(ĐTCK) Theo các chuyên gia, để xử lý nợ xấu, cần có sự tham gia và chia sẻ tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng hành lang pháp lý phù hợp và hỗ trợ những thủ tục cần thiết để xử lý nhanh và hiệu quả nợ xấu.
Chiều 26/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “Xử lý nợ xấu – Những nút thắt cần tháo gỡ” tại Hà Nội.
Thực tế cho thấy, nợ xấu và xử lý nợ xấu là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả cộng đồng xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách để có thể khơi thông những ách tắc trong nền kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu không chỉ là mong muốn của ngành ngân hàng mà còn là mong muốn của cả hệ thống chính trị.
Trao đổi tại Hội thảo, các diễn giả đều cho rằng, ngành ngân hàng phải chịu trách nhiệm về nợ xấu, tuy nhiên nguồn gốc của nợ xấu là do các doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn nhưng không trả được nợ vay, vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Nợ xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống các tổ chức tín dụng, mà còn ành hưởng rất xấu đến cả nền kinh tế. Để xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng, trình Bộ Chính trị, Chính phủ chấp thuận và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013.
Từ cuối năm 2012 đến tháng 8/2016, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đốn đốc thu hồi nợ, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, nhận tài sản thay nghĩa vụ nợ, sử dụng dự phòng rủi ro…
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm 31/8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 42,8%.
“Tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ đã mua còn hạn chế, trong đó tỷ lệ khách hàng tự trả nợ chiếm tới 70%, còn lại 30% là bán nợ, bán tài sản đảm bảo”
– TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC.
Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, tính từ 2013 đến nay, VAMC đã thực hiện mua được 25.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng. Kể từ khi thành lập đến nay, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng tổ chức thu hồi nợ đạt 37.983 tỷ dưới nhiều hình thức thu hồi nợ như; bán nợ, bán tài sản đảm bảo…, đạt tỷ lệ 15 % dư nợ gốc nội bảng.
“Tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ đã mua còn hạn chế, trong đó tỷ lệ khách hàng tự trả nợ chiếm tới 70%, còn lại 30% là bán nợ, bán tài sản đảm bảo. Việc bán tài sản đảm bảo bao gồm phát mại tài sản đảm bảo, thi hành án để thu hồi nợ chỉ đạt 10.990 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,9%. Như vậy có thể thấy việc bán tài sản kể cả cưỡng chế thi hành án để thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn nếu khách hàng không đồng thuận và không tự nguyện bàn giao tài sản đảm bảo”, TS. Hùng nói.
Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và VAMC nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác thu hồi nợ đạt kết quả hạn chế so với khối lượng nợ xấu tồn tại.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: “Không ở đâu như ở Việt Nam, chủ nợ sợ con nợ, con nợ thì vô tư chây ì nợ. Con nợ không chịu trả nợ, chủ nợ không làm gì được trả nợ… gây ra nhiều tai hại cho nền kinh tế”.
Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Nợ xấu là lỗi của ngân hàng, của doanh nghiệp và cả của Chính phủ cũng như chính sách. Đến giờ phút này, hệ thống ngân hàng không thể tự mình giải quyết nếu không sẽ dẫn đến sự sụp đổ của toàn hệ thống”.
Trong khi đó, những khó khăn vướng mắc trong hoạt động xử lý nợ xấu do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi cộm 4 vấn đề chính.
Thứ nhất, các quy định pháp luật còn thiếu, chưa phù hợp để thúc đẩy hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu. Hoạt động xử lý tài sản bảo đảm có nhiều vướng mắc nếu không có sự hợp tác của khách hàng vay, bên bảo đảm. Bên nhận bảo đảm chỉ có thể thực hiện khởi kiện tại Tòa án để thu hồi nợ. Trong khi đó, thời gian giải quyết vụ việc tại Tòa án thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ của tổ chức tín dụng, VAMC.
