(TBNH) – Qua hồ sơ Panama và Offshore Leaks, cần phải rà soát lại các quy định về đầu tư, quản lý ngoại hối và quản lý thuế xem các quy định pháp luật liên quan đã chặt chẽ chưa, nếu chưa đủ chặt chẽ thì phải có nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Giữa vòng xoáy các tranh luận về có tội và vô can của gần 200 cá nhân, tổ chức đến từ Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama và Offshore Leaks (tài liệu về các cá nhân, tổ chức có hoạt động đầu tư tại thiên đường thuế), ít bữa trước có tài khoản mang tên Trần Duy Hưng đăng trên mạng xã hội facebook một câu chuyện đáng chú ý, sau khi tự nhận mình chính là người được liệt trong “bản danh sách” nói trên.
“Ông thợ rèn làng bên có hai con dao rất tốt. Và ông lão nghề thịt trâu tới mua một con về làm dụng cụ kiếm tiền để nuôi lũ trẻ. Khổ nỗi, có thằng cướp bên xóm trên lại đến mua nốt con dao còn lại để đi đe dọa giết người. Thế là cả xóm ồn ào lên, cho rằng ông lão thịt trâu mua con dao tốt thế chắc cũng có ý định giết người. Thật chẳng biết đằng nào mà phân bua cho ông lão. Cả xóm dồn lại truy hỏi ông lão thịt trâu sao lại mua dao, hẳn là ông định giết người, còn thằng cướp nghe ngóng thấy động tĩnh thì đã cao chạy xa bay mất rồi. Kiểu này không cẩn thận ông thợ rèn và lão thịt trâu thành ra thất nghiệp, còn thằng cướp thì đã kịp đi mua súng…”.
Phải có chứng cứ cụ thể, rõ ràng thì chúng ta mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng về những cá nhân, tổ chức được nêu tên trong hồ sơ này |
Lý do cáo buộc
Câu chuyện kể trên đặt ra một tình huống khó phân xử: một công cụ hoặc cách làm rất bình thường trong hoàn cảnh này, nhưng có thể lại rất bất thường khi ở một trạng thái khác. Lấy một ví dụ cho dễ hiểu, một công ty có hoạt động toàn cầu làm ra khối sản phẩm với giá thành 1 triệu USD có thể bán được 2 triệu USD. Trong trường hợp này, khoản lãi tạm tính là 1 triệu USD và phần này phải nộp thuế thu nhập DN, như tại Việt Nam hiện nay phổ biến là 20%, tức 200 nghìn USD.
Nếu cũng công ty đó mở DN Offshore (ngoại biên) ở các thiên đường thuế như Panama, BritishVirgin Islands hay Cayman Islands… và DN mới này mua sản phẩm của công ty trong nước với giá 1 triệu USD. Lập tức DN trong nước không còn lãi và không phải nộp thuế thu nhập DN, trong khi Công ty Offshore nói trên vì được mở ở thiên đường thuế nên cũng không mất thuế. Tất nhiên, nếu Công ty Offshore trả cổ tức về trong nước thì sẽ phải bị tính thuế, nhưng nếu khoản lợi nhuận đó được tái đầu tư thì không phải tính thuế…
Và mặc dù các hoạt động nêu trên có thể hoàn toàn hợp pháp, nhưng tranh cãi cũng nảy sinh. Bởi nếu các DN lớn nhỏ cứ “hoãn thuế” như thế thì phải chăng gánh nặng thuế khóa trong nước sẽ được sẻ lên vai các DN khác? Cho dù các DN “hoãn thuế” có thể tăng năng lực tài chính và cải thiện khả năng cạnh tranh thì liệu nền kinh tế có thể dựa vào các DN như vậy? Ngoài ra, ở đây còn có thể đặt vấn đề về đạo đức doanh nhân và tầm DN…
Đề cập đến vấn đề này, TS. Lê Xuân Trường cho rằng: “Đạo đức kinh doanh cần đặt ra vì nó liên quan đến hài hòa lợi ích giữa người kinh doanh với khách hàng, đối tác, với Nhà nước và xã hội. DN được lợi cho mình, nhưng cũng đừng giẫm đạp lên lợi ích của các bên liên quan”.
Vậy câu chuyện nghiêm trọng đến đâu? TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn dẫn nguồn tin từ Tổ chức Mạng lưới công lý thuế (TJN) cho biết, ước tính đến cuối 2010 ít nhất khoảng 21 nghìn tỷ USD giá trị tài sản tài chính tư nhân không được khai báo do những người giàu có nắm giữ thông qua các thiên đường thuế, tức bằng quy mô của nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản cộng lại. Có khoảng 32 nghìn tỷ USD giá trị các tài sản tài chính bị che đậy thuộc sở hữu của những người giàu có nắm giữ ở hải ngoại. Con số này mới chỉ tính giá trị các tài sản tài chính, chưa bao gồm BĐS, du thuyền và nhiều tài sản phi tài chính khác.
Với giá trị của cải và tài sản được che đậy ở hải ngoại khoảng 21-32 nghìn tỷ USD, TJN ước tính tổng số thuế mà các quốc gia bị mất đi là từ 190-255 tỷ USD, tức xấp xỉ gấp đôi khoản viện trợ ODA mà các nước OECD cung cấp cho các nước khác trên toàn thế giới.
