1.122. Tài sản bảo đảm: Nút thắt trong xử lý nợ xấu

(ND) – Trong ba năm (2013 – 2015), Vietcombank đã xử lý được khoảng 28 nghìn tỷ đồng nợ xấu, bằng các biện pháp như phát mại tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro… 

 

“Trong xử lý nợ xấu của ngân hàng, câu chuyện xử lý tài sản bảo đảm là quá gian nan vì quy định của pháp luật còn nhiều vướng mắc và gần như phải có sự “đồng thuận” của khách hàng cũng như nhiều cơ quan, ban ngành liên quan. Cuối cùng, khi ngân hàng bất lực, phải nhờ Tòa án phán xử thì cũng rất khó khăn, tốn kém, phức tạp, chậm trễ không thể tưởng tượng nổi, mỗi vụ việc bình quân mất vài ba năm”, một luật sư đã phải thốt lên như vậy khi nhìn nhận quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng hiện nay.

Nợ xấu chậm “giải tỏa”

Theo TS Cấn Văn Lực, xử lý nợ xấu từ năm 2013 đến hết tháng 9-2016 đã thu được một số kết quả nhất định. Dẫn chứng từ báo cáo của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho thấy, trong thời gian này, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) đã mua về 262 nghìn tỷ đồng nợ xấu (giá mua bằng 87% giá sổ sách; đã thu hồi được khoảng 35 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 14% số nợ mua về), tương đương khoảng 42,8% tổng nợ xấu. Các TCTD tự xử lý hơn 313 nghìn tỷ đồng (tương đương 57,2% tổng nợ xấu) bằng cách dùng dự phòng rủi ro, bán tài sản bảo đảm (TSBĐ), thu nợ và cơ cấu lại nợ theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN về phân loại nợ. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả trên, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, hoạt động xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ. Theo số liệu từ NHNN, tỷ lệ nợ xấu đến hết tháng 9-2016 là 2,62%. “Nhưng tỷ lệ nêu trên chưa tính đến nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được thu hồi, nợ cơ cấu lại theo Quyết định 780. Do vậy, tính sơ bộ thì tỷ lệ nợ xấu tính đến hết tháng 9-2016 phải bằng tổng nợ xấu được báo cáo cộng với nợ xấu bán cho VAMC chưa thu hồi, tức là bằng 7% tổng dư nợ” – TS Lực nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhìn nhận: Tỷ lệ nợ xấu được công bố chính thức là thấp, nằm trong chuẩn “đẹp”. Tuy nhiên, con số nợ xấu bao gồm nợ nằm ở ngân hàng, VAMC và nợ cơ cấu theo Quyết định 780 ở mức độ cao hơn số công bố hiện nay. “Đến nay, các ngân hàng đã nhận thức rõ ràng, xác định trách nhiệm cụ thể, hành động xử lý nợ xấu đã rất tích cực, nhưng kết quả xử lý nợ xấu còn ít chuyển biến. Việc giảm nợ xấu mới chủ yếu là do trích lập, sử dụng dự phòng và chuyển sang VAMC. Vấn đề mấu chốt, thực tế là thu hồi nợ, trong đó có việc bán nợ theo giá thị trường và phát mại TSBĐ, thu được “tiền tươi, thóc thật” thì còn rất hạn chế” – Luật sư Trương Thanh Đức cho biết thêm.

TS Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, hầu hết khoản nợ xấu đã mua đều có TSBĐ là bất động sản (BĐS) hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp… Việc bán TSBĐ bao gồm phát mại TSBĐ, thi hành án để thu hồi nợ chỉ đạt 10.990 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,9%. “Như vậy có thể thấy việc bán tài sản kể cả cưỡng chế thi hành án để thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn nếu khách hàng không đồng thuận và không tự nguyện bàn giao TSBĐ” – Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ. Ngoài ra, trong quá trình xử lý TSBĐ cũng còn nhiều nút thắt như: chưa có quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ đối với các cấp, các ngành trong việc thu giữ tài sản cho nên có trường hợp tại thời điểm thu giữ, chủ tài sản chống đối thì cơ quan Công an không thể ép buộc đối tượng chống đối bàn giao tài sản cho VAMC. Hay như theo quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP thì bên giữ TSBĐ phải giao tài sản cho người xử lý tài sản. Tuy nhiên, khi thực hiện VAMC cũng như các TCTD không thể chủ động thu giữ được nếu chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan TSBĐ để khởi kiện ra tòa, làm kéo dài thời gian xử lý TSBĐ. Bởi theo quy định tại Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp người đang giữ tài sản không giao TSBĐ thì bên nhận bảo đảm chỉ có quyền khởi kiện tại Tòa án,…