Thứ hai, VAMC thiếu những quy định đặc thù để có thể xử lý nhanh nợ xấu. Các quy định pháp luật hiện tại chưa tạo sự thông thoáng cho hoạt động của VAMC, thậm chí còn hạn chế quyền của VAMC khi thực hiện xử lý nợ thông qua các biện pháp như bán nợ, bán tài sản bảo đảm. VAMC không thực hiện được quyền chủ nợ đối với nợ xấu mua bằng tài sản đảm bảo.
Tính đến thời điểm 31/8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 42,8%.
(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)
Thứ ba, Thị trường thiếu những cơ chế điều tiết linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu nợ xấu, dẫn đến hệ quả không thu hút được các tổ chức, nhà đầu tư có tiềm lực tham gia vào hoạt động xử lý nợ tại Việt Nam…
Thứ tư, việc xử lý nợ chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ, đảm bảo tính công khai minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện công việc. Hệ lụy dẫn đến những hạn chế không khuyến khích tổ chức tín dụng,VAMC tích cực triển khai công tác xử lý nợ.
Qua trao đổi, thảo luận, hội thảo đã xác định những vấn đề tồn tại là “nút thắt” trong xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và cùng thống nhất nhận định về những định hướng quan trọng để xử lý nợ xấu được triệt để, hiệu quả, cụ thể:
Một là, cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để có thể điều tiết toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường hoạt động bình đẳng, thông suốt.
Hai là, để quá trình xử lý nợ xấu diễn ra nhanh chóng và đi vào thực chất, việc thanh toán cần được thực hiện bằng nguồn tiền thực, các hình thức xử lý nợ xấu phải được đa dạng hóa trên cơ sở đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Ba là, cần nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của VAMC với những cơ chế đặc biệt để VAMC có thể hoạt động hiệu quả trên nguyên tắc xử lý nợ xấu phải được thực hiện nhanh, giảm thiểu những thiệt hại phát sinh do sự chậm trễ trong xử lý nợ xấu.
Bốn là, cần có sự tham gia và chia sẻ tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng hành lang pháp lý phù hợp và hỗ trợ những thủ tục cần thiết để xử lý nhanh và hiệu quả nợ xấu. Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng là những chủ thể chính trên thị trường, tham gia tích cực trên quan điểm nợ xấu càng được xử lý nhanh thì càng có lợi, giải quyết nợ xấu nhanh chóng sẽ cải thiện được năng lực tài chính của các ngân hàng, các doanh nghiệp giảm được chi phí hoạt động và có cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của chính mình.
Luật sư Đức nhấn mạnh thêm, cứ đổ hết lỗi cho ngân hàng gây ra nợ xấu thì cũng đành nhận. Cứ xử lý hình sự tràn lan khi xảy ra nợ xấu thì cũng phải chịu. Cứ từ chối sửa luật để xử lý nợ xấu thì cũng chẳng sao. Cứ không dùng Ngân sách để xử lý nợ xấu thì cũng vẫn được. Và cứ để ngành Ngân hàng “đơn thương độc mã” xử lý nợ xấu thì cũng vẫn xong.
“Nhưng đừng quên rằng, nợ xấu chính là của doanh nghiệp. Đừng thắc mắc tại sao ngân hàng chậm xử lý nợ xấu. Đừng băn khoăn nợ xấu ngân hàng không đạt chuẩn quốc tế. Đừng bắt buộc ngân hàng phải cơ cấu lại nợ xấu. Đừng đòi hỏi ngân hàng phải cho vay lãi suất thấp. Đừng yêu cầu ngân hàng phải cứu giúp doanh nghiệp. Đừng mong muốn ngân hàng phải chịu trách nhiệm về tăng trưởng kinh tế. Và cũng đừng hy vọng doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển nhanh chóng, hiệu quả khi mà nợ xấu vẫn còn cao”, Luật sư Đức nói.
Nhuệ Mẫn
———————————————————–
Đầu tư Chứng khoán (Tiền tệ) 27-10-2016:
(259/1.837)