1.125. Thống nhất giữa xây dựng với thực thi pháp luật

(ĐBND) – Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, việc thiếu đồng bộ giữa tư duy lập pháp và thực thi pháp luật là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự.

Làm thui chột ý tưởng, quyết tâm kinh doanh

– Thưa ông, việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự có tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh?

 Các cơ quan chức năng cần nhận thức sâu sắc hơn chủ trương khuyến khích tự do kinh doanh, kinh tế thị trường, đầu tư mạo hiểm… mới có thể hạn chế hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. Cần tư duy mạch lạc, tội kinh tế sẽ xử phạt bằng kinh tế, án dân sự giải quyết bằng cơ chế dân sự, không thể giữ cách làm tăng cường hình sự hóa như hiện nay. Tôi cũng cho rằng, dư luận xã hội không nên phản đối việc xử phạt kinh tế với một số hành vi có yếu tố hình sự, vì ở các nước phát triển ngay cả tội trị an, hình sự cũng được xử phạt kinh tế.

Luật sư Trương Thanh Đức

– Trước hết, việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự sẽ tác động xấu đến tâm lý sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Bởi khi quan hệ kinh tế bị hình sự hóa sẽ khiến doanh nhân mất vốn kinh doanh, sự nghiệp, và dễ lâm vào vòng lao lý. Thứ hai, thực tế có nhiều trường hợp, nếu không bị hình sự hóa, thì chủ doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm trả nợ, thực hiện hợp đồng, vì chỉ khó khăn tạm thời, thậm chí vẫn còn tài sản bảo đảm. Trong trường hợp này, nếu không hình sự hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tiếp tục duy trì, có thể trả nợ, bảo đảm việc làm cho người lao động. Nhưng đôi khi vì vội vàng, cơ quan điều tra vào cuộc quá sớm, thậm chí không loại trừ trường hợp “thuê đòi nợ”, đã đẩy doanh nghiệp vào tình trạng phải phá sản, không thể khôi phục sản xuất, kinh doanh. Thứ ba, việc này cho thấy xã hội còn nặng nề với chuyện thất bại trong kinh doanh, nên dù đã QH đã ban hành luật về phá sản, thì đến nay tỷ lệ doanh nghiệp hoàn thành thủ tục phá sản vẫn chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng số các đơn vị phải ngừng hoạt động, giải thể. Thứ tư, trên thực tế, có những trường hợp thực sự đủ yếu tố cấu thành tội hình sự lại không được xử lý, trong khi lại xử lý những trường hợp gặp khó khăn và rủi ro thực sự. Điều này tạo tâm lý lo ngại cho người dân và doanh nghiệp.

– Từ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cụ thể, thì tình trạng này sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế, thưa ông?

– Việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự sẽ làm thui chột ý tưởng, quyết tâm kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến trong ngành ngân hàng, nhiều quan hệ kinh tế, dân sự bị hình sự hóa. Quyết định kinh doanh là có được – mất, nhưng cứ trường hợp nào thua lỗ, thất thoát, thì gần như cán bộ ngân hàng bị kết án, chịu cảnh tù tội. Thậm chí, người chủ đích lừa đảo chưa bị xử lý, thì cán bộ ngân hàng đã bị xử lý trước. Điều này cũng làm nảy sinh tư tưởng làm để đối phó, không khuyến khích kinh doanh bài bản, và như vậy xã hội sẽ chịu hậu quả. Tư tưởng đối phó cũng là cách làm rất nguy hiểm đối với nền kinh tế, cũng như môi trường kinh doanh.

Cần sớm công nhận án lệ

– Theo ông, nguyên nhân nào khiến chủ trương không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự đã được luật hóa từ lâu nhưng thực tế vẫn xảy ra?

– Hiến pháp 2013 đã khẳng định công dân có quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực pháp luật không cấm. Bộ luật Hình sự hiện hành đã bỏ tội kinh doanh trái phép, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhưng thẳng thắn mà nói, về nguyên tắc, khi tư duy mới được đưa vào Hiến pháp, cụ thể hóa trong luật, thì phải bỏ ngay loại tội vô thưởng vô phạt như kinh doanh trái phép, song phải đợi 2 năm sau thì tội này mới được chính thức loại bỏ trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Ngay cả khi Bộ luật Hình sự sắp có hiệu lực thi hành, thì cơ quan điều tra ở nhiều địa phương vẫn tiến hành truy tố liên quan đến tội này, không chỉ với trường hợp của quán cà phê Xin Chào, mà còn xảy ra với kinh doanh vàng, tài khoản, tiền ảo… Nói cách khác, sự thiếu đồng bộ giữa tư duy lập pháp và tư duy thực thi pháp luật là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự vẫn tồn tại.

– Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự cần những thay đổi nào, thưa ông?

– Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này cần sự vào cuộc tích cực của cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cơ quan lập pháp cần tiếp tục xem xét sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, không loại trừ cả các bộ luật, luật chưa có hiệu lực thi hành, góp phần chặn đứng tình trạng lạm dụng quy định pháp luật để hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. Với cơ quan hành pháp, cần chấn chỉnh về nhận thức pháp luật, không thể duy trì tình trạng Hiến pháp, pháp luật đã quy định rõ quyền tự do kinh doanh, hạn chế điều kiện kinh doanh, mà các bộ, ngành vẫn chậm thực hiện, khiến người dân lo ngại không biết như thế nào là vi phạm, không vi phạm. Cơ quan truy tố, xét xử cần cập nhật nhanh quan điểm, tư tưởng mới của Hiến pháp, và pháp luật, không nên tiếp tục cách làm cũ là “xử tội”, “ép tội”, đi ngược nguyên tắc “suy đoán vô tội” đã được hiến định. Đặc biệt, cần sớm thừa nhận án lệ, để có cách hiểu chính xác về quy định pháp luật, từ đó triển khai áp dụng pháp luật thống nhất hơn. Điều này cũng sẽ giúp người dân có cơ sở để khẳng định những vụ việc nào không đáng tội, từ đó tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật trong quá trình tố tụng.

– Xin cảm ơn ông!

Phương Thủy thực hiện

——————

Đại biểu Nhân dân (Diễn đàn) 05-6-2016:

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=373180

(1.236/1.236)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,758