Cần một cơ chế, chính sách đột phá

Với những rào cản khiến việc xử lý nợ xấu diễn ra chậm chạp như nêu trên, nhiều chuyên gia kinh tế cùng quan điểm như TS Cấn Văn Lực khi cho rằng, đã đến lúc cần phải có giải pháp đột phá, quyết liệt, đồng bộ để xử lý dứt điểm hơn về nợ xấu. Đó là các giải pháp về pháp lý, xử lý TSBĐ, quyền hạn và năng lực của VAMC, thị trường mua bán nợ, nguồn lực xử lý, phương thức xử lý, cơ chế xử lý trách nhiệm lỗ-lãi và hoạt động theo nguyên tắc thị trường, minh bạch và đồng bộ,…

Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu VAMC đã mua còn hạn chế do VAMC không đủ nguồn lực và các cơ chế, chính sách, quy định pháp lý mang tính đặc thù để xử lý nhanh nợ xấu, TSBĐ của các khoản nợ xấu. Hệ thống văn bản pháp lý hành lang cho hoạt động của VAMC mới dừng ở mức văn bản dưới luật và nhiều bộ, ngành ban hành văn bản điều chỉnh hoạt động của VAMC. Vì vậy, một trong những giải pháp mà cơ quan này đề xuất là cần xây dựng khuôn khổ pháp lý điều tiết toàn bộ các hoạt động liên quan việc xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng, thông suốt; đặc biệt chú ý đến việc hoàn tất thủ tục pháp lý cho TSBĐ, thu hồi nợ, thu giữ tài sản, phát mại tài sản, định giá tài sản; phát triển khung pháp lý cho thị trường mua – bán và xử lý tài sản xấu. Cần tháo gỡ những nút thắt liên quan cơ chế chính sách, xây dựng và thông qua một đạo luật xử lý nợ xấu hoặc có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử lý nợ xấu, luật này có giá trị trong thời hạn xử lý nợ xấu tối đa từ 3 đến 5 năm. Trường hợp chưa thể ban hành bộ luật xử lý nợ xấu thì cần thiết thành lập tổ liên ngành bao gồm Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, chính quyền địa phương tham gia cùng VAMC tổ chức thực hiện việc xử lý nợ xấu thông qua việc thu giữ TSBĐ, bán nợ. Muốn vậy, cần quy định thật cụ thể chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ liên ngành trong quá trình xử lý nợ xấu.

Để xử lý nợ xấu hiện nay, chỉ ngân hàng là không đủ, mà rất cần sự chung tay, phối hợp giữa các bộ, ngành. Những rào cản về pháp luật liên quan nhà đầu tư ngoại như vấn đề về quyền định đoạt tài sản bằng bất động sản ở Việt Nam, tỷ lệ tham gia sở hữu vốn,… cần phải có những thay đổi thật sự. Nếu khung pháp lý chưa đầy đủ, rối rắm thì một điều chắc chắn là họ (và cả nhà đầu tư nội) vẫn sẽ đứng ngoài cuộc. Do đó, dù có cố gắng tìm đối tác, hay chủ động lên phương án, thì VAMC cũng khó có thể xử lý được nợ xấu.

TS Võ Trí Thành

Chuyên gia kinh tế

 

Bài và ảnh: HỒNG ANH

————

Nhân Dân (Kinh tế) 31-10-2016:

http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31121502-nut-that-trong-xu-ly-no-xau.html

(164/1.469)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,754