1.120. Băn khoăn gì ở Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ?

(TBKD) – Sau nhiều lần chỉnh sửa, tham vấn, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang gấp rút hoàn thiện trước khi trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm băn khoăn…

Một thống kê cho thấy hàng năm, DNNVV đã tạo thêm trên nửa triệu lao động mới, sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP. Rõ ràng, loại hình doanh nghiệp (DN) này đóng vai trò quan trọng, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo.

Có thống nhất, khả thi?

Chính vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là một trong những công cụ quan trọng để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy năng lực cho DNNVV Việt Nam, khắc phục những yếu kém nội tại vốn có.

Tuy nhiên, như ý kiến mới đây của luật sư Trần Văn Chương (Trung tâm hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp NVV Việt Nam), vẫn còn một số điểm băn khoăn. Đó là việc áp dụng Luật Hỗ trợ DNNVV và các luật liên quan.

Luật sư Chương đề nghị phải thống nhất được quan điểm là khi có sự khác nhau về Luật trong chính sách hỗ trợ DNNVV thì áp dụng Luật Hỗ trợ DNNVV. Đây là vấn đề rất quan trọng để tạo sự thống nhất và đảm bảo tính khả thi.

Thực tế, pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh khi triển khai xuống địa phương thì không có sự thống nhất giữa các luật chuyên ngành, ví dụ giữa các luật: Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Thanh tra, Luật phòng cháy chữa cháy, Luật cạnh tranh…có sự khác nhau, đan xen, chồng lấn, thậm chí xung đột nhau.

Vì vậy, giới chuyên gia lưu ý rằng khi DN đầu tư, kinh doanh có vấn đề liên quan đến nhiều luật, DN có văn bản hỏi một sở, ngành thì đúng, nhưng khi đối chiếu với luật, hướng dẫn khác thì lại có mâu thuẫn.

Nguồn lực về tài chính để hỗ trợ DNNVV vẫn chưa đủ mạnh, chưa có cơ chế huy động nguồn lực bên ngoài

Khi đó, các sở, ngành phải có văn bản hỏi xin ý kiến nhau, đây là một khoảng thời gian không phải là ngắn mà người dân, DN phải chờ đợi, có khi không giải quyết được. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho DN, đây cũng đang là một tồn tại thực tế, phổ biến trong quá trình thi hành luật mà DN, người dân gặp phải.

Do đó, trong dự thảo luật hỗ trợ DNNVV cần có một điều quy định để khi có sự khác nhau về các bộ Luật trong chính sách hỗ trợ cho DNNVV thì thống nhất áp dụng Luật Hỗ trợ DNNVV.

Cần hỗ trợ đúng

Cần phải nhắc lại, theo Sách hỗ trợ DNNVV do Cục phát triển DN (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) xuất bản, trong giai đoạn từ 2005 đến 2015 có khoảng 38 chương trình hỗ trợ DN. Kết quả đạt được thể hiện ở nhiều khía cạnh, tuy nhiên ở góc độ là đối tượng thụ hưởng các chương trình trong thời gian qua, vẫn có những hạn chế.

Như nhận định của luật sư Chương, có nhiều chương trình bị trùng lắp, chồng chéo về nội dung giữa các Bộ ngành, gây lãng phí nguồn lực. Việc triển khai chương trình vẫn theo kiểu “mạnh bộ ngành nào, bộ ngành đấy làm” mà chưa có sự gắn kết giữa các Bộ, ngành.

Theo đánh giá, sự phối kết hợp giữa Trung ương và địa phương trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ DN vẫn chưa phát huy hiệu quả. Các chương trình không phân biệt giữa hỗ trợ DNNVV với hỗ trợ DN lớn, thậm chí chưa có sự phân biệt giữa hộ kinh doanh và DN, trong khi đặc thù của Việt Nam vẫn chủ yếu là DNNVV.

Chưa kể, nguồn lực về tài chính để triển khai các chương trình hỗ trợ DN chưa đủ mạnh, chưa có cơ chế huy động nguồn lực bên ngoài, dẫn đến việc triển khai khó thực hiện trên thực tế, thiếu tính hiệu quả…

Ông Lê Xuân Hiền (Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hải Dương) nhận xét ở địa phương (và có thể là ở cả Trung ương), việc hỗ trợ DNNVV không được quy về một đầu mối, thiếu sự chỉ đạo, thống nhất chung và về thực chất thì “mạnh ai người ấy làm”.

Mặt khác, quy trình, thủ tục hỗ trợ luôn rất nhiều, thời gian dài, trong khi mức hỗ trợ không lớn… nên có thể làm nản lòng DN có nhu cầu hỗ trợ, thậm chí họ còn phải đối mặt với việc thanh tra, kiểm tra, soi xét sau này…

Các chính sách hỗ trợ chưa thật sự được minh bạch, một số DN biết nên được hưởng chính sách ưu đãi, còn một số DN không biết thì thôi, rồi giống như cơ chế xin cho, đi lại nhiều lần mà không được gì.

Như phản ánh của ông Hiền, nhiều DN cho rằng Nhà nước vẫn hỗ trợ những gì mà Nhà nước có chứ chưa thực sự hỗ trợ theo đúng nhu cầu mà DN cần, theo đúng quy luật của kinh tế thị trường. Vì vậy “hai bên” có thể chưa gặp nhau ở cùng một điểm, chính vì thế, hiệu quả hỗ trợ không cao.

Nói về nguồn vốn cho DNNVV hiện nay, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, cho biết trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV có ba dạng hỗ trợ chính: Thứ nhất là hỗ trợ giảm chi phí, trong đó có lãi suất. Thứ hai là hỗ trợ giảm nghĩa vụ nộp ngân sách, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp. Và thứ ba là hỗ trợ năng lực hoạt động của DN.

Luật sư Đức khuyến nghị, cần hạn chế tối đa, thậm chí cắt bỏ loại hỗ trợ thứ nhất và thứ hai, nhất là giảm lãi suất và giảm thuế thu nhập. Đồng thời, nên tập trung hỗ trợ những nội dung không trực tiếp về tiền bạc như “quy định trình tự, thủ tục về thuế, chế độ kế toán theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho DNNVV đã được nêu trong Dự thảo Luật. Và, điều quan trọng là cần giảm được chi phí tuân thủ pháp luật cho DNNVV.

Thế Vinh

————

Thời báo Kinh doanh (Lăng kính) 01-11-2016:

http://thoibaokinhdoanh.vn/Lang-kinh-8/Ban-khoan-gi-o-Luat-Ho-tro-doanh-nghiep-nho-27526.html

(176/1.165)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,022