1.119. Đòi ngân hàng chia cổ tức tiền mặt, Bộ Tài chính đã sai?

(IFN) – Với lượng cổ phiếu đang lưu hành, trong trường hợp BIDV và Vietinbank chi trả cổ tức tiền mặt tương ứng ở mức 8,5% và 8%, Bộ Tài chính sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV và 1.900 tỷ đồng từ Vietinbank.

Bộ Tài chính vừa gửi công văn chính thức tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan tới vấn đề chi trả cổ tức bằng tiền mặt của 2 ngân hàng BIDV và Vietinbank cho kết quả lợi nhuận năm 2015.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị NHNN với tư cách là người đại diện vốn ở 2 ngân hàng này tiến hành bỏ phiếu lại để quyết định chi trả cổ tức tiền mặt, thay vì cổ tức bằng cổ phiếu như Đại hội đồng cổ đông vừa qua đã quyết định. Theo lý lẽ của Bộ Tài chính, kiến nghị này phù hợp với một số Nghị quyết và Thông tư liên quan tới vấn đề quản lý ngân sách nhà nước, đặc biệt là việc thu hồi cổ tức tiền mặt từ các doanh nghiệp và ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.

Sửa làm sao khi “ván đã đóng thuyền”?

Dường như, Bộ Tài chính đã tính toán khoản thu cổ tức tiền mặt từ các ngân hàng này trong việc dự toán thu ngân sách năm 2016. Đây là khoản thu đáng kể trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang hạn hẹp.

Tuy đề xuất của Bộ Tài chính là vậy nhưng việc đề cao tỷ lệ an toàn vốn sẽ khiến các ngân hàng phải cân nhắc. Sau khi có công văn của Bộ Tài chính gửi NHNN, ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Vietinbank khẳng định, ngân hàng này đã đề nghị Bộ Tài chính cho giữ lại lợi nhuận và không chi trả cổ tức tiền mặt. Mặc dù, điều đó dường như ngược lại so với những nội dung trong công văn kiến nghị của Bộ Tài chính.

Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, Bộ Tài chính không có quyền gì để can thiệp vào quyết định chia cổ tức của ngân hàng thương mại cổ phần. Bộ chỉ có thể khuyến nghị người đại diện quản lý vốn cổ phần của Nhà nước tại ngân hàng. Tuy nhiên, việc có được chấp nhận hay không cần phải không được trái với quy định của pháp luật.

“Trong trường hợp này, đề nghị đã quá muộn, vì vấn đề đã được Đại hội đồng cổ đông quyết định theo đúng luật và Điều lệ. Vì vậy, việc thay đổi là trái với quy định của pháp luật,” Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng Nhà nước có thể làm theo cách khác nếu vẫn muốn nhận được tiền mặt. Chẳng hạn như có thể đề nghị tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để xem xét quyết định lại việc chia cổ tức, hoặc Nhà nước… thoái vốn để thu tiền về.

“Cả hai cách này đều dẫn đến việc Nhà nước sẽ không dùng cổ tức (càng không có nguồn khác) để tăng vốn điều lệ và sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng. Trường hợp cổ đông Nhà nước quyết định không tăng vốn điều lệ, thì sẽ giữ nguyên được tỷ lệ sở hữu, nhưng lại gây khó khăn lớn cho các ngân hàng trong việc tăng vốn, tăng trưởng quy mô, khả năng cạnh tranh và ảnh hưởng đến tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn trong hoạt động”, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Đòi ngân hàng chia cổ tức tiền mặt, Bộ Tài chính đã sai? - ảnh 1

BIDV đã quyết định sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức 8,5% mệnh giá từ lợi nhuận năm 2015.

Lợi bất cập hại

Với vai trò là đại diện phần vốn nhà nước, NHNN hiện đang nắm giữ 95,28% vốn điều lệ của BIDV và 64,46% vốn điều lệ của Vietinbank. Do đó ý kiến của NHNN có tính chất quyết định chủ đạo trong các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, đó là trong trường hợp “ván chưa đóng thuyền”. Hơn nữa, với thực trạng tỷ lệ an toàn vốn hiện đang rất thấp ở cả BIDV (9,01% đối với ngân hàng mẹ và 9,8% đối với hợp nhất) và Vietinbank (khoảng 10%), Đại hội đồng cổ đông mới diễn ra đã đồng ý với kiến nghị của Ban điều hành về phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng tỷ lệ an toàn vốn.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2016, BIDV đã quyết định sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức 8,5% mệnh giá từ lợi nhuận năm 2015 (trước đó, kế hoạch là 10% cổ tức tiền mặt). Trong khi đó, Đại hội đồng cổ đông của Vietinbank đã quyết định sẽ không chi trả cổ tức năm 2015 do đang vướng thủ tục M&A với PGBank. Vietinbank  cũng thường chi trả khoảng 10% cổ tức tiền mặt trong những năm gần đây.

Với lượng cổ phiếu đang lưu hành, trong trường hợp BIDV và Vietinbank chi trả cổ tức tiền mặt tương ứng ở mức 8,5% và 8%, Bộ Tài chính sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV và 1.900 tỷ đồng từ Vietinbank.

Trong trường hợp 2 cơ quan chức năng không thể đạt được thỏa thuận phù hợp, rất có thể vấn đề này sẽ được trình lên Chính phủ để xin ý kiến. Như vậy, việc này sẽ đẩy cả BIDV và Vietinbank vào tình huống khó xử khi cả hai đang cố gắng để tăng thêm vốn, việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là một quãng nghỉ phù hợp để 2 ngân hàng có thêm thời gian thu xếp vốn.

Trong khi đó, nếu buộc phải chi trả cổ tức bằng tiền mặt, cả BIDV và Vietinbank sẽ phải chi trả cho cổ đông nói chung chứ không phải chỉ riêng cổ đông nhà nước. Việc này sẽ được cổ đông chào đón trong ngắn hạn nhưng lại dẫn đến hậu quả trong trung và dài hạn như tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ bị chậm lại và kết quả kinh doanh nửa cuối năm khiêm tốn sẽ không tác động tích cực tới giá cổ phiếu của BIDV và Vietinbank trong vài tháng tới.

Nguyễn Tuân

——————

Infonet (Doanh nghiệp) 03-6-2016:

http://infonet.vn/doi-ngan-hang-chia-co-tuc-tien-mat-bo-tai-chinh-da-sai-post200215.info

(303/1.120)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,758