1.081. Nhiều “nhóm lợi ích” trong bình gas

(TBKD) – Ngày 22/3/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí thay thế Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 15/5/2016.

Tuy nhiên, dù mới có hiệu lực hơn 5 tháng nhưng xem ra những quy định mới tại Nghị định 19 lại đang trở thành căn nguyên dẫn đến những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các nhóm DN kinh doanh trong ngành khí gas.

Kẻ đồng ý bỏ, người bảo không

Ông Nguyễn Văn Thái, Hiệp hội gas Thanh Hoá một lần nữa lại vừa có kiến nghị lên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là cần phải giữ nguyên điều kiện ngành nghề kinh doanh gas.

Cụ thể, đại diện Hiệp hội gas Thanh Hóa, cho biết, Nghị định 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 ra đời đã tháo gỡ một số khó khăn cho DN… Vì vậy, theo Hiệp hội này, nếu loại bỏ các điều kiện kinh doanh đồng nghĩa với việc thừa nhận những thương nhân trước đây kinh doanh trái phép, không đủ năng lực, dẫn đến việc tham gia cung ứng tràn lan, Nhà nước không kiểm soát được thị trường cũng như an toàn cháy nổ.

Ông Thái cho rằng thị trường kinh doanh gas nước ta hiện nay còn tồn tại nhiều hành vi gây nguy hại cho người sử dụng, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội như: chiếm dụng vỏ chai, cưa tai, mài chữ,… ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu. Nhiều trạm nạp không đủ điều kiện, chủ yếu nạp thuê, nạp vào chai không đáp ứng đủ các điều kiện lưu thông trên thị trường…

Mới đây, một động thái đáng chú ý là hàng trăm DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh gas (chủ yếu là DN lớn) đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đề nghị xem xét không sửa quy định hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas, tránh làm xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và thị trường gas trong nước.

Theo nhóm DN này, nếu quy định này vẫn được sửa đổi, các DN này “yêu cầu” Bộ Công Thương phải bồi thường tiền cho DN (bồi thường những khoản vay ngân hàng mà họ đã đầu tư bồn nếu hạ thấp các điều kiện).

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hàng loạt các DN gas ở một số tỉnh nhỏ, tỉnh miền núi lại đang gửi đến Thủ tướng Chính phủ, VCCI và các cơ quan công luận trong thời gian qua liên tục kiến nghị Bộ Công Thương nới lỏng điều kiện kinh doanh gas.

Trong một hội nghị lấy ý kiến về chính sách của ngành công thương mới đây, gần 40 DN kinh doanh gas tham dự đã đồng loạt “kêu cứu” lên Bộ Công Thương.

Còn nhớ khi đó, bà Nguyễn Thuỳ Trang, đại diện Kinh doanh khí gas, cho rằng Nghị định 19 là quá chặt và bất hợp lý, dẫn đến nguy cơ phá sản phần lớn các DN đang phân phối khí gas.

Những quy định mới tại Nghị định 19 lại đang trở thành căn nguyên dẫn đến những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các nhóm DN kinh doanh trong ngành khí gas.

“Các điều kiện kinh doanh nêu trên dẫn đến việc loại bỏ các DN nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường, đặc biệt là với rất nhiều DN đã có quá trình đầu tư, hoạt động hợp pháp, có hiệu quả. Điều này sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn cho các DN kinh doanh gas nhỏ lẻ trên trên cả nước”. Do vậy, “Xin Nhà nước đừng để DN lớn ép chết DN nhỏ”, bà Trang nói.

Vấn đề này đang được Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu để có phương hướng tháo gỡ, sửa đổi, để tránh xung đột lợi ích giữa các nhóm DN trong ngành này.

Sửa hay không sửa?

Theo giải thích của đại diện Bộ Công Thương, quy định về điều kiện tối thiểu vỏ chai và bồn chứa là để các DN phải lớn lên. DN có thể sáp nhập lại với nhau thành một DN đủ điều kiện hoặc giải thể bán lại cơ sở vật chất cho DN lớn hơn. Tuy nhiên, rất khó để DN liên kết theo kiểu cơ học như vậy.

