1.093. HỒ SƠ PANAMA: CHƯA RÕ SAI PHẠM, ĐỪNG BÀN ĐẾN TỘI PHẠM

(DĐDN) – Trả lời về vấn đề các cá nhân, tổ chức của Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, lưy ý: Chưa rõ sai phạm, đừng bàn đến tội phạm nhưng cần làm rõ giao dịch liên quan.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI chia sẻ về những tổ chức, cá nhân liên quan đến Hồ sơ Panama

– Ông có thể cho biết quan điểm của ông về Hồ sơ Panama vừa được Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố, trong đó có tên những cá nhân, tổ chức Việt Nam?

Trong Hồ sơ Panama, có thể có đủ các hình thức trốn thuế, lách thuế, né thuế, nhưng không phải vì thế mà tất cả những người có tên đều vi phạm. Nhiều khả năng không vô can nhưng cũng không vi phạm tất cả, mà là một số vi phạm với mức độ ít hay nhiều, vi phạm hành chính hay hình sự. Chưa rõ sai phạm, đừng bàn đến tội phạm.

189 cá nhân tổ chức của Việt Nam có tên trong hồ sơ nổi lên một vài tên tuổi đình đám, giữ vai trò quan trọng tại những công ty lớn, doanh nghiệp lớn nhưng cũng có nhiều cái tên hoàn toàn chưa xác định được. Vì vậy, việc quan trọng nhất là cần xác định xem tại sao họ có tên trong đó và có giao dịch liên quan thế nào.

Pháp luật Việt Nam cho phép đầu tư ra nước ngoài, nghĩa là có quyền mở công ty và tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Vấn đề là điều kiện, thủ tục như thế nào và trường hợp nào phải có giấy phép. Chẳng hạn, dự án đầu tư thì buộc phải được Nhà nước Việt Nam cấp phép, nhưng mua cổ phần, cổ phiếu thì đến đầu năm 2016 mới có quy định tại Nghị định 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 “Quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài”. Nhưng còn việc cá nhân nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH ở nước ngoài thì vẫn chưa có quy định.

Ở chiều ngược lại, khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì mình phải thẩm định dự án, kiểm soát đầu tư ngoại hối.  Ví dụ như dòng tiền, công ty nào đó mà đến từ Panama, hay các thiên đường thuế khác thì cần xem xét cẩn trọng. Ở đây cũng giống như câu chuyện bán hàng đa cấp – một loại hình bán hàng  văn minh, hợp pháp các nước đều làm nhưng ở Việt Nam thì lại dễ bị lợi dụng để lừa đảo. Thế nên,  phải làm rõ tính chất hoạt động của các công ty có địa chỉ đăng ký tại các thiên đường thuế.

Câu chuyện mập mờ, tù mù đang diễn ra khá phổ biến. Dòng tiền bẩn cũng vậy, nếu chỉ một phía Việt Nam thì không kiểm soát được. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, tiền bẩn ở đâu không biết, nhưng cứ công khai đầu tư vào công xưởng, nhà máy là coi như sạch.

– Trong hồ sơ có nhiều người hoạt động trong lĩnh vực tài chính, vậy liệu có việc sử dụng danh nghĩa cá nhân để chuyển, gửi tiền ra nước ngoài nhằm lách thuế?

Trong hoạt động thương mại đầu tư quốc tế, cá nhân hoàn toàn có quyền kinh doanh, giao dịch chuyển tiền và đương nhiên là liên quan đến việc xử lý thu nhập sao cho có lợi nhất cho họ ở các nước khác. Vấn đề là họ làm đúng hay sai pháp luật và nếu sai thì đến mức độ nào. Nếu trốn thuê là vi phạm pháp luật, nhưng nếu chỉ dừng ở hành vi chuyển thuế, lách thuế, né thuế một cách hợp lý, đúng quy định, thì lại không phạm pháp. Nếu những việc làm đó vi phạm quy định cụ thể của pháp luật thì mới xem xét đó là vi phạm hành chính hay hình sự.

Theo tôi, những năm trước đây, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các giao dịch ngầm ở nước ngoài, tuy nhiên đến nay thì không loại trừ khả năng này, nếu như các cơ quan nhà nước không giám sát chặt chẽ.

– Dữ liệu trong hồ sơ cung cấp từ năm 1997 đến nay, vậy những dữ liệu đó liệu có còn là đúng? Việc thành lập các offshore ở nước ngoài có phải là đáng nghi ngờ?

Dữ liệu tại mỗi thời điểm có thể khác nhau, nhưng vẫn có ý nghĩa để xem xét tính chất, mức độ vi phạm. Có nhiều điều đáng quan tâm về tính pháp lý của Hồ sơ Panama.

Trước hết, không phải cứ có tên trong hồ sơ là có gì đó là sai phạm, là rửa tiền hay trốn thuế.

Thứ hai, nếu như sự việc xảy ra ở Việt Nam thì dễ dàng xác định, vì các cơ quan chức năng sẽ đủ điều kiện khả năng xem xét, đánh giá. Đặc biệt là nếu có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan pháp luật như Công an sẽ được quyền chủ động vào cuộc.

Vấn đề khó khăn ở chỗ là Hồ sơ Panama với các cá nhân, tổ chức bị đưa tên được cung cấp ở ngoài Việt Nam nên về mặt pháp lý khó hơn nhiều.

Thứ ba, giả sử nếu có trường hợp có cá nhân Việt Nam sang các nước khác thành lập công ty rồi có vi phạm trốn thuế, lách thuế thì lúc này vấn đề vi phạm chủ yếu là các vấn đề hoạt động liên quan chứ không phải ở chính việc lập công ty, vì về cơ bản là thành lập công ty hợp pháp.

– Luật pháp của ta đã có những quy định ngăn ngừa các hiện tượng trốn thuế, rửa tiền và giao dịch ngầm như thế nào, thưa ông?

Theo quy định của Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012, một số loại hình doanh nghiệp như tổ chức tín dụng, chứng khoán, bất động sản, tư vấn luật,… có liên quan phải có trách nhiệm chủ động báo cáo, giải trình mà không cần phải có yêu cầu của cơ quan chức năng.

Từ Hồ sơ này cũng chỉ hình dung được một số vấn đề: Có việc thành lập doanh nghiệp tại thiên đường thuế, có việc cá nhân mua lại cổ phần, cổ phiếu công ty cổ phần hay phần vốn góp của công ty TNHH.

Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng đã quy định về tội phạm trốn thuế, tội phạm rửa tiền. Nếu vi phạm ở mức độ nhẹ hơn, thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo Luật Quản lý thuế năm 2006 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

– Xin cảm ơn ông!

Lương Linh thực hiện

————–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 19-05-2016:

http://enternews.vn/chua-ro-sai-pham-dung-ban-den-toi-pham.html

(1.201/1.201)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,755