(KTSG) – Chưa đến lúc tính đến chuyện phá sản ngân hàng dù chỉ là thí điểm và về lâu về dài định hướng này phải gắn liền với việc đảm bảo tiền gởi của người dân, các chuyên gia kinh tế nhận định.
Theo các chuyên gia, để xử lý nợ xấu, cần sửa đổi rất nhiều điều luật. Ảnh TL
Phá sản: ý tưởng dài hạn
Nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành khẳng định, thời điểm hiện tại là chưa “chín muồi” để cho phá sản một số ngân hàng, thậm chí trên cơ sở thí điểm.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Thành nói: “Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc này”.
Ông Thành phân tích, Luật Phá sản của Việt Nam bị điểm rất thấp trong các báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vì quy trình xử lý tốn rất nhiều thời gian. “Xếp hạng đó mới chỉ là cho doanh nghiệp bình thường, chứ chưa nói tới tổ chức tín dụng vốn phức tạp và nhạy cảm hơn nhiều”, ông Thành nói.
“Ngân hàng thương mại, kể cả những ngân hàng tốt đều dựa chủ yếu vào tiền gửi. Vì thế, củng cố lòng tin, hành vi của người gửi tiền, của công chúng nói chung trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng để giữ an toàn hệ thống”, ông bổ sung.
Ý tưởng cho thí điểm phá sản các ngân hàng yếu kém cũng khẳng định chỉ cho phá sản theo nguyên tắc bảo đảm được quyền lợi của người gửi tiền và sự ổn định của hệ thống tài chính, đề án yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sáp nhập, hợp nhất, mua lại, phá sản, giải thể,… đối với tổ chức lại hệ thống tín dụng.
Nhận xét về những ý trên, ông Thành nói: “Để làm được điều đó, chúng ta cần chuẩn bị rất nhiều bước đi như minh bạch hóa thông tin, tăng cường truyền thông, chuẩn bị quy trình pháp lý… nếu không muốn tâm lý e ngại lây lan”.
Tuy nhiên, ông cho rằng đó là “một núi công việc” và cần nhiều thời gian.
Ý tưởng cho phá sản ngân hàng mới chỉ nằm trong bản dự thảo của đề án Tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phù, và dự kiến được Quốc hội thông qua trong kỳ họp đang diễn ra.
Theo thông tin của TBKTSG Online, đến nay các cơ quan chức năng chưa xây dựng bất kỳ một nghiên cứu đánh giá tác động, hay phương án cụ thể nào để hiện thực hóa ý tưởng đó.
“Theo tôi, muốn cho phá sản thì phải giữ nguyên tắc bảo vệ 100% người gửi tiền”, ông Thành nói.
Xử lý nợ xấu cần tiếp cận cách khác
Theo Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước, một nguồn lực tương đương 12,5% GDP đã được dùng để giữ ổn định hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu trong giai đoạn 5 năm qua. Mặc dù vậy, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng vẫn còn cao.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, vướng mắc pháp lý để xử lý nợ xấu chủ yếu nằm ở các luật, chứ không như ở các thông tư, quyết định như giai đoạn 15 năm trước đây.
“Hiện nay, vướng mắc của việc xử lý nợ xấu chủ yếu nằm trong các đạo luật, nên muốn tháo gỡ thì phải sửa luật, ban hành một đạo luật để xử lý nợ xấu”, ông Đức khẳng định.
Chẳng hạn như khi Luật Đất đai năm 2003 quy định được bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất thì Bộ luật Dân sự năm 2005 không cho phép, đến khi Luật Đất đai năm 2013 bỏ quy định được bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, thì Bộ luật Dân sự năm 2015 lại cho phép.
Bên cạnh đó, ông Đức phân tích, đất cấp cho hộ gia đình thì nhầm lẫn tới 90% về chủ thể từ cá nhân sang hộ gia đình và không thể xác định được ai là thành viên hộ gia đình. Nhà ở và công trình xây dựng trên đất ở nông thôn thì không được ghi nhận trên “sổ đỏ”. Luật thì quy định về ủy quyền, thế chấp, bảo lãnh… nhầm lẫn, mù mờ, vô lý đã dẫn đến việc tòa án tuyên rất nhiều hợp đồng thế chấp vô hiệu, làm cho ngân hàng bỗng dưng mất trắng cả tiền gốc lẫn lãi.
Ông Đức nói: “Rốt cuộc là hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu tràn lan làm cho ngân hàng không dám mạnh tay xử lý nợ và tài sản thế chấp”.
Theo ông Đức, quy định về mua bán nợ cũng đang rất bất cập. Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ về “Điều kiện kinh doanh mua bán nợ” thì đặt ra điều kiện quá cao, như phải có các mức vốn pháp định 5 tỉ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ; 100 tỉ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ và 500 tỉ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ.
Quy định này làm các cơ quan đăng ký kinh doanh “hầu như không cấp” giấy chứng nhận đăng ký thành lập công ty mua bán nợ.
Ông Đức cho rằng, cần sửa ít nhất 10 luật liên quan để giúp quá trình xử lý nợ xấu thuận lợi và hiệu quả hơn.
Sau khi khẳng định lại trách nhiệm của ngân hàng để xảy ra nợ xấu, ông Đức nói: “Nguyên nhân của nợ xấu chính là con nợ không trả được, không chịu trả và chả làm gì được con nợ. Hậu quả là gây tai họa cho ngân hàng, gây tai họa cho doanh nghiệp và gây tai họa cho cả nền kinh tế”.
Tư Giang
————
Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Ngân hàng) 01-11-2016:
http://www.thesaigontimes.vn/153306/Chuyen-gia-Chua-den-luc-pha-san-ngan-hang.html
(491/1.058)