1.126. Vietnam Airlines định lập hãng hàng không mới: “Cạnh tranh với chính mình, nghe rất vô lý”

(NSDN) – “Vietnam Airlines đang chi phối thị trường, việc thành lập hãng hàng không mới trên cơ sở cổ phần hoá VASCO cho thấy, việc tay phải chưa làm xong lại làm tay trái, loanh quanh cạnh tranh với chính mình”, Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.
Vietnam Airlines định lập hãng hàng không mới: “Cạnh tranh với chính mình, nghe rất vô lý”

Triệt tiêu cạnh tranh thay vì cạnh tranh

Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thành lập CTCP hàng không VASCO trong đó, điểm đáng chú ý là Công ty Bay dịch vụ Hàng không (VASCO) – đơn vị trực thuộc của Vietnam Airlines sẽ được chuyển đổi thành một hãng hàng không cổ phần với tên gọi SkyViet.

BizLIVE đã có những phân tích liên quan đến tính pháp lý của đề xuất nêu trên cho thấy, sau chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn 1567/TTg-CN ngày 18/10/2007 được Bộ Giao thông vận tải viện dẫn còn hàng loạt văn bản pháp lý trong đó bao gồm Nghị định 183/2013 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty hàng không Việt Nam Vietnam Airlines mà Vietnam Airlines đã “bỏ quên”.

VASCO, một đơn vị phụ thuộc, hạch toán phụ thuộc nằm trong cơ cấu của Vietnam Airlines doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, sở hữu nhiều vốn, tài sản của nhà nước đột nhiên được định giá không công khai kế hoạch, không tổ chức đấu thầu, không đưa ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Và Techcombank lại được tham gia góp vốn để thành lập một hãng hàng không mới với vốn góp 49% vốn điều lệ.

Trao đổi với BizLIVE, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, kinh doanh hàng không là một ngành nghề đặc biệt, bài học thất bại, thua lỗ vẫn còn “nóng hổi” do đó việc thành lập hãng bay mới trên cơ sở cổ phần hoá một doanh nghiệp trực thuộc Vietnam Airlines cần được cân nhắc kỹ hơn.

Ông Đức cũng nhấn mạnh, quan trọng là Vietnam Airlines hiện đang chi phối thị trường, mục tiêu thành lập hãng hàng không mới lại là “triệt tiêu cạnh tranh”.

“Không như những lĩnh vực ngành nghề như khách sạn, nhà hàng… tạo ra nhiều doanh nghiệp tăng cường cạnh tranh, ngành nghề này vô cùng đặc thù, thị trường, đường bay, con người, nhân sự chỉ có bây nhiêu. Vietnam Airlines đang chi phối, việc tay phải làm chưa xong lại làm tay trái. Loanh quanh như vậy, cạnh tranh với chính mình, nghe rất vô lý”, ông Đức nói.

Theo luật sư Đức, nếu có Vietnam Airlines chỉ nên đóng 5-10%, không tham gia đến hoạt động quản lý doanh nghiệp này. “Sẽ là phản cạnh tranh, chưa nói đến các liên doanh khác cũng như các doanh nghiệp khác sống dở chết dở”, ông nói.

Luật sư Đức cũng nhấn mạnh từ câu chuyện định giá doanh nghiệp, cách thức triển khai, cơ sở pháp lý đều đã “sai từ gốc”.

Có SkyViet, ai lo lắng?

Câu hỏi đặt ra, nếu SkyViet tham gia thị trường liệu có làm thay đổi cục diện thị trường hàng không Việt Nam?

Theo Vietnam Airlines, công ty cổ phần này sẽ tiếp tục duy trì khai thác bằng tàu ATR72 đi, đến sân bay tại các địa phương chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực thân hẹp như Côn Đảo, Cà Mau, Điện Biên, Kiên Giang đảm bảo nhu cầu đi lại, giao thương của người dân; phát huy được nguồn lực và kinh nghiệm sẵn có của VASCO.

Về hiệu quả kinh tế, Vietnam Airlines cho biết, trên cơ sở dự báo thị trường, các nguyên tắc rà soát mạng đường bay và các kịch bản cạnh tranh, Vietnam Airlines và nhà đầu tư đã tính toán phương án kinh doanh, công ty hoạt động có hiệu quả, cân đối và có lãi ngay từ đầu năm, lợi nhuận sẽ tăng dần cho các năm tiếp theo.

Theo phương án kinh doanh, từ 2016 đến 2018 lợi nhuận của doanh nghiệp chủ yếu đến từ việc quảng cáo, bán quà lưu niệm, thuê chuyến ATR7 thay vì hiệu quả bay vận tải thường lệ, hệ số sử dụng ghế đặt ra dao động từ 78-79%. Sau 3 năm, dự kiến doanh nghiệp này sẽ thu về 1,949 tỷ đồng.

Trước mắt, SkyViet khó cạnh tranh với Vietjet Air bởi chủ yếu khai thác các điểm đến lẻ, ít người đi và dùng phi cơ nhỏ. Tuy nhiên, không ngoại trừ khả năng SkyViet mở rộng điểm khai thác, cạnh tranh trực tiếp với Vietjet Air.

Trước đó, Vietnam Airlines chính thức trở thành cổ đông Nhà nước tại Jetstar Pacific từ đầu năm 2012 với 70% cổ phần.

Hiện Vietnam Airlines và Jetstar Airlines là hai hãng hàng không “chung một nhà” đã từng trải qua hai lần nhập và một lần tách mặc dù có chủ trương chia tách Jetstar khỏi Vietnam Airlines theo công bố của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải tuy nhiên đây lại là kế hoạch dài hạn.

Việc kết hợp giữa hai loại hình hàng không trong cùng một tổ hợp sẽ giúp các hãng cạnh tranh được với các đối thủ ở tất cả các phân khúc từ thu nhập cao, trung bình đến thấp.

NGUYỄN THẢO

——————

Nhịp sống doanh nghiệp (Kinh doanh) 06-6-2016:

https://nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn/vietnam-airlines-dinh-lap-hang-hang-khong-moi-canh-tranh-voi-chinh-minh-nghe-rat-vo-ly-post1614077.html

(239/933)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,978