“Nếu chỉ tập trung nhau trong một DN mang tính hình thức thì có thể đạt được điều kiện của Nghị định 19. Như vậy chẳng khác nào đẩy khó về cho các DN và mang sự tiện lợi về cho cơ quan quản lý. Còn trường hợp buộc DN phải giải tán, phá sản, bán tài sản cho DN lớn thì nhà đầu tư sẽ nói gì về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, Bộ Công Thương trần tình.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết Bộ trưởng đã xác định đây là một trong những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, Bộ trưởng đã họp giao ban với các vụ chức năng trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Khánh, trước hiện tượng xảy ra một số vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi người dùng và thậm chí tính mạng như cháy nổ, sang chiết ga trái phép… cái tâm của người soạn thảo chính sách luôn hướng tới đa mục tiêu đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, thị trường và DN.

Cũng theo Thứ trưởng Khánh, lãnh đạo Bộ Công Thương đã ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, đã làm việc với các cơ quan đơn vị, ra mục tiêu trình Chính phủ sửa đổi một số nội dung, sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của DN.

Còn theo ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam, trong kinh doanh gas, vấn đề an toàn luôn là yếu tố hàng đầu, quan trọng nhất. Thời gian qua, không ít vụ việc đau lòng xảy ra cháy nổ gây thiệt hại về người và của có liên quan đến yếu tố an toàn trong sản xuất, kinh doanh gas.

Vì vậy, dù quy định có thay đổi theo chiều hướng nào cũng cần tính đến tác động thị trường cũng như những đối tượng chịu tác động gián tiếp từ những quy định này là người tiêu dùng cuối cùng, chứ không chỉ là những DN sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương
——————————-
Sau khi khảo sát, Bộ Công Thương nhận thấy có một số quy định gây ảnh hưởng đến sự phát triển thị trường trong nước, trong đó có nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh khí hoá lỏng. Do đó, lãnh đạo Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp đưa ra định hưởng sửa đổi để nghị định này phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, trên cơ sở đảm bảo hài hoà quyền lợi của DN nhỏ và vừa cũng như các DN đã có sự đầu tư bài bản.

Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
——————————-
Nhóm DN lớn muốn giữ quy định nghị định 19, với luận điểm rằng nếu tiếp tục hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas, DN nhỏ sẽ làm rối loạn thị trường và gây ảnh hưởng đến DN lớn là không phù hợp. Đó không phải là vì lợi ích của cộng đồng DN, của người dân và nền kinh tế, mà chỉ nhằm phục vụ lợi ích của một nhóm DN lớn. Tôi không tin rằng nếu được đầu tư bài bản, DN lớn lại không thể cạnh tranh với DN nhỏ. Người tiêu dùng rất thông minh. Nếu DN có chất lượng dịch vụ, sản phẩm và uy tín thương hiệu, người tiêu dùng sẽ lựa chọn.

Ông Nguyễn Minh Đức
Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

——————————-

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng như nhiều bộ ngành luôn khuyến khích tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên tinh thần tạo mọi thuận lợi, tháo bỏ mọi khó khăn trở ngại giúp cộng đồng DN, nhất là các DN nhỏ có điều kiện vươn lên, ngày một lớn mạnh. Đối với các DN kinh doanh trong lĩnh vực gas, các điều kiện có phần nới lỏng hơn theo tinh thần chung, tuy nhiên thực tế các quy định vẫn giữ cách quản lý theo kiểu “quy mô”, tức là phải đủ bao nhiêu về số lượng thì mới là tốt, là chuẩn.

Lê Thuý

————————————————————–

Thời báo Kinh doanh (Diễn đàn) 25-10-2016

http://thoibaokinhdoanh.vn/Dien-dan-10/Nhieu–nhom-loi-ich–trong-binh-gas-27336.html

(130/1.509)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,738