(ĐTCK) – Ngay trước thời điểm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chính thức đưa ra trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía doanh nghiệp, các luật sư, chuyên gia, đặc biệt là về vấn đề hỗ trợ tài chính, thuế; cách thức, cơ chế hỗ trợ DN.
Nên tập trung vào các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh, từ đó sẽ giúp DNNVV tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp
Đồng tình với nhiều nội dung chỉnh sửa, bổ sung sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên bản lần này, tuy nhiên, các chuyên gia luật khuyến nghị cần xem xét một số nội dung về giải pháp, cách thức hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tài chính để việc thực thi mang lại hiệu quả cao nhất, phù hợp và đáp ứng đúng nhu cầu của DN.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, trong 3 dạng hỗ trợ DNNVV chủ yếu bao gồm: giảm chi phí và lãi suất, giảm nghĩa vụ nộp ngân sách, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp và hỗ trợ năng lực hoạt động của doanh nghiệp, nên giảm bớt, hạn chế tối đa các hỗ trợ mang tính trực tiếp về tiền bạc, tài chính như giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập. Thay vào đó, nên tập trung vào các hỗ trợ mang tính tạo thuận lợi tối đa cho DN và giúp họ có điều kiện, năng lực để “lớn lên”.
Theo ông Đức, hỗ trợ lãi suất trực tiếp từ ngân sách hay yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất là cơ chế mang tính hành chính bao cấp, làm méo mó cung cầu và quan hệ tín dụng, dễ nảy sinh tiêu cực, ỷ lại, cào bằng, tạo cơ chế xin cho, không có tác dụng hỗ trợ DN về chiều sâu và lâu dài. Do đó, nên tập trung vào các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh, từ đó sẽ giúp DN tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp.
“Khi DN có sức mạnh, năng lực cạnh tranh tốt, ngân hàng sẽ tự nguyện, tích cực tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp các sản phẩm tốt nhất và cho vay ưu đãi lãi suất phù hợp với nhiều DNNVV. Đồng thời, ngân sách sẽ có thể tăng nguồn thu, thay vì phải chi hỗ trợ lãi suất cho DN”, ông Đức nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia luật này cũng đề xuất cần tập trung vào hỗ trợ những nội dung quy định trình tự, thủ tục về thuế, chế độ kế toán theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho DN. Theo đó, hỗ trợ các vấn đề mà DNNVV gặp nhiều hạn chế, vướng mắc như soạn thảo các mẫu điều lệ, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể, vận hành phần mềm kế toán, công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý lao động, tiền lương… Việc này sẽ giúp các DN giảm được chi phí, trong đó có chi phí tuân thủ pháp luật, tăng tính hiệu quả trong sản xuất – kinh doanh, tạo thu nhập cao hơn cho DN.
Cùng chia sẻ quan điểm về cách thức hỗ trợ bền vững cho DNNVV, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho rằng, Luật Hỗ trợ DNNVV nên tập trung các giải pháp hỗ trợ mang tính hỗ trợ đầu vào, như mặt bằng, đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ đăng ký chuyển quyền về tài sản từ hộ kinh doanh thành tài sản của doanh nghiệp, hơn là hỗ trợ đầu ra như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hay hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.
“Đầu vào có tốt, thông thoáng, hiệu quả thì mới có đầu ra tốt. Hơn nữa, giải pháp hỗ trợ theo hướng này sẽ mang tính khả thi, phù hợp với các cam kết hội nhập và không tiêu tốn quá nhiều nguồn lực trong điều kiện còn hạn chế hiện nay”, ông Hiền nhận xét và cho biết thêm, quan điểm như vậy vừa đảm bảo việc hỗ trợ mang tính bền vững lâu dài, vừa mang tính đồng bộ, từ đó đem tới hiệu quả thay đổi nhờ chính sách hỗ trợ.
Quan trọng hơn, việc hỗ trợ các giải pháp mang tính đầu vào nói trên nếu thực hiện được sẽ giúp tháo gỡ hàng loạt vướng mắc lớn mà DNNVV đang phải đối mặt hiện nay, do đây là vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều luật khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Bộ luật Dân sự, Luật Thuế…
Một vấn đề cũng được các doanh nghiệp rất quan tâm đó là những khó khăn, vướng mắc trong việc nhận hỗ trợ tín dụng từ các quỹ. Theo đại diện một doanh nghiệp, cái khó của DNNVV, công ty khởi nghiệp hiện nay là không tiếp cận được vốn ngân hàng do thiếu nhiều điều kiện. Cũng bởi vậy, các đối tượng này mới cần đến sự hỗ trợ và bảo lãnh của các quỹ bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên, thực tế, quy định về điều kiện bảo lãnh tín dụng thậm chí còn cao hơn và chặt chẽ hơn nhiều so với quy định của ngân hàng, nhất là yêu cầu về tài sản thế chấp, vốn chủ sở hữu, yêu cầu không có nợ đọng, nợ xấu…
“Nếu DN có thể đáp ứng các điều kiện của quỹ bảo lãnh tín dụng, họ đã tới thẳng ngân hàng để vay vốn, không cần phải thông qua bảo lãnh để chịu thêm một khoản phí”, đại diện DN kể trên cho biết. Do đó, các DN đề xuất Dự thảo Luật nên xem xét sửa đổi các quy định về bảo lãnh tính dụng, cũng như Quyết định 58/2013/QĐ-TTg ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV để giúp giải quyết các khó khăn, vướng mắc này.
Hiếu Minh
————
Đầu tư Chứng khoán (Thời sự) 02-11-2016:
(401/1.106)