1.100. “Ngân hàng đang đơn thương độc mã giữa cuộc chiến xử lý nợ xấu”

(VN+) – Tại hội thảo “Xử lý nợ xấu – Những nút thắt cần tháo gỡ”, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, nợ xấu ngân hàng chính là nợ của các doanh nghiệp và khách hàng khác không trả được cho ngân hàng. “Thủ phạm” chính của nợ xấu là doanh nghiệp. “Nạn nhân” chính của nợ xấu là ngân hàng. 

“Thế nhưng, nghịch lý là pháp luật và thái độ của xã hội lâu nay đang nghiêng về phía bảo vệ con nợ, người gây ra nợ xấu, vi phạm cam kết, chây ỳ trả nợ, trong khi có xu hướng đổ lỗi cho ngân hàng – chủ sở hữu tài sản hợp pháp của nợ xấu. Điều đó như mới chỉ nhắm tới nạn nhân, mà lãng quên truy bắt và trừng trị thủ phạm,” luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: SeABank)

Nút thắt nợ xấu

Luật sư Đức cũng cho rằng, việc xử lý nợ xấu vô cùng khó khăn do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng đang đơn thương độc mã giữa cuộc chiến xử lý nợ xấu. Ngân hàng không thể thu hồi được nợ khi doanh nghiệp không có nguồn tiền và tự ngân hàng không thể thu hồi, phát mại được tài sản bảo đảm là bất động sản.

Cũng theo ông Đức, khâu gian nan nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay chính là phát mại được tài sản bảo đảm là bất động sản, do quy định vướng nhiều điểm, nhiều vướng mắc và gần như phải có sự “đồng thuận” của khách hàng cũng như nhiều cơ quan, ban ngành liên quan.

Đặc biệt, khi ngân hàng bất lực, phải nhờ Tòa án phán xử thì lại khó khăn, tốn kém, phức tạp, chậm trễ, mỗi vụ việc bình quân mất đến vài ba năm. Chỉ riêng thời hiệu khởi kiện hợp đồng tín dụng, trong khoảng 20 năm qua đã thay đổi đến 7-8 lần với nhiều quy định cần làm rõ hơn.

Còn tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC nêu ra một số “nút thắt” trong hoạt động xử lý nợ xấu ở VAMC như việc VAMC không có quyền chủ nợ đối với nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt. Việc tổ chức thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để xử lý nhằm thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn, công tác xử lý tài sản bảo đảm bị kéo dài.

Ngoài ra, việc xác định giá khởi điểm để phát mại tài sản rất khó khăn để có đồng thuận giữa tổ chức tín dụng, khách hàng và VAMC. Giá khởi điểm thường được xác định rất cao so với thị trường dẫn đến việc bán đấu giá tài sản thường bị kéo dài về thời gian. Trường hợp đấu giá không thành, VAMC được thỏa thuận trực tiếp với bên mua tài sản, tuy nhiên, cũng phải được chủ tài sản đồng ý thì mới có thể tiến hành thực hiện.

Ông Hùng cũng chỉ ra, trên thực tế xét xử của tòa án trong thời gian qua, trường hợp khách hàng không có nơi cư trú ổn định, cố tình trốn tránh, không hợp tác, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa thì Tòa án quyết định trả lại đơn khởi kiện, đình chỉ vụ án với lý do “chưa có đủ điều kiện khởi kiện”.

Lãnh đạo của Vietcombank cũng chia sẻ, cơ quan Công an chỉ có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự mà không có biện pháp hoặc chế tài để xử lý nếu bên giữ tài sản bảo đảm bất hợp tác, chây ỳ, trì hoãn không chuyển giao tài sản bảo đảm. Vì vậy, trên thực tế tổ chức tín dụng rất khó thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm do bên bảo đảm thường bất hợp tác, tìm cách tẩu tán tài sản hoặc chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao tài sản bảo đảm.

Thêm vào đó việc pháp luật chưa có quy định các biện pháp hoặc chế tài xử lý các đối tượng bất hợp tác, chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao tài sản cho tổ chức tín dụng để xử lý thu hồi nợ càng làm cho các tổ chức tín dụng càng khó khăn hơn trong thực hiện quyền thu giữ tài sản để xử lý nợ.

Cần luật riêng để xử lý nợ xấu

Cho rằng cần phải có cái nhìn khách quan về nợ xấu, ông Hùng cho biết, nợ xấu không phải do một mình hệ thống ngân hàng gây ra mà do nhiều nguyên nhân. Bởi vậy không thể để một mình ngành ngân hàng “loay hoay” xử lý nợ xấu, nợ xấu càng chậm được xử lý, càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế. Do vậy cả xã hội cần chung tay cùng hệ thống ngân hàng để xử lý nợ xấu, coi xử lý nợ xấu là trách nhiệm của toàn xã hội và cùng chung tay xử lý trên tinh thần công khai, minh bạch.

Luật sư Đức cũng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, vướng mắc chủ yếu của xử lý nợ xấu nằm trong các đạo luật. Theo ông, muốn tháo gỡ thì phải sửa luật, có thể xem xét để ban hành một đạo luật để xử lý nợ xấu.

Còn ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra khuyến nghị lựa chọn phương thức xử lý nợ xấu là chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu Chính phủ để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán và sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành.

Ông Kiên cho rằng, phương thức xử lý nợ xấu này là sự hợp tác của cả 3 chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp nợ xấu và các ngân hàng thương mại, đồng thời chính là sự kết hợp của cả phương thức xử lý nợ xấu trực tiếp và gián tiếp qua thị trường, đảm bảo trách nhiệm đầy đủ của Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp nợ xấu.

Các chuyên gia cũng kiến nghị, cần có biện pháp thật mạnh đối với những khách hàng trả nợ, cố tình chây ỳ không hợp tác nhất là những khách hàng có điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả, không bàn giao tài sản bảo đảm để phát mại.

Bên cạnh đó, cũng cần phải tháo gỡ những nút thắt liên quan đến cơ chế chính sách, xây dựng và thông qua một đạo luật xử lý nợ xấu hoặc có nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội về xử lý nợ xấu, luật này có giá trị trong thời hạn xử lý nợ xấu tối đa từ 3 đến 5 năm.

Trường hợp chưa thể ban hành bộ luật xử lý nợ xấu thì cần thiết thành lập Tổ liên ngành bao gồm Bộ Công An, Viện kiểm soát, Tòa án, chính quyền địa phương tham gia cùng VAMC tổ chức thực hiện việc xử lý nợ xấu thông qua việc thu giữ tài sản bảo đảm, bán nợ, muốn vậy cần quy định thật cụ thể chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ liên ngành trong quá trình xử lý nợ xấu./.

THÚY HÀ

———————————————-

Vietnam+ (Tài chính) 27-10-2016:

http://www.vietnamplus.vn/ngan-hang-dang-don-thuong-doc-ma-giua-cuoc-chien-xu-ly-no-xau/412945.vnp

(415/1.327)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,744