(CFB) – Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng với mức phạt 5,8 tỷ đồng của Bộ Y tế cho Công ty TNHH URC Việt Nam là quá nhẹ nhàng và pháp luật Việt Nam đang gặp khó trong trường hợp này để đòi bồi thường cho người tiêu dùng.
Công ty TNHH URC VN vừa bị xử phạt hành chính trên 5,8 tỉ đồng do các vi phạm sản xuất và bán hai lô nước trà xanh hương chanh C2 và một lô nước tăng lực Rồng đỏ hương dâu có hàm lượng chì cao quá mức công bố.
Trong đó, lượng sản phẩm không thu hồi được lên tới 3,9 tỉ đồng. Con số này tương đương với hơn 1 triệu chai C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì cao quá mức công bố đã được tiêu thụ hoặc vẫn còn trôi nổi trên thị trường.
Điều này khiến người tiêu dùng vẫn hoang mang không biết rằng liệu sản phẩm mà họ uống có nhiễm chì hay không? Trong trường hợp nhiễm chì thì họ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
|Chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giám đốc Công ty Luật ANVI về vấn đề này.
Thưa luật sư, việc Bộ Y tế kết luận có nhiều lô C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì đang gây xôn xao dư luận. Nhiều người tiêu dùng băn khoăn, nếu họ đã uống C2, Rồng Đỏ của URC có nhiễm chì thì nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật?
Luật sư Trương Thanh Đức: Về mặt lý, đây là quan hệ thương mại dân sự, khi lợi ích người tiêu dùng bị xâm phạm thì có quyền khiếu nại, yêu cầu bồi thường qua tòa tán hoặc trọng tài nhưng ở trường hợp này không có cơ chế riêng để áp dụng bồi thường.
Muốn được bồi thường thì người tiêu dùng phải chứng minh được mình là khách hàng, đã mua hàng, tiêu dùng hàng ví dụ như phải có biên lai, hóa đơn mua hàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mua bán lặt vặt vài chai nước thì gần như không có hóa đơn, có không ai giữ.
Cả kể chứng minh đã mua bán rồi cũng phải chứng minh là mình có sử dụng hay không vì mua bán nhưng chưa chắc đã uống mà có thể cho người khác.
Trong khi đó, tác hại của việc sử dụng nước uống C2 nhiễm chì không bộc phát luôn hoặc có bộc phát thì cũng có hàng trăm nghìn lý do khác như ăn uống, chứ không phải mỗi C2 nhiễm chì có độc.
Sức khỏe của họ nếu bị ảnh hưởng do uống nước có nồng độ chì quá phép thì ai chịu trách nhiệm?
Đương nhiên người chịu trách nhiệm đầu tiên là doanh nghiệp sản xuất bán hàng.
Thứ hai là cơ quan quản lý về tiêu chuẩn, cấp phép, lưu thông hàng hóa trên thị trường vì anh để xảy ra hàng hóa không đủ tiêu chuẩn và thứ nữa là không phát hiện, xử lý kịp thời, xét nghiệm làm không tốt.
Nhưng trách nhiệm đến mức cụ thể để đền bù, sai trái như thế nào thì khó xác định.
Hiện tại, động thái của URC vẫn khá lặng lẽ, không đả động gì tới việc khắc phục, bồi thường cho khách hàng, ông nghĩ gì về điều này?
Doanh nghiệp đương nhiên ngay sau khi phát hiện lô hàng nhiễm chì thì phải thu hồi sản phẩm, xin lỗi, khắc phục hậu quả và bồi thường, bỏ ra một khoản chi phí để lấy lòng và xin lỗi với khách hàng.
Thực sự có lỗi mà không làm gì thì tự tuyên án tử hình nếu không bị đóng cửa thì cũng sẽ thiệt hại lớn về uy tín.
Có cả triệu chai nước nhiễm chì đã và đang trôi nổi trên thị trường và bị coi là không thể thu hồi. Dưới quan điểm của luật sự, việc thu hồi sản phẩm có thật sự khó khăn không?
Thực ra thu hồi không khó, doanh nghiệp có muốn làm hay không thôi.
Theo tôi, doanh nghiệp phải thông báo công khai rộng rãi các sản phẩm có mã ký hiệu, yêu cầu các đại lý dừng lại không được bán, ai bán thì xử phạt nặng.
Không chỉ riêng doanh nghiệp, cơ quan chức năng cũng có trách nhiệm thu hồi nhưng chi phí thì doanh nghiệp phải bỏ ra. Còn nếu không làm được thì rõ ràng lỗi hệ thống cả cơ quan chức năng, chính quyền và doanh nghiệp.
