1.121.   Đề xuất có đạo luật về xử lý nợ xấu

(TBTC) – Điều quan trọng nhất để xử lý nợ xấu hiện nay là tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, pháp lý, để giải quyết càng sớm càng tốt số nợ xấu hàng trăm nghìn tỷ đồng, tránh hậu quả lâu dài cho nền kinh tế. Đây là quan điểm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực ngân hàng.

Hành động xử lý nợ xấu đã rất tích cực, nhưng kết quả xử lý nợ xấu còn rất ít chuyển biến.

Nợ xấu thực chất là rất cao

Tại hội thảo mới đây về vấn đề xử lý nợ xấu, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đề cập như dùng nguồn lực ngân sách, tháo gỡ cơ chế, chứng khoán hoá nợ xấu, ban hành luật chuyên về xử lý nợ xấu…

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, tỷ lệ nợ xấu được công bố chính thức là thấp, nằm trong chuẩn “đẹp”. Tuy nhiên con số nợ xấu thực chất là rất cao do chưa được hạch toán đúng, đang được cơ cấu lại và đặc biệt là các khoản nợ đang bán kỹ thuật cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Đến nay, các ngân hàng đã nhận thức rất rõ ràng, xác định trách nhiệm rất cụ thể, hành động xử lý nợ xấu đã rất tích cực, nhưng kết quả xử lý nợ xấu còn rất ít chuyển biến. Việc giảm nợ xấu mới chủ yếu là do trích lập, sử dụng dự phòng và chuyển sang VAMC.

Việc xử lý nợ xấu vô cùng khó khăn như vậy, theo luật sư Trương Thanh Đức là do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng, gần như phải có sự “đồng thuận” của khách hàng cũng như nhiều cơ quan, ban ngành liên quan.

Để sớm khắc phục những vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức đề nghị cần có một đạo luật hay có sự sửa đổi nhiều quy định pháp luật để hỗ trợ cho các cơ quan sớm xử lý nợ xấu.

Cụ thể, đó là sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng theo hướng nới rộng quyền quản lý, khai thác, nắm giữ, sở hữu bất động sản để tránh vi phạm quy định không được phép kinh doanh bất động sản. Đồng thời sửa theo hướng quy định rõ không phải giữ bí mật thông tin của khách hàng khi phải xử lý nợ xấu; không phải giữ bí mật mà phải công khai thông tin về giao dịch thế chấp tại ngân hàng, để tránh xung đột với Bộ luật Dân sự về công khai giao dịch bảo đảm.

Tại Luật Đất đai năm 2013, cần sửa theo hướng cho phép doanh nghiệp trong nước và nước ngoài được phép nhận quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với đất ở, vì đã công nhận quyền sử dụng đất là tài sản, thì không nên hạn chế quyền.

Với Luật Doanh nghiệp, luật sư Trương Thanh Đức đề nghị sửa theo hướng cho phép doanh nghiệp giải thể không bắt buộc phải thanh toán đủ nợ nần, nếu như các chủ nợ đồng ý. Qua đó, gián tiếp thúc đẩy việc xử lý nợ xấu diễn ra nhanh chóng và dứt điểm. Ngoài ra, đề nghị bỏ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đối với “Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ” tại Luật Đầu tư, vì không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng…

Rất khó có “nghìn” nào để xử lý nợ xấu

Đồng quan điểm cần có đạo luật riêng cho xử lý nợ xấu, TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV cũng đề xuất giải pháp có thể thành lập một tổ liên ngành để các cơ quan liên quan cùng phối hợp, tập trung tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tạo cơ chế thuận lợi cho xử lý nợ xấu.

Cùng với đó, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh cần có bước đột phá về cơ chế phát triển thị trường mua bán nợ. Theo đó, phải có cơ chế để mua bán nợ theo giá thị trường. Cơ quan định giá mua bán nợ phải là cơ quan độc lập, khách quan. Thị trường phải có sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Giải pháp tối ưu có thể là cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua bán  nợ theo cách uỷ thác vào một bên thứ ba tại Việt Nam, tương tự cách làm của Hàn Quốc.

Bên cạnh vấn đề cơ chế, TS Cấn Văn Lực cũng đề xuất giải pháp “tạm ứng” cho VAMC một khoản tiền, có thể 5.000 hay 10.000 tỷ đồng để mua bán nợ, sau đó sẽ trả lại cho Nhà nước.

Nêu ý kiến về giải pháp này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh cho rằng việc bố trí nguồn lực để xử lý nợ xấu là không khả thi trong bối cảnh ngân sách khó khăn. “Sẽ rất khó có “nghìn” nào, kể cả có 5.000 hay 10.000 tỷ cũng không thể xử lý được số nợ xấu khoảng 250.000 tỷ đồng”, ông Dương Quốc Anh nói.

Bàn về việc dùng nguồn lực nhà nước xử lý nợ xấu, mới đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam Nguyễn Văn Thắng cũng cho rằng, cơ chế mới là vấn đề quan trọng nhất. Nếu có cơ chế thì chúng ta cũng không phải bỏ tiền ra để xử lý mà tự VAMC có thể xử lý bằng cơ chế. “Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp hiện nay, việc hỗ trợ nguồn lực là rất khó khăn. Nếu có thì cũng chỉ là khoản mồi để VAMC thực hiện nhiệm vụ. Tôi vẫn cho rằng, nếu được tháo gỡ về cơ chế thì bản thân VAMC với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể thực hiện được sứ mệnh của mình”, ông Nguyễn Văn Thắng nhận xét.

H.Y

————

Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 31-10-2016:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2016-10-31/de-xuat-co-dao-luat-ve-xu-ly-no-xau-37363.aspx

(494/1.091)

[1] Nhầm.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,754