1.089. Đã đến lúc thừa nhận quy mô nợ xấu thực tế

(TBTC) – Vấn đề với nợ xấu hiện nay không phải là tìm nguyên nhân, truy trách nhiệm mà phải giải quyết càng sớm càng tốt để tránh hậu quả lâu dài cho nền kinh tế. Để có giải pháp thực tế, trước hết cần được công khai thực trạng của nợ xấu.

Hội thảo diễn ra chiều muộn ngày 26/10. Ảnh: H.Y

Chiều 26/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Báo Đại biểu nhân dân tổ chức hội thảo “Xử lý nợ xấu – Những nút thắt cần tháo gỡ”.

Nợ xấu thực tế đang là bao nhiêu?

Sau hơn 3 năm nỗ lực xử lý, đến nay nợ xấu vẫn là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận, các chuyên gia, nhà quản lý, với mong muốn tìm giải pháp xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, tạo điều kiện khơi thông tín dụng, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Phát biểu tại hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng dù đã có nhiều giải pháp, nỗ lực được đưa ra, song thực trạng nợ xấu của nền kinh tế vẫn rất lớn. “Nếu nợ xấu dưới 3% thì không có gì phải bàn, đó là tỷ lệ tốt. Nhưng dưới góc nhìn khác, cách tính khác, phải thẳng thắn thừa nhận, nợ xấu thực sự trong nền kinh tế là bao nhiêu? Theo tôi, từ lúc đề cập việc xử lý nợ xấu đến nay, chưa bao giờ nợ xấu thực sự của chúng ta dưới 10%”, Luật sư Trương Thanh Đức đánh giá. 

Cùng quan điểm này, nhiều chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng cần có đánh giá thực tế hơn về nợ xấu. Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, việc thừa nhận thẳng thắn, minh bạch về số nợ xấu là đòi hỏi đầu tiên của các đại biểu Quốc hội, để ra quyết sách lớn và đúng đắn về nợ xấu.

TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV cho biết, tỷ lệ nợ xấu do NHNN công bố cuối tháng 9 là 2,62%, cộng với khoảng 85% số nợ xấu mua về của VAMC (là số chưa được xử lý), tính sơ bộ sẽ là khoảng 7%. Con số này cũng gần với cách tính toán của Thuỵ Sĩ tính 8%, còn con số mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính là 11%. “Phải chốt lại con số để biết quy mô số nợ xấu mà bao năm qua chúng ta đã dẹp qua một bên”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Còn theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, con số nợ xấu tuyệt đối được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 147.000 tỷ đồng, cùng với 160.000 tỷ đồng ở VAMC, 140.000 – 145.000 tỷ đồng có khả năng là nợ xấu trong báo cáo nội bảng của các ngân hàng.

Đề xuất xây dựng luật riêng về xử lý nợ xấu

Nhiều giải pháp đột phá để xử lý dứt điểm nợ xấu đã được các chuyên gia nêu ra tại hội thảo. TS Cấn Văn Lực cho rằng trước hết cần có đạo luật riêng về xử lý nợ xấu. Trong đó, tăng quyền của VAMC trong việc định đoạt tài sản đảm bảo, quyền bán nợ xấu, chấp nhận lỗ hoặc lãi. Hoặc ít nhất thành lập một tổ liên ngành để tập trung tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tạo cơ chế thuận lợi cho xử lý nợ xấu.

Bước đột phá thứ hai là về cơ chế phát triển thị trường mua bán nợ. Theo đó, phải có cơ chế để mua bán nợ theo giá thị trường, bởi theo kinh nghiệm xử lý nợ xấu các nước, chỉ có thể thành công khi mua bán theo giá thị trường. Cơ quan định giá mua bán nợ phải là cơ quan độc lập, khách quan, đảm bảo công khai minh bạch, đồng thuận thống nhất về giá mua bán nợ. Thị trường cũng phải có sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Giải pháp tối ưu là cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua bán nợ theo cách ủy thác vào một bên thứ ba tại Việt Nam, tương tự cách làm của Hàn Quốc.

Cuối cùng, TS Cấn Văn Lực cho rằng tháo gỡ cơ chế là quan trọng, nhưng vẫn cần có nguồn lực mới có thể xử lý. TS Lực đề xuất giải pháp “tạm ứng” cho VAMC một khoản tiền, có thể là 5.000 hay 10.000 tỷ đồng để mua bán nợ, sau đó sẽ trả lại cho Nhà nước.

Nêu ý kiến về giải pháp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh cho rằng việc bố trí nguồn lực để xử lý nợ xấu là khó khả thi trong bối cảnh ngân sách khó khăn. Nên chăng, ông Dương Quốc Anh gợi ý giải pháp VAMC phân loại nợ, khoản nợ nào do Chính phủ bảo lãnh, chỉ định thì đề nghị ngân sách hỗ trợ xử lý.

“Còn như anh Lực đề xuất, không có nghìn nào đâu, rất khó, kể cả có 5.000 hay 10.000 tỷ cũng không thể xử lý được số nợ xấu khoảng 250.000 tỷ đồng”, ông Dương Quốc Anh nói.

Đồng thời, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng thống nhất quan điểm phải thay đổi nhận thức về nợ xấu. Đây không còn là thời điểm truy nguyên nhân, xét lỗi mà vấn đề là phải tập trung xử lý nợ xấu thực sự, bởi còn để lâu, lãi suất sẽ không thể hạ, doanh nghiệp khó có lợi nhuận khả quan. Ông Dương Quốc Anh đề xuất Chính phủ có thể xây dựng một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ các vướng mắc trong xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho các công ty mua bán nợ hoạt động hiệu quả./.

H.Y

————————————————————————

Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 26-10-2016:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2016-10-26/da-den-luc-thua-nhan-quy-mo-no-xau-thuc-te-37219.aspx

(113/1.064)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,738