Luật sư nói khó có thể đòi bồi thường khi uống C2, Rồng đỏ nhiễm chì. Phải chăng, cách xử lý của các cơ quan chức năng vẫn không mạnh tay, kiên quyết?
Lỗi là do luật. Cơ quan chức năng làm theo luật, luật không rõ ràng, không mạnh tay thì rất khó cho việc xử lý, không có tác dụng răn đe, ngăn cản vi phạm xảy ra.
Nhiều điều luật không vận hành trong tình huống thực tế mà chỉ nằm trên lý. Lẽ ra phải có quy định dễ dàng, đơn giản hơn và chủ yếu phải nhắm vào việc xử phạt cá nhân, doanh nghiệp vi phạm thật nặng để lần sau không vi phạm nữa. Thậm chí phải đóng cửa phá sản để cảnh báo răn đe những doanh nghiệp, cá nhân khác.
Vậy có cách nào để pháp luật Việt Nam bảo vệ người tiêu dùng?
Thứ nhất, Luật pháp phải sửa đổi quy định liên quan đến từng trường hợp cụ thể.
Thứ hai, phải thay đổi về việc xử lý nặng tay hơn với doanh nghiệp vi phạm như thế. Phạt tiền phải mạnh tay hơn để dùng vào việc khắc phục bệnh tật mà xã hội, chi phí y tế mà người dân gánh chịu.
Ý của Luật sư mức phạt 5,8 tỷ đồng của URC là quá nhẹ?
Nghe tiền tỷ thì to nhưng so với quy mô doanh số và khả năng gây thiệt hại thì quá nhỏ. Luật của mình quá nhẹ nhàng, lẽ ra phải phạt hàng trăm nghìn tỷ. Doanh số lớn đương nhiên phải phạt nặng hơn số người ta thu được thì mới ngăn cản, răn đe được các vụ tương tự chứ phạt vài tỷ thì quá nhỏ so với lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được.
Ở Việt Nam có Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng, trong trường hợp này vai trò và trách nhiệm của Hội ở đâu, thưa Luật sư?
Đương nhiên trong tất cả các trường hợp khi xảy ra thì Hội phải tập hợp ý kiến nguyện vọng, bằng chứng căn cứ cơ sở để chứng tỏ người tiêu dùng bị thiệt hại. Từ đó, có bằng chứng để kiện, yêu cầu bồi thường. Và cái chung nhất trong mọi trường hợp là yêu cầu bên kia giải trình, xin lỗi, khắc phục.
Nói đúng ra thì vai trò của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng sinh ra là để kêu gọi, vận động người tiêu dùng có thái độ, tẩy chay sản phẩm này sản phẩm kia có lỗi thì mới có quyền lực. Nhưng Luật ở mình không quy định rõ.
Thực tế đã có làn sóng người tiêu dùng tẩy chay, theo Luật sư có nên hay không?
Nên làm. Người tiêu dùng có quyền mà. Đó là công cụ quan trọng người tiêu dùng cần có quyền thực hiện. Cơ quan chức năng hay doanh nghiệp không thể thu hồi hết sản phẩm thì người tiêu dùng có quyền tẩy chay biểu tình hoặc tẩy chay lẳng lặng.
Ở các nước, sẽ có tổ chức đứng ra để lên tiếng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như kêu gọi tẩy chay, biểu tình nhưng ở Việt Nam chỉ có thể biểu tình lẻ tẻ, có tổ chức là bị bắt ngay.
Từ thực tế vụ việc này, có ý kiến cho rằng nên thành lập một quỹ để dành riêng cho các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, và sẽ giúp việc bồi thường cho người tiêu dùng được tốt hơn, quan điểm của Luật sư về đề xuất này?
Tôi cho rằng đề xuất này hay, quỹ này là cần thiết. Tuy nhiên, bàn đến trong trường hợp nào thôi chứ không phải tất cả các trường hợp đều sử dụng quỹ này.
Quỹ có thể do các tổ chưc xã hội, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ nạn nhân chất độc da cam, đơn vị nhà nước đứng ra thành lập quỹ, có tư cách pháp nhân, giám sát tránh lừa đảo, lợi dụng.
Nếu được đề nghị tư vấn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng đã sử dụng chai C2, Rồng đỏ có kết luật nhiễm thì, Luật sư có nhận lời không?
Tôi sẵn sàng nhận lời tư vấn, giải thích pháp luật, trao đổi chia sẻ với cá nhân, người tiêu dùng. Khách hàng gọi điện đến phản ánh tôi có thể tư vấn hướng dẫn.
Xin cảm ơn luật sư!
K.L
Theo Trí Thức Trẻ
——————
CafeBiz (Kinh doanh) 02-6-2016:
(1.625/1.625)