lấp đầy, dù hơn hai tháng cuối năm là thời điểm “vào vụ kinh doanh”, bởi hầu hết các ngân hàng có hệ số an toàn CAR chỉ quanh mức khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước là 9%.
Trong khi đó, tính đến cuối quý II/2016, nợ xấu ở riêng 9 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 43.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cuối năm trước. Trong đó, ba ngân hàng lớn nhất là BIDV, Vietcombank, VietinBank đã chiếm tới 26.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 20% tổng nợ xấu.
Kẹt đường tăng vốn, nhiều “ông lớn” ngành ngân hàng đã đề xuất NHNN cho phép giữ lại cổ tức để tăng vốn, nhằm mục đích bảo đảm hệ số CAR, từ đó mở rộng tín dụng theo mục tiêu được phân bổ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng chưa duyệt.
Một số chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng, với những trường hợp ngân hàng thương mại có nhu cầu giữ lại cổ tức để tăng vốn, NHNN nên xem xét giải quyết, bởi vì xét đến cùng, tăng vốn cũng là biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống.
Ls. Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chia sẻ: “Rất thông cảm với Ngân hàng Nhà nước ở chỗ: họ phải gắn câu chuyện các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu với chi trả cổ tức nhưng như thế, hệ số CAR lại không tăng được, kéo theo tín dụng không tăng, ảnh hưởng xấu đến mục tiêu tín dụng và GDP trong năm nay. Đằng nào cũng khó”.
Việc tăng vốn của các ngân hàng đang ngày càng cấp thiết, bởi sẽ giúp ngân hàng có thể đẩy mạnh phát triển kinh doanh mà vẫn đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, các giới hạn so với vốn tự có theo quy định của NHNN.
Đây cũng là điều kiện số một để ngân hàng áp dụng thông lệ Basel II, là yếu tố quyết định quy mô tăng trưởng tín dụng trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Thành Vinh
—————————————————————–
Thời báo Kinh doanh (Ngân hàng) 18-10-2016:
http://thoibaokinhdoanh.vn/Ngan-hang-5/Cac-ngan-hang–ket-duong–truoc-ap-luc-tang-von-27178.html
(81/1.105)