1.106.   Đề xuất chứng khoán hóa nợ xấu và đưa lên sàn chứng khoán

(ĐT) – Một trong những giải pháp xử lý nợ xấu đáng chú ý được một số chuyên gia kinh tế hiến kế là chuyển nợ xấu thành loại trái phiếu có thanh khoản cao hơn, thậm chí là chuyển thành trái phiếu chính phủ.     

Nợ xấu ngân hàng chậm được xử lý là do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Chí Cường

 

Mang nợ xấu lên sàn

Đến nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua về hơn 227.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Thế nhưng, những tờ trái phiếu đặc biệt mà VAMC “trả” cho các ngân hàng để mua nợ vẫn nằm im trong két nhà băng, chưa thể đưa ra sử dụng. Nói cách khác, VAMC vẫn là “kho” nợ.

Phát biểu tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu – Những nút thắt cần tháo gỡ” được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Quốc hội tổ chức gần đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế khuyến nghị, nên nghiên cứu phát hành loại trái phiếu mới có tính thanh khoản cao hơn, được phép mua bán, cầm cố.

Táo bạo hơn, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và PGS-TS Đặng Ngọc Đức, Chủ nhiệm Đề tài nhà nước về xử lý nợ xấu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xử lý nợ xấu bằng ngân sách rất khó nhận được sự đồng thuận của xã hội. Do đó, phương án xử lý nợ xấu khả thi và hiệu quả nhất hiện nay là chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành.

Với phương án này, trách nhiệm của Nhà nước được thực hiện thông qua việc tiến hành chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ. Số lượng trái phiếu chính phủ được phát hành căn cứ vào tổng giá trị nợ xấu, sẽ được đưa ra giao dịch trên thị trường chứng khoán và cả trên thị trường liên ngân hàng.

Trách nhiệm của doanh nghiệp có nợ xấu là phải phát hành phiếu nợ chuyển đổi làm tài sản đối ứng với lượng trái phiếu chính phủ trên.

Phương án xử lý nợ xấu khả thi và hiệu quả nhất hiện nay là chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Trách nhiệm của ngân hàng là tham gia nhận trái phiếu chính phủ (và cũng có thể chấp nhận cả phiếu nợ chuyển đổi của doanh nghiệp – coi như đã nhận được khoản thanh toán nợ xấu). Để thu hồi tiền từ xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại có thể bán trái phiếu chính phủ trên thị trường cho nhà đầu tư trong và ngoài nước theo nhu cầu sử dụng vốn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Đức Kiên cho biết, thực tế, việc chuyển nợ xấu thành trái phiếu mà Chính phủ phát hành đã được thực hiện (trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành là một dạng). Tuy nhiên, theo phương án mới này, thanh khoản sẽ cao hơn.

Đối với toàn bộ nền kinh tế, giải pháp trên sẽ giúp Chính phủ không phải phát hành thêm tiền để xử lý nợ xấu và có thể kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.

Với doanh nghiệp, đây là giải pháp “khoanh nợ” bằng phiếu nợ chuyển đổi và thực chất đã chuyển chủ nợ từ ngân hàng thương mại sang Chính phủ. Dĩ nhiên, với giải pháp này, doanh nghiệp vẫn chịu trách nhiệm trả nợ cho chủ thể nắm giữ phiếu nợ chuyển đổi.

Với giải pháp này, ngân hàng được thanh toán số tiền nợ xấu bằng trái phiếu chính phủ (thay vì phải đấu thầu mua trái phiếu chính phủ) hoặc mua phiếu nợ chuyển đổi của doanh nghiệp nợ xấu.

So với bán nợ cho VAMC và nhận về trái phiếu đặc biệt, giải pháp này giúp ngân hàng thương mại chủ động hơn về giá cả, quy mô dòng tiền và thời điểm sử dụng vốn. Khi đổi nợ xấu thành trái phiếu chính phủ, các ngân hàng vẫn được trả lãi, đồng thời giảm được gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro như với trái phiếu đặc biệt và bất kỳ khi nào cần vốn, có thể bán lại số trái phiếu đặc biệt này cho các ngân hàng thương mại khác, bán trên thị trường hoặc chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước.

Rủi ro lớn nhất của giải pháp này là doanh nghiệp nợ xấu phát hành phiếu nợ chuyển đổi để xử lý nợ xấu bị phá sản trước khi phiếu nợ chuyển đổi đáo hạn.

“Không có giải pháp nào là hoàn hảo, song đây là phương án khả thi nhất hiện nay”, TS. Nguyễn Đức Kiên nhận định.

Đừng để mình ngân hàng loay hoay với nợ

Cho đến nay, phương án lấy ngân sách để xử lý nợ xấu vẫn chưa được số đông đại biểu Quốc hội đồng tình. Như vậy, nhiều khả năng, xử lý nợ xấu thời gian tới vẫn chủ yếu bằng cơ chế. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và toàn xã hội, trong khi xử lý nợ xấu thời gian qua dường như được nhiều người coi là “chuyện của ngân hàng”.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, nợ xấu chậm được xử lý thời gian qua do ít nhất 3 nguyên nhân. Thứ nhất, là đổ hết lỗi gây ra nợ xấu cho ngân hàng. Thứ hai, là phó thác hết trách nhiệm xử lý nợ xấu cho ngân hàng. Thứ ba, là không sửa đổi pháp luật hỗ trợ xử lý nợ xấu cho ngân hàng.

Là người trong cuộc, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cũng nhiều lần tha thiết đề nghị: “Cần có cái nhìn khách quan về nợ xấu, nợ xấu không phải do một mình hệ thống ngân hàng gây ra, mà do nhiều nguyên nhân. Không để một mình ngành ngân hàng loay hoay xử lý nợ xấu. Nợ xấu ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, do vậy, cả xã hội cần chung tay xử lý”.

Thống kê của VAMC cho thấy, hầu hết các khoản nợ xấu mà VAMC mua về đều có tiềm năng thu nợ khá cao: 100% có tài sản đảm bảo, trong đó có gần 64% khoản nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Mặc dù vậy, kết quả thu nợ từ bán tài sản đảm bảo lại rất thấp (chỉ đạt gần 11.000 tỷ đồng) cho thấy, việc bán tài sản đảm bảo đang kẹt từ nhiều phía.

Theo nghiên cứu của Luật sư Trương Thanh Đức, hiện nay, xử lý tài sản đảm bảo đang gặp nhiều vướng mắc và cần sửa đổi tới 9 luật, chưa kể Luật Đấu giá mà Quốc hội đang thảo luận.

Tuy nhiên, việc sửa đổi cùng lúc 9 luật là rất khó khăn, đòi hỏi quá nhiều thời gian và sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần phải ban hành một bộ luật riêng về xử lý nợ xấu, đồng thời trao thêm quyền  cho VAMC, cùng cơ chế giám sát minh bạch.

“Trong trường hợp chưa thể sớm ban hành một đạo luật xử lý nợ xấu hoặc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử lý nợ xấu có thời hạn trong 3 – 5 năm, cần phải thành lập tổ liên ngành với các cơ quan Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, chính quyền địa phương để tham gia cùng VAMC xử lý nợ xấu thông qua thu giữ tái sản đảm bảo, bán nợ và phải quy định rất cụ thể chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của tổ liên ngành trong quá trình xử lý nợ xấu”, TS. Nguyễn Quốc Hùng đề nghị.

Thùy Liên

—————–

Đầu tư (Tiền tệ) 28-10-2016:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/de-xuat-chung-khoan-hoa-no-xau-va-dua-len-san-chung-khoan-168165.html

(101/1.435)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,746