Cần kiểm tra, soát xét
Trường hợp của Việt Nam, dù chưa có các thông tin cụ thể về xác định giá trị tài chính bị “che đậy” ở nước ngoài, nhưng hoạt động đầu tư vào các thiên đường thuế là có. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI: “Những năm trước đây không nhiều DN Việt Nam thực hiện các giao dịch ngầm ở nước ngoài, tuy nhiên đến nay thì không loại trừ khả năng này, nếu như các cơ quan Nhà nước không giám sát chặt chẽ”.
Theo ông Trương Thanh Đức, trong hồ sơ Panama có thể có đủ các hình thức trốn thuế, lách thuế, né thuế, nhưng không phải cứ có tên trong danh sách này đều sai phạm. “Họ không vô can, nhưng đồng thời cũng không vi phạm tất cả mà là một số vi phạm với mức độ ít hay nhiều, vi phạm hành chính hay hình sự…”, ông Đức nhìn nhận.
Theo ông, pháp luật Việt Nam đã cho phép đầu tư ra nước ngoài nghĩa là các doanh nhân, DN có quyền mở công ty và tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Vấn đề là điều kiện, thủ tục như thế nào và trường hợp nào phải có giấy phép. Chẳng hạn, dự án đầu tư thì buộc phải được Nhà nước Việt Nam cấp phép, nhưng mua cổ phần, cổ phiếu thì đến đầu năm 2016 mới có quy định tại Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Riêng việc cá nhân nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH ở nước ngoài thì vẫn chưa có quy định.
Ở chiều ngược lại, khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì sẽ phải thẩm định dự án, kiểm soát đầu tư ngoại hối. Ví dụ như dòng tiền, công ty nào đó mà đến từ Panama, hay các thiên đường thuế khác thì cần xem xét cẩn trọng. Ở đây cũng giống như câu chuyện bán hàng đa cấp là văn minh và hợp pháp ở các nước, nhưng vào Việt Nam thì lại dễ bị lợi dụng, lừa đảo.
“Câu chuyện mập mờ, tù mù đang diễn ra khá phổ biến. Dòng tiền bẩn cũng vậy, nếu chỉ một phía Việt Nam thì không kiểm soát được. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, tiền bẩn ở đâu không biết, nhưng cứ công khai đầu tư vào công xưởng, nhà máy là coi như sạch”, ông Đức bình luận thêm. “Thế nên, phải làm rõ tính chất hoạt động của các công ty có địa chỉ đăng ký tại các thiên đường thuế”.
- Lê Xuân Trường bổ sung ý kiến: Qua hồ sơ Panama và Offshore Leaks, cần phải rà soát lại các quy định về đầu tư, quản lý ngoại hối và quản lý thuế xem các quy định pháp luật liên quan đã chặt chẽ chưa, nếu chưa đủ chặt chẽ thì phải có nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. “Quản lý thuế là quản lý trên cơ sở rủi ro. Vì đầu tư vào Panama là đầu tư vào thiên đường thuế, cho nên đấy là một dấu hiệu rủi ro rất lớn. Do đó, các cá nhân, DN có tên trong danh sách Panama cần được kiểm tra…”, ông Trường nói.
TS. Lê Xuân Trường: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, chuyện các nước đầu tư sang nhau là bình thường. Và việc đầu tư vào các thiên đường thuế như Panama, với nhà kinh doanh thì ở đâu có lợi họ sẽ chọn để đầu tư. Với DN thì như vậy, nhưng nếu có quan chức đầu tư vào các thiên đường thuế lại là câu chuyện khác, rất phức tạp. Đó là lý do khi hồ sơ Panama bị lộ ra, một số quan chức ở Scotland… ngay lập tức từ chức. Tuy nhiên, ngay cả với DN dù đó là một hoạt động đầu tư được phép thì vẫn phải xem xét đằng sau hoạt động đó DN có tuân thủ đầy đủ các quy định về đầu tư hay nghĩa vụ thuế không? LS. Trương Thanh Đức: Theo quy định của Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 thì một số loại hình DN như TCTD, công ty chứng khoán, BĐS, tư vấn luật… có liên quan (đến nhận và chuyển tiền nước ngoài – PV) thì phải có trách nhiệm chủ động báo cáo, giải trình mà không cần phải có yêu cầu của cơ quan chức năng. Cho nên từ hồ sơ Panama cũng chỉ hình dung được một số vấn đề: có việc thành lập DN tại thiên đường thuế; có việc cá nhân mua lại cổ phần, cổ phiếu công ty cổ phần hay phần vốn góp của công ty TNHH. Về xử lý vi phạm nếu có, Bộ luật Hình sự cũng đã quy định về tội phạm trốn thuế, tội phạm rửa tiền. Còn nếu vi phạm ở mức độ nhẹ hơn thì có thể xử phạt vi phạm hành chính theo Luật Quản lý thuế và Luật Xử lý vi phạm hành chính. |
PV
————–
Thời báo Ngân hàng (Doanh nhân – Doanh nghiệp) 20-5-2016:
(616/1.895)